“Bản quyền” hay “nản quyền”

Thứ hai - 23/08/2010 17:18 1.693 0

“Bản quyền” hay “nản quyền”

Bản quyền văn học là chuyện nghiêm túc của giới sáng tác và được bảo hộ bằng luật pháp. Nhưng xem ra việc đòi quyền lợi “bản quyền” tác phẩm văn học hay theo đuổi kiện tụng trong lĩnh vực này đang bị ngự trị bởi tâm lý “nản quyền”.

Năm 2008, Google đưa ra Thoả thuận thu xếp để giải quyết vụ kiện của các nhà xuất bản và các tổ chức quyền tác giả đối với sách sử dụng trên Google, giới văn chương Việt Nam từ thờ ơ đến bất ngờ và xôn xao trước thông tin về “Thoả thuận thu xếp của Google” số hoá sách của các tác giả Việt Nam. Phía Google đã chủ động sắp xếp mốc thời gian diễn ra thoả thuận thu xếp vào ngày 07/10/2009. Thế nhưng mọi sự chờ đợi hướng về “Nội dung thoả thuận mà Việt Nam đạt được” trong phiên toà diễn ra vẫn… chưa có gì. Theo thông tin từ trang Web googlebooksettlement tại địa chỉ (http://www.googlebooksettlement.com) thì “Vào Ngày 24/9/2009, Toà án Hoa Kỳ đã có Lệnh cho biết Phiên Xét xử Công bằng cuối cùng sẽ không diễn ra vào Ngày 07/10/2009 và phiên này được dự kiến sẽ diễn ra vào một ngày khác do các bên muốn sửa đổi Thoả thuận Thu xếp.”

Thông tin từ Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) cho biết Việt Nam thuộc nhóm Thoả thuận thu xếp ban đầu (Nhóm 1), còn một số nước khác như Canada, Tây Ban Nha, Anh… là nhóm tham gia Thoả thuận thu xếp sửa đổi (Nhóm 2), bởi họ không chấp nhận quyền lợi từ phía Google đưa ra ban đầu. Và “Tòa án Hoa Kỳ cũng đã ấn định ngày 9/11/2009 làm ngày đệ trình văn bản Thỏa thuận thu xếp sửa đổi. Đây cũng là hạn định đệ trình một bản kiến nghị phê chuẩn tạm thời cho văn bản Thỏa thuận thu xếp sửa đổi nói trên.”. Như vậy, mới chỉ có phiên toà của Nhóm thứ 2 diễn ra nhưng chưa có kết quả cuối cùng.

Các bên tham gia vụ việc đã đồng ý gia hạn điền mẫu Khiếu nại để có thể nhận tiền bồi thường đến ngày 05/6/2010 (thời hạn cũ là 05/01/2010). Hiện nay Google đang “khuyến khích các chủ bản quyền thực hiện Quy trình rút gọn cho việc đòi quyền lợi sách và phụ trương” bằng cách liệt kê Tác giả, Tác phẩm, Nhà xuất bản, Ngày xuất bản, ISBN (Mã sách chuẩn quốc tế).

Google thông báo thêm: “Nếu quý vị chọn quy trình rút gọn này, xin hãy kiên nhẫn, bởi Bên Quản lý Thỏa thuận dàn xếp thường sẽ mất khoảng vài tháng để liên hệ với quý vị, và quý vị có thể không được liên hệ cho đến khi Thỏa Thuận Dàn Xếp được Tòa phê duyệt và không còn có thêm kháng cáo nào nữa. Tuy nhiên, không có lý do gì để lo lắng. Đầu tiên, Google sẽ không hiển thị tác phẩm của quý vị theo Thỏa Thuận Dàn Xếp trừ khi và cho đến khi nào Thỏa Thuận Dàn Xếp được phê duyệt sau cùng. Việc này sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể. Quý vị sẽ được thông báo khi nào việc này xảy ra, và được lưu ý rằng quý vị có thể chỉ thị rằng tác phẩm của quý vị không được hiển thị bởi Google, nếu như quý vị vẫn chưa yêu cầu như vậy.”

Bà Đoàn Thị Lam Luyến - giám đốc VLCC cho biết, chúng ta nên đợi kết quả cuối cùng của Nhóm 2, xem họ đòi được quyền lợi gì làm căn cứ. Tuy nhiên cá nhân bà cũng chia sẻ, trong số sách của Việt Nam “bị” Google sử dụng số hoá thì các tác phẩm văn học - tác phẩm hư cấu chiếm không nhiều, đa phần là sách phi hư cấu. Hơn nữa, để theo đuổi vụ kiện chúng ta sẽ phải mất một khoản tiền lớn, điều này cũng là một khó khăn. Rất có thể VLCC sẽ không tham gia phiên xét xử, như một động thái bỏ qua việc đòi tiền chi trả ban đầu là 60 USD (hoặc trông chờ vào sự “tử tế” của “ông lớn” danh giá Google) mà chỉ đòi tiền sử dụng số hoá về sau là 63%. Thiết nghĩ việc VLCC có quyết định tham gia phiên xét xử hay không (mặc dù chưa thể xác định chính xác ngày sẽ diễn ra) không thể tự quyết định một mình, vì rất có thể nó sẽ trở thành một “tiền lệ” trước vấn đề bản quyền của Việt Nam với thế giới.

Câu chuyện về bản quyền giữa Google với nhà văn Việt Nam dù thực tế vẫn đang diễn ra nhưng không còn được quan tâm như trước. Thậm chí thông tin về phiên xét xử Công bằng cuối cùng đã không diễn ra vào Ngày 07/10/2009 như chính Google đã “chủ động” đưa ra thì giới văn chương Việt hầu như không biết, cũng không có động thái tìm hiểu hay hỏi thông tin liên quan từ phía VLCC. Thực tế cũng cho thấy, ngay cả vụ việc được thảo luận sôi nổi và khá thấu đáo xuất phát từ phía báo chí, Nhà văn có một Trung tâm đại diện về bản quyền, đã được các hội viên uỷ quyền thì lẽ ra nơi đại diện ấy phải có trách nhiệm “cập nhật” thông tin cho nhà văn. Hình như giới văn chương quá tin tưởng vào VLCC. Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế chia sẻ thêm: Tôi cũng không nhận được thông báo gì từ phía VLCC, chỉ thỉnh thoảng lại thấy một cái email gửi đến, tôi liệt kê những tác phẩm của mình, gửi mấy lần rồi. Tôi nghĩ VLCC cần làm việc chuyên nghiệp hơn. Nếu có thể thì mời cả những nhà văn vừa có chuyên môn, vừa có trình độ, lại giỏi ngoại ngữ như Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Trịnh Lữ, Dương Tường… Bên cạnh đấy cũng cần có sự vào cuộc của nhà nước, của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch.

Trao đổi thêm về vấn đề bản quyền liên quan đến các tác giả - là Hội viên Hội Nhà văn có tác phẩm được sử dụng trong sách giáo khoa được báo điện tử Tổ Quốc phản ánh cách đây 2 năm, VLCC hứa sẽ vào cuộc. Nhưng từ lúc đó đến nay mọi việc mới chỉ vừa “nhúc nhích” thêm một bước (lý do trung tâm quá bận) là VLCC vừa “thảo” xong công văn đòi quyền lợi gửi cho Nhà xuất bản Giáo dục (tại thời điểm là ngày 18/8/2010). Để thêm phần chắc chắn, bà Luyến khẳng định, nếu Nhà xuất bản Giáo dục không trả lời hoặc trả lời với mức chi trả không thoả đáng thì chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc thảo luận, mời tất cả những nhà văn có tác phẩm được sử dụng trong sách giáo khoa mấy chục năm qua và báo chí tham dự để lấy ý kiến.

Nhưng không biết, từ lúc “thảo” xong, đến khi trở thành chính thức, rồi chờ Nhà xuất bản Giáo dục trả lời cần một khoảng thời gian bao lâu nữa? Liệu với số lợi nhuận thu được không nhỏ đều đặn hàng năm trong việc xuất bản “độc quyền” sách giáo khoa của một nhà xuất bản danh giá có chịu “chia phần” sòng phẳng, đúng luật cho nhà văn? Xét cho cùng, mọi sự trì hoãn, “câu giờ” của VLCC hoặc (và) của Nhà xuất bản Giáo dục xem ra chả phương hại đến ai, chỉ có nhà văn là người thiệt thòi nhất.

Có lẽ khi nhà văn uỷ tác quyền cho một trung tâm hay bất kỳ nơi nào thì chỉ còn biết “chờ”. Nhưng tự mình đứng ra giải quyết thì kết quả cũng chẳng khá hơn, như trường hợp bản quyền của nhà văn Chu Lai với nhà xuất bản L’aube (Pháp) in cuốn Ăn màu dĩ vãng. Mới đây nhất trong ngày 15/8/2010 nhà văn đã nhận được một bức thư của Toà án Thương mại Avignon (Pháp) đã “sáng tác” từ vấn đề đòi thực hiện tác quyền của chủ sở hữu thành vấn đề “đòi nợ”. Trong hợp đồng muộn mằn của nhà xuất bản L’aube nói rõ ngoài 500 euro tạm ứng như thông lệ, L’aube cam kết sẽ thanh toán cơ bản cho nhà văn Chu Lai vào ngày 31/12 của năm phát hành, tức là cuối năm 2007. Sau đó sẽ tiếp tục trả dần sau mười năm nếu sách tiếp tục được tái bản. Thế nhưng nội dung bức thư thông báo của Toà án Thương mại Avignon lại viết: “Do việc gây tranh cãi giữa hai bên, để việc tranh cãi này có thể được quyết định về tranh chấp đòi nợ do người uỷ quyền theo quyết định của toà án trình bày… Vì ông Chu Lai đã tuyên bố một khoản nợ 500 Euro không thế chấp ở tài sản nợ của công ty… Từ những lý do đó, toà án sơ thẩm quyết định bác bỏ quyền đòi nợ được khai ở tài sản của trình tự tố tụng”. Cầm trên tay quyết định này, nhà văn Chu Lai chia sẻ: “Tôi là một nhà văn, tôi không đủ kiên nhẫn để đi kiện vặt vãnh, tôi không có thời gian hạ thấp mình xuống để đối thoại. Tôi quên nó đi, như vĩnh viễn quên một nước Pháp mà tôi hằng yêu dấu và kính trọng”.

Tác giả: Hiền Nguyễn

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây