"Lạ hóa" văn chương - Tất yếu hay làm khó?

Thứ tư - 10/11/2010 04:39 1.551 0

"Lạ hóa" văn chương - Tất yếu hay làm khó?

Trong khoảng chục năm trở lại đây, sự "lạ hóa" ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các sáng tác văn chương, nhất là đối với các nhà văn thuộc thế hệ @. Dường như nó đang trở thành một khuynh hướng rất khó cưỡng lại được. Không biết khuynh hướng này là tất yếu hay chỉ là một kiểu học đòi quá trớn?

Khuynh hướng "lạ hóa"

Sự "lạ hóa" nên được hiểu là các yếu tố kỳ ảo, phi lý, ít hoặc chưa xuất hiện ở các tác phẩm văn chương giai đoạn trước đấy, khiến bạn đọc khó tiếp nhận tác phẩm, thậm chí có trường hợp tiếp nhận sai lệch nội dung từ ngôn ngữ, biểu đạt, giọng điệu, cấu trúc tác phẩm...

Những gương mặt tiêu biểu cho khuynh hướng này và được xem là những người đi tiên phong là Nguyễn Danh Lam với tiểu thuyết Giữa vòng vây trần gian, Lê Anh Hoài với tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ, Nguyễn Ngọc Thuần với truyện dài Một thiên nằm mộng, Nguyễn Vĩnh Nguyên với tập truyện ngắn Khu vườn lưu lạc, Đào Bá Đoàn với tập truyện ngắn Rượu của thời chưa sinh, Nguyễn Thế Hoàng Linh với tiểu thuyết Chuyện của thiên tài, Nguyễn Nguyên Phước với tập truyện ngắn Thượng đế và đất sét...

Trong số các tác giả vừa kể trên, một số người ở nước ngoài, nên ít nhiều chịu ảnh hưởng của các dòng văn học và văn hóa bản địa từ những nước mà họ đang sống và làm việc. Đối với các tác giả "nội" một trăm phần trăm, nhưng lại ít nhiều biết một vài thứ tiếng nước ngoài hoặc thích đọc các tác phẩm văn chương dịch từ nước ngoài, dù vô tình hay cố ý cũng bị nhiễm cái sự "lạ" trong quá trình sáng tác.

Có người coi cái sự "lạ" như là một chiêu thức PR nhằm gây sự chú ý của độc giả đối với tác phẩm của mình. Lại cũng có không ít người, trong quá trình tìm tòi, đổi mới, nhưng vì không quan tâm hoặc có quan tâm, nhưng lại không đủ "chưởng lực" nên đành bó tay chịu cho cái sự "lạ" trượt theo đà quán tính. Những tác giả thuộc loại có người gọi là "tạng" văn.

Tựu chung, dù thuộc loại nào, những người viết ra các tác phẩm theo khuynh hướng "lạ hóa" cũng đã làm được một việc rất đáng khuyến khích là cố gắng đến mức có thể "làm mới" sáng tác của mình. Xét cho cùng, sự "làm mới" và sự "lạ hóa" cùng nằm trên trục phát triển của tư duy sáng tạo, chỉ cách nhau có một sợi chỉ, bởi mức độ và giới hạn cho phép chúng tham gia một cách tất yếu hay bị "cưỡng bức" vào tác phẩm văn chương.

Tất yếu hay làm khó?

Khi tiếp cận với những tác phẩm thuộc khuynh hướng "lạ hóa", chúng ta thấy các nhà văn, nhất là giới trẻ, đã có sự chuyển động nhất định về nhận thức trong tư duy sáng tạo. Họ muốn từ bỏ lối viết truyền thống, chuyển sang lối viết mới mà họ cho là hiệu quả hơn, dễ tác động vào lớp độc giả hiện đại, những người cùng thời và đang đồng hành với họ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Chẳng hạn như Nguyễn Danh Lam khi nói về cuốn tiểu thuyết Giữa vòng vây trần gian của mình đã xác nhận: Trong cuốn tiểu thuyết này, không phải ảnh hưởng, mà tôi dùng lại nguyên cái khuôn, hay có thể nói là lấy hẳn mô-đun của các tác giả cùng tác phẩm của họ là F. Kafka với Lâu đài, J.M Coetzee với Cuộc đời và thời đại của Micheal K và đạo diễn điện ảnh Mỹ Oliver Stone với bộ phim U turn, để soi trực tiếp vào bối cảnh mà tôi muốn nói tới... Trong công việc viết lách, tôi thấy mình không chỉ chịu ảnh hưởng từ văn chương, mà còn từ âm nhạc, điện ảnh, hội họa... cùng nhiều bộ môn khác.

Cũng có không ít người ý thức rất rõ ràng về sự "xâm thực" của văn chương, văn hóa ngoại vào mình như một tất yếu khách quan không thể nào cưỡng lại được. Hàng ngày họ ăn, ở, đi lại, hít thở bầu không khí của nền văn chương, văn hóa ấy, nếu không bị tiêm nhiễm mới là chuyện lạ. Đối với họ, việc chấp nhận để cho văn chương, văn hóa ngoại "xâm thực" còn dễ hơn là cố tình bằng mọi giá chống lại nó. Bằng không chỉ còn cách từ bỏ con đường văn chương của mình.

Điều đáng nói ở đây là một số người cố tình "lạ hóa" như là một cách phô diễn sự hiện đại, khả năng hội nhập của mình, nhưng thực chất là làm khó cho người đọc. Cần nhớ rằng "làm mới" tác phẩm là nhu cầu nội tại của tư duy sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong thưởng thức và thụ hưởng văn chương của công chúng ở thời đại nhà văn sống và viết nên tác phẩm. Nhưng làm mới cái gì và đến đâu lại là cái không phải ai cũng có ý thức và càng không phải ai cũng làm được. "Làm mới" đến mức "lạ hoắc" thì không chỉ là sự đánh đố độc giả, mà còn làm hỏng ngòi bút của nhà văn, bởi trong công việc viết lách vốn dĩ là một công việc bao giờ cũng đòi hỏi sự công phu, nghiêm túc và tôn trọng người đọc đến cùng.

Nếu "lạ hóa" có thể được coi là một xu hướng tất yếu, thì đức độ và tài năng làm chủ ngòi bút của nhà văn lại là chiếc "hàn thử biểu" đo mức độ tôn trọng độc giả, đồng thời đo cả khả năng thăng tiến trên con đường sự nghiệp văn chương của mỗi người. Mọi cách nhìn mang định kiến xấu, muốn phủ nhận sạch trơn đối với xu hướng "lạ hóa" cũng sai lầm không kém sự cổ xúy cho sự "lạ hóa" theo kiểu học đòi vô lối trong sáng tác văn chương. Hai thái độ nói trên đều ẩn chứa hiểm họa hoặc là kéo lùi nền văn chương nước nhà vốn đã rất "lình xình" trong vài chục năm trở lại đây, hoặc là biến văn chương của Việt Nam trở thành những bản photocopy vô hồn của văn chương ngoại lai.

Tác giả: Trâm Anh

Nguồn tin: SK&ĐS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây