Mỗi người viết trẻ hãy là một 'thợ lặn' giỏi

Thứ ba - 13/09/2011 04:45 2.323 0

Nhà văn quân đội Nguyễn Xuân Thủy. Đây là bản tham luận anh trình bày tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8, tổ chức tại Tuyên Quang ngày 9-10/9.

Nhà văn quân đội Nguyễn Xuân Thủy. Đây là bản tham luận anh trình bày tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8, tổ chức tại Tuyên Quang ngày 9-10/9.
(Tham luận tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8)

Tôi nghĩ rằng trách nhiệm xã hội của người viết văn đầu tiên và trước hết là trách nhiệm đối với chính tác phẩm của mình.

Trách nhiệm ấy được thể hiện ở tâm thế của nhà văn đối với việc sáng tác, thái độ trong quá trình thực hiện tác phẩm, hành vi ứng xử với những gì mình viết ra. Để làm một người viết có trách nhiệm với tác phẩm có lẽ cách tốt nhất là hãy không ngừng thu nạp kiến thức từ cuộc sống, không ngừng học hỏi để theo kịp bạn đọc. Đó cũng là một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm. Người viết cần lặn vào đời sống, sống hết mình, sống mạnh mẽ, tận cùng, và trách nhiệm, dấn thân vào đời sống để có thể dấn thân trong nghệ thuật.

Mỗi người viết có cách dấn thân khác nhau, mỗi người viết có một cách riêng để thu nạp kiến thức bồi đắp hành trang cho sáng tạo, nhưng tôi tin chắc chắn, đã là người viết, dù sáng tác theo khuynh hướng nào, dù sáng tác theo thể loại gì, đều cần một kho dữ liệu từ cuộc sống.
Chúng ta thường thấy Hội Nhà văn thường có các đợt đi thực tế sáng tác. Các trại sáng tác cũng thường tổ chức những chuyến đi thực tế ngắn hạn. Nhưng đôi khi những hoạt động ấy chỉ mang tính chất bề nổi, tính phong trào, gần như để nhắc nhớ mỗi người về sự cần thiết của việc thâm nhập thực tế đời sống của nhà văn. Bên cạnh đó, cá nhân mỗi người viết cần hướng tới những chuyến đi của riêng mình, những chuyến đi thực tế không theo tính chất hội đoàn, không trống dong cờ mở, người đưa kẻ đón. Bởi không có ai chỉ viết bằng trải nghiệm tự nhiên, bằng những thứ tình cờ thu lượm được từ đời sống. Những điều ấy tôi thấy được khi đọc tác phẩm của thế hệ cha anh, tôi học được khi tiếp xúc với những đồng nghiệp đi trước.

Tôi có một sự đồng cảm sâu sắc với những trang viết về Trường Sa của nhà thơ Trần Đăng Khoa ngoài tư cách là một bạn đọc còn là một người trong cuộc, một người lính Trường Sa và cũng là người sáng tác về Trường Sa. Không ai có thể phủ nhận tài năng của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhưng nếu như chỉ quanh quẩn ở “Góc sân và khoảng trời” thì thần đồng thơ sẽ chẳng bao giờ lớn. Sẽ không thể có “Đảo chìm” nếu như không có những năm tháng Trần Đăng Khoa vượt trùng khơi làm một người lính đối mặt với hiểm nguy giữa mênh mang sóng nước, thực sự sống cuộc sống người lính Trường Sa. Và với “Đảo chìm”, những trải nghiệm của chính tác giả đã góp phần quan trọng để nó có sức sống lâu bền, được bạn đọc yêu mến.

Tôi cũng được biết, chỉ để có một bút ký về những người câu cá ngừ đại dương, nhà thơ Lương Ngọc An đã "cắm" cả chiếc xe máy đặt cược ở Phú Yên để được lên tàu đi biển một chuyến cùng những ngư dân chuyên nghề câu cá ngừ. Bởi nếu như có sự cố xảy ra, nếu như anh không chịu được sóng gió mà đòi quay về, hay thậm chí anh chỉ cần đau ốm không trụ được thôi thì sẽ phải bồi thường những thiệt hại về kinh tế cho chuyến đi của họ. Bút ký ấy sau này đã đoạt giải nhất cuộc thi của Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Với một người viết tiểu thuyết thì càng đòi hỏi một dung lượng vô cùng lớn của kho dữ liệu. Không phải ngẫu nhiên mà hầu như những tác phẩm lớn viết về chiến tranh cả trên thế giới và Việt Nam, tác giả của nó đều đã từng tham gia chiến đấu, từng ít nhiều đi qua cuộc chiến tranh, thậm chí phải trả giá bằng chính mạng sống của mình khi tác phẩm còn chưa hoàn thành. Không phải ngẫu nhiên một loạt những tên tuổi lớn của văn học chiến tranh cách mạng nước ta đều từ đội ngũ những nhà văn khoác áo lính. Tất nhiên không phải ai trong số họ cũng chọn cách cầm súng ra chiến trường để lấy thực tế viết văn, họ xông pha trong lửa đạn không phải với tư cách nhà văn đi thực tế, nhưng được dự phần vào những sự kiện khốc liệt không có ranh giới giữa sự sống và cái chết ấy đã cho họ những tư liệu thấm máu. Đó là những chuyến đi thực tế bất đắc dĩ nhưng cực kỳ quý giá. Những chuyến đi sinh tử ấy, đòi hỏi ngoài sự dấn thân, dám sống, còn là bản lĩnh, ý chí và lòng dũng cảm.

Không phải cứ lặn thật sâu vào cuộc sống thì sẽ cho ra đời những sản phẩm văn chương chất lượng, thế nhưng rất nhiều những tác phẩm văn chương có giá trị đều xuất phát từ những trải nghiệm đắt giá của tác giả.

Một nhà văn có tài sẽ đồng nghĩa với việc nhà văn ấy là một thợ lặn giỏi. Thợ lặn giỏi là thợ lặn biết nhìn thấy những gì cần nhìn, biết thu nạp những gì cần thiết, biết lặn vào những vùng biển có tiềm năng, biết tìm kiếm ở những bờ vỉa có thể cho sản vật độc đáo. Và còn gì tuyệt vời hơn khi một thợ lặn vừa giỏi lại vừa đa năng. Một thợ lặn đa năng là một thợ lặn có thể lặn qua những con sóng dữ biển khơi nhưng cũng có thể lặn trong dòng chảy xiết của con sông mùa lũ; có thể đào xới giữa mênh mang đầm phá nhưng cũng có thể kiếm chác ngay cả ở những vụng nước nhỏ yên bình.

Với mỗi người viết, thứ mà chính anh ta không quyết định được đó là tài năng. Nhưng để hỗ trợ cho tài năng thăng hoa, phát tiết thì luôn cần đến vai trò của một thợ lặn. Và chắc chắn rằng, nếu như thợ lặn ấy là một tài năng văn chương thì từ những gì thu nạp sẽ được tinh chế kỹ càng, với tay nghề cao để cho ra sản phẩm cao cấp, hoàn thiện.

Vậy những người viết trẻ hôm nay có thực sự là những thợ lặn không, họ đã lặn vào đời sống như thế nào?

Tôi nghĩ rằng đã là người viết, ai cũng ý thức được sự cần thiết của việc thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống. Và trong đội ngũ những người viết trẻ hôm nay, đã có những người lặn rất sâu, lặn vào cuộc sống, lặn vào chính mình, lặn vào trang viết để chứng minh quan điểm nghệ thuật của mình, để gọi tên khuynh hướng nghệ thuật mà mình theo đuổi bằng tác phẩm, hay chỉ bởi một lý do giản dị mà cũng rất thiêng liêng: để thực hiện lao động văn chương của một người cầm bút. Họ không ngần ngại nhận về mình những thiệt thòi, họ chấp nhận trả giá để theo đuổi mục tiêu nghệ thuật.

Bản thân tôi rất khâm phục sự dấn thân quyết liệt, không thỏa hiệp về quan điểm trong sáng tạo của Vi Thùy Linh; tôi cũng như nhiều bạn viết, bạn đọc khác đánh giá cao nghị lực vươn lên, thái độ làm việc, cách ứng xử với văn chương của Nguyễn Bích Lan; tôi cũng thèm muốn những chuyến đi ra nước ngoài để cảm nhận và trải nghiệm của Di Li… Tôi nghĩ rằng, tất cả những người viết kể trên và những người có thái độ nghiêm túc với nghề, với từng trang viết của mình đều có một cách riêng để lặn vào cuộc sống, sống hết mình với nhiệt tình và khát vọng cao nhất. Nhà văn Di Li trong một lần trả lời phỏng vấn đã có chia sẻ đại ý rằng, hãy sống như thể bạn đang hấp hối, như thể bạn không còn thời gian dành cho cuộc sống này để thấy mỗi giây phút đều quý giá. Cách ví von ấy thật hay và tôi nghĩ cách sống ấy không hiếm gặp trong những người viết trẻ. Bản thân tôi, 2 năm ở Trường Sa cũng là khoảng thời gian lặn sâu nhất, thám hiểm một vùng đất đặc biết nhất, để có những trải nghiệm quý giá nhất không chỉ cho những trang viết của “Biển xanh màu lá”. Còn với “Sát thủ online” bên cạnh phương thức lặn truyền thống còn có sự hỗ trợ của cách thức lặn mới rất quan trọng đó là báo chí và internet. Và tôi tin rất nhiều người viết trẻ khác cũng đang lặng lẽ lặn vào trang viết để cho ra những sản phẩm văn chương chất lượng.

Người viết trẻ hôm nay có trong tay mình những cơ hội tốt để sáng tác, phát triển sự nghiệp, để theo đuổi niềm đam mê chữ nghĩa. Họ có những điều kiện mà các thế hệ trước không có. Và một trong những điều kiện ấy là họ đang sống trong xã hội thông tin, giữa mọi sự kết nối mà mà khoảng cách dường như bị biến thành một khái niệm mờ nhòe. Và việc được lặn trong biển thông tin ấy để thu nạp kiến thức cho mình là một tiện ích tuyệt vời mà internet mang lại, là một món quà mà thời đại đã ban tặng cho họ, hỗ trợ tích cực cho hoạt động sáng tác của họ. Và đó cũng là một hình thức đi thực tế độc quyền của giới trẻ cầm bút hôm nay mà các thế hệ nhà văn đi trước thời còn trẻ chưa có được.

Trở lại với chủ đề “Trách nhiệm xã hội của người viết trẻ”, tôi nghĩ rằng làm bất cứ nghề nghiệp gì, bất cứ công việc nào cũng cần trách nhiệm, làm về viết lách lại càng cần trách nhiệm và sự cẩn trọng. Trách nhiệm xã hội trước hết là trách nhiệm với chính những trang viết, trách nhiệm với từng con chữ của mình, trách nhiệm với tác phẩm của mình từ những điều nhỏ nhất, trước khi quan tâm đến những vấn đề lớn lao hơn như là vận mệnh dân tộc, đời sống cần lao, nói tiếng nói của thời đại mình, dân tộc mình… là điều mà người cầm bút hướng tới. Và để có trách nhiệm với trang viết, với tác phẩm, tôi nghĩ rằng trước hết hãy phấn đấu để trở thành một thợ lặn giỏi, một thợ lặn có con mắt xanh để lấy những gì dự cảm cần thiết cho quá trình sáng tạo. Tôi đã chọn cách làm một thợ lặn. Và tôi tin nhiều đồng nghiệp ở đây cũng đồng cảm với suy nghĩ ấy.

Chưa bao giờ người viết lại nhiều như bây giờ, chưa bao giờ việc viết lách lại được “xã hội hóa” như bây giờ. Người ta đến với văn chương với nhiều tâm thế khác nhau, người thì coi nó như một nhu cầu tự thân, một đam mê sống còn, một sứ mệnh lớn lao, kẻ lại coi đó như một thứ giải sầu, một cuộc chơi qua đường, một việc làm được chăng hay chớ. Bởi thế, những người đến với nghề văn một cách nghiêm túc cũng gặp không ít khó khăn, bên cạnh sự lẫn lộn đồng thau thì việc tìm lối đi riêng để tạo dấu ấn trong dòng chảy chung là điều vô cùng khó. Thời nay người viết rất nhiều và sự cạnh tranh cũng vô cùng khốc liệt, ai cũng có thể viết văn nhưng không phải ai cũng trở thành nhà văn. Vì thế, mỗi người viết trẻ hãy sống từng ngày từng giờ bằng sự căng tràn của tất cả các giác quan, lắng nghe nhịp thở của thời đại, thâu nạp tất cả những mảng màu sáng - tối, cảm nhận những ngân rung tinh tế của thiên nhiên, con người để xây dựng cho mình một kho dữ liệu mang đậm hơi thở đời sống.

Những người viết trẻ hãy cứ viết, viết bất cứ khi nào có thể, viết tất cả những gì có thể, khi viết hãy đặt mục tiêu cao, có thể nghĩ đến những điều lớn lao cho tác phẩm, nhưng điều quan trọng, khi viết đừng nghĩ mình lànhà văn. Bởi tôi nghĩ rằng, tất cả những người trẻ theo nghiệp viết, khi được xã hội, được đồng nghiệp và độc giả trân trọng gọi bằng hai tiếngnhà văn, thì những gì làm nên điều đó, tức là tác phẩm khiến họ được tôn vinh đã được hoàn thành trước khi họ được gọi là nhà văn rồi. Và đến khi nào được gọi là nhà văn thì lúc đó hãy làm điều ngược lại, tức là khi đặt bút viết hãy nhớ mình là nhà văn

Tác giả: Nguyễn Xuân Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây