Quái chiêu tên sách và cách tiếp thị

Thứ hai - 31/05/2010 17:01 1.761 0

Hai trong số những cuốn sách được nhắc tới trong bài viết.

Hai trong số những cuốn sách được nhắc tới trong bài viết.
Không chỉ gây sửng sốt ngay từ tên sách, không ít tác giả, dịch giả (hoặc nhà xuất bản) đã lạm dụng tối đa phần bìa 1, bìa 4 để giới thiệu, quảng cáo cho ấn phẩm thêm phần "khơi gợi". Phải nói, có những cách giật nội dung rất táo bạo, mà lạ thay, đa phần chỉ là để độc giả "bập" ngay vào vấn đề tình dục (chưa hẳn là chủ đề chính của cuốn sách).

Trong bài viết "Tên sách sốc tận óc" được tải trên báo Đất Việt online ngày 15/5 vừa qua, tác giả Hoàng Mai đã nêu hiện tượng: Gần đây, có nhiều tác giả, dịch giả, nhà làm sách đã chọn những cái tên "nửa kín nửa hở", hoặc gây "sốc tận óc" nhằm đánh vào sự tò mò của độc giả trước mỗi cuốn sách mới mà họ cần tiếp thị.

Và tác giả Hoàng Mai "điểm danh" một số cuốn như: "Hễ sướng thì hét lên", "Lỡ tay chạm ngực con gái", "Xin lỗi, em chỉ là con đĩ", "Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường", "Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu", thậm chí cả tên của một cuốn sách dành cho thiếu nhi "Thuyền trưởng Quần lót và cuộc xâm lược của các mụ cấp dưỡng thô tục kinh khiếp từ ngoài hành tinh" vv và vv...

Tác giả Hoàng Mai cho rằng: "Những tên sách vào loại gây "sốc nặng" khiến nhiều người băn khoăn, vì phần lớn chúng được khoác áo "sách văn học". Cũng trong bài viết này, tác giả dẫn lời của nhà văn trẻ Đặng Thiều Quang: "Có lẽ những nhà quản lý đã hơi dễ dãi khi duyệt những cái tên sách như thế".

Thật ra, trước đây ít năm, trên tờ CAND, người viết bài này cũng đã đặt vấn đề về việc nhiều nhà làm sách và tác giả, dịch giả đã tìm mọi cung cách để ấn phẩm của mình gây được sự chú ý của bạn đọc. Và, trong những "điểm nhấn" dị thường ấy, đã có một số trường hợp khiến không ít người đọc cảm thấy gai gợn. Bên cạnh những tên sách "Hễ sướng thì hét lên", "Xin lỗi, em chỉ là con đĩ" mà tác giả Hoàng Mai nhắc tới trên, người viết bài này còn nhắc tới một số trường hợp nữa, như tên một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Anh C.Oates (NXB Phụ nữ, 2005): "Muốn làm gì tôi thì làm".

Quan điểm của người viết bài này là: Mỗi dân tộc có một cách tiếp nhận và thể hiện riêng. Bởi vậy, không phải cuốn sách nào khi được dịch in ở Việt Nam, các nhà làm sách cũng để nguyên tên theo nguyên tác. Ví như khi xuất bản cuốn "Phong nhũ phì đồn" của tiểu thuyết gia Trung Quốc nổi tiếng Mạc Ngôn, dịch giả Trần Đình Hiến đã chọn cái tên "Báu vật của đời" nghe dễ lọt tai các độc giả Việt hơn cái tên nguyên tác mà có người cho là "thô tháp".

Hay khi xuất bản cuốn tiểu thuyết "Người đàn bà đích thực" của nữ văn sĩ Anh Barbara Taylor Badford, nghe nói dịch giả Bùi Phụng và Nhà xuất bản Hội Nhà văn cũng đã phải đổi tên nguyên tác, dù về ngữ nghĩa, nó có độ chênh nhất định.

Tuy nhiên, đấy là nói về tên sách nước ngoài, hiện tại, nhiều tên sách trong nước cũng đạt độ "bạo dạn" không kém! Nhiều bài báo đã nhắc tới tên một số cuốn tiểu thuyết của những những cây bút nữ trẻ, tôi xin không nhắc lại, chỉ xin bày tỏ nỗi băn khoăn về tên của một số tập thơ.

Quả tình, đã có một người bạn thơ thẳng thừng nói với tôi: "Những tưởng thơ ca thì phải thế nào. Chứ cứ hết "Rỗng ngực" lại tới "Đứt dải yếm" thì đến các nhà văn xuôi cũng phải... buông tay hàng". Vâng, mỗi người có một quan điểm riêng khi đặt tên cho sách của mình, nhưng dẫu sao cũng xin lưu ý rằng, đây là tên của một tập thơ!

Không chỉ gây sửng sốt ngay từ tên sách, không ít tác giả, dịch giả (hoặc nhà xuất bản) đã lạm dụng tối đa phần bìa 1, bìa 4 để giới thiệu, quảng cáo cho ấn phẩm thêm phần "khơi gợi". Phải nói, có những cách giật nội dung rất táo bạo, mà lạ thay, đa phần chỉ là để độc giả "bập" ngay vào vấn đề tình dục (chưa hẳn là chủ đề chính của cuốn sách).

Như ở cuốn "Điên cuồng như Vệ Tuệ" của nữ văn sĩ Trung Quốc Vệ Tuệ (NXB Hội Nhà văn, 2007), dòng đầu tiên đập vào mắt người đọc tại bìa 4 là "Dù có nhiều trang tả cảnh làm tình, song không thể nói những trang truyện ở đây mang tính khiêu dâm"; ở cuốn "Những người đàn bà tắm" của nữ văn sĩ Trung Quốc Thiết Ngưng (NXB Hội Nhà văn, 2006), mở đầu trích đoạn in ở bìa 4 là "Phi chỉ lên miệng mình và nói, có thể Khiêu không tin, tớ qua tay rất nhiều thằng đàn ông..."; ở bìa 4 cuốn tiểu thuyết "Tử cấm nữ" của nhà văn Trung Quốc Lư Tân Hoa (NXB Hội Nhà văn, 2005) có câu: "Tử cấm nữ là lời tự bạch những sắc thái tình cảm của một thạch nữ trong tình yêu với ba người đàn ông, cũng như quá trình "mở cửa" thân xác của cô" vv và vv… Chao ôi, chẳng lẽ trong cách "câu nhử" độc giả, không còn cách nào khác ngoài việc phơi bày chuyện chăn gối thế sao.

Lẽ thường thì con người bao giờ cũng "tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại". Các nhà sản xuất và kinh doanh lại càng triệt để thực hiện phương thức này. Nghĩa là, để tiếp thị một mặt hàng, họ chỉ đề cập tới tính năng nổi trội, cái phần "tốt đẹp" cần "phô ra" của nó. Chính từ hiện tượng ấy mà tôi hết sức ngạc nhiên khi nhận ra, trong khâu tiếp thị, quảng bá một số ấn phẩm văn nghệ hiện nay, không ít nhà làm sách đã dùng tới những chiêu rất chi là…ngược đời, theo đúng tinh thần "xấu xa…phô ra", nhằm thu hút sự chú ý của một bộ phận người đọc.  

Cuốn "Tình ơi là tình" của nữ văn sĩ người áo Elfriede Jelinek (NXB Đà Nẵng ấn hành cuối năm 2006), ngoài việc ở bìa 1 in bức ảnh một khoảnh… mông trần của phụ nữ, thì ở phần gấp mép bìa 4 là đôi dòng quảng bá: "Bằng lối viết đầy khiêu khích không hề đứng về phía con người, nữ tác giả không đếm xỉa đến ma quỷ thánh thần đã trả lời câu hỏi đó với "sự mỉa mai hoan lạc" và nỗi bi quan tàn khốc vẫn thường thấy ở bà". Không rõ thực hư bên trong của cuốn tiểu thuyết thế nào? Có đúng như những lời nhận định nói trên? Nhưng như vậy, chẳng lẽ trên đời lại có một nhà văn không hề đứng về phía con người để đứng về phía… con vật hay sao?

Cuốn "Kỳ án ánh trăng" của tác giả Trung Quốc Quỷ Cổ Nữ (NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành quý III- 2006), ở bìa 4 cũng có những lời giới thiệu khiến ta đọc mà không khỏi có cảm giác bất an: "Kỳ án ánh trăng- quái dị và tội ác, ly kỳ và rùng rợn, ảo và thực đan xen, khiến ta thấy sợ hãi thế giới hiện thực và cũng thấy mơ hồ khó hiểu về thế giới tương lai". Một cuốn sách "bít" cả hiện tại lẫn tương lai như thế, không hiểu có gì hữu ích với người đọc?

 Với các sáng tác trong nước, cả tác giả và nhà xuất bản đều không dám quá mạnh mồm khi đề cập tới những vấn đề như vậy. Trong nội dung thì có thể "sóng cồn", song ở mặt bìa thì vẫn còn ít nhiều kín đáo. Tuy nhiên, đấy là nói về khía cạnh nhục cảm, chứ trong cách thức "gây gổ" với độc giả nhằm thu hút sự chú ý của họ, không ít tác giả tỏ ra là những nhân vật đáng gờm, đặc biệt là những cây bút nữ trẻ.

Nếu như ở bìa 4 của cuốn tiểu thuyết "Xin lỗi, em chỉ là con đĩ" đã nhắc ở phần đầu bài viết, các nhà làm sách cho in dòng "đề từ": "Nếu em là một cô gái trinh, tôi sẽ cưới em làm vợ. Nhưng xin lỗi, em chỉ là một con đĩ!", thì một số cây bút thế hệ 8X của chúng ta cũng sẵn sàng cho in những dòng như trêu, như chọc độc giả ở ngay trên bìa sách của mình. Như trường hợp cuốn "Chát" của Từ Nữ Triệu Vương (NXB Lao động xã hội, 2007), ngay tại bìa 1, tác giả trẻ này cho bố trí chạy dọc các hàng chữ  "Đàn ông thời nay khiến tôi thất vọng", "Chàng 70 yêu nàng 20: thế thì đã sao", "Đàn ông không thích sex là vờ đấy".

Một nữ tác giả khác, chị Trần Thu Trang, trong cuốn "Cocktail cho tình yêu" lại có phần đùa bỡn độc giả khi ở mép gấp bìa 1, chị cho in mấy lời nhắn nhủ: "Vài lời với độc giả thân mến và không thân mến: Lời 1: Khả năng của tôi là có hạn. Lời 2: Yêu cầu của bạn là vô hạn. Lời 3: Nếu bạn thấy cuốn sách này không đáp ứng yêu cầu của bạn, xin đọc lời 1.".

Được biết, Trần Thu Trang cũng chính là tác giả cuốn tiểu thuyết "Phải lấy người như anh" mà ở phần bìa 4, chị đã cho in những dòng nhận xét đại loại như "Cốt truyện không có gì nổi bật và hấp dẫn, tình yêu được khắc họa hời hợt, sơ sài, thiên về hình thức và xác thịt" khiến không ít độc giả phải lấy làm bực mình, vì rằng, nếu tác giả đã nhận thấy chất lượng cuốn sách của mình như vậy, thì hà cớ gì chị còn buộc nó phải ra mắt công chúng?

Không chỉ là "gây gổ" với người đọc, có một số cuốn sách khi tái bản được giới thiệu ở bìa 4 là "trước đây ít năm đã bị thu hồi", có cuốn cho in ở lời giới thiệu những dòng hỏi - đáp của một nhà báo và tác giả, trong đó nhà báo đặt câu hỏi: "Có người nói cuốn sách nói xấu chế độ, bôi bác rất nhiều cán bộ, kể cả cán bộ có chức có quyền". Trước câu hỏi thuộc loại nhạy cảm này, thay vì bác bỏ luồng dư luận (nếu có) nói trên thì ông tác giả lại cười mà rằng "Quyền phán xét là của mọi người" và "Nếu nó không xấu mà tôi nói xấu thì tôi là kẻ xấu".

Hẳn bạn đọc khi tiếp xúc với những dòng đối thoại này sẽ không khỏi ngỡ ngàng. Đến người hỏi mặc dù đã đọc sách rồi còn hỏi người viết như vậy, người viết viết rồi còn trả lời như vậy thì thử hỏi những người đọc bình thường biết trông cậy vào ai để giải đáp câu hỏi tốt - xấu nói trên? Tất nhiên, có người cho rằng in lời giới thiệu cuốn sách kiểu như vậy là cái "mẹo" tiếp thị của những nhà làm sách. Họ muốn "cù" vào chỗ "nhạy cảm" của độc giả.

Như vậy là, so với những cách tiếp thị sách trên thế giới thì việc tiếp thị ở ta cũng đã có nhiều động thái cởi mở, thậm chí đây đó đã có chỗ vượt ngoài qui định cho phép. Điều lạ là, có cơ quan chỉ chuyên một nhiệm vụ duyệt kế hoạch xuất bản. Phần nội dung hoàn toàn dựa vào bản "tóm tắt" do các nhà xuất bản trình lên, mà, như ta đều biết, chẳng ai dại gì "tóm tắt" theo hướng đó là một cuốn sách có nội dung xấu (nếu muốn nó... lọt lưới). Nghĩa là, chỉ còn tên sách là các nhà xuất bản không thể dùng "mẹo" để trốn tránh.

Các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể căn cứ trên cái tên các nhà xuất bản đăng ký để từ đó, đồng ý hay không đồng ý cấp giấy phép. Vậy chẳng lẽ, ngay tại khâu này mà những người có trách nhiệm cũng "bỏ qua" không duyệt hay sao?

Tác giả: Phạm Tuấn Đạt

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây