“Made in Hanoi” được Mai Gallery tổ chức với ý tưởng về một triển lãm thường niên vào đầu năm để tôn vinh Hà Nội. Rất nhiều họa sĩ đã ủng hộ và gửi tranh tham gia. Triển lãm đầu tiên năm 2013 quy tụ tranh của 13 họa sĩ, đều là những cây cọ trẻ tài năng, từng có triển lãm được chú ý hoặc đoạt các giải thưởng tài năng mỹ thuật. Trong “Made in Hanoi”, mỗi họa sĩ được chọn trưng bày 2 bức tranh (trừ Phạm Tuấn Tú có 3 bức), đều là những tác phẩm về Hà Nội và là đặc trưng cho phong cách của mỗi tác giả.
Bằng những chất liệu khác nhau như sơn mài, sơn dầu, chất liệu tổng hợp, in khắc gỗ, mỗi họa sĩ trẻ mang tới những góc nhìn, những hình ảnh đa chiều về Hà Nội, qua đó thể hiện tình yêu với thủ đô, nơi họ đang sống và sáng tác.
"Bãi giữa sông Hồng" của Triệu Long. |
Một Hà Nội yên bình là cảm giác mà họa sĩ Chu Viết Cường mang lại qua 2 bức sơn mài “Hà Nội bình yên” và “Thu Hà Nội”. Người xem dễ dàng nhận thấy những hình ảnh thân quen của Hà Nội như một cái cổng làng trong phố nằm nép mình dưới gốc cây cổ thụ, hay sắc vàng của thu trong ngôi nhà mang kiến trúc đặc trưng thời Pháp thuộc. Cũng ca ngợi vẻ đẹp Hà Nội bằng chất liệu sơn mài, Vũ Đức Trung với bức "Mưa I", "Mưa II" khắc họa nhưng góc hình của Hà Nội nhạt nhòa, cổ kính mà lãng mạn trong màn mưa. Trong khi đó Triệu Long với chất liệu sơn dầu trên toan lại thể hiện những góc trữ tình khác, đó là một cô gái chơi vĩ cầm trong một không gian của Hà Nội xưa cũ của "Cuối ngõ", là hình ảnh với những sinh hoạt gợi sự thanh bình, hạnh phúc ngay dưới chân cầu Long Biên trong tác phẩm "Bãi giữa sông Hồng". Hai tác phẩm “Ngõ sáng”, “Ngõ chiều” của Trịnh Liên khắc họa đời sống sinh hoạt thường nhật ở Hà Nội với những quan sát và đường nét tinh tế. Trịnh Minh Tiến thể hiện vẻ đẹp hiện đại của thủ đô qua tác phẩm “Điểm vàng sắc phố”, toàn bức tranh chỉ có hình một chiếc ôtô sành điệu, bóng loáng và nổi bật.
Bên cạnh đó, nhiều họa sĩ lại đi vào những vấn đề khác nhau của đời sống xã hội ở Hà Nội. Người xem dễ dàng nhận ra một thành phố đang trên đà đô thị hóa trong bức “Con đường” của Nguyễn Hoàng Tùng, nơi những xe tải, xe taxi, xe bus, xe trộn bê tông chen chúc trong bụi đất mờ mịt của con đường vành đai. Lương Trung lại thể hiện những vấn đề nhức nhối của xã hội, như ý thức tham gia giao thông trong bức “Không tranh cãi”, hay chuyện chạy việc trong “Ngoài cơ cấu”.
“Ngày chủ nhật” của Nguyễn Văn Hổ. |
Một điểm trùng hợp là rất nhiều họa sĩ mang tới triển lãm những bức tranh có hình ảnh Tháp Rùa. Tuy nhiên, mỗi Tháp Rùa của họ lại có những hình hài, ẩn ý, dáng dấp riêng. Một ngọn tháp cổ kính, rêu phong và có phần u buồn trong “Mưa” của Vũ Đức Trung. Một Tháp Rùa lừng lững, uy nghi in dấu lịch sử trong “Cái bóng” của Đỗ Hiệp. Lê Chí Hiếu gợi lại ký ức với Tháp Rùa có hình bóng của tượng Nữ thần Tự do trong “Có một Tháp Rùa như thế”. “Ngày chủ nhật” của Nguyễn Văn Hổ mang tới hình ảnh một góc Bờ Hồ, nơi có những con người (và cả Tháp Rùa) to béo, ục ịch. Quang cảnh Hà Nội đấy, biểu tượng Tháp Rùa của Hà Nội đấy, nhưng những con người ục ịch với phục trang như mặc đầm tây, ăn đồ ăn nhanh, lướt Ipad, đi lại hối hả, dắt chó ngoại đi dạo… gợi tới một thành phố với các vấn đề của hội nhập.
Những hình ảnh đẹp, tinh tế về một Hà Nội đa chiều này sẽ còn tiếp tục trưng bày tại đến hết ngày 13/2.
Tác giả: Lam Thu
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc