Người chống lại lời nguyền của 'thần biển'

Thứ tư - 24/04/2013 23:55 726 0
Sau những chuyến ra khơi trở về tay trắng, người Ngư Lộc (Thanh Hóa) đồn rằng anh bị thần biển phạt vì tội “cướp mồi”, dám cứu 14 mạng người trong hai vụ chìm tàu đầu năm 2013.

Vừa trở về sau nửa tháng lênh đênh trên biển, anh Nguyễn Văn Tuy ở xã Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) ngồi trầm ngâm hút thuốc dưới hiên nhà. Mùa biển lặng, tàu nào cập bến cũng ăm ắp cá tôm. Riêng tàu công suất 450 CV của anh trở về chỉ vỏn vẹn vài khay mực lẫn cá hố. Dân vạn chài Ngư Lộc đồn rằng anh bị thần biển phạt, không cho cá tôm vì dám chống lại “lời nguyền” cứu người sắp chết đuối.

Hai tháng đầu năm, anh liên tiếp cứu tàu đánh cá bị nạn của ngư dân Nghệ An, Thanh Hóa, đưa 14 người vào bờ an toàn, được nhận giấy khen của xã và huyện. Đốt tiếp điếu thuốc, anh trầm ngâm nhớ lại những giờ phút cùng bạn tàu chống lại biển cả, giành giật mạng sống cho người bị nạn.

Anh Tuy và vợ. Ảnh: Hoàng Phương.

Lần đầu tiên vào sáng 7/1, tàu của anh hoạt động ở vùng biển giáp ranh giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Sáng sớm biển động dữ dội, trời mưa phùn, sóng đánh cao hàng mét. Đang lúi húi trên boong tàu thì anh nghe tiếng kêu cứu của ba người đàn ông đang ôm thùng xốp, ngụp lặn trên mặt biển. Ngay lập tức, anh Tuy gọi anh em trên tàu tỉnh dậy, rồi lần lượt thả dây, đưa họ lên.

Đó là ngư dân ở xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu, Nghệ An) gặp nạn do tàu bị thủng, nước tràn vào. Trên tàu có 8 người, tất cả cố gắng bám vào những mảnh thùng xốp dùng để đựng cá sau khi tàu chìm. Sóng đánh mạnh làm họ bị tách rời, cuốn ra xa. Mới cứu được 3, còn 5 người nữa đang vật lộn giữa biển. Anh Tuy cho tàu chạy quanh tìm kiếm và thấy 4 người đang chấp chới. Người thứ năm là anh Công Thế Tịnh, bơi yếu nhất nên bị sóng cuốn đi.

Lẽ thường anh có thể gửi 7 ngư dân vừa cứu được sang tàu của ngư dân Nghệ An đang đánh bắt gần đó và ra khơi tiếp. Nhưng anh vẫn cho tàu chạy đi tìm nạn nhân Công Thế Tịnh. “Lúc đó tôi không màng chuyện làm ăn nữa, chỉ nghĩ cứu người rồi thì phải cứu đến cùng”, anh nhớ lại. Anh em trên tàu thống nhất nghe theo lời anh, tiếp tục tìm kiếm.

Linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, anh vội thông báo trên bộ đàm cho các tàu quanh đó hỗ trợ. Chạy thêm khoảng 2 hải lý, họ phát hiện anh Tịnh chân tay bắt đầu co quắp, không còn bơi được. Đưa người lên tàu, anh em ra sức xoa bóp, rồi hô hấp nhân tạo nhưng vô ích.

Trời tối, anh Tuy giục bạn tàu làm cá, nấu cơm cho tất cả cùng ăn và để riêng một bát có đủ canh, cá cúng người đã khuất. Anh còn đưa thi thể vào cabin cho ấm, tránh để người ta nằm ngoài khoang tàu lạnh lẽo, rét mướt.

Ăn cơm xong, ai nấy đi nằm. Họ mỏi mệt vì vật lộn cả ngày trời với sóng gió, căng thẳng vì có người chết nằm trên tàu, mỗi người ngồi mỗi góc. Riêng anh Tuy không ăn, ngồi ủ rũ. “Trăm lần ra khơi, nhưng chưa bao giờ cảm giác sự sống và cái chết mong manh đến thế”, nét trầm tư hiện rõ trên khuôn mặt người đàn ông mới 42 tuổi.

Chưa thu tôm cá, anh phải cho tàu quay về bờ, để người xấu số được đưa về quê an táng. Chuyến đi thiệt hại hơn trăm triệu đồng, vợ chồng lại tất tả đi vay lãi ngày trả tiền dầu, tiền công cho người lao động. Sau chuyến đó, bạn tàu của anh lần lượt tìm đến chủ mới, không dám đi cùng “người dám chống lại thần biển”. Họ sợ phải thế mạng cho những người anh cứu. Nghe tin đó, anh buồn bã: “Con người là vốn quý. Không thấy thì thôi, đằng này thấy chết mà nhắm mắt làm ngơ thì khác gì không có lương tâm”.

Ăn Tết xong, sáng 2/3, chuyến đi “mở hàng” năm mới của anh Tuy đúng vào hôm gió mùa, biển động dữ dội. Sẩm tối, khi vừa buông dù thì tàu anh nghe tiếng kêu cứu trên bộ đàm của anh Phạm Văn Hạnh (ngụ xã Minh Lộc, Hậu Lộc) báo tàu chìm. Chiếc tàu bị nạn cách chỗ anh khoảng 5 hải lý, trên vùng biển Đông Nam đảo Bạch Long Vĩ.

Trong khi các tàu còn ngần ngại thì anh Tuy đã nhổ neo hướng về phía tọa độ được báo. Ám ảnh chuyến đi trước, anh nhắc tất cả anh em mặc áo mưa, bằng mọi giá phải cứu được hết số người bị nạn. Sau hơn 2 tiếng vật lộn với sóng nước, họ cứu được cả 7 người. Còn một người mất tích do bị hút xuống khi tàu chìm trước đó.

Quá nửa đêm, anh đưa tất cả người vừa cứu vào bệnh viện trên đảo Bạch Long Vĩ. Chủ tàu gặp nạn là anh Hạnh khuyên người đồng hương nhổ neo đánh bắt tiếp, gỡ gạc cho anh em chút đỉnh đầu năm. Nhưng anh gạt đi, bảo: “Đói thì đói lâu rồi, tàu tôi ở đây với anh em. Khi nào làm giấy tờ xong xuôi thì cùng quay lại chỗ tàu chìm để tìm người mất tích”.

“Nếu chuyến này không mượn được tiền, có khi tôi phải bán tàu trả nợ”, anh cho hay. Ảnh: Hoàng Phương.

Anh lý giải, ngư phủ có truyền thống mỗi chuyến ra khơi, nếu chẳng may có người chết khi tàu bị chìm thì chủ tàu phải tìm cho bằng được xác người đó mang về. Chưa đi tìm mà quay về bờ thì gia đình người bị nạn sẽ kéo đến, đòi đi tìm bằng được mới chịu. Suốt 2 ngày tìm kiếm không thấy, họ đành trở về. Không cá, không mực, chỉ có gần hai chục con người kiệt sức trên tàu. Chuyến ấy cũng lỗ nặng, hơn 100 triệu đồng tiếp tục ra đi. Số tiền vay chưa trả được, giờ lại nặng gánh thêm.

Được anh Tuy cứu, người bị nạn và gia đình họ mang tiền đến cảm ơn, ngỏ ý gửi tiền xăng dầu. Anh từ chối hết, chỉ nhận cân chè, gói thuốc cho họ vui lòng. Anh tâm sự, hai lần người ta mang tiền đến là cả hai lần nước mắt người ngư phủ chảy dài. “Họ gặp nạn, mất tàu, mất người mà mình còn nhận tiền thì đâu còn đạo lý. Cầm tiền khác gì cứu người rồi được trả tiền công đâu”, anh nói.

Chị Xuyên vợ anh cho hay, thời gian này, đêm nào anh ấy cũng khóc, bảo không cứu được người bị nạn để họ trở về với vợ con. Và anh cũng ám ảnh những câu chuyện tâm linh mà các cụ trong làng vẫn kể người chết đuối là do thần biển muốn mang đi, ai cứu là chống lại. Biển sẽ không cho cá tôm hoặc sẽ phải chịu mạng đền mạng. Vậy nên nhiều ngư phủ thấy người bị nạn, sợ không dám cứu. Giờ chị Xuyên đạp xe cả ngày trời cũng không kiếm nổi một người đi tàu cùng anh, trong khi trước đó họ đổ xô đến tìm anh.

Làm bạn tàu với anh Tuy gần chục năm, anh Nguyễn Văn Thắm chia sẻ: “Đối mặt cái chết là chuyện cơm bữa của người đi biển. Nhưng nhiều bạn tàu sợ phải thế mạng cho những người anh ấy đã cứu. Tâm linh nghề sông nước nặng lắm, không bỏ được đâu”. Anh Thắm nhận xét, anh Tuy là người hiền lành, hay giúp người và đặc biệt không để người khác chịu thiệt bao giờ.

Mấy hôm nay anh Tuy đang chạy vạy khắp nơi vay tiền để tiếp tục ra khơi. “Nếu chuyến này không mượn được tiền, có khi tôi phải bán tàu trả nợ. Nhưng không đi biển thì chẳng biết làm gì cả”, vừa nói, anh vừa chực trào nước mắt.

Rảnh rỗi là anh lại ra tàu. Anh đùa, tàu mới là nhà chính, còn ngôi nhà đang ở chỉ là nhà phụ thôi. Vợ anh biết vậy nhưng cũng không buồn. Bởi chị hiểu, với người yêu biển, yêu nghề như anh thì tàu là nhà, biển là quê hương. Anh yêu biển, yêu nghề từ thuở còn là cậu bé 15 tuổi, từng nhiều lần trốn lên tàu theo người hàng xóm ra khơi. Cứ bị đuổi xuống lại trốn lên. 17 tuổi, anh đã được cầm lái tàu công suất lớn.

Hơn 20 năm bám biển, anh là ngư phủ có tiếng trong vùng. Nguồn lợi biển đã giúp anh nuôi 5 đứa con ăn học. Anh trải lòng, con trai út muốn trở thành công an chứ không thích nghề biển. Anh cũng không muốn nó nối nghiệp bởi nghề quá vất vả, mỗi lần ra khơi phải đánh cược tính mạng.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết, hành động của anh Tuy không phải ai cũng làm được. “Hiện, xã đã có văn bản báo cáo tỉnh, huyện để có nguồn hỗ trợ cho tàu anh Tuy theo nghị định Chính phủ. Tuy nhiên, số tiền đó không đáng bao nhiêu so với chi phí ngày công, tiền dầu mà anh bỏ ra”, ông Ngữ nói.

Hoàng Phương

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây