Đại hội Nhà văn: Trong đám đông chọn lấy một người

Thứ năm - 05/08/2010 13:53 3.571 0

Nhà thơ - nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát

Nhà thơ - nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát
Hy vọng đại hội sẽ lựa chọn được người đúng với tâm thế của mình và đúng với giai đoạn cần "xông pha" trong 5 năm tới của văn học nước nhà.

Trước khi diễn ra Đại hội Nhà văn khoảng 2, 3 tháng trở lại đây, không khí trong văn giới càng ngày càng nóng lên với nhiều bài phát biểu trên báo, trên mạng với nhiều cách nhìn nhận, góp ý khác nhau. Có người nói dịu dàng, nhẹ nhàng dễ nghe, có người thẳng tính, bộc trực... Nhưng tựu trung đều xuất phát từ việc mong muốn sau mỗi kỳ đại hội- Hội Nhà văn sẽ đổi mới với những hoạt động thiết thực, hữu ích hơn nhằm thúc đẩy được nhiều sáng tạo mới và hay trong văn học.

Anh nào biết anh nấy?

Không ngoài mong muốn đó, xin được "bàn góp" đôi điều. Dù người viết bài này nằm trong danh sách được Đại hội Nhà văn các cơ quan T.Ư  đề cử, nhưng sẽ xin rút bởi bận việc bên Hội Điện ảnh. Sở dĩ tôi phải nói ra như vậy để mong bạn đọc thấy những ý kiến dưới đây hoàn toàn vô tư và chỉ vì việc chung.

Mỗi nhiệm kỳ hoạt động của một Ban Chấp hành là 5 năm. Công bằng mà nói, 5 năm qua với những việc mà BCH Hội Nhà văn đã làm được là không ít. Chỉ xin nói một vài ví dụ. Riêng việc tạo được sân chơi cho Ngày Thơ VN vào dịp Nguyên tiêu là một việc làm hay, đã tạo thành tiền lệ thú vị cho các nhà thơ và những người yêu thơ nườm nượp đến Văn Miếu nghe đọc thơ và...xem trình diễn thơ.

Cho đến nay, Ngày thơ VN dường như đã thành Lễ hội thơ thì đúng hơn. Đủ mặt anh tài tên tuổi nổi như cồn từ  trẻ đến già, đủ mặt quan chức từ cao tới thấp- những người nặng lòng với văn chương cũng không thể vắng mặt vào những dịp này. Và hơn thế, Ngày thơ VN còn có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.

Chỉ có điều nội dung của Ngày thơ làm sao cho phong phú và hấp dẫn hơn. Ban tuyển chọn những câu thơ hay để thả lên trời phải chọn được những câu thơ hay thật chứ không thể chọn những câu thơ làng nhàng thả lên, trời không nhận, lại trả về thì buồn!

Việc tạo được Hội nghị quảng bá văn học VN ra thế giới cũng vậy. Ý tưởng thì rất tốt, cách tổ chức công phu, tốn kém nhưng hiệu quả xem ra còn nhẹ. Thử hỏi sau hội nghị này cho đến nay, đã có bao nhiêu đầu sách của các nhà văn VN được các bạn bè quốc tế sang tham dự quan tâm, hứa hẹn đã và đang dịch sang tiếng nước họ?

Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: HV
Ban tổ chức phải chú trọng đến những vùng ngôn ngữ mà thế giới thường dùng nhất để tiếp cận như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và thêm tiếng Trung nữa. Nhiều nhà văn VN rất giỏi các thứ tiếng này và mỗi người cũng đều có những vùng ảnh hưởng của mình với bạn bè quốc tế, sao không thấy Hội Nhà văn tận dụng họ cho việc giao tiếp, dịch thuật và quảng bá?

Việc sáng kiến ra Giải thưởng văn học Mekong thường niên cũng rất tốt, nhằm thắt chặt tình văn hữu 3 nước Đông Dương, tạo điều kiện cho các nhà văn có dịp sang thăm đất nước của nhau là rất quí. Nhưng chỉ có thế thôi mà không tận dụng việc dịch những tác phẩm được giải sang ngôn ngữ của nhau để đọc, thì cái hay đó cũng chỉ dừng ở chỗ anh nào biết anh nấy. Việc chấm giải cũng có nhiều bàn cãi. Ở các nước Lào và Campuchia không nhất thiết phải viết về VN mới được giải trong khi đó ở VN thì lại phải viết về họ thì mới đủ tiêu chuẩn xét giải(?)

Chỉ 3 ví dụ trên cho thấy tất cả những ý tưởng quảng bá hoạt động văn học trong và ngoài nước dường như mới chỉ ở bề nổi mà chưa có bề sâu. Mới chỉ ở động tác sới lên những hoạt động đó cho có chứ chưa đạt được những hiệu quả như mong muốn.

Đừng sợ tác phẩm gai góc, xù xì

Về đầu tư sáng tác cũng vậy. Cũng vẫn còn là đầu tư ở diện đại trà, người nhiều người ít ai cũng được nên vui vẻ cả, mà chưa tính đến đầu tư có trọng điểm, đầu tư chiều sâu theo kiểu "chọn mặt gửi vàng", "trông mặt đặt tên", "trong đám đông chọn lấy một người", để mong có được những tác phẩm lớn.

Muốn được vậy, Hội cần mạnh dạn và nghe ngóng, nhìn nhận trong giới cầm bút có ai đang "thai nghén" cái gì đó để tạo điều kiện cho họ, đầu tư cho họ "ra tấm ra món" bằng nguồn tiền mà Nhà nước hàng năm vẫn đầu tư. Chỉ cần trong một nhiệm kỳ ra được dăm bảy cuốn tiểu thuyết có tiếng vang 10, 15 cái truyện ngắn, vài chục bài thơ hay, gây xôn xao dư luận hoặc phát hiện ra một số cây bút với những tác phẩm trẻ trung tươi rói là khởi sắc rồi.

Trên "cánh đồng bất tận" của văn chương mà nổi lên được vậy cũng có thể coi là "lãi". Muốn vậy, Hội cần tập trung cho những hoạt động nhằm tạo  những cú hích để ra được những sản phẩm chuyên nghiệp, đỉnh cao. Và điều quan trọng là đừng sợ tác phẩm đó gai góc, đừng sợ nó xù xì ...

Cuộc sống vốn dữ dội và đa dạng thì tác phẩm phản ánh nó cũng không thể hiền lành và tròn vo được. Chỉ ra tận cùng cái xấu chính là làm cho cuộc sống ngày một đẹp lên.

Trong nhiều năm nay giới văn học nghệ thuật viết một cuốn  sách hay làm một bộ phim, dựng một vở diễn đa phần đều nhằm vào phục vụ những ngày lễ lớn. Ngoài việc để kỷ niệm ra còn là sự "dựa hơi" vào đó mới có nguồn ngân sách được đầu tư. Điều này có mặt tốt là có sản phẩm nhưng cạnh đó không tránh khỏi sự phản ánh một chiều theo hướng chủ đạo là "tụng ca".

Giá việc viết sách, dựng kịch và sản xuất phim sang các đề tài và lĩnh vực đời thường khác mà cũng được đầu tư chăm chút như thế thì chắc sẽ có những tác phấm tốt? Đành rằng nhu cầu viết của nhà văn không phải bao giờ cũng phụ thuộc vào điều này.

Tuy vậy, theo thiển nghĩ của tôi, việc đặt hàng và giao đề tài không hoàn toàn đồng nghĩa với sự áp đặt, mất tự do. Trong sự "ràng buộc ít êm dịu" này nhà văn vẫn có những khoảng trời riêng của mình để sáng tạo. Nhà văn cần biết nắm lấy mọi cơ hội thuận tiện để làm tốt việc của mình là viết ra được những tác phẩm gây xúc động lòng người, đánh thức được lòng người trước cái đẹp của cuộc sống.

Trong đám đông chọn lấy một người

Ai đó nói đại ý, chọn ra được một chủ tịch giỏi tốt hơn chọn ra một BCH đẹp là rất chính xác. Nếu một dàn nhạc chơi tốt mà không có anh chỉ huy giỏi thì sẽ mỗi người chơi một kiểu, ai cũng tự do khoe cái giỏi của mình thì dàn nhạc đó sẽ đi đến đâu và sẽ như thế nào? Vì thế tìm được người đứng đầu giỏi (có tâm, có tầm, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm) là rất tốt. Các cụ bảo "một người lo bằng kho người làm" là vậy.

Có vị có tầm nhưng ngại hoạt động, cũng hỏng. Có vị có tâm nhưng tài thao lược kém cũng không được. Có vị viết tốt, viết hay nhưng không biết làm quản lý cũng hỏng nốt. Vì thế, đừng nghĩ rằng làm chủ tịch Hội Nhà văn dễ ợt, ai chả làm được!

Sự đời người làm và làm nhiều tất sẽ va chạm nhiều. Không làm thì chả va chạm với ai, nhiều khi lại được tín nhiệm. Người đời vốn thích kẻ nhu mì hiền lành ngồi vào vị trí chủ chứ không mấy thích người sắc sảo hoạt ngôn. Kẻ viết bài này đã được tham dự rất nhiều lần bầu bán (hội hè có, đề bạt có) trong đời và thấy không ít lần cấp trên (người quyết định) và người đi bầu chọn anh chuyên môn, uy tín thì thường thôi nhưng được cái nhu mì, hiền lành dễ bảo để giữ hòa khí.

Hy vọng bây giờ sinh hoạt dân chủ hơn, đại hội sẽ lựa chọn được người đúng với tâm thế của mình và đúng với giai đoạn cần "xông pha" trong 5 năm tới của văn học nước nhà. Không nhất thiết người giữ vai trò Chủ tịch Hội chỉ được "gói gọn" trong 1, 2 nhiệm kỳ( trừ phi người đó không muốn làm nữa). BCH cũng không nhất thiết phải dàn thành mặt trận để phân bổ vùng miền, giới tính. Đã công bằng dân chủ thì cứ công bằng dân chủ mà làm. Không cần ưu tiên, ưu đãi.

Ví dụ (chỉ là ví dụ thôi, chứ rất mong nhiều chị em giỏi sẽ được bầu "một phát" trúng ngay BCH), như thấy BCH chưa có nữ, thế là cố "bầu vớt "cho được một nữ để sau phụ trách Ban Nhà văn nữ chẳng hạn. Hoạt động của Ban này xưa nay chủ yếu tập trung vào việc 1 năm 2 lần gặp mặt vào dịp 8-3 và 20-10 và thỉnh thoảng có cuộc du lịch hay giao lưu đâu đó, Hội cho một ít tiền, còn thì chị em đóng góp và cũng chỉ một số các chị em ở quanh Hà Nội có thể tham gia.

Nếu một dàn nhạc chơi tốt mà không có anh chỉ huy giỏi thì sẽ mỗi người chơi một kiểu, ai cũng tự do khoe cái giỏi của mình thì dàn nhạc đó sẽ đi đến đâu và sẽ như thế nào? Ảnh minh họa

Không ít nhiệm kỳ người phụ trách Ban Nhà văn nữ chả hoạt động được gì nhiều. Lỗi không phải tại họ mà vì các chị ấy không sinh sống ở Hà Nội, lại chỉ là ủy viên BCH  không ăn lương, không ngồi hàng ngày tại đại bản doanh, thế thì có tài thánh cũng không hoạt động được.

Hoặc ví dụ (cũng chỉ là ví dụ thôi) như cần một nhà văn dân tộc chẳng hạn, thế là cố bầu lấy một bác cho dù bác ấy ở tít "Mù Cang Chải", 1 năm xuống Thủ đô họp một vài lần. Như vậy, dù bác ấy có muốn làm bao nhiêu điều tốt lành cho Hội cũng khó mà làm được. Mà điệu bác ấy về Hội ngồi làm việc thì lại phải xếp nhà, xếp chỗ ở cho bác và gia đình bác ấy nữa thì cũng mệt và tốn kém lắm.

Ngân sách hàng năm cho hoạt động sự nghiệp của các Hội VHNT không nhiều, mà chi phí cho đi lại ăn ở của các ủy viên BCH ở xa cũng không phải là ít nếu Hội nào chăm họp và chăm làm. Đó là một thực tế chứ không hề có tính phân biệt đối xử gì.

Nếu đại hội vẫn bầu bán mang tính chất "mặt trận", các bác, các chị vẫn trúng thì BCH phải lo, phải tính đến điều sẽ xảy ra như đã xảy ra ở các nhiệm kỳ trước, để làm sao tạo điều kiện cho các bác, các chị làm được nhiều việc cho Hội hơn. Vào BCH là để gánh vác công việc Hội chứ không phải là chỉ để lấy oai.

Cũng nên chấm dứt tình trạng "vào cho vui", vào để mỗi năm ra Hà Nội chơi một vài lần, gặp gỡ bạn bè hỉ hả không mất tiền, bao việc đổ lên vai người ngồi ở nhiệm sở, mà khi cần quyết điều gì lại phải gọi điện trao đổi bàn bạc hỏi ý kiến để cho có vẻ "dân chủ, đồng thuận và đồng lòng". Chao ôi là mệt nhọc và trách nhiệm thật nặng nề với những ai "chẳng may" sẽ trúng vào BCH kỳ này.

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Ngát

Nguồn tin: TuanVietNam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây