Nguyễn Nhật Ánh: 'Có những nẻo đường tôi chưa đặt chân tới'

Thứ hai - 18/06/2012 05:26 4.669 0

Nguyễn Nhật Ánh và họa sĩ Đỗ Hoàng Tường trong quá trình thực hiện cuốn "Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ".

Nguyễn Nhật Ánh và họa sĩ Đỗ Hoàng Tường trong quá trình thực hiện cuốn "Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ".
Với nhà văn nổi tiếng, mỗi sáng tác là một hành trình khám phá mảnh đất mới của cảm xúc và sáng tạo. Anh không chấp nhận giậm chân tại chỗ khi sáng tác truyện cho thiếu nhi.

- Từ ý tưởng nào anh bắt tay thực hiện cuốn “Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ”?

- Trước đây tôi từng viết một cuốn sách về các chú cún. Đó là tác phẩm Tôi là Bêtô. Bây giờ tôi muốn viết một cuốn về mèo và chuột. Truyện về các con vật là một thể loại gần gũi với trẻ em. Tôi muốn thử hâm nóng thể loại vốn đang nguội lạnh này theo cách của tôi.

- Anh và họa sĩ Đỗ Hoàng Tường đã kết hợp với nhau thế nào để thực hiện tác phẩm mới này?

- Như các tác phẩm trước đây, khi hoàn thành bản thảo, tôi và Đỗ Hoàng Tường bao giờ cũng ngồi lại với nhau vài buổi. Lúc đó, tôi chỉ nói với anh ý định của tôi khi viết cuốn sách, cũng như mong muốn hình thức của cuốn sách sẽ mang phong cách gì. Còn thể hiện như thế nào là tùy anh, tùy cảm hứng của anh sau khi đọc bản thảo.

Cả hai đều tôn trọng tự do sáng tạo của nhau. Tất nhiên cũng có lúc có độ chênh giữa cách hiểu một chi tiết trong truyện, nhưng chúng tôi vượt qua trở ngại này rất nhanh. Những chuyện vui vui giữa tôi và Tường thì có nhiều. Chỉ với cuốn này thôi, tôi và anh đã tranh luận sùi bọt mép về những chi tiết rất nhỏ (mà không nhỏ): Khi lười nhác thì loài mèo nằm nghiêng hay nằm ngửa? Chuột có thể nằm khoanh tròn như chó và mèo hay không? Mèo tam thể là mèo cái hay mèo đực?

- Anh nhận xét gì về vai trò của họa sĩ này trong tác phẩm mới của mình?

- Đỗ Hoàng Tường không đơn giản là người vẽ minh họa. Với tôi, anh là một nghệ sĩ sáng tạo, đồng thời là một người đọc tinh tế, sắc sảo. Nếu cần, anh không ngại ngần phản biện về ý đồ thể hiện mà đôi khi còn góp ý cho tôi về các chi tiết trong truyện.

- Làm việc với Đỗ Hoàng Tường từ năm 1985 đến nay, giữa anh và họa sĩ này có mối duyên như thế nào trong công việc và cuộc sống?

- Tôi và anh ấy cộng tác với nhau từ rất lâu rồi. Tác phẩm văn xuôi đầu tay của tôi - tập truyện ngắn Cú phạt đền do NXB Kim Đồng in năm 1985, chính là do Đỗ Hoàng Tường vẽ bìa và minh họa. Từ đó đến nay, chúng tôi luôn song hành với nhau, vất vả nhất là lúc thực hiện hai bộ truyện dài hơi Kính vạn hoa (kéo dài trong 7 năm) và Chuyện xứ Lang Biang (kéo dài trong 4 năm).

Không ít lần cả hai đều bị stress khi cố gắng đảm bảo tiến độ hai bộ truyện ra định kỳ này. Trong công việc, đó là sự cộng tác giữa một nhà văn và một họa sĩ. Ngoài đời chúng tôi là bạn thân. Nếu không phải là bạn, chắc Đỗ Hoàng Tường không “chịu cực” với tôi cho đến tận bây giờ.

Còn chuyện này nữa, cũng gọi là cái duyên. Tôi chơi với Tường rất lâu mới phát hiện anh là người Quảng Nam, đồng hương với tôi (vì giọng của anh nghe nhẹ tênh như giọng Sài Gòn, không đậm mùi “nước mắm Nam Ô” như tôi). Thời gian sau nữa, tôi bất ngờ phát hiện em trai anh là bạn thân của em trai tôi, cả hai cùng làm việc chung với nhau bên Mỹ. Thêm một thời gian, tôi lại té ngửa khi biết trước đây ba anh là… bạn của ba tôi! Chính Tường cũng không biết những chuyện đó. Hóa ra “cả nhà là bạn”!

- Vì sợ mình cũ và bị lãng quên nên Nguyễn Nhật Ánh luôn cố gắng làm mới mình. Anh nghĩ sao về nhận xét này?

- Cố gắng làm mới mình là nhu cầu, là ước muốn, là ý thức của bất cứ nhà văn nào say mê sáng tạo. Một cuốn sách vừa viết xong chưa ráo mực, đối với tôi đã là “cũ”. Những tác phẩm gần đây, tôi luôn tìm cách viết mới hơn so với chính mình - thành công hay không, hay thành công tới đâu là chuyện khác . Đó là chọn lựa có ý thức, do đòi hỏi của khát vọng sáng tạo.

Viết như phong cách trước đây thì an toàn hơn, đảm bảo được sức hút của tác phẩm, vì độc giả của tôi đã yêu thích tôi qua cách viết đó và đa số đều muốn tôi viết những tác phẩm như Mắt biếc, Còn chút gì để nhớ… Chính chọn cách viết mới mới dễ bị lãng quên, nếu nó thất bại. Đó là việc mạo hiểm, nhưng như đã nói, tôi thích sự thử thách.

 

Nguyễn Nhật Ánh và Đỗ Hoàng Tường là hai người bạn thân từ lâu.

- Vì sao khi tuổi đời càng cao, anh lại càng có xu hướng trẻ hóa ý tưởng viết lách và ngòi bút của mình?

- Trước đây, thích gì tôi viết nấy. Bây giờ, tôi viết có ý thức hơn. Khi viết Đảo mộng mơ, tôi nghĩ đến các độc giả lứa tuổi lên mười, vì sách cho nhi đồng hiện nay rất hiếm. Cũng vậy, tôi viết Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ là muốn thử chọn cho mình một cách tiếp cận mới với thể loại truyện đồng thoại. Biết đâu, mai mốt tôi sẽ viết truyện thần tiên, truyện phiêu lưu. Truyện pháp thuật thì tôi đã có Chuyện xứ Lang Biang. Văn học dành cho thiếu nhi còn biết bao nẻo đường mà tôi chưa đặt chân lên. Con đường sáng tạo là con đường không có điểm dừng, càng đi càng hiếu kỳ, càng muốn khám phá, càng muốn thử sức…

- Người viết văn đã cô độc trong thế giới sáng tạo của mình, nhưng người sáng tác cho thiếu nhi ở Việt Nam lại càng cô độc hơn. Vì sao vậy?

- Tôi nghĩ dù sao đó cũng là sự lựa chọn. Giống như đã chọn uống cà phê thay vì Coca Cola, anh phải chấp nhận bị đắng miệng. Chẳng ai sống thay mình và quyết định thay mình trong cuộc đời. Cái nuôi dưỡng sự gắn bó giữa nhà văn với con chữ chính là lòng yêu nghề - mà không cần biết nghề có yêu lại mình hay không. Đó là loại tình yêu vô điều kiện, nhiều khi đơn phương. Và xét ở khía cạnh nào đó, sư cô độc đó - hay tình yêu đó - là đáng kính trọng.

- Vừa qua anh có mở tiệm sách Kính Vạn Hoa. Tiệm sách này có ý nghĩa như thế nào với anh?

- Từ bé tôi đã thích mở tiệm sách. Có lẽ vì tôi thích đọc sách nhưng sinh ra và lớn lên ở một nơi quá hiếm sách. Hồi đó, mỗi lần ba tôi, chú tôi, dì tôi đi thành phố, hỏi tôi muốn mua quà gì, bao giờ tôi cũng là trả lời là “sách”. Thậm chí, tôi thường xuyên mơ những giấc mơ trong đó tôi được người ta tặng sách hoặc được ba tôi dắt đi hiệu sách. Lớn lên tôi trở thành nhà văn, bây giờ lại có điều kiện mở tiệm sách để thỏa mãn ước mơ thời thơ ấu, vừa được nhìn thấy sách của mình bày bán trong tiệm sách của mình, thật là thích.

Tác phẩm mới của nhà văn thiếu nhi chưa ra mắt đã gây sốt với bạn đọc.

- Tiệm sách này được vận hành như thế nào?

- Tiệm sách chỉ bán sách văn học trong và ngoài nước, và chia thành nhiều ngăn: thiếu nhi, lãng mạn, kinh điển, đương đại, giả tưởng, trinh thám, hồi ký, thơ... Bên cạnh đó, nơi này còn bán các sản phẩm lấy ý tưởng từ sách Nguyễn Nhật Ánh như ống kính vạn hoa, các loại áo thun in tranh minh họa, các postcard và thiệp tặng in thơ.

Ngoài ra, những tác phẩm của tôi đã được dịch sang tiếng nước ngoài như Mắt biếc bản tiếng Nhật hay Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ bản tiếng Thái Lan cũng được bày bán ở đây. Tôi vừa khai trương Câu lạc bộ Đọc sách tại nơi này. Đây giống như một kiểu thư viện bỏ túi có thu lệ phí giống như các thư viện khác, để đáp ứng nhu cầu đọc của các đối tượng không có nhiều tiền để mua sách.

Qua CLB, tôi cũng muốn giới thiệu những cuốn sách mà tôi thích và muốn chia sẻ với bạn đọc, như: Bác sĩ Zivago, Cuốn theo chiều gió,Trăm năm cô đơn, Bắt trẻ đồng xanh, Cuộc đời của Pi, Alexis Zorba...

- Con gái của anh giúp anh như thế nào trong chuyện viết lách và điều hành công việc?

- Trong chuyện viết lách, con gái tôi là người đọc bản thảo của tôi đầu tiên và đưa ra những nhận xét. Còn về tiệm sách, những ngày cuối tuần và thời gian rảnh sau giờ hành chính, cháu giúp tôi điều hành công việc và đề xuất những ý tưởng. Cháu học về lĩnh vực Sách và Xuất bản ở Pháp nên rất phù hợp với những việc này.

- Gần đây anh đọc gì?

- Thời gian này tôi đang giúp CLB Đọc sách Kính Vạn Hoa xây dựng tủ sách nên lục lọi và đọc lại những tác phẩm cũ: Hoàng tử bé, Ông già và biển cả, Đồi gió hú, Của chuột và người, Miếng da lừa, Chuông nguyện hồn ai, Thư gửi người đàn bà không quen… Đại loại vậy!

- Anh quan tâm đến vấn đề thời sự nào nhất hiện nay?

- Có quá nhiều thứ để quan tâm trong những ngày này, nhưng có hai chuyện lớn đối với bất cứ một công dân nào: Chủ quyền biển đảo, tình hình căng thẳng trên biển Đông và những vấn đề về đất đai, những khiếu kiện triền miên, những câu hỏi lớn: nông dân sẽ đi về đâu khi mất đất. Thái độ vô cảm và cách hành xử bạo lực giữa người và người cũng là vấn đề khiến tôi bị ám ảnh.

- Gần đây, sự báo động về văn hóa đọc, nhất là của người trẻ, vẫn chưa cải thiện được. Anh có trăn trở gì về vấn đề đã cũ nhưng chưa được làm mới này?

- “Kêu ca về văn hóa đọc” là lời kêu ca mang tính toàn cầu chứ không riêng ở Việt Nam, đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin và các phương tiện giải trí tối tân, hấp dẫn đang tràn ngập vào từng ngõ ngách. Mỹ và châu Âu người ta cũng than vãn không ngớt về vấn đề này.

Năm ngoái, tôi qua Thái Lan ra mắt sách, gặp gỡ khá nhiều báo đài của bạn, đến đâu người ta cũng ca cẩm “Giới trẻ Thái Lan bây giờ lười đọc quá! Anh có “chiêu” nào “mách nước” cho chúng tôi với?”. Do đó, chúng ta phải có một cái nhìn bình tĩnh. Tất nhiên, để sự đọc trong thanh thiếu niên phát triển, phải có sự góp sức từ nhiều phía. Trước tiên môn văn trong nhà trường phải hay, phải hấp dẫn. Rồi bố mẹ phải làm gương. Rồi trách nhiệm của các nhà xuất bản, các tổ chức xã hội, các nhà văn…

- Ngoài viết lách, sáng tác và ngồi quán Đo Đo đối ẩm với bạn bè, anh còn thú vui nào khác?

- Tôi rất thích cây xanh, rất thích vườn. Nhưng suốt đời tôi ở chung cư nên đành mua vài chậu hoa về để ngoài hành lang, viết lách mệt mỏi thì ngồi ngắm hoa lá cho đầu óc thư thái. Tôi từng viết một tập Kính vạn hoa có tên Khu vườn trên máinhà để ghi lại kỷ niệm này. Tôi cũng thích bày trong phòng viết đồ chơi của tuổi thơ, những con thú thủy tinh, những con giống bằng bột, chiếc kèn hơi, cái chuông gió… Thú vui của tôi chỉ có vậy, nếu có thể gọi đó là thú vui.

- Sau “Có hai con mèo bên cửa sổ” anh sẽ tiếp tục viết gì?

- Có ba người biết điều này, nhưng rất tiếc tôi không biết ba người đó là ai! (cười).

Tác giả: Thanh Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây