Nguyễn Hữu Hồng Minh: Văn chương chữa bệnh 'điên' cho tôi

Thứ tư - 03/08/2011 07:09 3.710 0

Tác giả Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Tác giả Nguyễn Hữu Hồng Minh.
Tác giả 'Chất trụ' vốn sinh ra trong gia đình có nhiều người bên họ ngoại mắc bệnh tâm thần. Bản thân anh từng bị gọi là 'điên'. Nhưng tình yêu văn chương, đam mê viết lách vực Nguyễn Hữu Hồng Minh dậy sau những cơn trầm uất.

- Vừa ra mắt tập truyện ngắn "Ổ thiên đường", anh cảm thấy thế nào?

- Đây là tập truyện rất quan trọng với tôi. Nó là thành quả của quá trình dài 20 năm. Vì nhiều lý do, tập sách đã bị từ chối ở một số nhà xuất bản. Hoặc tôi được yêu cầu phải bỏ bớt đi ít nhất một phần ba. Cho đến khi nó được mua bản quyền xuất bản, tôi vẫn ngỡ đang ở… trong mơ! Khi Ổ thiên đường ra mắt bạn đọc, tôi cảm thấy mình trút được gánh nặng.

Cuốn sách gồm 17 truyện ngắn, 17 truyện cực ngắn và 2 truyện vừa thể nghiệm, dò tìm phong cách viết hậu hiện đại. Nội dung bao quát nhiều vấn đề xã hội, chính trị, đời sống các thị dân trôi dạt về đô thị lớn, cuộc sống bấp bênh người dân nghèo, sự phá sản của niềm tin… Và nhất là thân phận, vị trí của người trí thức, người nghệ sĩ.

- Vốn được biết đến là một nhà thơ, nhưng lâu rồi anh không ra tập thơ mà lại xuất bản truyện ngắn, vì sao thế?

- Tôi vẫn sáng tạo nhọc nhằn với thi ca, viết tiểu luận, ca khúc và làm báo. Làm nghệ thuật khó ai có thể tách bạch sẽ làm cái gì trong giai đoạn nào. Tôi luôn viết cái gì mà tôi đang thấy thích.

Anh nghĩ sao nếu có người cho rằng, nhà thơ quay sang viết truyện vì làm thơ nhuận bút không nhiều, thơ bán cũng hiếm người mua?

- Truyện có nhuận bút cao hơn thơ, và sách văn xuôi thì bán được hơn thơ, đó là một thực tế. Nhưng tôi viết truyện ngắn không hẳn vì thúc bách để kiếm sống. Viết văn xuôi với tôi là một khổ hình, nhưng là một cách hiệu nghiệm để tôi giải phẫu bản thân.

- Sáng tạo thơ và truyện ngắn, với anh, quá trình nào khó khăn hơn?

- Làm thơ bằng năng lực, sự vọt trào, chấn động của cảm xúc. Viết văn bằng kinh nghiệm, những bài học rút tỉa từ máu thịt cuộc sống. Nếu chỉ so độ dài thì viết văn lâu hơn, đau đớn, nhọc nhằn, mệt mỏi. Đôi khi, tôi tự hỏi mình hành hạ bản thân, mệt mỏi như thế để làm gì? Nhưng thật khó trả lời thấu đáo. Người sáng tạo luôn bị hút vào một lực hấp dẫn ma quái nào đó mà không thể hiểu nổi.

Viết truyện ngắn đòi hỏi nhà văn phải có nội lực. Từ năm lớp 11, dù sống chưa nhiều, với thời thơ ấu khá gian khổ, nghèo khó, tôi cũng tập tành viết và có cả truyện đoạt giải thưởng. Nhưng sau những giải thưởng văn xuôi, tôi viết rải rác truyện ngắn trong tâm trạng chán, rất mệt và nhọc nhằn. Sau này, khi có độ lắng thật sự, tôi viết lại.

- Với "Ổ thiên đường", có truyện anh viết theo lối hậu hiện đại, một cách viết kén độc giả ở Việt Nam hiện nay. Anh nghĩ sao nếu điều này giới hạn bạn đọc đến với tác phẩm của anh?

- Tôi cũng cho rằng tập này không nhiều độc giả, nhưng những độc giả quan trọng sẽ chọn đọc nó, nhất là những ai quan tâm đến nghệ thuật viết truyện ngắn.

Bìa cuốn "Ổ thiên đường".

Nhận xét về văn xuôi của anh, nhà văn Lưu Sơn Minh có dùng đến chữ "bẩn thỉu". Anh nghĩ sao?

- Móc cống, làm hầm cầu, gác tử thi... là công việc bẩn thỉu nhưng vẫn phải có người làm.

Nhà văn cũng thế thôi. Có người chọn cái thanh cao để viết, có người chọn cô gái điếm để làm đề tài, quan trọng là họ viết với mục đích gì. Đó là đời sống. Cần phân biệt là họ viết về đối tượng bẩn thỉu hay là chính ngòi bút của họ bẩn thỉu. Nếu văn chương giải phẫu được sự bẩn thỉu thì đó là thành công, không phải là vấn đề thanh cao hay bẩn thỉu ở đây.

Tôi vẫn nghĩ rằng có một bộ phận nhà văn còn tư duy "salon". Cách suy nghĩ của họ chưa gần với đời sống.

- Tác giả gần đây nhất anh đọc là ai?

- Tôi đọc một tuyển tập viết Luis Borges viết trước khi mất, Đi tìm sự thật biết cười của Umberto Eco, Không tưởng và thức tỉnh của Claudio Magris, Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino. Văn chương châu Âu vẫn làm kinh ngạc và hấp dẫn tôi. Sự thông tuệ. Cái chết. Bóng râm minh triết. Sự bẽ bàng cùng khốn của một kiếp người. Sự phá sản của đạo đức và khoa học… Những vấn đề đó luôn đẩy người đọc đến độ phá sản tư duy nhận thức. Không đủ để lôi cuốn hay sao?

- Tại sao chỉ văn học nước ngoài?

- Trong nước gần đây không có nhiều tác phẩm đáng để đọc. Còn những người tôi thật sự muốn tìm đọc như: Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Huy Thiệp... là một thời đã xa.

Nói đúng ra, tôi đọc khá nhiều văn trong nước, nhưng nó không làm mình vỡ ra cái gì nên mình không nhớ. Tôi chỉ nhớ những ai tôi đánh giá cao. Người đọc văn học Việt Nam thực thụ hiện nay sẽ cảm thấy cô đơn và buồn chán vì không có nhiều cái đáng để đọc.

À, gần đây tôi có đọc một vài truyện của Trần Nhã Thụy, như truyệnNhững kẻ câu đêm khiến tôi rất thích. Truyện ngắn Việt Nam ít có kiểu tư duy như vậy.

Nếu độc giả cũng giữ quan niệm như anh, rằng: "văn học Việt Nam hiện nay không có gì đáng đọc" và họ từ chối đến với cuốn sách của anh, anh cảm thấy thế nào?

- Tôi nghĩ ít ra cũng sẽ có những người kiên nhẫn để đọc tôi, cũng như tôi kiên nhẫn để đọc người khác. Còn việc sau đó họ có ấn tượng, có nhớ cuốn sách tôi viết không nằm ngoài dự tính của tôi.

- Hiện tại, vấn đề thời sự xã hội mà anh quan tâm nhất?

- Tôi chỉ quan tâm đến các vấn đề về con người.

- Với anh, viết lách mang ý nghĩa như thế nào?

- Văn chương vực tôi dậy trong những lúc tôi bị trầm uất.

Dòng họ bên ngoại mẹ tôi vốn làm quan lại thời nhà Nguyễn. Nhưng dòng họ này cũng có một điềm lạ: tất cả phụ nữ đều bị những chứng bệnh khó giải thích, mơ tỉnh bất thường và thường rất bạc mệnh. Các dì và mẹ tôi cũng không tránh khỏi những chuyện kỳ bí khó giải thích đó.

Mẹ tôi, sau năm 1975, cũng đã bệnh tâm thần rất nặng. Giờ bà mất rồi. Tôi cũng có một thời gian sống phiên dạt lang thang mà bạn bè vẫn nói là "điên". Ngày trước, bố tôi cũng thường hay than phiền tại sao con cái lại vướng vào nghiệp văn chương làm gì để quá khổ nhọc như vậy.

Một lần, tôi đi uống cà phê với nhà thơ Đỗ Nghê, tức bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, một người quen thân của gia đình. Nghe tôi kể chuyện đó, bác Ngọc chỉnh lại: "Thực ra bố cháu phải nghĩ ngược lại mới đúng. Theo nghiên cứu của bác về vấn đề này, cháu viết văn là một điềm may mắn. Bởi nếu quả thật trong dòng họ có những chuyện như vậy thì theo nghiệp văn, viết được thơ là giải phẫu được tâm hồn. Những phiền trược, u ám theo ngòi bút mà ra khỏi…". Tôi nghiệm ra điều này rất đúng.

- Nếu có thể trở thành một nhà văn nổi tiếng, anh chọn ai?

- Tôi có thể chọn trở thành cả hai không? Tôi muốn vừa là Kafka vừa là Luis Borges. Tôi thích chất kỳ bí, ma quái hấp dẫn khó lý giải của Kafka cũng như vẻ triết luận, thông tuệ, đầy tính thơ ca của Borges.

Tác giả: Anh Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây