Gió thu

Thứ tư - 09/01/2013 11:02 5.148 0
Duy báo sẽ ra Hà Nội vào tuần sau, đúng dịp mùa thu. “Sẽ mặc áo xanh nhé. Màu áo xanh là màu anh trót yêu mà”. Thảo hơi buồn cười, sến đâu sến thế.

Đầu đuôi câu chuyện là từ một comment - bình luận của Duy trong bài tản mạn của Thảo về nhạc tiền chiến. Bài của Thảo sụt sùi lãng mạn nhưng đầy cái sai về thời gian của các bài hát. Duy là người đã chỉ ra những chỗ đó, một giọng điệu dí dỏm, không làm Thảo bực, và không chỉ mình cô, dễ đến chục người bấm bút “like” thích comment này.

Sau vài comment khác qua lại như có ý đợi nhau, hai người nhảy ra chat riêng. Thảo chăm vào facebook có lẽ chỉ vì Duy. Duy dường như thuộc tất cả các bài hát tiền chiến, nhạc sĩ nào viết bao nhiêu bài, ca sĩ nào hát hay nhất bản nào, anh đều nắm được như rành một pho sử. Còn trên trang của Duy, Thảo cũng chỉ thấy rất ít thông tin về anh, ngoài những tấm ảnh phong cảnh vắng người và những bài viết thưa thớt. Chủ yếu anh comment là nhiều, đến mức đăng gì lên, Thảo cũng ngóng xem có Duy vào bình luận chưa.

Hà Nội thì Duy đã đi nhiều lần. “Nhưng đi chơi với Thảo thì khác”. Và nhất là Duy muốn đến thăm Hà Sĩ Quân. Không hiểu anh mò mẫm ở đâu ra được địa chỉ của ông này, chắc còn sống cũng phải già lắm rồi. Những bài hát của ông, Thảo cũng chẳng thuộc hết. Hà Sĩ Quân không phải là một tên tuổi nổi bật, nhưng có mấy bài cũng đẹp. Vả lại theo ý Duy, đến thăm một nghệ sĩ xưa cũng là một cách yêu Hà Nội. Tất nhiên là một Hà Nội mông lung huyền ảo nào đấy mà Thảo thấy chủ yếu qua những dòng đắm đuối cảm nhận của Duy.

Rồi cái ngày hẹn gặp ngoài đời cũng đến.

Duy tầm bốn mươi tuổi, có cái lịch sự ngọt ngào của người Sài Gòn và sự khéo léo bặt thiệp của người đàn ông từng trải. Anh mang cho Thảo một xấp đĩa nhạc tiền chiến. “Thế hệ anh mê Thái Thanh, Khánh Ly lắm. Nghe mà mê Hà Nội, mê miền Bắc”. Duy ra Hà Nội lần đầu tiên cách đây mười mấy năm. Nhìn cái gì cũng ra màu cổ tích. Những mái nhà nâu trầm. Những bờ tường vàng màu ngày cũ. Những gốc cây sần sùi thời gian. Nhìn đâu cũng thấy cảnh trong Thơ Mới Xuân Diệu Huy Cận. Thấy Mai Thảo, Nguyễn Đình Toàn. Đi như kiểm chứng độ chính xác của Vũ Bằng. Tháng Giêng mơ trăng non rét ngọt. Tháng Tám trời đất xuống màu. Hai mùa cách xa nhau mà vẫn cảm thấy được cả hai. Nhưng hồi đó thời gian ngắn ngủi quá, rồi sau đấy đi du học. Lâu dần cũng quên những say mê cũ. Cho đến khi vào facebook và gặp Thảo. Mỗi ngày là vài status trích dẫn những câu hát xưa, những bài hát cũ, tất cả đều tặng cô. Thảo lây cái cảm xúc được chưng men của Duy, cô yêu những bài hát xưa hơn vì anh.

Có điều Thảo hơi thắc mắc. Thường tình thôi. Nhưng không biết hỏi thế nào. Thảo đoán Duy có gia đình rồi. Vì sao Duy không bao giờ nhắc đến thì cô cũng không rõ. Với lại đây cũng chỉ là những hẹn hò vui vui, chẳng ai nặng nợ với ai. Dăm bữa nữa Duy về, chắc gì đã có chuyện xảy ra.

Hai đứa ngồi trên vỉa hè trước một cái quán ở phố Triệu Việt Vương, ngoài phố trời tối dần. Những cây bằng lăng sẫm lại, mắt hai người ngập bóng tối. Duy bảo thích ngồi trong quán ở những ngôi nhà cũ, bàn ghế nhỏ nhỏ, phố cũng bé, cảm giác Hà Nội lắm. “Hồi bé ba anh mở những cái băng nhạc xưa, nghe miết rồi thành ra mình nhập tâm luôn. Hà Sĩ Quân có mấy bài thôi nhưng bài nào cũng đẹp”. Duy ngân nga hát. Chờ khi nao gió reo tin mừng, chờ khi nao kháng chiến nở hoa. Ném chén hoàng hoa, ta đón em trên đường về, trao tờ thư ngả mầu nâu, ghi ngày chinh chiến dài lâu… Thảo nhận thấy mọi người xung quanh đưa mắt nhìn, cô cũng hơi ngượng ngượng nhưng rồi ngồi yên nghe Duy tuôn mạch cảm xúc. Cái nồng nhiệt của Duy bỗng đem lại cho khung cảnh vẻ trữ tình dị thường. Duy hát đến cao trào, tay bỗng đặt lên tay cô. Trong ánh đèn đường hắt vào, mắt Duy lấp lánh sau cặp kính nhìn vào khán giả trực diện là Thảo, cô không rõ cái lấp lánh ấy nghĩa là gì, là hiệu ứng từ trạng thái trữ tình kia hay là vì cô.

*

Trước khi đến nhà nhạc sĩ Hà Sĩ Quân, Duy muốn mua một bó hoa. Thảo thấy hơi kỳ cục khi cũng chưa biết nếp tẻ thế nào. “Mà có lẽ vô siêu thị mua thêm ký trái cây em à. Đi thăm người già mình cũng nên có chút chút thì hay hơn”. Vậy là hai người chia nhau đồ, Duy xách túi xoài, Thảo ngượng nghịu cầm bó hoa. Cô bán hàng phun hơi nhiều nước nên sau một lúc cầm hoa, quần bò của Thảo bị những vết sẫm rất khó coi.

Theo địa chỉ Duy hỏi được thì Hà Sĩ Quân ở phố Bùi Thị Xuân, một phố ngày xưa toàn nhà riêng của công chức người Việt. Số nhà hai người cần tìm nằm bên cạnh một quán bún riêu. Hai người phụ nữ giúp việc đang ngồi xổm bên hai chậu nước rửa những cái bát bẩn. Một người đột ngột đổ ào chậu nước xuống rãnh, làm dềnh làn nước đục ngầu lên, khiến Thảo vội vàng co chân nhảy lên vỉa hè. Vài vết bắn đùng đục lấm tấm trên gấu quần Thảo. Thảo chép miệng, cố gắng không bực dọc. Cô phát hiện ra Duy đã giẫm phải vũng nước, giầy và gấu quần anh bị những mẩu hành và cặn nước dùng bắn lên.

“Không sao, không sao”. Duy trấn an Thảo, dựng xe ở phía trong, Thảo nhắc anh khóa cổ khóa càng. Mặt Duy đầy vẻ hồi hộp, anh khẽ khàng bước vào mảnh sân bề bộn của tòa biệt thự cũ đã biến thành khu tập thể.

“Hỏi ai?”

Một người phụ nữ mặc bộ quần áo vải hoa, cau có nhìn hai người.

“Dà… cho cháu hỏi nhà nhạc sĩ Hà Sĩ Quân ở đây không ạ?”

“Không biết”.

Chị ta quay ngoắt người đi. Thảo liếc nhìn Duy, cô sượng tê người.

“Để em vào trong kia hỏi, có khi bà ấy không phải người ở đây từ trước”.

“Ừ, không sao”.

Thảo đi qua con ngách vòng ra một cái sân trong. Mùi hôi của đồ đạc cũ, của nhà vệ sinh chung váng vất trong không khí tù hãm. Một bà già đang cầm cái chổi tre quét sân. “Bà ơi, cho cháu hỏi, đây có phải nhà nhạc sĩ Hà Sĩ Quân không ạ?”

“Không”.

Thảo thở dài. “Dạ, cháu cảm ơn bà”.

Cô định quay đi thì bà già gọi giật lại. Bà nhìn bó hoa trên Thảo. “Này. Cô hỏi có việc gì?”

“Dạ… cháu có người bạn ở miền Nam ra, rất thích nghe bài hát của nhạc sĩ, muốn tới gặp ạ…”

Bà già ngó đầu nhìn ra ngõ rồi quay vào. “Lên gác, rẽ trái nhé”.

Hai người cẩn thận bước trên những bậc thang gỗ nhưng vẫn làm phát ra tiếng ồn. Một người phụ nữ đang dắt một đứa bé con chắc vừa tắm xong, người quấn cái khăn bông ra khỏi một cái ô quây lại bằng mấy tấm cót ép như cái hộp. “Vào bảo chị lau khô rồi lấy quần mặc vào nhé”. Chị ta nhìn hai người vẻ bâng quơ. Thảo có thể cảm thấy tay Duy đang bóp chặt tay mình.

Sau hai lần Duy gõ cửa không thấy ai mở, Thảo tặc lưỡi, đưa tay đẩy cánh cửa gỗ cũ kỹ. Cửa không khóa trong, bên trong tiếng tivi phát ra ồn ào. Cô hơi chúi đầu vào, cất giọng hỏi. “Có ai ở nhà không ạ?”

Thảo và Duy nhíu mày lắng nghe một âm thanh gì đó không rõ.

“Các cô chú ấy đến hỏi ông về bài hát ngày xưa này”. Từ đằng sau, bà già khi nãy đã xuất hiện. Lần này bà đã mặc một cái áo cánh thêu, tóc búi tinh tươm, mặt tươi cười. “Hai cô chú vào đây”. Bà ghé vào tai Thảo, nói nhỏ. “Tôi xin lỗi nhé. Vừa nãy tôi phải hỏi cô vì trước có đoàn ở nước ngoài đến, dân ở đây làm khó dễ, khổ lắm”. Bỗng dưng Thảo hồi hộp không đâu.

Căn phòng bề bộn đồ đạc, vương một mùi lưu cữu của người già. Định thần một lúc, hai người mới thấy một người đang nằm trên cái giường ở phía trong. Hà Sĩ Quân mặc cái áo may ô trắng đã ngả màu cháo lòng, đang huơ huơ cái tay tìm cách ngồi dậy. Duy vội lao đến đỡ.

“Ấy, chú cứ để mặc ông ấy”. Bà già thủng thẳng mở cửa sổ. Thảo khẽ khàng đặt bó hoa lên mặt bàn.

“Cô chú đến thăm mua nhiều quà thế. Ngồi uống nước nhé. Để tôi lấy cái áo mặc cho ông”.

Bà vợ nhanh nhẹn đến móc áo, lấy cái áo sơ mi cộc tay luồn vào người chồng. Lúc này Thảo mới để ý thấy nét đẹp thời con gái vương vất lại trên khuôn mặt già nua của bà. Đôi mắt đen láy linh hoạt như hột nhãn đồng thời hoạt động cùng cái giọng Hà Nội cũ cũ, hơi có chút biến dạng ở chữ e và a, hơi nhanh so với giọng của một người già.

Duy dường như biến thành một người bị nhập hồn, ngồi bên giường cạnh Hà Sĩ Quân, đăm đắm nhìn ông.

Hà Sĩ Quân mở đôi mắt đùng đục, rung rung môi dưới, dãi ứ ra. “Liệt rồi. Liệt rồi”. Cái giọng khào khào như không phải phát ra từ miệng, như một người nói tiếng bụng. Thảo vội quay đi. Bà vợ lấy cái khăn lau cho ông.

“Ông bị tai biến mấy năm rồi. Không đi ra khỏi nhà nên xung quanh người ta có khi cũng không biết”.

Thảo xin phép được chụp ảnh, trong khi Duy nói chuyện.

“À, hồi đó ông gặp bà ở trường Albert Sarraut đấy. Hà Sĩ Quân nghĩa là gì ông nhỉ?”

Ông già khó nhọc gằn ra từng chữ. “…trai… học… học… Hà… thành…”

Bà vợ mỉm cười. “À, tôi nhớ rồi, chàng học sinh Hà thành”.

Mắt ông già chớp một cái. Thảo đang nhìn những tấm ảnh đen trắng trên tường, bỗng reo lên. “Anh Duy nhìn này!” Cô chỉ vào một tấm chân dung khổ lớn chụp bà vợ nhạc sĩ hồi trẻ.

“Bác đẹp quá. Gặp bác rồi con mới thấy đúng là phải đẹp cỡ đó thì mấy bài hát của bác trai mới hay vậy”.

Bà già cầm cái khăn lau một vết ướt trên bàn. “Mấy bài của ông viết cho một cô khác cơ. Hồi ấy ông bà thân sinh ra ông không đồng ý, vì cô ấy hiện đại quá. Phụ nữ ngày xưa đi nhảy đầm là hiện đại lắm. Chứ tôi con nhà cũng cổ hủ, không tân tiến, các cụ sắp đặt là xong thôi”. Bà mỉm cười mơ hồ với Thảo. Mặt Hà Sĩ Quân rung rung, tay Duy nắm chặt tay ông.

“Đấy, cái bài mà chú hỏi đó cũng là viết cho cô ấy, gặp lại nhau hồi kháng chiến. Nên mới có câu ‘cung đàn xưa đứt mối tơ loan’ là thế. Mấy năm trước bà ấy có đến thăm đấy. Bây giờ vẫn đi nhảy, vẫn mặc váy ngắn đến đây này (bà giơ tay chặn chặn lên khoảng dưới đầu gối một chút), hiện đại lắm”.

Bà vợ vuốt vuốt chỗ tóc đã xẹp trên đầu Hà Sĩ Quân. Ông vẫn chỉ đưa mắt nhìn quanh, mặt vẫn rung rung.

“Cô chú có mấy cháu rồi?”

“Dà… bọn con là bạn yêu nhạc xưa với nhau thôi bác à. Con mới có một bé trai”.

Thảo đang quay lưng lại chụp một tấm ảnh cũ ở đầu kia căn phòng, cô có thể cảm thấy sự ngập ngừng trong giọng Duy. Không khí bẵng đi mấy giây.

“À, cháu có cái đĩa thu những bài hát của bác trai. Toàn ca sĩ Sài Gòn xưa”.

“Quý hóa quá. Ngày xưa muốn nghe là phải giấu đấy. Để tôi mở nhé”.

Tiếng nhạc dạo vẳng ra, rồi giọng hát trầm buồn lạo xạo cất lên. “Nhớ mùa trăng soi bóng, thuyền ai lướt mờ xuôi dòng. Lệ sầu vương trên sóng, khuất xa rồi, ánh trăng năm xưa còn đâu…”

Thảo đứng bên cửa sổ, cầm máy ảnh ngắm những mái nhà cũ kỹ bên hàng xóm. Những ngôi nhà cũ đã bị cơi nới nhiều, những ngôi nhà mới xây nhiều tầng nhô lên như những cái ống khói khổng lồ màu xi măng giữa đám mái ngói nâu cũ. Duy đứng dậy, đi ra chỗ Thảo. Bà vợ nhạc sĩ nhẹ nhàng đi vào buồng trong. Thảo mỉm cười, nhướn mày nhìn Duy. Anh hơi có vẻ lúng túng vì cô không nói gì.

Nhạc chuyển sang một điệu paso doble giòn giã. Vừa được hai câu nhạc, có tiếng đổ ình một cái khiến Thảo và Duy giật thót người. ở đằng kia, Hà Sĩ Quân đã ngã sấp xuống thành giường. Cái đầu đĩa đã bị đổ lăn xuống đất. Bà vợ nhạc sĩ vội chạy ra. Nhạc sĩ vẫn huơ huơ tay kích động. Thảo và Duy lao đến chỗ ông. Ông há miệng định nói gì đó, đám bọt đã sùi lên mép.

“Khổ quá. Chắc ông ấy bị tăng huyết áp rồi”.

Cả ba người vội vã đặt ông già nằm xuống giường. Ông vẫn đập đập tay như muốn nói gì đó.

“Ông định bảo gì? Thôi, nghỉ ngơi đi. Uống tí nước nào”.

Bà già lấy cái thìa cạy miệng ông ra, rồi khẽ khàng dốc cốc nước vào. Trái với sự hoảng hốt của Thảo và Duy, bà có vẻ rất bình tĩnh như việc đã xảy ra nhiều lần.

Hai người khách nhìn nhau tính rút lui mà chưa biết nói sao cho tế nhị. Hà Sĩ Quân đã có vẻ yên trở lại.

“Ai để xe ở cổng chắn hết lối đi rồi ấy nhở. Ra dắt cho người ta lấy chỗ bán hàng! Người đâu mà vô ý thức đéo chịu được!”.

Một cái giọng xoe xóe vọng vào từ hành lang. Bà vợ Hà Sĩ Quân bật dậy.

“Thôi chết, xe của bọn cháu. Thôi cũng muộn rồi. Bọn cháu xin phép về luôn ạ”.

“Ừ, thế hai cô chú về nhé. Hoa đẹp quá, lại mua nhiều xoài thế này. Khi nào lại đến chơi với ông nhé”.

“Con chào hai bác, mong hai bác giữ sức khỏe, khi nào có dịp ra Hà Nội con lại ghé”.

Thảo vội gật đầu chào vào phía giường. Duy nắm tay ông già. Ông rung rung tay. “Liệt rồi. Liệt rồi”. Tiếng khào khào phát ra từ trong góc tối căn nhà cũ như làm Thảo ngây ra một lúc. “Mình đi thôi em”.

Duy và Thảo vội vã dắt xe ra phố, những người phụ nữ bán hàng trước cửa hằm hằm nhìn theo. Thảo cảm thấy tim mình đập thình thịch, cô chỉ muốn về nhà ngay lập tức.

“Em mệt à?”

“Không, không sao. Em bình thường mà”.

“Được gặp Hà Sĩ Quân là anh vui rồi”.

“Ừ”.

Xe chạy qua phố Quang Trung, mùi hoa sữa lãng đãng như làm Thảo tĩnh tâm lại.

“Cháu nhà anh mấy tuổi rồi ạ?”

“Vợ anh mới sanh hai tuần”.

Thảo suýt nữa kêu lên một tiếng.

“Hay quá. Con trai là đạt tiêu chuẩn rồi”.

“Em đừng giận anh nghen”.

“Ối, sao lại giận ạ. Em với anh là bạn bè mà”.

“Cảm ơn em. Anh tính tối nay mình hẹn với hội yêu nhạc facebook đi ăn rồi hát karaoke ha”.

Thảo im lặng, mông lung nhìn những cửa hàng đang lên đèn.

“Chắc em phải về, mai em có bài trình bày, mà em chưa làm xong”.

“Đi một xíu thôi”.

“Vậy anh cứ đến đó trước, em chạy về thay đồ, có gì em ra sau”.

*

Thảo đã phóng xe đến chỗ hẹn, nhưng rồi cô đổi ý. Dừng xe ở gần quán Duy hẹn mọi người đến, cô nhắn tin cho anh. “Em xin lỗi vì không tới được”. Cô định nhắn một câu chào bằng tiếng Việt nhưng không nghĩ ra câu nào trung tính. Câu nào cũng có vẻ quyến luyến, níu kéo, trực tiếp. Cô bấm rồi lại xóa. Cuối cùng cô đành bấm “Anh giữ sức khỏe và hạnh phúc nhé”. Tất nhiên là bằng tiếng Anh, như thế sẽ formal - hợp nghi thức hơn.

Khi cô đi được một quãng, có điện thoại gọi tới. Số của Duy. Cô ngập ngừng rồi ấn nút “tắt tiếng”. Như thế sẽ lịch sự hơn là bấm từ chối. Buổi tối Hà Nội đã nhiều gió. Thảo thấy hơi lạnh, có lẽ ngày mai trời trở rét.

—————

Lời ca khúc trong truyện lấy từ bài Thu quyến rũ của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Đường thu của Tô Vũ và Trăng xưa của Văn Ký.

Tác giả: Nguyễn Trương Quý

Nguồn tin: Văn nghệ

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây