Làn gió hôm qua

Thứ sáu - 29/01/2010 06:34 2.962 0

Minh họa: Văn Nguyễn

Minh họa: Văn Nguyễn
Mobile đổ chuông. Hoài nhổm dậy. Bảo nhanh hơn, nhoài người, với tay, tắt, rồi tiếp tục vũ điệu ái ân đã bị mấy hồi chuông riết róng làm lỡ nhịp.

... Bảo vật người ra, mắt nhắm hờ, miệng hé ra, thở mạnh. Đầu Hoài vẫn trên cánh tay Bảo. Cô nghiêng người, áp vào thân thể rịn mồ hôi của chồng, siết nhẹ. Bên Bảo cô cảm nhận được hạnh phúc, thứ hạnh phúc cần và khao khát nhau, cho nhau đủ đầy. Nỗi khao khát dường như không giới hạn, không ngưng nghỉ, ngay cả lúc không ở bên nhau. Hoài vùi mặt vào ngực chồng cho đến khi nghe anh thở đều đều, cô mới sực nhớ chiếc mobile với những hồi chuông ban nãy.

Cô mở máy. Tín hiệu màn hình vừa ổn định, chiếc mobile rung lên rồi đổ chuông.

- Xin lỗi, có phải chị là Hoài?

- Phải, tôi đang nghe, anh gọi tôi có việc gì?

- Cách đây mười lăm phút tôi gọi mà chị không bắt máy...

Hoài thấy bực:

- Thì giờ tôi nghe đây.

- Muộn rồi chị. Anh Thìn vừa mất.

Hoài chới với, mặt tái đi. Ngồi hẳn dậy, cô lập bập:

- Anh Thìn... mất... lúc nào hả anh?

- Lúc tôi gọi mà không gặp chị...

Chân Hoài bủn rủn khi đặt xuống nền nhà, cố bước. Bảo mở mắt nhìn theo vợ rồi kéo mền đắp lên bụng, xoay mặt vào tường.

Hoài bước vào phòng vệ sinh, vặn vòi sen. Cô nói tiếp trong tiếng nước ào ào:

- Xin lỗi, anh vẫn còn nghe?

- Vâng...

- Lúc anh gọi tôi... anh Thìn...

- Đang hấp hối... Vì anh Thìn dặn, khi anh mất chị là người đầu tiên anh muốn báo tin.

Hoài muốn biết Thìn mất vì tai nạn hay vì bạo bệnh nhưng cô không hỏi, bởi chẳng ích gì. Người đàn ông xa lạ bên kia đầu dây nói tiếp:

- Thôi, chào chị, tôi đang phải lo nhiều việc cho anh ấy.

Hoài tắm rửa rồi mặc bộ váy áo màu rêu vào, sẵn sàng ra đường. Thấy Bảo vẫn nằm yên, cô cầm chiếc mobile, bước ra ban công, xem lại số máy vừa gọi. Thì ra, người đàn ông ấy đã gọi cô bằng điện thoại của Thìn. Hoài gọi lại. Chuông đổ nhưng không có người nghe.

Chưa một lần Hoài gọi mà không gặp Thìn. Nghe giọng Thìn, cô hình dung được niềm vui bừng sáng cả gương mặt anh. Lúc hai người chia tay, Thìn chỉ nhắc đi nhắc lại mỗi câu: "Thỉnh thoảng nhớ gọi cho anh. Trách móc càu nhàu gì cũng được, miễn là anh được nghe tiếng em". Hoài cũng có gọi, khi một tuần, rồi hai tuần, đôi khi cả tháng. Thìn thường gọi lại. Câu đầu tiên, anh luôn nói: "Đừng mắng anh!". Càng nhận rõ tình cảm Thìn, Hoài càng tự trách mình. "Em mong anh sẽ gặp được một người yêu anh như anh đã yêu em". Thìn nói thật buồn: "Chỉ khi nào rứt được em ra khỏi tim anh!". "Thì anh cố đi". "Rứt được thì tim anh cũng tan nát". Hoài muốn trêu anh thôi đừng ca bài vọng cổ lâm ly nhưng nghe giọng Thìn nghẹn lại, cô chỉ nói: "Anh ráng giữ gìn sức khỏe, đừng cố làm việc quá sức". "Không được làm việc thì anh chỉ có nước chết". Thìn tiếp tục lao vào công việc. Ngày. Đêm. Hết công trình này đến phác thảo khác. Hết xuôi ngược nơi này đến hối hả nơi kia. Thìn chẳng đếm xỉa gì đến ăn uống, nghỉ ngơi hầu như chẳng có, ốm đau cũng không dành thời gian tịnh dưỡng.

Hoài gọi thêm lần nữa. Vẫn không có người nghe. Người đàn ông khi nãy chắc đã vứt điện thoại ở đâu đó. Có thể anh ta đang làm công việc chỉ dành cho người rất thân thiết, là tắm rửa thân xác đang lạnh dần của Thìn. Hoài vẫn nhớ thân hình gầy gầy trắng trẻo của Thìn, nhớ cả đôi mắt khép hờ khi đang ngủ.

Bảo đã dậy. Anh vào buồng tắm xối nước thật nhanh, mặc quần áo thật nhanh, bước ra kéo tay Hoài:

- Đi kiếm gì ăn đi, anh đói!

***

Vào quán ăn quen, Bảo hỏi:

- Em ăn gì ?

- Ăn gì cũng được.

Câu trả lời làm Bảo bực. Anh nhìn tờ thực đơn, sẵng giọng:

- Em phải chọn món mình thích chớ.

Bảo thật khác Thìn. Với Thìn, hễ Hoài thích món nào, anh sẽ ăn món đó và ăn một cách hào hứng, để thấy cô vui. Còn Bảo không bao giờ miễn cưỡng, dù cô cố nài ép. Hoài lướt nhìn thực đơn:

- Em chẳng thích món nào hết.

Bảo thường nói: "Ăn uống cũng như yêu đương, phải hợp khẩu vị, nếu không thà nhịn, thà sống một mình!". Nhìn bộ mặt ỉu xìu của Hoài, Bảo hỏi:

- Em có vẻ không khỏe?

Hoài chỉ làm thinh. Bảo lại nói:

- Thôi, ăn cháo cá cho dễ nuốt.

Món cháo cũng không giúp Hoài dễ nuốt. Bảo gọi thêm bia. Đã thành thói quen, khi ăn, chỉ Hoài uống một lon bia, cho dễ tiêu. Còn Bảo, đã uống thì gần như không ăn, mà chỉ uống cho ra uống, như anh vẫn nói. Bảo rót bia ra hai ly. Anh chạm ly với Hoài:

- Xin chia buồn với em.

- Anh nghe em điện thoại?

Bảo gật đầu, uống cạn. Hoài nhấp một ngụm rồi đặt ly xuống. Cô húp muỗng cháo, cổ họng nhờn nhợn như lần nghén và không giữ được cái thai.

Nhìn Bảo ăn, Hoài mong anh ngước nhìn cô, hỏi gì đó về người vừa mất, kể cả những câu cật vấn sỗ sàng. Để cô có thể được nói về Thìn, về người đàn ông chân tình nhất trần gian, người từng yêu thương Hoài đến cả lúc hấp hối. Nỗi day dứt khiến cô muốn bộc lộ, dù với người đàn ông đang cùng cô xây ngôi nhà chung mà cả hai đều mong sống với nhau đến trọn đời.

- Ráng ăn chớ em, gì thì gì cũng phải ăn cái đã.

Bảo gắp cái bụng cá ôm trứng bỏ vào chén Hoài. Hoài ăn chút trứng cá, uống thêm một ngụm bia. Nhìn mặt Bảo lạnh như viên đá trong ly, chẳng biểu hiện chút gì thương cảm, Hoài thấy như hai người chẳng có mối liên hệ nào. Hôn ước, ngôi nhà có cửa sổ mở ra mảnh vườn, những đứa con bụ bẫm nô đùa... phút chốc bỗng xa vời. Cô thấy mình cô độc chẳng kém gì Thìn trong những giây phút cuối đời.

Hoài muốn nói ra lời "Phải chi anh đừng tắt điện thoại" nhưng lại nghe mình nói một điều khác:

- Anh ấy là người tốt, tốt lắm.

Bảo uống một hơi, đặt ly xuống, im lặng hồi lâu rồi trả lời:

- Ai chết rồi cũng đều tốt cả. Đó là phần thưởng vô nghĩa mà con người được nhận.

Hoài ngồi thừ ra. Nhiều lần, cô đã nghe Thìn đọc mấy câu thơ: Không biết từ bao giờ và bằng cách nào/Con người đã học được thói này/Tàn nhẫn với người sống, dịu dàng với người chết...

Thìn đã hứng chịu những vết chém tàn nhẫn từ cuộc sống. Với trách nhiệm của mình trong công ty, Thìn đã kiên quyết không cho xuất và nhập những lô hàng kém chất lượng. Sau đó Thìn đã bị những kẻ nắm quyền loại anh khỏi nơi mà anh đã góp hết trí lực và bầu nhiệt huyết để tạo dựng. Bị tống ra đường, Thìn suýt thành kẻ cùng đường mạt vận nếu anh kém tài năng, kém nghị lực và thiếu khát vọng được sống, được làm việc.

Bảo nhìn Hoài, cười thành tiếng:

- Đến chừng nào anh ngủm, hy vọng em cũng hào phóng ban cho anh một lời khen như vậy.

Hoài muốn cười mà không cười nổi. Cô nhìn vào mắt chồng lại thấy bóng dáng Thìn. Cô thấy Thìn một mình trên chiếc giường trải drap trắng, chân tay duỗi thẳng, một nải chuối xanh dằn trên bụng, mắt vẫn níu nhìn đâu đó. Chỉ ít nữa thôi, Thìn sẽ nằm gọn trong cỗ quan tài, thân xác bị lèn chặt. Đôi mắt Thìn, đôi mắt vẫn giữ được cái nhìn trong trẻo, cả tin dù đã bị cuộc đời vùi dập, sẽ không chịu nhắm kín...

Ngột ngạt, bồn chồn, Hoài đứng lên:

- Em đi vệ sinh.

Trong phòng vệ sinh, Hoài bấm máy, gọi liên tục. Điện thoại đổ chuông. Hoài áp tai nghe hết hồi chuông này đến hồi chuông khác. Tai cô ù đi.

Lúc trở về bàn, Hoài nghe

Bảo giục:

- Đi cà phê đi em.

***

Bảo không đi thẳng đến cà phê. Anh cho xe dừng trước cửa hàng vật liệu xây dựng quen từ lúc hai người xây nhà. Đến chỗ bày bán bồn tắm, Bảo chỉ cái to nhất:

- Em thấy có nên lấy cái này thay cái mình đã chọn?

Thìn cũng thích được ngâm mình trong bồn. Anh bảo sau khi làm việc nhiều giờ, cách thư giãn tốt nhất là ngâm mình trong nước ấm.

- Sao em lờ vờ vậy?

- Em thấy cái hôm qua cũng được.

- Nhưng nó không đủ cho hai người - Bảo cúi xuống nói vào tai Hoài - Anh muốn hai đứa mình tắm chung...

Bảo bao giờ cũng nói ra điều mình thích hay không thích và làm cho bằng được. Thìn lại thường giấu mình đi, cốt để Hoài vui. Một lần hào hứng, cô gọi cho Thìn: "Anh vào với em đi !". "Em có sao không?". "Em đang... bệnh!". Hoài chỉ đùa cho vui. Nhưng cô không ngờ, vì có người quen ở sân bay nên Thìn lấy vé vào ngay tối đó. Xuống sân bay, gọi Hoài, anh mới biết cô đang cùng nhóm bạn đốt lửa nướng tôm, ghẹ và đàn hát ở một bãi biển. Thìn một mình đi về khách sạn, một mình nằm trùm mền... Lúc giở mền ra, Hoài thấy mắt Thìn sưng đỏ. "Anh bỏ mẹ già đang đau để vào đây với em...". Hoài bối rối ấp gương mặt đẫm nước vào ngực, vỗ về Thìn. Rồi bất ngờ, Thìn nói: "Tuần sau, anh sẽ đưa mẹ vào xem mặt cô dâu". Hoài cuống lên: "Khoan đã anh...". "Anh muốn có em, càng sớm càng tốt". Hoài đâm hoảng. Cô xin Thìn cho mình vài ngày trước khi quyết định.

Trong những ngày tiếp theo, Hoài rơi vào trạng thái chông chênh. Như một kẻ bủn xỉn, cô nhặt nhạnh từng chút, từng chút những kỷ niệm có được với Thìn. Cô ngỡ ngàng, rồi ngạc nhiên. Ký ức về Thìn quá mỏng, dù cô đã cố thêm da thêm thịt mong nó có một hình hài đầy đặn. Song những gì thuộc về nhau vẫn chỉ là những sợi dây mỏng, mỏng đến mức không đủ sức ràng buộc hai thể xác hai tâm hồn. Bấy nhiêu ký ức và cả nghị lực, tài năng, lòng tốt của anh, cũng không thể nuôi lớn thêm cảm xúc để cô có thể ăn đời ở kiếp với anh.

Hoài nhớ mãi giây phút cô trả lời Thìn. Thời gian không gian như đông cứng, kéo dài. Đôi môi Thìn tái mét, cả người run lên, lập cập: "Dù có thế nào đi nữa, anh... anh... vẫn yêu em". Thật bất ngờ, Thìn ôm chầm lấy Hoài, siết chặt: "Em vẫn là một phần đời anh, mãi mãi...".

Hoài theo chồng ra xe mà tâm trí vẫn không thể dứt ra khỏi hình ảnh của Thìn.

***

- Hôm nay em chê cà phê sao?

Bảo hỏi, đẩy ly cà phê đã tan đá đến gần Hoài hơn.

Hoài bưng ly cà phê uống một ngụm rồi đặt xuống.

Vị đắng và chút lạnh nơi đầu lưỡi khiến cô tỉnh ra, biết mình đang ngồi trong sân vườn của quán cà phê quen thuộc, mà những lúc có tâm trạng, đi loanh quanh một hồi sau khi hít đã đời khói bụi, cô thường dừng chân ở đây. Khoảng sân vườn nơi đây cũng na ná nơi khác, cũng bàn ghế, cây cảnh và nhiều sỏi đá được bàn tay người xếp đặt, cũng lao xao tiếng người, về đủ thứ chuyện...

Cái đặc biệt của quán cà phê này, là khi ra khỏi không gian lặng câm của sỏi đá, phải bước vào một nơi khác để lấy xe: đó là cổng sau của nhà tang lễ lớn nhất thành phố. Hoài cũng đã nhiều lần đến đây tiễn biệt những người bạn mà cô không tin là họ có thể rời bỏ cuộc đời, cho đến khi thấy những gương mặt thân quen ấy bất động trong cỗ quan tài.

Thường từ quán cà phê ra về, ôm eo chồng, Hoài thường nhắc: "Chầm chậm thôi, anh". "Muốn chết cũng phải chờ đến số, em ơi", Bảo cười nói nhưng vẫn cho xe giảm tốc độ. Đề tài sống chết, còn mất... thường kéo dài suốt con đường về nhà, đôi khi theo Hoài len cả vào chiêm bao...

Những vòng hoa tím, trắng đôi khi vẫn chập chờn trong giấc ngủ, nhưng không hiểu sao, Hoài vẫn không thể không đến quán cà phê quen thuộc. Nhâm nhi vị đắng quen thuộc, ngắm nhìn không gian quen thuộc, lắng nghe cuộc sống nhộn nhạo với cuộc mưu sinh khốc liệt ẩn sau cái vẻ ung dung thư nhàn. Mỗi khi rời quán cà phê ra về, lại chạm vào những vòng hoa, lại ngửi mùi khói nhang, nghĩ đến những cách trở âm dương... khiến nhiều lúc Hoài chợt lặng đi, chợt huyên thuyên, thấy sự sống và cái chết, niềm vui và nỗi đau vẫn lặng lẽ song hành, thấy sự bất trắc rình rập đâu đó, thấy nỗi bất hạnh không chừa một ai, thấy hạnh phúc bất chợt mong manh...

Hoài uống thêm một ngụm cà phê nữa, đặt ly xuống. Bảo nhìn vẻ mặt thẫn thờ của vợ:

- Em vẫn còn mệt?

- Không, em... khỏe.

-Khỏe mà sao mặt mày tái xạm vậy?

Hoài ngước nhìn chồng:

- Anh, ngày mai em phải đi xa mấy hôm...

- Thấy cần em cứ đi.

Bảo trả lời, không biểu lộ bất cứ điều gì.

- Anh không muốn biết em đi đâu sao?

- Em đi đưa tiễn người vừa mất.

Cách nói dửng dưng của chồng khiến Hoài thấy uất. Cô giận chồng, giận mình đã vô tâm vô tư làm tình say đắm trong lúc Thìn đang đớn đau, hấp hối. Giá như Bảo đừng tắt điện thoại, giá như cô được nghe tiếng Thìn và Thìn nghe được tiếng cô, giá như quay ngược được thời gian, giá như được nhìn gương mặt bừng sáng hạnh phúc hay sầm tối đau khổ của Thìn...

Hoài thấy nhói đau nơi ngực. Cô nhận ra điều hết sức quý giá đã thật sự mất đi, vĩnh viễn mất đi. Hoài không còn kiềm giữ nữa:

- Anh không muốn biết người đó với em từng rất gần gũi...

- Cái gì của hôm qua thì hãy để cho nó qua luôn đi...

Bảo không để vợ nói hết câu, quay ra gọi tính tiền.

- Mua bán mà ngủ gật à?

Bảo nói như quát vào mặt cậu thanh niên cầm cái hóa đơn chạy đến.

- Ngồi thêm chút nữa đi anh, em muốn...

Bảo lờ đi câu nói của vợ. Anh khoát tay bảo cậu thanh niên khỏi trả lại tiền thừa. Bảo không muốn nấn ná thêm giây nào. Anh không muốn để vợ có cơ hội nhắc đến người đàn ông ngày hôm qua, bởi anh biết cái quá khứ tưởng chìm khuất vẫn còn đó, như chiếc lá vừa đáp xuống đùi Hoài, trong sự úa tàn của nó vẫn ẩn chứa giọt sương hôm qua, tia nắng hôm qua, ngọn gió hôm qua, bầu trời hôm qua...

Anh kéo tay Hoài đứng dậy:

- Đừng nói gì nữa, em. Mình ở bên nhau là đủ rồi.

Hoài để yên tay mình trong tay chồng, đứng dậy. Chiếc lá nâu sẫm từ đùi cô rơi xuống, chạm vào viên sỏi nhẵn nhụi nằm ở lối đi.

Chiếc lá...

Tác giả: Bích Ngân

Nguồn tin: Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây