Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


Những thiên thần của danh họa Picasso: Còn sống là còn yêu

Jacqueline với hoa (1954) - Ảnh: Wikipedia

Jacqueline với hoa (1954) - Ảnh: Wikipedia

“Nếu như tôi sống cùng cô gái trẻ, điều này giúp tôi trẻ mãi...” - Picasso rất thích nhắc lại câu nói này. Chẳng thế mà ông yêu người tình thứ 6 - Francoise Gilot - trẻ hơn ông 40 tuổi và là người duy nhất đã bỏ rơi ông...

Niềm vui mang tên Francoise Gilot

“Tôi làm quen với Picasso vào tháng 5.1943, thời phát xít Đức xâm chiếm Pháp. Khi đó tôi mới 21 tuổi và biết rằng hội họa đang vẫy gọi tôi”,  Francoise viết trong cuốn Cuộc sống của tôi với Picasso. Lúc đó danh họa đã 62 tuổi. Có tính cách độc lập nên quan hệ giữa Francoise Gilot với Picasso tiến triển chậm, không chịu áp lực vốn có của danh họa. Điều này có vẻ làm cho Picasso hứng thú. Suốt một thời gian dài hai người gọi và xưng hô với nhau khá lịch thiệp, “anh” và “chị”. Sau này Francoise viết trong hồi ký của mình: “Nghệ thuật liên kết chúng tôi. Sớm hay muộn rồi tôi cũng yêu các bức tranh của ông và sau đó yêu chính ông”. Sau 6 tháng quen biết, người đẹp này mới trở thành người tình của Picasso.

Khác với những người tình khác, Picasso sử dụng thể loại tranh thạch bản để khắc họa hàng loạt chân dung của Francoise trong các năm 1945, 1946. Gương mặt người đẹp trong tranh có đôi mắt to tròn, mở rộng nhưng không cân xứng. Miệng nhỏ với những nét vẽ mạnh bạo, đơn giản. Theo thời gian các bức tranh của ông ngày càng dịu dàng, đậm chất trữ tình. Trong quá trình sáng tạo, danh họa còn biến thân hình của người thành thân cây có lá và trái cây treo lủng lẳng - bức Người phụ nữ - hoa (1946).

Picasso và Francoise có thời gian khá lâu sống ở miền duyên hải. Thời gian này dường như ông có nhiều niềm vui. Trên các bức tranh thạch bản hay vẽ bằng bút chì, gương mặt người phụ nữ dường như tỏa sáng, còn mái tóc như những tia nắng rực rỡ. Bức tranh có khổ lớn thời kỳ này - Niềm vui cuộc sống, mặt trời tỏa sáng xen lẫn hương vị của biển. Trung tâm bức tranh là vòng người nhảy múa. Ở đó có cô gái có eo nhỏ, ngực cao và mái tóc xù. Đó chính là Francoise.

 

 
Bức Người phụ nữ - hoa (1946) - Ảnh: Wikipedia

Người tình thứ sáu này sinh cho danh họa hai người con là Claude (con trai) và con gái Paloma. Picasso thường vẽ hai đứa con, xây dựng bố cục tác phẩm là một không khí gia đình ấm cúng.

Hạnh phúc, nhưng Picasso không có khả năng yêu lâu dài một người phụ nữ. Một lần nọ, Francoise bắt gặp ông đang ngủ với người tình cũ là Dora Maar. Sau này khi đã trấn tĩnh lại, Francoise cảm thấy ngạc nhiên khi lần đầu tiên cô nhìn nhận lại tuổi tác của Picasso. Đó là một ông già với tính khí của một chàng trai trăng hoa. Cô quyết định ra đi trước khi mình bị ruồng rẫy như những người tình trước. Picasso không thể níu giữ Francoise và ông cũng không gắng thực hiện điều đó. 

Học hỏi nhiều ở danh họa, Francoise cũng vẽ tranh như một họa sĩ, tạo được phong cách riêng và trở nên nổi tiếng. Cô nghiên cứu triết học, văn học xuất bản hồi ký vào năm 1964, bán được hơn triệu bản. Sau này Francoise còn hai lần lấy chồng, đều là những người nổi tiếng. Hai người con, Claude và Paloma kế thừa tài sản lớn của bố. Claude là họa sĩ nổi tiếng, còn Paloma là nhà thiết kế.

Người vợ cuối cùng

Khi đã ở tuổi 79, cuộc sống của Picasso vẫn không thể thiếu bóng dáng người phụ nữ - nguồn hứng khởi kích thích sáng tạo nghệ thuật của ông. Đó cũng là lý do để ông cưới Jacqueline Roque, 27 tuổi, làm người vợ chính thức thứ hai.

Picasso gặp Jacqueline lần đầu tiên vào năm 1953 tại xưởng vẽ Madoura Pottery, Paris, nơi cô làm việc, còn Picasso đến đó để làm đồ gốm. Cơ duyên còn đưa đẩy họ gặp nhau 2 lần nữa vào năm 1955 và 1958. Đến ngày 13.3.1961, hai người tổ chức một đám cưới rất giản dị. Jacqueline trở thành người tình cuối cùng sống cùng danh họa cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng. 

Với Jacqueline, Picasso được coi như thượng đế. Cô gọi danh họa là “Ngài của tôi”. Khi hai đứa con Claude và Paloma đến thăm bố, Jacqueline nói với chúng: “Làm sao mà các cháu có thể nhìn vào cửa sổ ngôi nhà. Trong đó có mặt trời và thượng đế của tôi?”.  Đến nỗi danh họa phải nói với cô: “Em tự nghĩ cho mình một thứ tôn giáo”. Danh họa vẽ chân dung người vợ này nhiều hơn bất cứ người tình nào của ông. Đơn giản là ông sống với Jacqueline hơn 20 năm, trong đó có 17 năm cô là người duy nhất làm người mẫu để ông vẽ. 

Trong các bức chân dung người tình cuối cùng, Picasso sử dụng các kỹ thuật, phong cách khác nhau. Nhưng hình ảnh người đẹp luôn là ánh nhìn gần gũi, đầy suy tư của đôi mắt hình trái hạnh đào, còn sống mũi thẳng liền với trán gợi nhớ đến hình nhân sư Ai Cập. Tác phẩm Jacqueline với hoa (1954) cho thấy rõ điều này...

Vào ngày 8.4.1973, danh họa ra đi ở tuổi 92. Jacqueline tin rằng, ngoài mình sẽ không có ai ý thức được sự mất mát lớn lao này. Thậm chí, người vợ cuối cùng của danh họa còn không cho phép những người tình cũ và con của Picasso đến viếng ông. Những người xung quanh có cảm giác Jacqueline không chịu nổi sự mất mát đó và sẽ chết!

Nhưng Jacqueline lại cho rằng, người chết sẽ sống trong thế giới khác tốt hơn, nơi không có nỗi buồn và nước mắt. Bà trở thành người gìn giữ gia sản to lớn của Picasso để lại. Thế nhưng vào ngày 15.10.1986, trước ngày khai mạc một cuộc triển lãm tranh của Picasso ở Madrid, Tây ban Nha, Jacqueline đã tự tử bằng súng ngắn. 

Di sản mà Picasso để lại được Chính phủ Pháp định giá vào khoảng 260 triệu USD. Trong đó có hơn 50 nghìn tác phẩm bao gồm 1.885 bức tranh, 1.228 tượng, 2.800 đồ gốm, gần 12.000 bức phác thảo, 11.000 bức thảm treo tường và nhiều đồ vật khác.

Hoàng Hoài Sơn (tổng hợp)
Nguồn: Thanh Niên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây