Chuyện ghen ghét, đố kỵ giữa các nhà văn
- Thứ hai - 05/10/2009 16:56
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mark Twain (phải) luôn khó chịu mỗi khi đọc Kiêu hãnh và định kiến của Jane Austen.
Ngòi bút không chỉ là công cụ sáng tạo nên những trang viết đẹp, nó còn là vũ khí để các nhà văn châm chọc nhau.
Những câu chuyện, trong cuốn sách mới xuất bản gần đây, đã tiết lộ những lời lẽ không mấy dễ nghe mà các nhà văn nổi tiếng dành cho đồng nghiệp. Được giới thiệu là tác phẩm "về những lời thóa mạ nhau trên văn đàn", Poisoned Pens (Ngòi bút tẩm độc), do Gary Dexter biên soạn, ra mắt hôm 1/10, đã ghi lại những phát ngôn cay độc của các tác giả từ thời cổ đại Hi Lạp cho đến ngày nay.
Jane Austen là nhà văn nổi tiếng, tác giả của những cuốn sách được tìm đọc đến tận ngày nay như Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến), Sense and Sensibility(Lý trí và tình cảm), Emma. Bà là một trong những cây bút được yêu thích nhất tại Anh. Nhưng nhà văn MỹMark Twain lại không nghĩ như vậy. Tức giận trước việc Austen cứ được coi là "báu vật nước Anh", Mark Twain viết trong một bức thư: “Mỗi khi đọc Pride and Prejudice, tôi lại muốn quật Austen lên và dùng xương cẳng chân của bà ấy để đánh vỡ hộp sọ của bà".
Còn nhà thơ Anh Lord Byron cũng không ngần ngại khi viết về đồng nghiệp John Keats. Trong một bức thư gửi cho nhà xuất bản của mình vào năm 1820, Byron viết về nhà thơ đồng hương rằng: "Không một cái gì của Keats nữa, tôi nài nỉ đấy. Hãy lột da anh ta. Nếu không ai làm việc đó, tôi cũng sự tự mình lột da anh ta. Không thể chịu đựng thêm nữa sự ngu ngốc mà anh ta mang đến nhân loại".
Không chỉ dừng lại ở đó, Byron còn miêu tả tác phẩm của Keats là: "không phải thơ, không phải bất cứ thứ gì khác mà là hình ảnh một nhà thương điên - sản phẩm của thịt lợn sống và thuốc phiện".
Nhưng đến lượt mình, tác phẩm của Byron lại bị tác giả Percy Bysshe Shelley gọi là "sự điên rồ tai hại".
Dường như không phải sự khác biệt về quan điểm nghệ thuật hay thị thiếu thẩm mỹ dẫn đến sự xúc phạm này. Các nhà văn thường tìm thấy niềm vui trong việc nhấn chìm đồng nghiệp. Norman Mailer - nhà văn người Mỹ - khi phê bình cuốn tiểu thuyết đồ sộ A Man in Full của Tom Wolfe, đã viết: “Cuốn sách 742 trang mà đọc như 1.500 trang. Có lúc, đọc nó chẳng khác nào phải làm tình với một phụ nữ nặng 300 pound (hơn 130 tạ). Một khi cô ta đã trèo lên người bạn, bạn chết chắc. Cố giãy dụa mà yêu hoặc là bạn sẽ chết ngạt".
John Sutherland, giáo sư văn học Anh tại Đại học London cho biết, ông không hề ngạc nhiên trước những gì được tiết lộ trong Poisoned Pens. "Các nhà văn là những bậc thầy trong lĩnh vực này. Đả kích cũng là một hình thức của văn học mà. Tính chất độc nhất của văn chương và cuộc cạnh tranh khốc liệt trên văn đàn khiến họ thích chỉ trích nhau", ông nói.
Ngoài ra, Sutherland còn giải thích thêm, sự nở rộ của các ngòi bút ở mọi thời kỳ là nguyên nhân khiến các cuộc cạnh tranh càng căng thẳng: "Thời nào cũng vậy, chỉ có chừng 20 - 30 nhà văn được coi là nổi tiếng. Trong khi đó có hàng trăm người cầm bút, cứ như Titanic và thuyền cứu hộ vậy. Giải thưởng cũng không đủ, không đủ cho cả những người xứng đáng, nên việc bài xích, châm biếm nhau là đương nhiên".
Vốn là người thường xuyên làm giám khảo các giải thưởng văn học, Sutherland kể: "Bạn cứ nhìn vào các khuôn mặt trên bàn ăn trong dạ tiệc chiêu đãi hậu Man Booker mà xem. Rất thú vị. Các nhà văn là những người không giỏi giấu thật bai, bởi với họ, tác phẩm của mình bao giờ cũng là nhất".