Trần Trà My: Cô bé khuyết tật và giấc mơ trở thành nhà văn

Chủ nhật - 16/12/2012 21:09 6.520 0
Không thể không khâm phục Trần Trà My - cô gái với đôi chân bị liệt, hai tay co rút chỉ cử động được duy nhất một ngón đã gõ bàn phím để viết nên những trang sách ý nghĩa, tràn đầy tình yêu cuộc sống với trái tim nhân hậu.
Trần Trà My viết văn với bàn tay chỉ có thể cử động 1 ngón
Trần Trà My viết văn với bàn tay chỉ có thể cử động 1 ngón

Nghị lực phi thường

Sinh ra trong gia đình nghèo ở Quảng Trị, bé Trà My bị khối u máu ở chân, được phẫu thuật lúc 3 tháng tuổi. Sau mổ, Trà My chết lâm sàng 8 tiếng, rồi tỉnh dậy và trở thành đứa bé bại liệt, cơ thể rất yếu, không thể cử động được. Năm 8 tuổi, ba đi khắp nơi tìm thầy thuốc, chữa cho Trà My cứng cáp, đi lại được, nhưng cổ bị yếu nên đầu em cứ chúi xuống, lưỡi phát âm rất khó, nói không tròn vành rõ tiếng. Do hệ thần kinh yếu nên chỉ một tiếng động cũng khiến My ngã lăn ra đất, vì thế, em không thể đến trường học.

May mắn vì có 3 em (nhất là em gái Khánh Ly kém My 2 tuổi) luôn sát cánh bên chị, dạy chị học, chăm chút chị từng ly từng tí. Tuy hoàn cảnh khó khăn, song trong nhà luôn rộn rã tiếng cười nói của bốn chị em, mỗi bữa ăn, cả nhà đua nhau kể mọi chuyện ở cơ quan, trường học, xã hội, đó chính là “vốn liếng” cho Trà My viết nên những trang sách non nớt ban đầu.

Năm 16 tuổi, cô trải qua một cú sốc lớn để xác định lại ước mơ của mình. My tìm đến cái chết nhưng không thành. Kể từ đó, My bắt đầu ý thức đến chuyện sau này mình phải làm một người nổi tiếng, để đem câu chuyện của mình kể cho mọi người nghe và mang đến sức mạnh niềm tin cho họ. My bắt đầu viết văn. Viết để được trút những suy nghĩ của mình vào đó và được sống với bao số phận nhân vật khác nhau…

Khởi đầu từ truyện ngắn đầu tay Bán trinh kể về sinh viên nghèo lên thành phố học, phải bán thân nuôi miệng, My được mọi người biết đến qua một phóng sự được giải trong Liên hoan phim truyền hình toàn quốc. Năm 2007, My viết thư cho chương trình “Ước mơ Việt Nam” thể hiện ước mơ được đến trường học.

Sau đó, nhiều phóng viên báo chí, truyền hình ở các tỉnh thành tìm đến My và đã huy động được nguồn tài trợ đưa My vào TP.HCM điều trị ở Bệnh viện Từ Dũ suốt 6 tháng. Em được học cách tập hít thở, học khẩu hình miệng để có thể nói rõ hơn, nhưng bệnh tình vẫn không chữa được. Từ đó, My quyết định thực hiện mơ ước sống tự lập ở Sài Gòn, ban đầu kiếm thu nhập bằng nghề viết báo, viết các chương trình sự kiện nhỏ cho các câu lạc bộ.

My tâm sự: “Cuộc sống nơi thành phố bon chen chật hẹp này khắc nghiệt với người bình thường bao nhiêu thì người khuyết tật như tôi sẽ không thể nào liệt kê ra hết. Chính những thứ đó đã giúp tôi rút ngắn khoảng cách với những người bình thường và ai cũng bảo tôi can trường, nhưng đâu ai biết được rằng mỗi đêm về là tôi bật khóc nhiều đến mức nào! Phải chịu những trận ốm liệt giường nằm sốt mê man, hai bàn tay tím bầm đau nhói bởi những mũi kim truyền dịch. Hay thậm chí phải chịu những cảnh nhiều hôm không còn tiền ăn, nửa đêm phải đi xin cơm nhà hàng xóm, song tôi luôn tự nhủ, người khác sống được thì mình cũng  phải sống được như họ”.

Vươn lên khẳng định mình

19 tuổi, My đã bắt đầu đi làm cộng tác viên ở đài phát thanh tỉnh Quảng Trị, vừa viết truyện ngắn để nuôi ước mơ xuất bản cuốn sách đầu tay, vừa tự mày mò học vi tính. Năm 2008, My ra Hà Nội xin được xuất bản tác phẩm đầu tay: Giấc mơ thiên thần, nhiều nhà xuất bản từ chối in cũng chỉ vì là văn của người khuyết tật. Suốt 1 năm trời, My đã đi gõ cửa rất nhiều nhà xuất bản, rồi tự mình chỉnh sửa bản thảo, cuối cùng, sách của My được NXB Lao động đồng ý xuất bản, lần đầu 1.000 cuốn, sang năm sau 2010 đã tái bản 2.000 cuốn. Trong thời gian đó, My lại cho ra đời thêm cuốn sách Chúng ta chính là Mùa xuân.

Bước sang tuổi 26 tuổi, cuối năm nay, Trà My sẽ ra một cuốn sách thứ ba để kỷ niệm 10 năm viết văn mang tên Yêu… trên từng ngón tay. Cô đã viết được 50 truyện về tình yêu lứa đôi, về gia đình và xã hội dưới một góc nhìn đầy cá tính, chất chứa hoài bão sống đầy đam mê khiến người bình thường không thể không học tập. Cô gái ấy đã trở thành nhà văn với rất nhiều giải thưởng. Cô thích được tham gia viết kịch bản phim. Trà My còn muốn tiến xa hơn, sang Singapore học về truyền thông Pr. Hiện tại, cô đang phụ trách truyền thông cho một khóa học về Biến đổi tư duy với thu nhập đủ trang trải cho cuộc sống đắt đỏ ở TP.HCM.

Trà My là một trong 5 nhân vật chính trong bộ phim tài liệu Cuộc đời sau trang sách  của đạo diễn Phan Huyền Thư kể về những tấm gương vượt qua nỗi đau khuyết tật vươn lên khẳng định bản thân đã thực sự để lại trong lòng khán giả nhiều cảm xúc.           

“Bài học lớn nhất tôi đã học được sau những chuyện như vậy rằng, con người ta chỉ thật sự thành công khi họ quên đi số phận kém may mắn của mình để sống và vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống; dẫu cho bạn là một người lành lặn hay khiếm khuyết thì bạn vẫn là một con người mà thôi! Bởi một nhẽ, sự mặc cảm không bao giờ tồn tại trong những người yêu cuộc sống và khát khao được sống” – Trà My.

Tác giả: Hồng Nga

Nguồn tin: Sức khỏe đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 4 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây