Văn nhân với thị trường

Thứ hai - 31/05/2010 16:57 2.426 0

Văn nhân với thị trường

Viết không chủ yếu nhằm phục vụ cho một tư tưởng chỉ đạo nào đó, hướng mạnh mẽ cái viết của mình đến công chúng độc giả - càng đông càng tốt - nhiều người viết tất yếu sẽ đặc biệt quan tâm đến nhu cầu đọc, đến thị hiếu thẩm mỹ đọc của đại đa số độc giả.

Thuở trước ở xứ ta, văn chương là tuyệt đích, là tối thượng cao khiết của sinh hoạt tinh thần. “Văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí”, tất thảy những ai đã bước qua Khổng môn đều thấm nhuần tôn chỉ văn chương này. Nho gia động bút, mục đích là để xiển dương Đạo thánh hiền, để “tịch tà cự bí”, nêu gương sáng, răn dạy cho thế đạo nhân tâm, hoặc chí ít, cũng là để tỏ rõ cái bản ngã trong sáng, cao thượng, “nhuộm chăng đen, mài chăng khuyết” của mình. Thứ văn chương ấy, ở giác độ phương thức phổ biến của nó, là để biếu để tặng, để xướng để họa với bạn hữu, và rồi ghi lại thành văn tập thi tập lưu truyền cho con cháu trong nhà. Nó không để bán, vì chẳng tiền bạc nào (hoặc những thứ lợi lộc có thể quy thành tiền) mua được, vả chăng thời ấy cũng nào đã có một cái chợ (thị trường) để sản phẩm văn chương trở thành thứ có thể cho người ta bán và mua?

Tất cả đã thay đổi kể từ những năm đầu thế kỷ XX. Đô thị tư sản ra đời. Xuất bản và báo chí phát triển. Một lớp công chúng mới của văn chương hình thành: họ đọc văn chương qua việc mua sách và báo. Một kiểu văn nhân sống bằng việc viết văn bán cho các tòa báo, các nhà xuất bản cũng dần hình thành. Tiêu biểu cho “làn sóng thứ nhất” của kiểu văn nhân này chính là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Không của nả, không đỗ đạt, ông ấm Hiếu bước chân vào đô thị tư sản chỉ với một thứ lợi khí: tài thơ văn. Không khỏi có những lúc ló ra cái mặc cảm của kẻ biến văn chương thành cần câu cơm (nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng), song nói chung thị trường văn chương đã cho Tản Đà nhiều thứ, và ông biết rõ điều đó: “Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thời có, cửa nhà thời không/ Nửa đời nam, bắc, tây, đông/ Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly/ Túi thơ đeo khắp ba kỳ/ Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng”. Nhà thơ rong ruổi từ Bắc vào Nam không phải bằng tiền túi của mình hoặc bằng công vụ phí của nhà nước, mà ông đi bằng cái hầu bao nặng của các Mạnh thường quân yêu mến văn chương. Sẽ không thể có chuyện đãi đằng như vậy nếu Tản Đà không sáng tác thơ văn bán trên mặt báo, nhờ sức phổ biến của báo chí mà làm nên một “cơn gió lạ” thổi suốt thi đàn cả nước những năm 1915-1930. Nhưng mặt khác, bước vào chợ văn, “ông thần ngông” Tản Đà cũng “được” ngấm đến độ cái khắc nghiệt của nó. Ông giãi bày: “Bao nhiêu củi nước mới thành văn/ Được bán văn ra chết mấy lần/ Ông chủ nhà in in đã đắt/ Lại ông hàng sách mấy mươi phân/ Mười phân gửi bán lấy tiền sau/ Bán hết thu tiền đợi cũng lâu/ Lắm lúc túng tiền đem bán rẻ/ Trừ đầu trừ cuối nghĩ càng đau” (Lo văn ế). Cuối đời, Tản Đà phải sống rồi chết trong cảnh khốn khó, trong một căn nhà nát ở phố Cầu Mới, ấy cũng là kết quả và là sự hiển hiện tê tái của một tác giả đã lỗi thời, một thứ sản phẩm văn chương đã “hết date”, không hợp khẩu vị thị trường đương thời, bán không ai mua!

Sau Tản Đà, cả một thế hệ văn thi sỹ Việt Nam dấn thân vào thị trường văn chương. Người thành kẻ bại, người ung dung thư nhàn kẻ đầu tắt mặt tối. Ung dung thư nhàn, không phải lo lắng nhiều lắm về tiền bạc như kịch tác gia Vũ Đình Long - ông chủ nhà xuất bản Tân Dân, hay như những người chủ trương báo Phong Hóa, Ngày Nay (Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo) vốn chỉ là thiểu số: họ biết cách kinh doanh với mặt hàng văn chương. Đa số còn lại đều sống khá chật vật giữa chợ văn. Say đắm hết mực với những thứ ái tình mây bay gió thoảng như Xuân Diệu mà cũng có lúc phải thốt lên: “Nỗi đời cơ cực giơ nanh vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ”. Trần Huyền Trân viết những câu thơ như chan hòa huyết lệ: “Đã có lần khói bếp không lên/ Vợ ngược con xuôi túi hết tiền/ Chồng gục cả lòng trên giấy mực/ Đen ngòm mặt đất tối như đêm/ Trang lại trang máu lẫn mồ hôi/ Từng dòng tay bút đã buông xuôi/ Giữa khi ông chủ buôn văn ấy/ Tiệc rượu lầu cao ngả ngốn cười” (Đời một nhà văn). Nguyễn Vỹ thốt lên đầy phẫn hận: “Bây giờ thời thế vẫn thấy khó/ Nhà văn An Nam khổ như chó/ Mỗi lần cầm bút viết văn chương/ Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương/ Rồi nhìn chúng mình hì hục viết/ Suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết/ Mà thương cho tôi, thương cho anh/ Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh” (Gửi Trương Tửu). Đó là các nhà thơ, nhưng những người viết văn xuôi cũng chẳng khác là mấy. Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Tô Hoài, Lê Văn Trương v.v... viết miệt mài, xuất hiện từ số báo này sang tới số báo khác, và không ít lần họ đã phải lên tiếng than vãn về cái cảnh thân trâu cày trên cánh đồng chữ nghĩa, cứ hễ ngưng bút là túi rỗng bụng đói! Nhìn một cách “có lập trường”, ai đó sẽ bảo rằng đó là những tiếng nói tố cáo sự bất công xã hội, là lời lên án thói bóc lột trong làng văn làng báo đương thời. Nhưng nhìn theo cách khác, lại có thể mạnh dạn cho rằng chính những tiếng nói ấy đã làm hé lộ diện mạo của một đời sống văn chương mang tính chuyên nghiệp, chuyên nghiệp theo nghĩa: sáng tác văn chương là một nghề để sống, và người làm nghề thì chỉ có thể sống bằng cách đeo bám lấy nghề (có giàu được bằng nghề hay không lại là chuyện khác). Kết quả: đa số những người làm nghề kể trên đều là những tác giả lớn của văn chương Việt Nam trước 1945, lớn nhờ những sản phẩm mà họ đưa vào chợ văn. Vậy xét ra, thị trường có “công” chứ chẳng mấy có “tội” với văn chương!

Từ sau năm 1945 cho đến trước thời đổi mới, thị trường văn chương như vậy đã bị biến dạng đi rất nhiều (thậm chí khó có thể nói đến sự tồn tại một thị trường văn chương trong khoảng thời gian này). Sự sáng tác của văn nhân được hướng dẫn sát sao, việc in ấn tác phẩm phải theo chỉ tiêu (thậm chí cả chỉ tiêu cá nhân) chứ không theo quy luật cung cầu “tự nó”, và bản thân người viết thì phần công chức cũng dày hơn phần văn nhân. Nói chung, suốt ba mươi năm chiến tranh rồi khoảng mười năm sau chiến tranh, tính chất “chợ” của nền văn chương ta khá nhạt. Nhà nước lo việc làm, cơm ăn, áo mặc cho tất cả, văn nhân không phải hì hục viết văn để kiếm sống như lớp người cầm bút thời tiền chiến (cho dẫu cuộc sống của phần nhiều trong số họ chẳng có gì gọi là dư dả, và cho dẫu vẫn có những người sống khá tốt bằng việc viết văn. Nguyễn Khải chẳng hạn: trong một cuốn tiểu thuyết tự truyện, ông cho biết những năm đó ông viết rất khỏe, lại là nhà văn được ưu ái nên sách in ra liên tục với số lượng ấn bản lớn, tiền nhuận bút đủ để gia đình sinh hoạt thoải mái). Sự trở lại với quỹ đạo vận hành bình thường của thị trường văn chương ở ta chỉ diễn ra trong khoảng mười mấy hai mươi năm nay. Nhưng có vẻ như quán tính của thời bao cấp vẫn mạnh, nên lớp nhà văn chỉ sống và có thể sống được bằng nghề văn rất ít, đếm trên đầu ngón tay (vì thế cũng có cái hay là ít thấy ai lên tiếng bắt nghề viết văn phải chịu trách nhiệm trước cái nghèo!). Dẫu sao thì thị trường đã có và đã cho thấy sức chi phối của nó trên cái viết của văn nhân thời nay. Viết không chủ yếu nhằm phục vụ cho một tư tưởng chỉ đạo nào đó, hướng mạnh mẽ cái viết của mình đến công chúng độc giả - càng đông càng tốt - nhiều người viết (nhiều, chứ không phải tất cả) tất yếu sẽ đặc biệt quan tâm đến nhu cầu đọc, đến thị hiếu thẩm mỹ đọc của đại đa số độc giả. Nó là cái gì vậy? Là những chuyện, nói chung, có thể đánh vào tâm lý hiếu sự, thỏa mãn tính tò mò của độc giả, giúp họ có dịp trải nghiệm những hiện thực ảo mà họ không, hoặc ít có dịp trải nghiệm trong cuộc đời thực tế khá nhạt nhẽo của mình (chuyện tình ái éo le mùi mẫn, chuyện phòng the, chuyện trong thế giới bán phấn buôn hương, chuyện của các mối quan hệ đồng tính... đang trở thành những mặt hàng đắt khách hiện nay). Cái lý cho sự tồn tại của văn chương giải trí là như vậy. Thực tế, nhu cầu giải trí là nhu cầu thường hằng trong sự tiếp nhận văn chương, nhưng chỉ ở điều kiện tác phẩm văn chương có thể đưa ra thị trường, có thể bán và mua, nó mới tạo đất cho văn chương giải trí phát triển mạnh. Nhưng viết giải trí cũng dứt khoát là phải có nghề, và rõ ràng là rất nhiều tác phẩm “có nghề” đã xuất hiện. Vì vậy, chỉ nhìn vào việc tác phẩm viết theo những đề tài thời thượng và có được một lượng phát hành lớn mà vội bĩu môi cho đó là “văn chương thị trường”, kém phẩm chất, không có khả năng tồn tại lâu dài, e rằng đó là cái nhìn nếu không quá khắt khe thì cũng đầy ghen tức!

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: NĐBND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây