Hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á ở Đồng Nai

Thứ hai - 15/04/2013 21:19 699 0
Viện sinh học nhiệt đới vừa công bố phát hiện một hang động nguồn gốc dung nham được xem là dài nhất Đông Nam Á ở tỉnh Đồng Nai.
Đoạn cao và rộng nhất bên trong Hang dơi 1. Ảnh: Torsten Kohn.

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Sinh học nhiệt đới và Hội Hang động Berlin, Đức khảo sát 11 hang dung nham với tổng chiều dài 1,8 km từ tháng hai đến nay, trong đó có hang Dơi, thuộc ấp 8, xã Phú Lộc, huyện Tân Phú.

Hang Dơi được ngăn cách bởi sự sụp đổ, đứt gẫy tạo ra hai hang là hang Dơi 1 và hang Dơi 2. Nơi ghi nhận là rộng nhất của hang Dơi có chiều cao lên tới 4 m và chiều rộng 10 m.

Anh Trương Bá Vương, thành viên nhóm khảo sát cho biết, đoàn khảo sát phát hiện ở hang Dơi 1 có một đoạn dài 437 m, liên tục, không đứt gãy.

"Tính cả phần sụp đổ (giữa hang dơi 1 và hang dơi 2) thì phần hang này có tổng chiều dài đến 545 m và được coi là hang dung nham dài nhất Đông Nam Á", anh Vương nói.

Trước khi phát hiện hang động này của Việt Nam, hang dung nham dài nhất Đông Nam Á là hang Gua Lawah ở Indonesia có chiều dài 400 m.

Sơ đồ miêu tả ngăn hang Dơi 1 (vòng cung bên trên - cave 1) và hang Dơi 2 (cave 2). Hình tròn ở giữa là đoạn đứt gãy mà nếu tính cả đoạn này, hang Dơi 1 là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á. Đồ họa: Michael Laumanns.

Nhóm khoa học còn phát hiện một số loài dơi trong hang với quần thể lên đến hàng nghìn con, cùng với các loài động vật khác thuộc nhóm nhện, rết, bọ cạp, dế hang, ruồi, động vật có vú giống như chồn.

Tuy nhiên, điều lo ngại của nhóm nghiên cứu là hiện người địa phương thường xuyên bẫy dơi bằng lưới để ăn, khiến môi trường sống của dơi bị ảnh hưởng, trong khi dơi là động vật cũng góp phần vào việc bắt ruồi muỗi và thụ phấn cây ăn quả.

Hang dung nham là hang động được hình thành trong quá trình kiến tạo của núi lửa. Hang động dung nham được tạo ra khi bề mặt dòng dung nham nguội đi và tạo thành một lớp vỏ cứng, trong khi dung nham bên trong vẫn còn nóng và lỏng dưới lớp vỏ này vẫn chảy do nhiều lý dokhác nhau. Quá trình này tạo ra các đoạn hang động hình ống điển hình gần bề mặt chỉ được biết đến khi miệng hang sụp đổ.

Tác giả: Hương Thu

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây