Khu vườn văn của Phạm Duy Nghĩa

Thứ bảy - 11/09/2010 00:28 6.612 0

Cơn mưa hoa mận trắng - tập truyện của Phạm Duy Nghĩa, NXB Thanh Niên

Cơn mưa hoa mận trắng - tập truyện của Phạm Duy Nghĩa, NXB Thanh Niên

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa sinh năm 1973 tại Yên Bái (quê quán: Thanh Oai, Hà Tây, nay là Hà Nội). Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Sư  phạm Hà Nội, 1996. Từ năm 1996 đến 2007 là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Từ năm 2008 công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội. Bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 2010 tại Viện Văn học (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam). Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (2007).

Tác phẩm chính đã xuất bản: Tiếng gọi lưng chừng dốc (truyện ngắn, 2002), Cơn mưa hoa mận trắng (truyện ngắn, 2007), Đường về xa lắm (truyện ngắn, 2007), 12 truyện ngắnPhạm Duy Nghĩa (2010), Nhà văn Nguyễn Minh Châu và cảmhứng nhân văn (chuyên luận, 2006).

Tôi có nhiều kỉ niệm đẹp với Phạm Duy Nghĩa: vào khoảng cuối tháng 9 năm 2002, nhà văn Nguyễn Đăng Bảy, công tác ở báo Văn nghệ có chuyển cho tôi một cuốn sách truyện ngắn Tiếng gọi lưng chừng dốc của một cây bút mới toanh - Phạm Duy Nghĩa - với lời đề tặng rất trang trọng “Kính tặng thầy Bùi Việt Thắng. Kính chúc thầy và gia đình sức khỏe, hạnh phúc. Hà Nội, tháng 9- 2002. Em. Phạm Duy Nghĩa”. Chữ kí dưới lời đề tặng nhìn rất thoáng, thể hiện một tính cách rộng lượng, nhân ái và rất tinh tế. Thật ra thì Phạm Duy Nghĩa không phải là học trò của tôi, vì tôi là giảng viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, còn anh học ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhưng tôi và anh là đồng nghiệp cả trong nghề văn, cả trong nghề dạy học. Việc anh ghi lời đề tặng trang trọng như thế thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam. Năm 2008, Phạm Duy Nghĩa về nhận công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội. Những ngày đầu về Hà Nội anh thường cùng bạn bè có những cuộc tao ngộ văn chương thú vị. Một hôm anh đến thăm và tặng tôi cuốn sách truyện ngắn in cuối năm 2007: Đườngvề xa lắm. Tôi coi đó là những nghĩa cử của một đồng nghiệp văn chương dù tuổi tác cách nhau khá nhiều nhưng vẫn có thể tri âm, tri kỉ bởi cái duyên văn mà không phải người viết văn nào cũng có được. Cho đến thời điểm này trong tay tôi đã có bốn tập truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa: Tiếng gọi lưng chừngdốc, Cơn mưa hoa mận trắng, Đường về xa lắm12 truyện ngắn PhạmDuy Nghĩa. Chợt nghĩ, trong vòng tám năm in bốn tập truyện ngắn thì quả không phải là ít. Tuy nhiên trong lĩnh vực sáng tạo, số lượng chưa phải là điều quan trọng. Nhưng nếu viết ít quá thì quả thực cũng rất khó đánh giá.

Khu vườn văn chương của Phạm Duy Nghĩa có gì đặc sắc? Nhà văn Sương Nguyệt Minh thì nói quá lên rằng “Thậm chí chỉ bằng truyện ngắn Cơn mưa hoa mận trắng, Phạm Duy Nghĩa đã là một tác giả, một nhà văn đích thực”. Đành rằng đây là một truyện ngắn hay như cách đánh giá của nhà văn Dạ Ngân “Đây là một truyện ngắn vững chãi và cổ điển, đào xới và tôn vinh tính người trong con người”. Nhưng khi nói đến khu vườn văn chương của Phạm Duy Nghĩa là tôi muốn nói đến sự trù phú, xanh tươi của nó. Sự trù phú, xanh tươi đó sở dĩ có được là nhờ nó được vun xới, tưới tắm bằng cái chất thơ của đời sống bởi một người làm vườn cần mẫn, mát tay. Trong truyện ngắn Ngôi nhà nhỏ bên hồ có câu: “Có một điều anh biết rõ ràng, chính từ khu vườn đầy hương thơm của văn học, cái tâm hồn bé bỏng ấy đã vỗ đôi cánh ngập ngừng, trong suốt, để rồi bay mãi vào bầu trời xa thẳm”. Cũng chính trong khu vườn này “mọi vật đều có linh hồn”. Có thể nói khu vườn văn chương của Phạm Duy Nghĩa tràn đầy màu xanh - chất thơ của đời sống - và được tắm gội bằng ánh sáng nhân văn rực rỡ, nồng thắm.

Truyện ngắn của phạm Duy Nghĩa thuộc phạm trù tự sự - trữ tình, một mạch văn đã được khơi nguồn từ Thạch Lam, được kế tục bởi Nguyễn Thành Long, Anh Đức, Đỗ Chu... Văn của Phạm Duy Nghĩa là một kiểu văn giàu cảm giác - cảm giác về đường nét, âm thanh, mùi vị của đời sống. Nhưng đặc trưng nhất vẫn là cảm giác về mùi vị của đời sống: “Mùi bùn năm xưa bị đánh thức (...). Hai người quấn riết lấy nhau trên sàn thuyền nhớp nháp, sực mùi cá tanh nồng” (Cơn mưa hoa mận trắng); “Hơi thở của Liên phả vào mặt Minh, ngòn ngọt vị khoai lang và hôi hổi mùi rượu” (Lá bạch đàn). Một trong những đặc điểm của kiểu truyện ngắn trữ tình là vị trí không thể thiếu của thiên nhiên trong tác phẩm. Trong truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa, thiên nhiên có thể nói là tràn trề: “Năm ấy, khắp Sa Pa đỏ rực hoa đào. Hoa soi mình xuống tuyết, thẹn thùng, và tuyết lạnh rưng rưng dưới màu hoa ấm lửa. Trong các khu vườn, trên các thân đào cổ thụ, tuyết bám từng mảng long lanh, và trên mặt đất trắng tinh lác đác cánh hoa đào đỏ thắm” (Hoa đào xứ tuyết); “Qua cửa bếp, tôi thấy rặng núi xanh thẳm đằng xa đang trong cuộc giằng co với mây trắng. Mây quấn quanh núi một chiếc khăn choàng mỏng tanh rồi từ từ trùm lên một mền bông trắng. Núi bướng bỉnh ngoi đầu chọc thủng mền bông như muốn vươn lên tận hưởng hoàng hôn đỏ thắm” (Tiếng gọi lưng chừng dốc)...Nếu cần trích ra nhữn dẫn chứng như thế từ truyện ngắn  của Phạm Duy Nghĩa, tôi nghĩ không thiếu. Có thể nói anh là một trong số ít các nhà văn trẻ hiện nay còn giữ được vẹn nguyên tình yêu của mình đối với thiên nhiên.

Vậy trong khu vườn văn chương của Phạm Duy Nghĩa ta nhìn thấy những con người nào ở đó? Lẽ dĩ nhiên nhà văn không phải là người có khuynh hướng chủ yếu nhìn sâu vào cái xấu của đồng loại, mặt trái của đời sống. Nếu có viết về cuộc đấu tranh với cái xấu thì thậm chí “Trong một khoảnh khắc ta có thể bạc tóc cùng với sự giằng xé của nhân vật ở phút cuối” (Hữu Thỉnh). Tôi nghiêng về phía nhìn thấy trong truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa những con người ở phần thánh thiện, dù họ ở lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ, địa vị xã hội nào. Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh là một truyện, tuy không phải là hay nhất, nhưng lại khúc xạ rõ nhất đặc trưng nhân vật của Phạm Duy Nghĩa. Nhân vật chính là Tú, mọi người gọi anh là Tú đần. Vậy mà người ấy laị biết nói chuyện với hoa “Đêm đêm, Tú thấy bóng tối quanh nhà luôn có màu lam dìu dịu. Đó là do sự tán sắc từ màu xanh biếc của hoa bìm bìm, nhưng Tú chịu không giải thích nổi”. Một con người bề ngoài trông rất ít cảm tình “Người Tú thấp mập, mặt rỗ, tóc xuăn, bàn tay to bản, ngón ngắn chùn chùn. Mắt Tú lờ đờ, ai bảo làm gì cũng làm”. ấy thế mà con người ấy lại có một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế không ai bằng “Điều làm Tú thấy buồn cười nhất ở Sa Pa là thời tiết. Đang giữa mùa hè mà có lúc sương mù xóa cả thị trấn, lơ đi một chút, ngoảnh mặt lại đã thấy nhà cửa, người ngựa biến hết đi đâu. Sương tụ đặc như khói quẩn trên đường, nhét đầy các ngõ ngách. ở trên đồi, Tú thích thú nhìn sương bay ngùn ngụt từng đám lớn ngay ngoài cửa sổ, có lần thò tay cố lôi một nắm vào trong nhà mà không được”.

 Tú là con người chất phác, nguyên sơ chỉ vì anh được sống, được lặn ngụp giữa thiên nhiên trong sạch, trinh nguyên. Anh không biết đến nỗi cô đơn. Nhưng rồi một hôm, có người bạn mới nói với Tú rằng “Đời Tú đơn lạnh, khao khát lắm mà chẳng bao giờ tìm được tổ ấm đâu”. Đọc Phạm Duy Nghĩa, tôi nghĩ đến một chủ đề rất quan trọng trong sáng tác của nhà văn G.Marquez - Cái cô đơn như là mặt trái của tình yêuthương, sự đoàn kết giữa con người với con người. Cũng như nhiều người đọc khác tôi rất thích truyện Cô gái xuống ga Vĩnh Yên. Truyện có một cái kết thật buồn, buồn tới độ tê tái lòng. Nhân vật cô gái điếm buồn là lẽ đương nhiên - vì đó là nỗi buồn định mệnh. Còn nhân vật nhà văn trẻ thì buồn vì có lẽ cảm thấy ngòi bút của mình bất lực “Và cũng trong cái khoảnh khắc ấy, tôi nhận thấy mọi ý tưởng to tát mà mình viết ra đều không đem lại được gì, dù một phần rất nhỏ thôi, cái điều mà người con gái này mơ ước. Bấy giờ, trong sấm gầm, mưa trút, tôi và cô, một gái làm tiền và một người trí thức, chỉ là hai linh hồn bé nhỏ, bất lực và cô đơn”.

Bút pháp của Phạm Duy Nghĩa trong truyện ngắn rất biến ảo. Với tư cách một người làm vườn mát tay, biết cách chăm sóc từng loại cây khác nhau vì thế mà khu vườn văn chương của anh lúc nào cũng tốt tươi. Tôi đồng tình với cách đánh giá của nhà văn Sương Nguyệt Minh về đặc điểm bút pháp của Phạm Duy Nghĩa trong truyện ngắn là “Hiện thực kết hợp với lãng mạn pha trộn  huyền ảo”. Đọc kĩ bốn tập truyện của Phạm Duy Nghĩa sẽ thấy một thực tế sau: số truyện được viết theo bút pháp hiện thực thuần chất chiếm tỉ lệ rất ít (có thể kể tới Cô gái xuống ga Vĩnh Yên, Nhữngngười trong gia đình ông Luân, Đường về xa lắm, Hai con đường). Nhìn chung truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa thường có sự chan hòa giữa các yếu tố hiện thực, lãng mạn, kì ảo (tiêu biểu là Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh, Cơn mưa hoamận trắng, Lá Vàng Chải, Trên đảo). Kiểu truyện kì ảo theo hướng kinh dị tiêu biểu nhất là Người đổi mặt. Một người đàn ông một sáng soi gương bỗng nhận thấy “Trong gương rõ ràng là một gương mặt lạ. Trước  hình bầu dục, nay thành lục lăng. Những nét mềm thoai thoải biến mất, nhường chỗ cho những đường cứng, sắc. Một biếm họa đặc tả sắc sảo cái sọ người chắc nịch bằng chì xám. Mao mạch, biểu bì căng nở hết cỡ. Độ sáng đạt đến maximum. Mớ tóc bẹp dí phía trên khoảng trán bóng loáng như được quang dầu, mũi gồ như thỏi sắt gắn vào và cơ hàm bạnh ra như đẽo từ đá tảng. Đôi mắt lấp lánh ấm áp giả tạo. Mồm vừa nhe nhe, đã vạc hai nét đen ngòm hai bên như cái ngoặc đơn chú giải đầy bí hiểm, đồng thời lộ ra cái khoang miệng đầy lưỡi, lợi đỏ lòm”. Mô-tip biến dạng được nhà văn vận dụng khéo léo khiến truyện này giống như một trích đoạn phim ma mà bây giờ người xem vẫn rất thích thú. Tuy nhiên  những truyện viết theo bút pháp kì ảo có tính chất kinh dị này không nhiều.

Tôi muốn nói đến cái nhịp điệu (rythme) của văn xuôi Phạm Duy Nghĩa. Thường khi nói đến phong cách một nhà văn, trước hết, người ta hay chú ý đến giọng điệu của người ấy, tất nhiên. Nếu có thể nói ngắn gọn thì giọng của Phạm Duy Nghĩa là giọng thương cảm - đó là kiểu giọng của những nhà văn khi viết có khuynh hướng tìm vào nội tâm, giọng của người biết chia sẻ, cảm thông và trong nhiều trường hợp sẵn sàng nâng đỡ con người, kể cả khi nó mấp mé, thậm chí trượt dài vào cái xấu. Nhịp điệu văn xuôi , cho đến nay vẫn là một vấn đề khó mà giới lí luận - phê bình trong nhiều trường hợp thường né tránh. Riêng tôi rất muốn bước đầu xác định cái bản sắc của nhịp điệu văn xuôi Phạm Duy Nghĩa. Chúng ta cùng nhau đọc lại một đoạn văn trong truyện Cơn mưa hoa mận trắng: “Từ ngày lên Kin Chu Phìn, Thuận luôn có cảm giác sống trong một thế giới bưng bít. Căn nhà lợp tranh bé nhỏ của chị nép mình cạnh rừng vầu. Gian ngủ liền vách với lớp học. Những đêm xuân, Thuận nằm nghe tiếng dúi gặm măng gồn gột sau nhà. Quanh năm, sương mù vón lại trên núi Rú. Ngọn núi xám ngắt tỏa khí lạnh buốt, nhô ra bức thành đá sứt sẹo, lởm chởm, phủ cây dại bùng nhùng. Lâu lâu, từ núi vọng về  một âm thanh đục ngầu của đá lở. Gió rít lục ục trong rừng vầu đắng, rừng nứa ngộ, nghe như nghẽn lại trong tầng lá rậm rì. Những buổi chiều vào rừng nhặt củi, Thuận thấy loi nhoi trong sương một đôi bóng áo chàm”. Có thể thấy đó là một nhịp chậm, buồn, trễ nãi của tâm trạng; một nhịp của những gì đó cô liêu, phiêu tán. Nhịp văn ấy khắc dấu một sự đổi thay, dịch chuyển không gian sinh tồn mà trong đó nhân vật chính còn hết sức bỡ ngỡ, lạ lẫm với mọi thứ - từ tập quán sống cho đến cả cái đồng hồ sinh học trong con người khi thay đổi môi trường sống...

Cái nhịp điệu văn xuôi cũng có thể đồng thời thể hiện cái tâm thế của nhà văn - một  tâm thế có thể nói là lưỡng phân khi một mặt muốn gắn bó với nơi mình  đang sống, một mặt thì vẫn hoài cố, vẫn đau đáu với một không gian sống lí tưởng khác, đó là thủ đô. Nó giống cái tâm trạng của cô bé Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam. Nếu nhịp điệu trong thơ thể hiện cái nhạc tính của tâm hồn thì nhịp điệu trong văn xuôi thể hiện cái nhịp sống của nhân vật. Trong truyện ngắn của phạm Duy Nghĩa, tôi đọc thấy rất rõ một nhịp sống chậm của các nhân vật, trong nhiều trường hợp kể cả cỏ cây , hoa lá, chim muông, gió, ánh trăng, mây trời..

Cái nhịp điệu văn xuôi trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa  cũng đã thể hiện được vừa là cái động vừa là cái tĩnh của đời sống - hiểu là đời sống xã hội và đời sống nội tâm của con người thời hiện đại. ở đây thấy rõ cái tâm thế tĩnh của nhà văn khi cầm bút viết “Trừ diệt mọi ham muốn, trong tính đa dạng của trần thế, là trừ diệt cái gốc của mọi đau khổ. Chân lí  Phật đạo là thế, giản dị, tươi lành và tinh khiết như một cơn mưa ở cõi vĩnh hằng” (Cơn mưa hoa mận trắng).

Trong khu vườn văn chương của Phạm Duy Nghĩa, đôi chỗ vẫn còn sơ sài, thô vụng - điều ấy cũng là lẽ thường tình(các truyện Lời của suối, Hoađào xứ tuyết, Ngôi nhà nhỏ bên hồ còn rơi vào tình trạng đơn giản hoặc bố trí, sắp đặt một cách vụng về). Bốn tập truyện (với 46 truyện), nếu có vài ba truyện chưa đứng được thì nên coi đó là sự thành công đáng khích lệ của tác giả . Có người nói với tôi “Anh hãy viết một câu ngắn gọn về Phạm Duy Nghĩa!”. Tôi nghĩ thật là khó khăn nhưng cuối cùng cũng đã tìm và viết được một câu như sau: “Phạm Duy Nghĩa là nhà văn biết cách chắt chiu cái.

Tác giả: Bùi Việt Thắng

Nguồn tin: Văn nghệ trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 4 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây