Lý luận phê bình 25 năm trở lại đây

Thứ tư - 04/08/2010 19:05 2.764 0

Tác giả PGS.TS Trịnh Bá Đĩnh

Tác giả PGS.TS Trịnh Bá Đĩnh
Bài này trình bày quá trình đổi mới, phát triển của lí luận phê bình văn học trong vòng 15 năm cuối cùng của thế kỷ XX và từ đó đến nay, vậy là gần 25 năm (cần lưu ý là phong trào đổi mới văn học đã bắt đầu từ những năm trước Đại hội Đảng 1986).
Hai nhăm năm là quãng thời gian thật ngắn đối với lịch sử, ngay cả đối với lịch sử văn học dân tộc. Tuy vậy, ở những thời điểm đặc biệt, như thông thường vẫn gọi là “bước ngoặt” thì văn học, trong đó có lí luận văn học đôi khi cũng đạt được nhiều kết quả tạo nên sự thay đổi quan trọng trong tiến trình phát triển của nó.

Mọi người đều biết văn học dân tộc trong vòng 15 năm, từ 1930 đến 1945 đã được hiện đại hóa nhanh chóng như thế nào và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trên mọi lĩnh vực, cả sáng tác lẫn lí luận phê bình ra sao. Ý nghĩa của 25 năm văn học về tính chất của sự đổi mới thì cơ bản cũng tương đồng (đều là sự mở cửa với thế giới bên ngoài để tự cải biến mình) và cũng đạt được không ít thành tựu trong đó có những kết quả của hoạt động lí luận, phê bình văn học. Đổi mới là một quá trình, khoảng 10 năm đầu đổi mới có tính chất khác, sang thế kỉ 21 lại có tính chất khác.

I. Giai đoạn “phản tư”

Thuật ngữ “phản tư” được mượn từ giới lí luận, phê bình văn học Trung Quốc đương đại, khái niệm này để chỉ sự tự phản tỉnh, tự phê phán của giới phê bình đối với các giá trị cũ. Những người phê phán cũng chính là những người đã làm nên những giá trị đó. Giờ đây họ thấy cần phải định giá lại một số giá trị bị coi là nhất thời thậm chí là giá trị ảo, những phương pháp tư duy, phương pháp nghiên cứu đã từng được coi là khoa học, là tối ưu giờ bộc lộ những bất cập; không ít giá trị ở giai đoạn trước nằm ở bên lề nay được chuyển vào trung tâm của sự chú ý.

Sự “phản tư” hay phản tỉnh lúc này thể hiện qua việc đánh giá lại các hiện tượng văn học quá khứ, trước hết là văn học lãng mạn trước năm 1945, chẳng hạn như Phong trào Thơ mớiTự Lực Văn Đoàn. Trước đây cũng đã có một số công trình viết về hai phong trào văn học này mà đường hướng chung là phê phán nội dung tư tưởng của chúng và nêu lên một số yếu tố tích cực về nghệ thuật thể hiện. Đại thể bị coi là loại văn học lảng tránh hiện thực (hoặc những vấn đề chủ yếu của hiện thực đương thời), đề cao cái tôi cá nhân (chủ nghĩa cá nhân), trốn vào tháp ngà nghệ thuật may lắm được coi là “tiếng thở dài chống chế độ thuộc địa”. Một số mặt tích cực về biểu hiện nghệ thuật được nêu lên chủ yếu là: sử dụng hiệu quả các thủ pháp tổ chức văn bản thơ như nhịp điệu, vần, các biện pháp tu từ... (Thơ Mới), hiện đại hóa ngôn ngữ văn học trong tiểu thuyết (Tự Lực Văn Đoàn). Các phong trào văn học lãng mạn này cũng được đánh giá tích cực về nội dung chống lễ giáo phong kiến, có tình yêu với thiên nhiên văn hóa quê hương, đất nước. Thơ của các nhà thơ có màu sắc siêu thực, tượng trưng như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Hoàng Chương thì bị phê phán kịch liệt (bí hiểm, bế tắc...). Bị phê phán nhiều còn là các nhà văn tham dự vào các hoạt động chính trị như Nhất Linh, Hoàng Đạo. Giờ đây trong sự “đổi mới tư duy lí luận, phê bình”  thái độ đối với hai phong trào văn học trên đã thay đổi nhiều, đáng chú ý là hai sự kiện quan trọng, hai cuộc Hội thảo khoa học về Tự lực văn đoàn (1989 do Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp chủ trì) và về Phong trào Thơ Mới (năm 1992, do Viện Văn học tổ chức). Chúng tập trung được tiếng nói rộng rãi của giới lí luận, nghiên cứu văn học trong cả nước. Từ mốc đó bắt đầu một thời kì mới cho việc nghiên cứu và đánh giá lại hai phong trào văn học này và cả văn học trước 1945 nói chung: nhiều chuyên khảo, luận án tiến sĩ được thực hiện, việc nhìn nhận sâu sắc, khách quan hơn.

Tuy nhiên trung tâm của sự đổi mới lúc này là các bài viết đi vào các vấn đề có tính lí thuyết. Tác giả của chúng là những nhà lí luận văn học hầu hết được đào tạo ở Liên Xô trở về, có ngoại ngữ, theo dõi được các vấn đề lí luận đang được thảo luận trong phong trào “cải tổ” ở Nga. Đó là Lê Ngọc Trà, Trần Đình Sử, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Văn Hạnh... đặc biệt là hai nhà lí luận Lê Ngọc Trà và Trần Đình Sử. Các bài viết của Lê Ngọc Trà về văn học và chính trị, sự phản ánh hiện thực được thảo luận sôi nổi, chúng “mang tầm khái quát”, “đặt ra khá nhiều vấn đề cơ bản của lí luận văn nghệ và có nhiều điều cần trao đổi” (Hà Minh Đức). Những vấn đề được Lê Ngọc Trà nêu lên gợi ý cho một loạt các cuộc trao đổi khoa học có tầm quốc gia (chẳng hạn cuộc Hội thảo “Văn học và hiện thực” tại Viện Văn học tháng 7 năm 1988). Về sau các tiểu luận của Lê Ngọc Trà giai đoạn này được tập hợp trong cuốn Lý luận và văn học của ông và cuốn sách được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Hầu như từ bấy đến nay không có cuốn sách lí luận phê bình nào ở ta vượt qua được nó về tầm ảnh hưởng trong đời sống văn học. Hầu hết các ý kiến bàn về lí luận trong những cuộc hội thảo giai đoạn đầu đổi mới này đều xoay quanh một số vấn đề mà Lê Ngọc Trà nêu lên (các ý kiến bộc lộ sự đồng tình hay phản đối), do vậy để thấy được đời sống lí luận văn học lúc này ta chỉ cần xem xét các vấn đề đó: 

Văn học và hiện thực

Lí luận văn học của ta trước Đổi mới xem xét mối quan hệ văn học - hiện thực theo quan điểm phản ánh luận của Lênin và quan niệm duy vật biện chứng của Mác. Văn học có nguồn gốc xã hội và là sự phản ánh chân thực, sâu sắc đến mức nêu hiện thực đời sống. Các yếu tố hình thức của nghệ thuật chỉ có giá trị nếu nó phục vụ tốt cho nhiệm vụ này. Nếu Tolstoi là một nghệ sĩ vĩ đại thì thể nào tác phẩm của ông cũng phải phản ánh vài ba khía cạnh quan trọng của cuộc cách mạng Nga - mọi nhà lí luận đều tâm đắc, mặc nhiên thừa nhận quan điểm này của Lênin. Từ quan điểm này đưa đến việc tôn vinh văn học hiện thực chủ nghĩa, coi mẫu mực của nghệ thuật chỉ thuộc về các nhà văn hiện thực chủ nghĩa. Việc đề cao “cách thể hiện cuộc sống bằng các hình thức của chính bản thân đời sống. Để nhà văn sáng tác tốt, các nhà lí luận hô hào, cổ vũ họ đi vào đời sống xã hội, đi xuống nhà máy, nông trường, chiến trường. Trong cấu tạo nghệ thuật, họ đề cao đề tài của tác phẩm. Việc phê bình đề cao tính thời sự, kịp thời, xem tác phẩm là “tô hồng” hay “bôi đen” cuộc sống... Không khí ấy bao trùm toàn bộ đời sống văn học và tinh thần xã hội. Học trò ở trường, nhà báo, nhà văn... cứ nói đến văn học là nói đến phản ánh hiện thực đời sống.

Lê Ngọc Trà không phủ định sự phản ánh hiện thực của văn học. Tuy nhiên ông cho rằng nội dung phản ánh của văn học không chỉ là những sự kiện, hoạt động bên ngoài của nhân vật, “Hiện thực độc đáo của văn học là thế giới tinh thần, tình cảm tâm lí của con người trong xã hội” (Bài Về vấn đề văn học phản ánh hiện thực), “lịch sử văn học là lịch sử tâm hồn nhân loại”. Nói chung toàn bộ bài viết của Lê Ngọc Trà là sự nhấn mạnh đến phương diện thể hiện tư tưởng, tình cảm thái độ của con người trong văn học (con người tác giả và con người- nhân vật), phê phán lối đề cao hiện thực bên ngoài: “Nội dung tác phẩm văn học vì vậy trước hết không phải là hiện thực ngoại cảnh mà là tư tưởng tình cảm con người”; “Truyện Kiều vĩ đại chủ yếu cũng không phải vì nó phản ánh được hiện thực xã hội mà trước hết là những câu thơ lung linh như vầng trăng đáy nước, ở nỗi buồn và giọt nước mắt (tức tình cảm- TBĐ) của Nguyễn Du”. Luận điểm sau đây của Lê Ngọc Trà chưa chặt chẽ: “Văn học trước hết không phải là phản ánh hiện thực mà là nghiền ngẫm về hiện thực”. Bài viết này của Lê Ngọc Trà không phải là một tiểu luận với hệ thống lí luận chặt chẽ, giải quyết vấn đề phản ánh hiện thực trên bình diện mĩ học; ông vẫn viết theo lối tiểu luận phê bình, do đó mà quan điểm của ông về vấn đề này chưa bộc lộ thật rõ ràng triệt để, vẫn có tính nước đôi. Tuy nhiên ý tứ cũng đã rõ ràng: ông nhấn mạnh đến các yếu tố chủ quan trong nội dung văn học (Xem thêm bài: Tư tưởng lí luận của nhà văn và sáng tác văn học. Báo Văn nghệ số 34, 22/8/1987). Chính vì không giải quyết vấn đề một cách hệ thống nên ông đã mắc sai lầm khi đối lập giữa phản ánh hiện thựcnghiền ngẫm về hiện thực (vốn cũng là một hình thức của sự phản ánh). Giờ đây chúng ta có thể nói rằng (dựa trên ý của Lê Ngọc Trà): Nội dung trực tiếp của tác phẩm văn học không phải là phản ánh hiện thực mà là nghiền ngẫm về hiện thực. Văn học, xét trên bình diện triết học tất nhiên là phản ánh hiện thực khách quan, nhưng ở mỗi tác phẩm lại có một hiện thực riêng kết quả của suy ngẫm, cảm xúc của nhà văn. Cùng phản ánh hiện thực trước 1945, ta có các tác phẩm hiện thực phê phán, cũng có những tác phẩm lãng mạn của nhóm Tự lực văn đoàn và ở mỗi nhà văn, mỗi tác phẩm trong số đó lại có một “hiện thực” riêng biệt. “Hiện thực” riêng biệt này mới là cái chủ yếu của văn học, là nội dung trực tiếp của tác phẩm văn học.

Văn nghệ và chính trị

Mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị thực chất cũng là một vấn đề cơ bản của lí luận văn học và cần được giải thích khoa học. Trong thực tế ở nước ta, đây là một chủ đề “nhạy cảm”. Tuy nhiên đến thời kì này, vấn đề quan hệ văn nghệ và chính trị lại được nêu lên và được bàn luận sôi nổi. Ở đây người ta chỉ dừng ở mức phê phán sự chi phối thái quá của chính trị đối với văn nghệ, sự minh họa thô thiển các chính sách của văn nghệ, chẳng hạn các tác phẩm luôn hưởng ứng các phong trào xã hội có tính thực tiễn, các chủ trương chính sách của nhà nước... Các bài viết đáng chú ý về chủ đề văn nghệ - chính trị là của Hồ Ngọc, Nguyễn Văn Hạnh, Lê Ngọc Trà... Trong bài báo Văn nghệ và chính trị, Lê Ngọc Trà đề nghị phân biệt hai vấn đề: 1) Quan hệ giữa văn nghệ và một chế độ chính trị cụ thể; và 2) Quan hệ giữa văn nghệ và chính trị như hai lĩnh vực của hình thái ý thức. Theo ông trong quan hệ thứ nhất nói “văn nghệ phục vụ chính trị” chỉ đúng với bộ phận văn học chính thống, trong đời sống văn học còn những bộ phận văn học khác nữa. Về quan hệ thứ hai, ông cho rằng nói văn nghệ phục vụ chính trị là không chính xác vì đấy là “hai hình thái ý thức xã hội có nội dung riêng, có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhưng tồn tại độc lập”. Nói chung bài của Lê Ngọc Trà đòi hỏi việc thừa nhận sự độc lập cho văn nghệ vì “ý thức văn nghệ có nội dung riêng”, nó không vì chính trị, đạo đức hay cái gì khác ngoài nó. Nội dung riêng đó theo Lê Ngọc Trà là “tiếng nói về số phận con người là câu chuyện về đời người”. Vấn đề con người, số phận cá nhân lúc này đang trở thành nội dung chính của văn học, trong thơ và nhất là trong văn xuôi. Nó cũng được đặt ra trong lí luận văn học. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với ý kiến của Lê Ngọc Trà; qủa thật văn học khó mà rời bỏ được những nội dung chính trị và đạo đức. 

Vấn đề con người trong văn học

Lí luận văn học ở thời kì trước nhấn mạnh đến tính giai cấp, tính Đảng. Nội dung văn học ở thời kì trước thường chú ý đến tập thể, cộng đồng, ít quan tâm đến con người cá nhân, cá thể. Vào đầu những năm 60 cũng có một số ý kiến đặt vấn đề về tính người trong văn học “thoát li tính giai cấp” song bị xem là theo chủ nghĩa “xét lại” trong lí luận. Đến thời kì này vấn đề “tính người” như là một thuộc tính chung của nhân loại lại được đặt ra trên bình diện lí luận qua các bài báo của Trần Đình Sử, Trần Thanh Đạm, Lê Ngọc Trà... Xu  hướng chung là thừa nhận có tính người siêu giai cấp. Trần Đình Sử trong bài Tính nhân loại trong văn học (Văn nghệ, số 172, 9/1/88) cho rằng “tính người là một phẩm chất hệ thống “siêu tổng cộng”, hình thành từ toàn bộ chỉnh thể xã hội”, nó là “phẩm chất cao nhất” và trong quá trình lịch sử tính giai cấp “luôn mâu thuẫn với tính người”. Lí luận văn học ở thời kì trước không thừa nhận tính người chung chung mà cho rằng tính người có màu sắc giai cấp. Những lời sau đây có thể coi là lời kết bài báo của mình Trần Đình Sử viết “tính giai cấp có thể làm biến đổi tính người chứ không thể thay thế nó”. Lê Ngọc Trà trong bài báo Vấn đề con người trong văn học ngoài việc khẳng định tính người độc lập, rộng hơn tính giai cấp, còn coi việc khám phá con người là nội dung chính của sáng tác văn học nghệ thuật. Ông viết: “Bây giờ dần dần chúng ta hiểu đúng hơn: cuộc đời rộng hơn chính trị, con người rộng hơn con người giai cấp, thế giới tinh thần của con người và ý thức giai cấp của anh ta không phải là một”; “Văn học, đặc biệt là văn học đã bước vào giai đoạn trưởng thành không chỉ bày tỏ tình yêu, sự phẫn nộ hay lòng thương xót con người mà còn là một lĩnh vực quan sát khám phá về con người”. Nhìn chung những ý kiến phê phán sự sai lạc, thiếu sót của lí luận thời kì trước, hoặc đôi lúc đề xuất những vấn đề lí luận mới, các nhà lí luận lúc này vẫn tìm kiếm điểm tựa từ triết học và nhận thực luận Macxit nói chung.

Ngoài các vấn đề chủ yếu nêu trên, lí luận văn học lúc này còn quan tâm đến một số vấn đề khác như: chức năng của văn học, phương pháp sáng tác nghệ thuật, đặc biệt là phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, rồi phương pháp luận trong nghiên cứu văn học.

II. Giai đoạn “hội nhập”

Sau giai đoạn “phản tư” sôi nổi khoảng 10 năm (tạm coi đến năm 1995) lí luận và học thuật văn học bước sang một giai đoạn khác: đi vào chiều sâu với những vấn đề chuyên môn hơn như về phương pháp luận khoa học, việc phân tích các tác phẩm văn học cụ thể. Lí do chủ yếu là  trong nội bộ hoạt động văn học việc giao lưu mở dần ra nhiều khu vực khác của thế giới đặc biệt là Âu - Mĩ. Các lí thuyết văn học phương Tây được giới thiệu ngày càng nhiều, trong đó có những lí thuyết khác với lí luận văn nghệ Macxit. Nói chung cũng như các mặt khác của đời sống xã hội, lí luận văn học của ta hội nhập dần vào đời sống học thuật quốc tế, các trường phái lí thuyết nước ngoài nhất là Âu - Mĩ được giới thiệu ngày càng phong phú.. Bước đầu đã có sự vận dụng chúng vào việc xem xét thực tiễn văn học Việt Nam. Điều này cho đến nay vẫn đang được tiếp tục. Có thể nói sơ lược về một vài khuynh hướng hướng như sau:

1) Khuynh hướng ngôn ngữ học: bao gồm nhiều trường phái như Cấu trúc luận, Kí hiệu học, Tự sự học... Đó là những trường phái lí thuyết văn học tiêu biểu ở phương Tây thế kỉ XX. Tất cả chúng đều có xuất phát điểm là vận dụng các quan điểm và phương pháp nghiên cứu của ngôn ngữ học F.de Saussure, L. Hjelmslev...) để xem xét văn học. Các công trình của những nhà cấu trúc luận, tự sự học được giới thiệu ngày càng nhiều ở nước ta: R. Jakovson, R. Barthés, Iu. Lofman, Tz. Todorop... Từ thập kỉ 80 đã có một số công trình lí luận, nghiên cứu của ta đi theo hướng này như của Phan Ngọc: Phong cách của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Hoàng Trinh: Kí hiệu, nghiên cứu và phê bình văn học... Những năm gần đây xu hướng này ngày càng phát triển, như các công trình của Đỗ Đức Hiểu: Thi pháp hiện đại, Trịnh Bá Đĩnh: Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học. Lối phê bình văn học theo tự sự học cũng đang thành một phong trào trong khu vực học viện và các trường đại học.

2) Khuynh hướng tiếp nhận văn học: bao gồm Hiện tượng học, Thông diễn luận...Các công trình giời thiệu (dịch, tổng thuật, miêu thuật) các trường phái này cũng đang rất phát triển. Từ thập kỉ 80 đã có nhiều bài báo giới thiệu lí thuyết tiếp nhận của Nguyễn Lai, Nguyễn Thanh Hùng, Trần Đình Sử. Hai tác giả đầu đã có thời gian học tập và nghiên cứu tại Đức, nơi lí thuyết tiếp nhận rất phát triển. Những năm gần đây, có một số công trình khoa học đáng chú ý đi theo hướng này của Trương Đăng Dung: Từ văn bản đến tác phẩm, Tác phẩm văn học như là quá trình. Ông cũng dịch, giới thiệu một số công trình của các nhà lí luận thuộc xu hướng tiếp nhận văn học như Jauss, Isé, Galdamer. Một số luận án tiến sĩ đã vận dụng lí thuyết tiếp nhận để nghiên cứu Thơ Mới, Vũ Trọng Phụng,... thu được một số thành công. Nói chung, ý nghĩa của sự đọc, vai trò của người đọc trong hoạt động văn học là hết sức lớn. Việc nghiên cứu tiếp nhận văn học là một đòi hỏi khách quan và đã khá cấp thiết.

- Khuynh hướng tâm lí học: Sáng tạo văn học là một hành động tâm lí ngôn ngữ, tác phẩm văn học mang dấu ấn tâm lí của nhà văn (và cả thời đại), việc nghiên cứu văn học từ phương diện tâm lí học là đúng đắn: cả tâm lí học xã hội lẫn phân tâm học. Trước Cách mạng tháng 8 ở ta đã có Nguyễn Bách Khoa áp dụng lí thuyết tâm lí học vào nghiên cứu Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Du. Cuốn Tâm lí và tư tưởng Nguyễn Công Trứ là nghiên cứu từ tâm lí học xã hội, cuốn Nguyễn Du và Truyện Kiều vận dụng phân tâm học của S. Frớt. Tuy nhiên các nghiên cứu đó còn thô sơ. Ở thời kì “đổi mới” này việc giới thiệu các lí thuyết tâm lí học của Vygotski, S. Frớt, Jung khá nhiều và thu hút được sự chú ý. Phê bình phân tâm học của G. Bachelard cũng được giới thiệu (Lửa, nước và những giấc mơ). Người có những thành công bước đầu trong việc vận dụng tâm lí học trong phê bình văn học Việt Nam, cũng là người dịch, giới thiệu nhiều công trình theo hướng này là Đỗ Lai Thúy. Đỗ Lai Thúy viết về hoài niệm phồn thực của thơ Hồ Xuân Hương, về những ẩn ức trong thơ Hoàng Cầm... đưa lại một số nhận thức mới mẻ.

Tác giả: Trịnh Bá Đĩnh

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây