Thạch Lam và Nguyễn Tuân trong quá trình hiện đại hóa văn học

Thứ năm - 18/11/2010 03:07 7.567 0

Thạch Lam và Nguyễn Tuân

Thạch Lam và Nguyễn Tuân
Thực tiễn đời sống văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, đặc biệt là giai đoạn văn học 1930-1945 là một bước ngoặt phức tạp nhưng tất yếu để ngày càng hoà nhập vào quỹ đạo hiện đại hoá, phù hợp với xu thế và sự phát triển của nền văn học mới.

Trong sự chuyển biến chung của đời sống văn học, sự hình thành phát triển vững chắc ba thể loại: kịch nói, thơ mới và văn xuôi hiện đại đã tạo ra sự tương tác, xâm nhập giữa các thể loại và đem đến cho mọi thể loại những thành tựu đáng kể. Bên cạnh thơ và kịch, văn xuôi đã bộc lộ những dấu hiệu hiện đại hóa cả về nội dung lẫn hình thức, có ý nghĩa cơ bản đối với văn học Việt Nam thế kỷ XX.

Hiện đại hóa và hiện đại hóa ngôn ngữ

Trước hết chúng ta phải hiểu thế nào là hiện đại hóa. Đây là một khái niệm chỉ cái mới thoát khỏi hệ hình văn học cũ. Bước vào đầu thế kỉ XX, văn học Việt Nam đã có đầy đủ mọi yếu tố để bước vào hiện đại hóa. Quá trình hiện đại hóa văn học được thể hiện qua hai phương diện: thể loạingôn ngữ. Một trong những đóng góp lớn vào quá trình hiện đại hóa văn học giai đoạn này đó là những đổi mới về ngôn ngữ văn học. Trong đó, chúng ta không thể không nhắc tới hai bậc thầy của văn xuôi Việt Nam giai đoạn này là Thạch Lam và Nguyễn Tuân. Trải qua chặng đường dài của sự tồn tại và ảnh hưởng của những tác phẩm của hai nhà văn, chúng ta càng ghi nhận hơn những đóng góp đáng kể của họ để đưa văn học Việt Nam lên một giai đoạn mới.

M.Gorki đã nhận xét: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó và cùng với các sự kiện, hiện tượng cuộc sống là chất liệu của văn học”. Hiện đại hóa văn học trên phương diện ngôn ngữ nói chung được thể hiện qua sự chuyển biến của các tác phẩm từ chữ Hán, chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ. Hàng loạt các tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ ra đời trong giai đoạn này và đạt được nhiều thành tựu đáng kể về nghệ thuật ngôn từ. Mở đầu cho những tác phẩm thành công xuất sắc về ngôn ngữ hiện đại đó là những sáng tác của Tự lực văn đoàn. Những tác phẩm của Tự lực văn đoàn đã thể hiện cái đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật bằng phong cách rất riêng mang đậm tính dân tộc với nhãn quan đô thị và ngôn ngữ bóng bẩy, chau chuốt.

 

Những đóng góp về ngôn ngữ của Thạch Lam trong quá trình hiện đại hóa văn học

Là một thành viên trong nhóm Tự lực văn đoàn nhưng Thạch Lam đã không đi theo lối viết chung đó mà ông tìm đến một phong cách hoàn toàn khác - giản dị và trong trẻo để rồi những đóng góp về nghệ thuật ngôn ngữ của ông được nhắc đến khá nhiều và có ảnh hưởng sâu đậm trong quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc.

Trước hết, nói đến Thạch Lam (1910-1942), chúng ta không thể phủ nhận rằng những sáng tác của ông khá khiêm tốn về số lượng bởi cuộc đời của một nhà văn tài hoa quá ngắn ngủi. Tác phẩm của ông chỉ vẻn vẹn có ba tập truyện ngắn: Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn(1938), Sợi tóc (1941); một truyện dài Ngày mới (1939); tiểu luận Theo dòng (1941); tập tuỳ bút Hà Nội ba sáu phốphường (1943) và một vài truyện viết cho thiếu nhi in trong Quyển sách Hạt ngọc (1940). Nhưng những gì ông để lại không phải là số lượng đồ sộ của những tác phẩm lớn mà là một phong cách nghệ thuật độc đáo. Ngôn ngữ của ông rất đặc biệt, giản dị mà làm say đắm lòng người. Những tác phẩm của ông không gân guốc, nhưng thâm trầm và kín đáo. Mỗi truyện ngắn như một bài thơ hàm súc, cô đọng với một dư ba vang vọng. Ở đó, “cái ngữ điệu nhỏ nhẹ và man mác thi vị, những cảm xúc tinh tế của một tâm hồn dễ rung động “như cánh bướm non””(6) đã làm nên một phong cách ngôn ngữ rất riêng, độc đáo và đặc sắc. Nghệ thuật ngôn ngữ của Thạch Lam khá thanh thoát nhưng không hề sáo rỗng mà vẫn toát lên vẻ bình dị hiếm có.

Ngôn ngữ trần thuật hướng tới sự dung dị, tự nhiên

Ngôn ngữ trần thuật của Thạch Lam luôn hướng tới vẻ đẹp của đời sống hàng ngày, nó tránh xa sự chau chuốt và bác học của ngôn ngữ văn chương trung đại. Ông tìm đến với lối văn giản dị, gọi đúng tên những sự vật, hiện tượng, không tránh né với những lời ăn tiếng nói của đời sống hàng ngày được đi vào trong trang văn Thạch Lam một cách tự nhiên “Khốn nạn cho Dung, từ bé đến nay không phải làm công việc nặng nhọc, bây giờ tát nước, nhổ cỏ, làm lụng đầu tắt mặt tối suốt ngày” (Hai lần chết). Ngôn ngữ trần thuật trong văn xuôi Thạch Lam còn được tác giả thể hiện ở cách lựa chọn điểm nhìn với số lượng khá lớn ở ngôi thứ ba. Đây là cách lựa chọn tạo nên ngôn ngữ trần thuật khá sắc sảo, giản dị mà sâu sắc bởi nhà văn có thể thâm nhập vào nhân vật, lấy điểm tựa là nhân vật nhưng lại kể lại với thái độ khách quan của một người ngoài nhìn vào. Hai đứa trẻ là câu chuyện kể về chuyện chị em Liên ngồi đợi một chuyến tàu đêm đi qua. Tác phẩm được kể dựa vào điểm nhìn của cô bé Liên - một cô bé có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, trong sáng, nên cảnh phố huyện qua đôi mắt của Liên dẫu buồn mà vẫn đẹp. Bằng thứ ngôn ngữ giản dị của một tâm hồn trẻ thơ, con người dẫu chìm, dẫu lặng vẫn âm thầm quan tâm yêu thương tới nhau… Và cảnh chuyến tàu đêm đi qua mới sáng rực, vui vẻ và huyên náo, mới khơi dậy biết bao nhiêu mộng tưởng của một tâm hồn trẻ thơ khao khát một cuộc sống náo nhiệt, phồn hoa thay thế cuộc sống tẻ nhạt và ảm đạm. Với điểm nhìn ở ngôi thứ nhất cũng có một tác dụng khác tạo nên một ngôn ngữ văn xuôi đầy sâu sắc với những diễn biến nội tâm được bộc lộ từ chính bên trong nhân vật. Cho dù lựa chọn điểm nhìn trần thuật ở ngôi nào, Thạch Lam cũng đã phát huy tối đa sự phong phú của tiếng Việt và ngôn ngữ của ông luôn hướng tới cái đẹp của sự bình dị khác hẳn với sự chau chuốt, bóng bẩy và tượng trưng của giai đoạn văn học trung đại.

Ngôn ngữ nhân vật thông qua đối thoại và độc thoại

Về ngôn ngữ nhân vật, khác với những tác phẩm trong giai đoạn trước đó, đặc biệt trong thơ ca trung đại, nhân vật trữ tình thường ẩn đi ngôn ngữ của mình thay vào đó là ngôn ngữ của cảnh vật với lối “tả cảnh ngụ tình”. Tới những sáng tác của các nhà văn đầu thế kỉ XX, chúng ta bắt đầu ghi nhận ngôn ngữ nhân vật như một phần không thể thiếu trong các tác phẩm tự sự. Ngôn ngữ nhân vật được thể hiện chủ yếu trước đó thông qua đối thoại. Và tới Thạch Lam, nó lại mang xu hướng ít đối thoại mà thiên về độc thoại nội tâm. Đây là một đóng góp khá độc đáo của ông về ngôn ngữ nhân vật. Trong ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, Thạch Lam sử dụng những câu đối thoại rất ngắn và hầu hết những lời đối thoại đó không phải miêu tả kịch tính hay diễn biến của cốt truyện mà thiên về miêu tả cảm xúc của nhân vật. Đó là những lời đối thoại của Liên trong Một đời người: “Các chị bây giờ về nhà chắc chồng con vui vẻ lắm, chỉ có em là khổ thôi”. Hay ngôn ngữ đối thoại của Thanh trong Một cơn giận lại thể hiện một sự chiêm nghiêm khá triết lí và giàu cảm xúc “Sự giận dữ có thể sai khiến ta làm những việc nhỏ nhen không ai ngờ. Tôi biết hơn ai hết, vì chính tôi đã trải qua sự đó. Tôi sẽ kể các anh nghe một câu chuyện mà cái kỷ niệm còn in sâu trong trí nhớ tôi”…Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trong truyện Thạch Lam mang dáng dấp hiện đại, phá bỏ lối mòn cũ và nó mang trong mình vai trò truyền tải cả cảm xúc và tâm lí. Đặc biệt trong ngôn ngữ độc thoại nội tâm, Thạch Lam đã thành công khi dùng ngôn ngữ này để khám phá chiều sâu bên trong của nhân vật. Ông thiên về độc thoại nội tâm không có lời dẫn của tác giả. Trong Một cơn giận đó là lời độc thoại nội tâm của nhân vật tôi trong sự hối hận về những điều mình đã làm với người phu xe: “Tôi rùng mình nghĩ đến số phận của anh xe khốn nạn. Ba đồng bạc phạt! Anh ta phải vay cai xe để nộp phạt; nhưng ba đồng bạc nợ ấy, bao giờ anh ta trả xong, sau những ngày nhịn đói, bị cai xe hành hạ, đánh đập vì thù hằn?”, trong Cuốn sách bỏ quên, đó là lời độc thoại của nhân vật Thành lúc là băn khoăn, lúc lại tự an ủi chính mình vềcuốn sách của mình. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm ở đây không quá khó hiểu, không quá cao trào nó cứ như một sự giằng xé thể hiện sự mâu thuẫn giữa những khát vọng lớn lao với những cái tầm thường mà thực tại chàng đang phải chứng kiến. Cái bi kịch này qua độc thọai nội tâm cũng đã được kế thừa trong các sáng tác sau này của rất nhiều nhà văn như Nguyễn Minh Châu (Bức tranh), hay qua dòng ý thức như trong các sáng tác của Nam Cao như Trăng sáng, Chí phèo, Đời thừa…

Ngôn ngữ nhân vật của Thạch Lam được viết lên bởi chính ngòi bút của một tâm hồn nhạy cảm và nhân hậu, ông đã đi sâu hơn vào thế giới bên trong của con người để đồng cảm với nhân vật và như vậy, ngôn ngữ của nhân vật đã hòa cũng ngôn ngữ của tác giả trong tác phẩm. Văn Thạch Lam mang trong mình vẻ giản dị, trong sáng, mượt mà nhưng sâu lắng, đằm thắm và thấm đượm tình người, không gân guốc nhưng sức gợi mở lớn và có khả năng khơi sâu tìm vào cảm giác. Những câu văn có hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt, đậm chất Việt với mùi của những lá thị, bã mía mà cũng làm nên “mùi của riêng mảnh đất này”(Gió lạnh đầu mùa).

Ngôn ngữ miêu tả của Thạch Lam cũng khá chân thực nhưng đầy chất thơ. Đó là thứ ngôn ngữ như những sợi tơ giăng mắc vào không gian. Những câu văn ngắn dài theo mạch cảm xúc, những hình ảnh thân thuộc được thi vị hóa “Chiều, chiều rồi. Một buổi chiều êm ả như ru văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào” (Hai đứa trẻ). Đóng góp của Thạch Lam ở đấy chính là đưa ngôn ngữ của cảm xúc hay nói cách khác là đưa ngôn ngữ của thơ vào trong văn xuôi tạo nên những áng văn đẹp, gợi cảm và giàu xúc cảm vừa cho ta nhìn vừa cho ta cảm nhận thấy bằng ngôn ngữ của sự từng trải, ngôn ngữ của cuộc đời và mang tính thuần Việt, mang đậm chất Việt.

Nguyễn Tuân đã nhận xét về ngôn ngữ văn chương Thạch Lam rất sâu sắc “Thạch Lam đã làm cho tiếng Việt gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại và tươi tắn hơn. Thạch Lam có đem sinh sắc vào tiếng ta. Và theo tôi nghĩ, đứng bên cái tiêu chuẩn thái độ tư tưởng nó là tiêu chuẩn chung cho các thể, các ngành văn nghệ thì đây là cái chuẩn trong những tiêu chuẩn quan trọng nếu không là duy nhất”. Thạch Lam đã mang tới những đóng góp không nhỏ trong quá trình hiện đại hóa văn học trên phương diện ngôn ngữ và mang dấu ấn rất riêng của cây bút lãng mạn, giàu xúc cảm và tài hoa.

 

Những đóng góp về ngôn ngữ của Nguyễn Tuân

Cũng giống như Thạch Lam, Nguyễn Tuân (1910-1987) được coi là một trong những nhà văn có đóng góp lớn trong quá trình hiện đại hóa văn học về mặt ngôn ngữ. Hơn thế nữa, ông được mệnh danh là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Có thể nói, Nguyễn Tuân là người đã mang ngôn ngữ dân tộc giàu có và đẹp đẽ hơn bao giờ hết “Nguyễn Tuân là bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ Việt Nam, người mở ra những khả năng mới cho tiếng Việt. Nguyễn Tuân là nghệ sĩ đã mở ra thế giới nghệ thuật riêng phong phú. Là người có lúc làm ra vẻ khinh bạc lập dị, nhưng bên trong dạt dào tình cảm trong lành” [5](Mai Quốc Liên). Những đóng góp của ông là một chặng đường sáng tác dài luôn ý thức sáng tạo và chau chuốt ngôn ngữ. Nghệ thuật ngôn từ của ông mang một phong cách độc đáo, cái Tôi độc đáo được thể hiện rõ nét qua ngôn ngữ của ông. Sáng tác của ông chia làm hai giai đoạn trước và sau Cách mạng. Ở cả hai thời kì, ông đều đạt được một trình độ thăng hoa trong nghệ thuật và đặc biệt là nghệ thuật ngôn từ. Tuy hai giai đoạn sáng tác có khác nhau về tư tưởng và đối tượng sáng tác nhưng ngôn ngữ của nhà văn vẫn mang một phong cách không đổi của tác giả.

Cái đẹp trong ngôn ngữ của Nguyễn Tuân ở sự gợi tả và đa dạng

Đóng góp của Nguyễn Tuân trong ngôn ngữ chính là những cố gắng đưa cái “đẹp” vào trong đó. Với tài năng và nhiệt huyết của mình, ông đã không ngừng tìm tòi, khám phá và sáng tạo những từ ngữ mới tạo nên một thứ ngôn ngữ độc đáo. Ông đã biến những thứ giản dị, bình thường cũng trở nên đặc biệt với những tên gọi của nó. Trong Một chuyến đi, Nguyễn Tuân đã gọi tên thuốc phiện là “nàng tiên nâu”, hay “thả thơ, đánh thơ” trong Đánh thơ, hay “vẻ đẹp thiên lương” trong Chữ người tử tù để rồi sau này, những từ ngữ mà Nguyễn Tuân dùng đã trở thành tên gọi mới mà hầu hết chúng ta sử dụng hiện nay như một “sự mặc định”.

Nguyễn Tuân đã sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác hợp lí và có chọn lọc. Nhà văn đi nhiều, viết nhiều và làm phong phú thêm vốn ngôn ngữ của mình. Những tác phẩm của ông đã cho chúng ta thấy sự tài hoa uyên bác đó trong việc sử dụng ngôn từ trong nghệ thuật miêu tả. Đó là những ngôn từ miêu tả mang sức gợi quá lớn làm chúng ta tưởng chừng như đang được cảm nhận trực tiếp. Khi tả cảnh trong Ngôi nhà cũ, vầng trăng được tác giả miêu tả độc đáo “hai cái sừng trăng đã nở to, đã đầy dần. Rồi vừng trăng tròn vẽ lên trên trời lần thì cái quầng, lần thì cái tán…”. Có thể nói với tài quan sát hết sức tinh tế, nhà văn mới có thể đạt được sự miêu tả kĩ lưỡng bằng những ngôn từ độc đáo đến vậy. Ngôn ngữ miêu tả của Nguyễn Tuân có thể nói đạt đến đỉnh cao bởi sự chau chuốt đôi khi tới mức cầu kì của nó. Nhà văn tả cảnh ấm nước sôi để pha trà hết sức đặc biệt “hòn lửa rất ngon lành, trở nên một khối đỏ tươi và trong suốt như những thỏi vàng thổi bay” (Chén trà sương). Có lúc viết về những loại cây trong vườn, tác giả đã nhận xét “Lan Bạch hay ưa hơi đàn bà. Trồng nó ở vườn các tiểu thư thì phải hơn”. Ngôn ngữ của ông được hình thành từ tình yêu tha thiết đối với con người, thiên nhiên và cùng với sự chau chuốt của ngôn từ, chúng ta còn thấy biện pháp nhân hóa, ẩn dụ được sử dụng khá nhiều trong các câu văn “sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình”. Có được ngôn từ vừa đặc biệt vừa giá trị đó, Nguyễn Tuân đã thực sự nỗ lực trong sáng tạo ngôn từ. Ông đã quan sát và nắm bắt sự vật, hiện tượng trên nhiều phương diện với cái nhìn đa chiều và những kiến thức trong các lĩnh vực khác nhau. Cảnh miêu tả các cửa ải mà ông lái đò phải trải qua trong tùy bút Sông Đà là một trong những đoạn văn tiêu biểu thể hiện sự đa dạng, phong phú trong ngôn ngữ với sự kết hợp kiến thức của địa lí, lịch sử, quân sự, điện ảnh trong một đoạn văn ngắn. Con sông Đà hiện lên qua hệ thống ngôn từ hết sức gợi hình, gợi cảm tưởng chừng như ở ngay trước mắt chúng ta.

Ngôn ngữ của Nguyễn Tuân hội tụ đầy đủ âm thanh, màu sắc dưới ngòi bút tài hoa. Ông sử dụng nhiều định ngữ miêu tả màu sắc, hương vị của sự vật đến tận cùng. Trong Hương cuội, cách miêu tả của Nguyễn Tuân gợi nhiều hơn tả “một mùi hương lan bị bỏ tù trong bầu không khí lồng bàn giấy phất từ đêm qua […]. Cơn gió nhẹ pha loãng hương thơm đặc vào không gian”. Ngôn ngữ miêu tả ấy thật đặc biệt, với những ngữ từ tưởng chừng như khập khiễng nhưng lại gợi tả vô cùng “bỏ tù” hương lan hay “pha loãng” hương thơm trong không gian.

Việc sáng tạo và sử dụng ngôn ngữ đối với Nguyễn Tuân là cả một sự dụng công mà nhà văn rất coi trọng. Bên cạnh việc sử dụng những ngôn ngữ hiện đại, Nguyễn Tuân vẫn tìm tới từ Hán - Việt trong các tác phẩm như Hương lược tất, Rượu giang hồ… đặc biệt trong Vang bóng một thời, hệ thống từ Hán - Việt được sử dụng tạo nên không khí cổ kính, thể hiện nỗi niềm hoài cổ trong lòng tác giả.

Đối với Nguyễn Tuân,“nghề văn là nghề của chữ”. Ông sử dụng ngôn ngữ rất giỏi, ông không chấp nhận những chữ sẵn có mà luôn sáng tạo cho ra những ngôn ngữ độc đáo. Ngoài việc đặt tên truyện khá ấn tượng như Hương cuội, Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua… tác giả còn sử dụng nghệ thuật tách từ trong nhiều tác phẩm.

Ngôn ngữ độc đáo của Nguyễn Tuân là sự kết hợp độc đáo của ngôn ngữ dân dã và ngôn ngữ bác học. Chính điều này làm cho những trang văn của Nguyễn Tuân lạ hóa về ngôn từ. Câu văn trần thuật mang nhiều chất đối thoại còn câu văn miêu tả lại mang cấu trúc so sánh, ẩn dụ, nhân hóa và gợi liên tưởng.

Ngôn ngữ nhân vật đa dạng

Đặc biệt, Nguyễn Tuân rất thành công trong việc khắc họa chân dung nhân vật và ngôn ngữ nhân vật. Đó là nghệ thuật miêu tả rất chân thực qua hệ thống ngôn từ giản dị, tỉ mỉ và cụ thể. Hình ảnh người lái đò với đôi tay dài lêu nghêu, đôi chân khuỳnh khuỳnh… đã in đậm trong tâm trí người đọc những ấn tượng mà ngôn ngữ của ông đã biểu đạt. Bên cạnh ngôn ngữ miêu tả, chúng ta không thể không nhắc tới nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ nhân vật trong đóng góp của Nguyễn Tuân. Dường như hầu hết các nhân vật đều được mã hóa trong ngôn ngữ của tác giả, có bóng hình của tác giả. Có lúc đó là giọng khinh bạc, ngạo mạn trong Chữ người tử tù “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Nhưng chúng ta cũng bắt gặp ngôn ngữ của nhân vật hết sức giản dị “từ ngày tôi góa vợ, giang hồ nó quen nết đi rồi. Nhưng anh còn chị ấy, con các cháu các cụ, phải về chứ”. Ngôn ngữ nhân vật trong văn Nguyên Tuân đã trở thành cầu nối tới khán giả về tính cách và hoàn cảnh của nhân vật một cách nhanh nhất. Ông đã sử dụng khả năng của mình trong việc miêu tả nội tâm nhân vật. Ông là người am hiểu thế giới nội tâm của con người, ông hoàn toàn có thể miêu tả thế giới đó của mọi đối tượng từ già, trẻ, gái trai, những người có địa vị lẫn những người thấp kém…họ đều có những ngôn ngữ riêng được dành riêng cho mình. Tất cả đều phù hợp và chân thực. Thế giới nội tâm của các nhân vật của Nguyễn Tuân không phải thông qua các màn độc thọai nội tâm mà hoàn toàn thông qua ngôn ngữ biểu hiện của nhân vật để hiểu được thế giới bên trong của họ. Một thế giới nội tâm đầy cảm kích của thầy thơ lại trong Chữ người tử tù, một nỗi băn khoăn hơi khác lạ của cậu bé Ngộ Lang trong Đèn đêm thu… đều được thể hiện trên bề mặt ngôn ngữ khá cô đọng nhưng chau chuốt kĩ lưỡng và phù hợp với nhân vật.

Ngôn ngữ thể hiện cái Tôi

Cái Tôi của Nguyễn Tuân cũng được thể hiện qua những sáng tạo ngôn từ ở giọng văn khinh bạc. Ông là người đề cao cá nhân, và giọng văn này chính là sự phản ứng với thực tại, mang nhiều cảm hứng phê phán, nhằm phản ứng lại với nhãn quan truyền thống với lối mòn và sự nhàm chán. Khinh bạc không chỉ là khinh đời, khinh người mà đôi khi là tự giễu mình. Giọng khinh bạc có lúc lên tới độ mỉa mai xót xa đối với những mặt trái của xã hội “làm giàu đi, kiếm tiền nhiều vào, cứ giàu sụ mặc kệ cho thiên hạ bàn” hay đôi khi là nói thẳng thắn “một cây bút tốt mà vào tay người vô tài, như là một con tuấn mã mà con tuấn mã này chỉ chạy như con chó chứ không phi như con ngựa bình thường” (Nguyễn Tuân).

*

Như vậy với những đóng góp về mặt ngôn ngữ của Thạch Lam và Nguyễn Tuân, nền văn học Việt Nam giai đoạn này đã bước tới đỉnh cao của quá trình hiện đại hóa. Mỗi nhà văn đóng góp một phong cách ngôn ngữ riêng. Thạch Lam nhẹ nhàng, trong trẻo, mỗi tác phẩm như một bài thơ và hình ảnh sự vật, sự việc luôn đựợc thi vị hóa nhưng vẫn giữ được vẻ giản dị còn Nguyễn Tuân mang tới ngôn ngữ đầy góc cạnh, câu văn dụng công và chau chuốt với cường độ sáng tạo ngôn từ vô cùng lớn. Giọng văn của Nguyễn Tuân cũng mang trong mình sự đa dạng, phong phú, lúc khinh bạc, ngạo nghễ đến mức mỉa mai, lúc lại thâm trầm và trữ tình trong giai đoạn sau cách mạng. Tuy nhiên, điều chúng ta ghi nhận ở cả hai nhà văn này đó là sự sáng tạo không ngừng và sự ảnh hưởng to lớn đối với ngôn ngữ văn học mà chữ quốc ngữ là chất liệu để sáng tác. Họ đã đưa tiếng Việt thăng hoa lên một tầm cao mới với rất nhiều biểu hiện đa dạng và phong phú. Họ đã tách biệt hoàn toàn với hệ hình văn chương trung đại với ngôn ngữ văn chương vay mượn và mang tính quy phạm, ước lệ tượng trưng và nó cũng vượt lên trên “sự do dự” và giao thoa ngôn ngữ của giai đoạn giao thời và góp phần cùng các nhà văn, nhà thơ cùng thời đưa văn học Việt Nam bước vào giai đoạn hiện đại hóa!

Trần Thư
Nguồn: Văn học quê nhà 

----------------
Tham khảo:

1. Vũ Tuấn Anh, Lê Dục Tú. Thạch Lam - Về tác gia tác phẩm. NXB Giáo dục.H,2006.
2. Phan Cự Đệ (chủ biên). Văn học Việt Nam 1900 - 1945. NXB Giáo dục. H.2008.
3. Hà Minh Đức (chủ biên). Lí luận văn học. NXB Giáo dục. H.2006.
4. Phương Lựu (chủ biên). Lí luận văn học. NXB Giáo dục. H.2006.
5. Mai Quốc Liên. Phác họa về Nguyễn Tuân. Báo Nhân dân, số 4,1997.
6. Anh Đức. Chúng ta vừa mất đi một bậc thầy vềngôn từ. Báo Văn nghệ. Số 33,1987.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây