Còn có thật nhiều người yêu thơ bình lặng, không ồn ào

Thứ ba - 22/02/2011 02:58 3.009 0

ác tác giả sân thơ Hiện đại 2011 đang giao lưu với bạn đọc

ác tác giả sân thơ Hiện đại 2011 đang giao lưu với bạn đọc
Hoàng Anh Tuấn, Du Nguyên, Lương Đình Khoa, Phùng Thị Hương Ly – đó là những gương mặt mới của Sân thơ Hiện đại 2011. Họ đã dành cho Văn nghệ Trẻ cuộc trò chuyện thú vị về thơ nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9.

“Cái Tôi” hiện đại đi tìm mình một cách ráo riết

Xin bạn hãy chia sẻ những cảm xúc của mình khi tham gia ngày thơ Việt Nam năm nay, được cùng xuất hiện và đọc thơ với các nhà thơ nổi tiếng ?

Hoàng Anh Tuấn: Khi được tin mình sẽ tham gia Ngày Thơ Việt Nam năm nay, được "lên sân" cùng những nhà thơ nổi tiếng mà tôi mới chỉ biết tên qua tác phẩm của họ chứ chưa từng gặp mặt cảm xúc của tôi là vui mừng xen lẫn hồi hộp. Vui vì được "diện kiến" các nhà thơ mà mình yêu mến, được giao lưu với các nhà thơ, và người yêu thơ, nhưng cũng không kém phần hồi hộp vì đây là lần đầu tiên tôi đọc thơ trước đám đông. Có thể nói bạn sẽ khó tin nhưng đây là sự thực, bạn bè và đồng nghiệp của tôi rất ít người biết tôi làm thơ, hoặc họ không tin là tôi làm thơ, có lẽ do đặc thù công tác của tôi không liên quan lắm đến văn chương, hoặc có thể tôi là người kín tiếng. Giờ tự nhiên được xuất hiện trên sân thơ Hiện đại với tư cách là một người làm thơ, tôi không run thì đúng là chuyện lạ đấy, tôi lại cũng không tự tin vào giọng đọc của mình nữa chứ!

Lương Đình Khoa: Cảm giác hồi hộp xâm chiếm nhiều nhất – hồi hộp bởi lần đầu tiên đứng trên một sân khấu lớn tại một di tích trọng điểm của Thủ đô, lại trong một ngày đặc biệt đầu năm – Rằm tháng Giêng, ngày lên ngôi của Thơ trong lòng công chúng. Mình nghĩ đây cũng là một cơ hội tốt để mình và những bạn khác được đứng trên sân khấu này học hỏi và góp phần thể hiện những cách nghĩ, cách cảm của mỗi người trẻ về thơ.

Phùng Thị Hương Ly: Lần đầu tiên được tham gia sân thơ trẻ mang chủ đề “Blog xuân 2011” tôi rất vui và cảm thấy mình là người may mắn khi được Ban nhà văn trẻ lựa chọn từ 60 tác giả trên khắp đất nước. Trước đó tôi chưa hề dám nghĩ mình sẽ được tham gia ở một sân thơ lớn và trang trọng như vậy, đặc biệt là được cùng đọc thơ với các nhà thơ nổi tiếng, tiếp xúc với họ tôi có cơ hội để học nhiều điều. Gặp họ tôi cảm thấy như nhận được những lộc xuân đầu năm dành cho mình vậy. Đó là sự thật.

Bạn nghĩ gì về một “tinh thần hiện đại” trong thơ trẻ hiện nay? Bạn có nghĩ rằng thơ trẻ hiện nay đã thực sự mới mẻ?

Hoàng Anh Tuấn:Tôi nghĩ rằng trong thơ trẻ luôn luôn chứa đựng một "tinh thần hiện đại" đúng nghĩa! Hiện đại cả trong cảm xúc, ngôn từ và cả cách thể hiện nữa. Không thể nào mà một tác giả thơ trẻ khi thể hiện cảm xúc qua thơ mà lại không có một tinh thần hiện đại, bởi theo tôi tinh thần hiện đại và thơ trẻ là hai phạm trù tồn tại song hành, không thể tách rời, có thể nói tinh thần hiện đại là nội dung, còn thơ trẻ là hình thức thể hiện. Hiện đại ngay từ khi cảm xúc được manh nha.

Lương Đình Khoa: Tuy nhiên, thơ trẻ đã thực sự mới mẻ hay chưa thì tôi không dám chắc lắm, vì theo tôi được biết có những trường phái thơ "cũ người nhưng lại mới ta".Xã hội phát triển, ảnh hưởng và tác động mạnh đến lối sống và cách nghĩ của không chỉ giới trẻ, mà ngay cả những người thuộc thế hệ ông bà, cha mẹ chúng mình cũng có những góc nhìn trước cuộc sống một cách cởi mở hơn, không bị bó buộc trong những công thức cũ. Thơ là những trang nhật ký của cuộc sống, thế nên chắc chắn tinh thần hiện đại ấy không thể thiếu trong hơi thở của mỗi người, nhất là thơ trẻ. Mình nghĩ nó sẽ được thể hiện không chỉ ở hình thức mà còn cả trong những câu chữ, hình ảnh hiện đại, đa chiều cùng những sắc màu cá tính riêng trong ngòi bút của mỗi người trẻ cầm bút. Tuy nhiên, dù cá tính và hiện đại đến đâu thì vẫn không nên làm cho thơ trở nên “quái” quá khiến người đọc không hiểu được tác giả đang viết gì, thể hiện cảm xúc hay gửi gắm thông điệp gì qua thơ. Sự mới mẻ trong thơ trẻ hiện nay không thiếu  - thậm chí khá đa dạng – song vẫn còn yếu, bởi nó chưa có điều kiện để bứt phá mạnh lên. Mình nghĩ thơ trẻ cần một sự quan tâm và tưới tắm nhiệt tình, thiết thực hơn nữa từ phía công chúng và Hội Nhà văn để thơ trẻ tạo thành một tâm điểm trong đời sống văn học hiện nay.

Phùng Thị Hương Ly: “Tinh thần hiện đại” - một sự năng động trong tư duy, cách nghĩ. Xã hội hiện đại ắt tinh thần và cách nghĩ cũng hiện đại. Trong thơ trẻ hiện nay, tinh thần hiện đại được thể hiện khá rõ nét trong thơ, đó là điều tất yếu. Còn cái mới trong thơ trẻ? Cũng phải khẳng định rằng thơ Việt Nam so với các quốc gia khác thì phát triển chậm hơn nên phần lớn các trào lưu có ở phương Tây chúng ta mới đang chạm đến, làm mới là nhu cầu trong sáng tạo của  mỗi cá nhân ai cũng muốn hướng tới. Mới ở đây không chỉ mới về cách thức thể hiện mà quan trọng hơn cả là mới trong tứ thơ. Nếu nói thực sự mới mẻ thì tôi chưa dám nói điều gì, nhưng là người viết trẻ thì tôi cho rằng chúng tôi đang cố làm điều đó, hướng đến sự mới mẻ bằng chính tinh thần hiện đại.

Du Nguyên: Thơ trẻ đang để “cái Tôi” lột xác một cách hết sức trần trụi. “Cái Tôi” ấy soi mình vào các giá trị đã được xác lập nhưng vẫn ngóng những giá trị mới đang trong quá trình thành hình. Cảm xúc không còn là ngôn ngữ chủ đạo của thơ mà nó gắn liền với cái tôi tư duy băn khoăn triết học về bản thân mình. Tôi là ai? Ở đâu? Như thế nào? Có gì? “Cái Tôi” hiện đại đi tìm mình một cách ráo riết giữa dòng đời bát nháo.

“Khi đã yêu, thơ ấy giống như một con đường mòn ta vẫn tìm về”

Tác giả thơ nào bạn yêu thích? Vì sao?

Hoàng Anh Tuấn:Nhà thơ tôi yêu thích thì rất nhiều, chắc không thể kể hết được. Tác giả thơ trẻ thì tôi thích Nguyễn Đức Phú Thọ. Chưa bàn về thơ, Thọ gây ấn tượng với người đọc về thành tích đáng nể vì em là thủ khoa Văn toàn quốc kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2007. Điều đó khiến tôi tò mò hơn khi đọc thơ em: Thủ khoa Văn liệu có thủ khoa...Thơ? Nhưng rồi, tôi đã không hề thất vọng. Thơ Thọ rất lạ và cũng rất tình. Tìm tòi, cách tân trong ngôn từ và cảm xúc. Ở Thọ dường như là một tập hợp ngôn từ được lập trình riêng chỉ đợi cảm xúc rung lên là tuôn trào dào dạt với nhiều những hình dung trắng, nỗi buồn đập cánh, phong linh đêm, giai điệu đồng bằng... Tìm tòi để làm mới thơ mình, nhưng không vì thế mà em dễ dãi ngôn từ, không dễ dãi ngôn từ nhưng không vì thế mà em đánh đố, hũ nút và "làm xiếc ngôn từ" với người đọc. Và trên hết đó là cảm xúc từ sự chiêm nghiệm "già dặn" so với mặt bằng còn ít nhiều "xanh non". Thỉnh thoảng giở tờ báo dành cho tuổi học trò cũ, tôi bắt gặp đâu đó thơ của Thọ, ngọt ngào và dễ mến, nhưng tôi thích những bài thơ sau này hơn, gai góc và bản lĩnh như chính tên tập thơ đầu tay mà em đã đóng dấu ấn cá nhân để khẳng định tác quyền: của Thọ chứ không phải của ai khác! Em lặng lẽ, cần mẫn gieo - hạt - giống - lạ trên cánh đồng chữ thi ca mà ở đó không ít lần "nỗi buồn đập cánh". Suy cho cùng em cách tân cũng là để chạm tới mạch nguồn đích thực của thơ trẻ đương đại. Tôi tin rằng Nguyễn Đức Phú Thọ mới chỉ bắt đầu, em sẽ còn đi rất xa...

Lương Đình Khoa: Mình thích thơ của Lãng Thanh – dù mới chỉ đọc duy nhất tập thơ Hoa của anh, bởi những cách nhìn, cách cảm táo bạo, góc cạnh và đau đáu nhiều trăn trở, triết lý trước cuộc đời, nhất là những câu thơ, đoạn thơ xuất thần đẹp đến lung linh, đan cài cả cổ điển lẫn hiện đại.. Tiếc rằng Lãng Thanh đoản phận, nên công chúng yêu thơ không có cơ hội để thấy hết khả năng và sự thăng hoa hết độ của một nhân tài.

Phùng Thị Hương Ly: Bất kể tác giả nào, khi tìm thấy nét tương đồng giữa họ với tôi và những lóe sáng trong thơ đều khiến tôi yêu thích, còn để nói cụ thể tác giả nào thì thật khó bởi không phải tác giả nào nổi tiếng tất cả các tác phẩm của họ đều hay và nhiều khi không phải tác phẩm nào hay cũng là của tác giả nổi tiếng.

Du Nguyên: Trong những tác giả thơ hiện nay, tôi thích nhất là Phan Huyền Thư với một thứ chữ nghĩa “nhai rát trong miệng - cùng với nước miếng - rịt vào vết thương người” (chữ dùng của Phan Huyền Thư). Giữa nếp sống đương đại nhiều gấp khúc, khi mà con người tất bật và loay hoay với nỗi cô đơn bản thể của mình thì thơ chị là những dòng tỉnh thức rất riêng. Nó kén người đọc, kén cả người yêu. Nhưng khi đã yêu, thơ ấy giống như một con đường mòn ta vẫn tìm về khi buồn lê. Tôi đã đi trên con đường ấy nhiều lần trong những tháng năm tuổi trẻ của mình.  

Là một tác giả trẻ, khi gắn bó và theo đuổi con đường thơ ca nhiều thách thức, bạn mong muốn điều gì?

Hoàng Anh Tuấn:Tôi mong muốn rằng sẽ luôn có những người đọc đồng hành, tri kỷ, tri âm, và sẽ có thêm thật nhiều những tác giả thơ trẻ còn dám sống chết với thơ!

Phùng Thị Hương Ly: Không giống như những lĩnh vực khác, chúng ta không thể tiên đoán trước được thơ ca sẽ như thế nào bởi sự vận động của nó không nhịp nhàng và có sự sắp đặt, hoạch định nào hết. Để công chúng biết đến tên tuổi cũng như những tác phẩm của mình, hơn bao giờ hết người cầm bút cần trang bị cho mình vốn sống và lượng kiến thức đáng kể thì mới có thể tự tin trên con đường sáng tạo thi ca. Tôi đang theo học Khoa sáng tác – Lý luận và Phê bình Văn học ĐH Văn hóa, được sống trong môi trường văn chương và có điều kiện được tiếp xúc, giao lưu với các nhà văn, nhà thơ trong nước cũng như nước ngoài, tôi cảm thấy thời gian này là cơ hội tốt để tranh thủ học hỏi, tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm quý báu mà họ truyền lại. Được tham gia sân thơ hiện đại năm nay, tôi nhận thấy đây là một “sân chơi” giàu tính sáng tạo. Sân chơi còn khích lệ sự sáng tạo, phấn đấu được tham gia sân thơ cho cả những cây bút trẻ chưa có cơ hội xuất hiện. Tôi muốn nói lời cảm ơn đến Ban nhà văn trẻ đã tạo cho chúng tôi một sân thơ bổ ích, đầy khí thế giúp chúng tôi có thêm nhiều cảm hứng sáng tạo thi ca. Tôi cũng mong muốn rằng Ban nhà văn trẻ sẽ còn nhiều hoạt động và những sân chơi khác mang tính chuyên ngành được tổ chức.

Còn có thật nhiều người yêu thơ bình lặng, không ồn ào

Bạn có nghĩ rằng trong thời đại nghe nhìn phát triển như hiện nay, công chúng của thơ bị giảm sút?

Du Nguyên: Không hề. Tôi thấy thơ vẫn được người ta yêu mến và trân trọng nhiều. Bằng chứng là người ta đến với hội thơ vào dịp Rằm tháng Giêng hằng năm rất đông. Có điều, nếu công chúng thơ của thời trước nghiêng về sự hân hoan, nồng nhiệt và rôm rả với một tác phẩm khi nó ra đời thì công chúng thơ bây giờ có lẽ trầm và riêng lẻ hơn. Họ vẫn đi đi về về trong dòng chảy đương đại nhiều bề bộn. Họ lạnh lùng và hối hả với tất cả. Nhưng là những phân mảnh đầy cô đơn và thiếu sót nên họ thường độc thoại một mình. Họ đứng từ xa, nhìn thơ và không vồ vập. Cho đến một buổi tối nào đó, vô tình bắt gặp được một câu thơ hoặc một bài thơ đồng điệu với mình, lúc đó họ mới bắt đầu vận động dòng tỉnh thức, lắng nghe thơ như lắng nghe chính tâm hồn mình. Vì thế, thơ sống rất lâu và sâu trong họ. Cho nên không thể nói công chúng thơ bị giảm sút mà nó chỉ chuyển hóa từ bề nổi vào bề sâu mà thôi. 

Hoàng Anh Tuấn:Bạn nhìn xem mọi người đến với Ngày Thơ ở khắp mọi miền  đất nước, lượng truy cập các website văn học thì sẽ thấy rằng công chúng của thơ không hề giảm sút. Tôi tin rằng có thật nhiều người yêu thơ bình lặng, không ồn ào.

Phùng Thị Hương Ly: Hàng ngày chúng ta vẫn lên mạng cập nhật thông tin, vào google tra một cái tên mà mình quan tâm và download rất nhiều thơ, truyện về máy để đọc dần. Việc phát triển công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông như ngày nay hỗ trợ báo in rất nhiều trong việc cập nhật tin tức. Nhu cầu giải trí thì không thể thiếu rồi nhưng nhu cầu thưởng thức văn học cũng không ít, những trang website văn học chính là nơi cập nhật nhanh nhất mọi thứ chúng ta cần biết liên quan đến văn chương và mỗi ngày có biết bao nhiêu là người theo dõi . Mỗi thời đại có một cách tiếp cận với thơ ca khác nhau. Nếu bạn không có điều kiện sử dụng công nghệ thông tin thì đã có chương trình Văn nghệ trên Đài thu thanh, Câu lạc bộ thơ trên máy thu hình. Chúng ta hãy cảm ơn sự phát triển của “thời đại nghe nhìn”.

Có một thực tế là thơ hiện nay in ra chỉ để tặng chứ không thể bán được . Không có nhiều người thuộc thơ và chép những vần thơ hay như thưở trước. Theo bạn vì sao vậy? Liệu có cách nào để thơ luôn được yêu mến và tôn vinh?

Du Nguyên: Tôi đã từng nghe ai đó nói rằng: “chỉ có thần kinh mới đi mua thơ về đọc” và “thời gian đâu mà ngồi đọc thuộc và chép những vần thơ nhảm nhí đó ra giấy”. Đó là một thực tế hiện nay.

Thứ nhất, trong thời đại công nghệ thông tin mở rộng, đặc biệt sự phát triển của mạng internet thì việc tiếp cận thơ theo phương thức cũ không còn phổ biến. Người ta trở nên lười đi với sở thích của mình, muốn tìm gì chỉ cần lên google, copy và paste về cho mình. Tất cả chỉ qua một cái click chuột. 

Thứ hai, nói riêng về thực trạng thơ hiện nay in ra chỉ để tặng chứ không thể bán được, tôi nghĩa do sự xuất bản tràn lan của các ấn phẩm thơ. Ngày xưa, để có một tập in ra xuất hiện trước công chúng quả là một điều vô cùng khó khăn vì nó phải trải qua nhiều thẩm định và sàng lọc. Người ta kéo nhau đi mua thơ về đọc và yêu rất “sang”, đó là cho lên giá sách, cất ở một nơi dễ nhìn thấy nhấ để lúc nhớ thì lôi xuống đọc. Còn bây giờ với cơ chế thị trường sôi sục hơn, nhà xuất bản thì muốn có kinh phí để duy trì hoạt động, “nhà thơ” có tiền, lại muốn có “tiếng” nên hai bên bắt tay với nhau cho ra đời một tập thơ nào đó một cách rất nhanh chóng và giản lược đi nhiều khâu đoạn. Chỉ cần tập thơ đó có nội dung được được, hay thì càng tốt, không hay cũng chả sao, không vi phạm luật Xuất bản thì đều có thể được in. Lần thứ nhất, người đọc mua về. Háo hức mở trang đầu ra. Nhạt toẹt. Như vậy mà cũng gọi là thơ ư? Cảm giác như mình bị đánh lừa. Lần thứ hai, liệu người ta còn muốn bỏ tiền để đi mua nữa không? Cho nên, nhiều tập thơ ra đời, nhiều tác giả xuất hiện nhưng hiếm một sự bền vững còn ở lại trong lòng độc giả.   

Hoàng Anh Tuấn:Tôi nghĩ rằng đó là do nhiều món ăn tinh thần khác đã hớp hồn người yêu thơ nên họ ít nhiều sao nhãng với thơ, không chỉ với thơ mà nhiều loại hình văn hóa dân gian cũng rơi vào tình trạng như vậy. Để trả thơ trở về vị trí xứng đáng của nó thì thơ phải hay. Dù có tìm tòi, thể nghiệm, cách tân...thì cũng đều cố gắng để đi tìm tiêu chí: Thơ hay! Trăm sông phải đổ về một biển. Mà thế nào là hay thì  tùy thuộc vào cảm nhận công chúng.

Lương Đình Khoa: Mình muốn vị trí của thơ trong đời sống được nâng cao hơn nữa. Bây giờ nhà nhà, ngành ngành, người người làm thơ, và thực tế đúng là số đông người dân ViệtNam rất yêu thơ, nhưng hình như í tai bỏ tiền ra để góp phần chăm sóc, tưới tắm cho Thơ có thêm sức sống và cơ hội đơm hoa kết trái nhiều hơn. Bạn cứ để ý mà xem, tần suất xuất hiện của Thơ trên trang văn học của các báo thật là khiêm tốn, và có những báo thậm chí từ chối hẳn, chỉ trưng truyện ngắn và văn xuôi.  Bên cạnh đó, việc xuất bản thơ ồ ạt hiện nay ở các Nhà xuất bản cũng cần hạn chế lại, có chọn lọc và chú trọng đến chất lượng thực sự của Thơ xuất bản hơn, không nên quá coi trọng lợi ích về mặt kinh tế - bởi thực tế hiện nay đến 95%  việc in thơ là tác giả tự bỏ tiền túi ra in. Điều này cũng giống như khi tốt nghiệp, một ngành nghề mà đào tạo quá nhiều sinh viên, thì số phần trắm sinh viên thất nghiệp khi ra trường chắc chắn sẽ lớn hơn một ngành mà đào tạo vừa đủ lượng sinh viên cần cho thị trường.

Phùng Thị Hương Ly: Tôi để ý và thấy rằng, thay vì chép thơ vào sổ, nhật ký hay lưu bút như thuở trước thì bây giờ mọi người chép thơ lên trang web cá nhân, blog của mình như một sự chia sẻ, như một cách giãi bày tâm trạng. Chứng tỏ thơ ca còn tồn tại rộng rãi trong đời sống tinh thần của mọi người. Để thơ luôn được yêu mến và tôn vinh, người cầm bút phải không ngừng sáng tạo, thể nghiệm. Đồng thời, những cuộc thi thơ lớn, nhỏ nên duy trì phát phát triển hơn nữa. Vài năm trở lại đây có những giải thưởng tư nhân dành cho những tập thơ, tác phẩm thơ có chất lượng như “Cuộc thi thơ Bách Việt”, “Cuộc thi thơ Làng Chùa”…Người làm thơ có cơ hội được in ấn, phát hành tác phẩm của mình. Giải thưởng tư nhân và giải thưởng nhà nước đều danh giá bởi để chọn ra được tác phẩm xuất sắc đều phải qua tay hội đồng nghệ thuật thẩm định. Qua đó chúng ta thấy, thơ đang phát triển, lan rộng và được tôn vinh chứ không phải đang dần bị lãng quên.

“Tôi thích cái cách sân thơ hiện đại quay về nguồn"

Theo bạn, điều mới mẻ và có ý nghĩa nhất của sân thơ Hiện đại năm nay là gì?

Hoàng Anh Tuấn:Đó là sự tĩnh tâm, không còn quậy phá như những năm trước nhưng không vì thế mà đánh mất chất hiện đại, trẻ trung, sôi nổi. Tôi thích điều đó, vì theo tôi dù thế nào thì để cảm nhận thơ vẫn là đọc - nghe theo kiểu truyền thống. Tôi thích cái cách sân thơ hiện đại quay về "nguồn", sự chín chắn và già dặn chăng?

Lương Đình Khoa: Mình nghĩ sân thơ Hiện đại năm nay đã bắt đầu phủ rộng hơn phạm vi miền Bắc khi có thi quán dành cho các tác giả trẻ khu vực miền Nam và Tây Nguyên. Đó là một điều cần thiết và hy vọng những năm sau có thêm nhiều cơ hội hơn nữa cho các tác giả thơ trẻ ở hầu hết các vùng miền trên cả nước.

Phùng Thị Hương Ly: Theo tôi đó chính là sự đổi tên sân thơ trẻ thành sân thơ hiện đại. Những năm trước, người tham gia sân thơ trẻ phải là tác giả trẻ, nhưng năm nay sân thơ hiện đại đã tập hợp những tác giả viết theo phong cách hiện đại không kể tuổi tác, tuổi nghề. Vì vậy, đã tạo nên một sân chơi bình đẳng và phong phú khiến tinh thần hiện đại được phát huy, khích lệ sự cách tân, sáng tạo trong thơ ca của những người cầm bút.

Du Nguyên: Điều mới mẻ và có ý nghĩa nhất của sân thơ Hiện đại năm nay, theo tôi, đó là sự giản dị. Một sự giản dị đầy tâm thế để đón nhận dòng chảy hiện đại như vũ bão sắp đổ vào làng thơ Việt Nam.

Bạn có một gợi ý nào đó cho BTC trong việc tổ chức sân thơ hiện đại các năm tiếp theo?

Hoàng Anh Tuấn:Một gợi ý nhỏ thôi trong khâu lựa chọn các gương mặt mới trên sân thơ hiện đại các năm tiếp theo, đó là hãy để các tác giả mới tự lên tiếng ứng cử, họ sẽ tự biết họ là ai và họ tự tin thế nào, không cần ai đề cử cả, bởi công chúng yêu thơ mới là người cầm cân nảy mực công bằng nhất!

Phùng Thị Hương Ly: Tôi nghĩ phần đọc hay trình diễn thơ nên làm vào ban đêm như vậy người yêu thơ sẽ tập trung vào tác phẩm của người đọc vì ban đêm không gian tĩnh và lắng, ánh sáng sân khấu và âm thanh sẽ thể hiện được nhiều hình thức chuyển tải hơn. Đêm thi thơ sinh viên năm 2010 tại Văn Miếu là một đêm thơ thực sự lộng lẫy và ấn tượng, tôi nghĩ sân thơ trẻ hàng năm tổ chức được như vậy chắc chắn sẽ đem lại nhiều cảm xúc cho công chúng. Tuy nhiên phần trình bày sách, tác phẩm thơ, poster, công trình nghệ thuật…thì diễn ra vào ban ngày.

Du Nguyên: Sân thơ hiện đại những năm tiếp theo, tôi muốn thấy những tác giả “trẻ một cách quyết liệt” hơn xuất hiện. Những tác giả thơ hiện đại năm nay nhìn chung có vẻ “hiền” và dường như vẫn còn tiếc rẻ những giá trị mà thơ truyền thống để lại.

Xin cảm ơn những ý kiến thẳng thắn và tâm huyết của các bạn. Chúng ta tin tưởng rằng những Ngày thơ Việt Nam các năm tiếp theo sẽ ngày càng đổi mới về chất lượng, và là điểm đến không thể bỏ qua của công chúng yêu thơ. Chúc các bạn một năm mới mạnh khỏe, dồi dào sức sáng tạo.

Nguồn tin: Văn nghệ trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây