Nhà văn Phong Điệp: Viết để lưu giữ những mong manh trong đời sống

Thứ hai - 18/12/2017 03:03 6.450 0
Nhà văn Phong Điệp sinh năm 1976 tại Nam Định, hiện đang công tác tại báo Nhân dân. Chị là tác giả của 20 đầu sách, bao gồm các tập truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dài cho thiếu nhi, tản văn, đối thoại văn học. Nhân dịp tập tản văn Có mẹ trong cuộc đời này mới được ra mắt công chúng, phóng viên Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với chị.
 

P.V: Cảm giác về những gì tôi vừa đọc được từ Có mẹ trong cuộc đời này như vẫn còn “sờ thấy trên da”. Trong cuốn sách của chị có ấu thơ của tôi và có cả tôi của hiện tại. Dường như cuốn sách này chị viết cho hết thảy những ấu thơ và cho cả những ai làm mẹ. Nhưng trước hết, tôi thấy như chị viết cho mẹ chị và những đứa con của chị?
 

Nhà văn Phong Điệp: Cảm ơn bạn đã đọc và đồng cảm cùng Có mẹ trong cuộc đời này. Như tên của cuốn sách, tôi viết về mẹ, mẹ trong kí ức tuổi thơ khó khăn nhưng rất đỗi ấm áp, ngọt ngào; mẹ trong thời hiện tại khi mà tôi cũng đã trở thành một người mẹ của hai con nhỏ, sớm ngày tất bật, lo toan con cái. Bạn biết không, những tháng ngày nuôi con nhỏ hay đau ốm, mẹ con gày gò vàng võ, tôi không ngớt nghĩ về mẹ. Mẹ đã nuôi tôi như thế nào khi tôi ngày nhỏ thường xuyên ốm đau sài đẹn, có lúc tưởng chẳng lớn nổi thành người. Mà ngày ấy mẹ vừa học, vừa làm, vừa xoay xỏa với con nhỏ vì bố tôi đi bộ đội biền biệt quanh năm suốt tháng. Khi làm mẹ mới thực sự hiểu tấm lòng người mẹ. Và tôi đã chăm con tận tụy, tha thiết như thể ngày nào mẹ đã chăm tôi, để rồi luôn day dứt rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ trả được ơn nghĩa sinh thành của Mẹ. Từ mạch nguồn cảm xúc ấy tôi đã viết như thể được dốc hết bầu tâm sự. Có những lúc viết xong thì chính mình cũng ngồi lặng đi, ứa nước mắt, ước thời gian một lần quay trở lại, bé bỏng trong lòng mẹ như thuở nào...


P.V:  Chúng ta và hầu hết những người phụ nữ đều làm con, rồi làm mẹ. Cuốn sách của chị như một sự lí giải cho những tình cảm mà đôi khi phụ nữ chênh chao ở giữa. Điều này khiến tôi thực sự xúc động qua những trang viết của chị.
 

Nhà văn Phong Điệp: Vâng đó là một mạch nguồn yêu thương chảy mãi, nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ người mẹ sang những đứa con, và rồi chính những đứa con lại “tiếp lửa yêu thương”. Cái cảm giác vừa là con, vừa lạ mẹ thật vô cùng kỳ lạ. Mình mạnh mẽ trước những đứa con của mình, nhưng vẫn thật bé bỏng, mong manh, yếu đuối trước mẹ. Quả tình có những lúc mệt mỏi, nhưng không dám thể hiện trước mặt con cái, tôi lại tìm về mẹ. Nghe mẹ vỗ về, chỉ bảo, thậm chí quở trách... thấy như được tiếp sức để rồi lại tiếp tục nỗ lực trên chặng đường dài phía trước

P.V: Ở lời tựa, chị đã nói nhiều về thể loại, như một sự góp phần để chị viết nên cuốn sách này. Nhưng sâu xa, tôi nghĩ là bởi những cảm xúc mãnh liệt và thầm kín của chị. Có lẽ, với Có mẹ trong cuộc đời này độc giả đến gần và dễ hình dung về chị hơn?
 

Nhà văn Phong Điệp: Vì không hư cấu nên tản văn giúp độc giả và người viết gần nhau hơn. Cảm xúc cũng là cảm xúc thật của nhà văn, không phải là sự hóa thân vào ai đó, vay mượn cảm xúc của ai đó.  Vì thế tôi thích viết thể loại này. Với tản văn, tôi viết như cách để trò chuyện, tâm sự tri kỷ. Viết dốc ruột gan. Viết để lưu giữ những mong manh trong đời sống bộn bề này. Nếu không viết, quả thật tôi cũng sẽ không biết gửi gắm những tâm tư riêng tư ấy vào đâu. Và còn điều này nữa: không viết tôi sẽ cảm thấy cuộc sống này mình có nguy cơ trở thành những cỗ máy được lập trình sẵn lúc nào không hay.


P.V: Trong cuộc sống đô thị, sợi dây tình cảm gắn kết trong gia đình như đang bị kéo dài ra một cách ... bất dắc dĩ. Đôi khi nó vô hình đến mức chính chúng ta cũng không nhận ra. Trong Thư gửi mẹ, Những buổi chiều thành phố hay Thủ tục để làm người thành phố... chị đang cố níu sợi dây đó lại hay muốn tìm một cách khả dĩ hơn chăng?
 

Nhà văn Phong Điệp: Tôi chỉ mong muốn chia sẻ những câu chuyện của đời sống này mà mỗi người chúng ta, cách này hay cách khác đang dự phần vào đó. Mỗi người sẽ lựa chọn một cách hành xử. Việc chăm sóc con cái hay neo giữ sợi giây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình cũng vậy, có thể người khác sẽ nhìn nhận khác đi, lựa chọn khác đi. Nhưng dù cách nào thì yếu tố gia đình cũng vô cùng quan trọng. Tôi rất thích câu này: “nhà là nơi bão dừng trước cửa”. Gia đình phải là nơi chốn an lành, yên ấm nhất mà chúng ta muốn quay trở về sau những sóng gió, mệt mỏi của cuộc đời. Nếu không làm được điều đó, khi hoang hoang, mệt mỏi, đổ vỡ,... chúng ta biết náu vào đâu?


P.V: Không dễ để có được một cuốn sách mà mọi lứa tuổi đều cảm thấy mình trong đó. Chị đã làm gì để đem lại cảm giác này?
 

Nhà văn Phong Điệp: Tôi chỉ viết như trải lòng mình ra giấy. Tôi viết về cuộc sống của mình và bạn bè mình, không tô vẽ mầu mè. Sự chân thành bởi vậy đã được đón nhận và đồng cảm chăng?

 



Với tản văn, tôi viết như cách để trò chuyện, tâm sự tri kỷ. Viết dốc ruột gan. Viết để lưu giữ những mong manh trong đời sống bộn bề này. Nếu không viết, quả thật tôi cũng sẽ không biết gửi gắm những tâm tư riêng tư ấy vào đâu. Và còn điều này nữa: không viết tôi sẽ cảm thấy cuộc sống này mình có nguy cơ trở thành những cỗ máy được lập trình sẵn lúc nào không hay.

PHONG ĐIỆP

 



P.V: Xa hơn và rộng hơn, tôi thấy chị còn muốn hướng đến những thân phận, những vấn đề của xã hội hôm nay. Chị muốn các con chị sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về đời sống?


Nhà văn Phong Điệp: Sẽ không ai có thể sống tách rời thế giới, cắt đứt mọi mối quan hệ xã hội. Vì vậy làm sao có thể dửng dưng trước những thân phận, vấn đề của xã hội hôm nay. Biết yêu người, thương người cũng là cách chúng ta chung sống với đời sống này. Với hai con gái của mình, tôi thường dạy con cách quan sát, nhận biết về cuộc sống, có điều kiện thì đến nhiều vùng miền của tổ quốc để trải nghiệm và như bạn nói là “có cái nhìn tòan diện” về đời sống. Từ đó các con sẽ học cách để biết sống giữa mọi người.


P.V: Từ Nhật kí Sẻ Đồng đến cuốn sách này, tôi thấy chị là một nhà văn có duyên với văn học thiếu nhi. Và có lẽ chị cũng đã dành nhiều tâm huyết cho mảng này. Với chị, viết cho các em là khi chị đứng trước một tâm thế như thế nào?


Nhà văn Phong Điệp: Viết cho thiếu nhi tôi như viết cho phần thơ ấu trong chính mình. Tôi được hóa thân thành trẻ nhỏ. Cảm giác ấy thật thú vị. Khi có con, hằng ngày nô đùa, trò chuyện cùng con, tôi có thêm điều kiện thâm nhập vào thế giới trẻ thơ. Mỗi thế hệ một cách nhìn nhận, tư duy. Không ít lần tôi phải bật cười hoặc ngạc nhiên thú vị trước cách phát hiện vấn đề của các con. Việc “học con trẻ” giúp tôi không bị lạc hậu với trẻ em hôm nay.


P.V: Sau cùng, tôi muốn hỏi chị câu hỏi về mẹ và con gái. Chị có cho rằng, giữa mẹ và con gái có một giao cảm hay điều gì đó tương tự. Hoặc giả, con gái chính là nguyên mẫu thời ấu thơ của mẹ, chẳng hạn. Không hiểu sao, đọc văn chị tôi cứ bị day dứt bởi ý nghĩ ấy.


Nhà văn Phong Điệp: Chắc chắn là có một mối giao cảm đặc biệt giữa mẹ và con gái. Chưa bao giờ tôi nghi ngờ về điều đó. Nó như thể thần giao cách cảm. Có những cảm xúc giữa mẹ và con cái mà không cần nói nhưng cả hai đều cảm nhận được. Tuy nhiên khác với điều giả định của bạn, tôi khác mẹ tôi, các con tôi khác tôi ngày xưa lắm. Tuổi thơ tôi nơi tỉnh lẻ, bình yên. Tôi nhút nhát trước đám đông nhưng lại hay nghịch ngầm . Các con tôi giờ tự tin hơn tôi nhiều. Do đó không ai là nguyên mẫu ấu thơ cho ai. Mỗi người một tính cách, một số phận nhưng sự gắn kết yêu thương thì mãi mãi vẫn không thể đổi thay.


P.V: Vâng, tôi nghĩ, với Có mẹ trong cuộc đời này mỗi độc giả sẽ có một cách cảm nhận riêng về những điều bình dị mà thiêng liêng, đẹp đẽ nhất trong cuộc sống. Cảm ơn chị đã dành thời gian trò chuyện cùng bạn đọc Văn nghệ Quân đội!

 


Tác giả: Kim Nhung thực hiện

Nguồn tin: TC Văn nghệ Quân đội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây