NSƯT Kim Cúc: 40 năm “đọc truyện đêm khuya”

Thứ năm - 18/11/2010 03:50 4.186 0

NSƯT Kim Cúc và gia đình.

NSƯT Kim Cúc và gia đình.
NSƯT Kim Cúc bảo: "Khi gặp những thiên truyện nhiều đối thoại, người đọc không chỉ làm vai trò dẫn chuyện ở ngôi nhân xưng thứ nhất là tác giả mà còn phải là diễn viên kịch thể hiện nhân vật với những tính cách khác nhau, tâm trạng khác nhau, khẩu ngữ khác nhau, ngữ điệu khác nhau ở những cảnh huống khác nhau".

Mấy mươi năm nay thính giả cả nước đã mê đắm dõi theo chương trình "Đọc truyện đêm khuya" phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Theo điều tra xã hội học, hiện vẫn có tới 85% dân số trên khắp vùng miền đất nước ưa thích chương trình này. Những giọng đọc "xa xưa" như Việt Khoa, Tuyết Mai, Lan Hương, Việt Hà, Trần Phương... đã đi vào tiềm thức của biết bao bạn nghe đài. Và hôm nay, thế hệ nghệ sĩ "đọc truyện" nối tiếp vẫn làm thổn thức tâm hồn thính giả từng đêm vắng, trong đó giọng đọc Kim Cúc đã thành quen thuộc với mọi người.

Thoắt đà đã 40 năm!

Hẹn hò mãi nhưng nữ nghệ sĩ cứ lu bu công việc nên tôi đành "tập kích bất ngờ" vào phòng bá âm của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) ở 39 phố Bà Triệu, Hà Nội, nơi hàng ngày, hàng đêm các phát thanh viên (PTV) như "con ong chăm chỉ" đọc chương trình từ 5h sáng đến 12h đêm trên các hệ phát thanh trong nước và nước ngoài. Phòng đọc văn nghệ quen thuộc đây rồi.

Từ ngoài phòng máy nhìn qua ô cửa kính, Kim Cúc đang đọc truyện ngắn "Tiếng hát của mẹ" của tác giả Hoa Sơn. Căn phòng vắng lặng, chỉ có nghệ sĩ cùng những trang truyện và chiếc micrô. Thế mà qua giọng đọc của Kim Cúc, người nghe có thể hình dung ra núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn với các nhân vật chân thực và sinh động.

NSƯT Kim Cúc bảo: "Khi gặp những thiên truyện nhiều đối thoại, người đọc không chỉ làm vai trò dẫn chuyện ở ngôi nhân xưng thứ nhất là tác giả mà còn phải là diễn viên kịch thể hiện nhân vật với những tính cách khác nhau, tâm trạng khác nhau, khẩu ngữ khác nhau, ngữ điệu khác nhau ở những cảnh huống khác nhau".

Rồi Kim Cúc bộc bạch: Hồi còn là học sinh Trường cấp 3 Lê Hồng Phong- Nam Định cô đã thích hát xướng. Nhạc sĩ Trần Viết Bính đã phát hiện ra giọng nói trong trẻo của Kim Cúc nên đã mời cô đọc một số bài cho Đài Truyền thanh thành phố Nam Định. Hết lớp 10 phổ thông, đáng lẽ theo học Đại học Sư phạm, "bỗng dưng" Kim Cúc lại được xung vào đoàn văn công  Quân khu III với đủ thứ việc, từ hát, múa đến ngâm thơ, diễn kịch.

Kim Cúc đã vào vai nữ trong hai vở kịch ngắn "Chiếc vali khủng khiếp" và vở "Qua làng", được đạo diễn Chu Nghi rất khen. Chính cái vốn diễn viên sân khấu của Kim Cúc hồi đó đã được phát huy khi thể hiện các đoạn đối thoại trong những trang truyện, tạo cho chương trình đọc truyện sống động hơn.

Không đắm đuối với nghề thì không thể...

"Anh hỏi nghề chọn người hay người chọn nghề? Với Cúc như duyên số của tình yêu vậy. Có yêu nghề Cúc mới trở thành PTV và chung thủy với nó cho tới nay, 40 năm rồi, và chắc còn... dài dài nữa". "Đến bao giờ?". "Đến khi không còn sức, còn hơi...".

Thực tế thì nghề PTV đâu có nhàn nhã gì. Mỗi khi tiếp nhận văn bản phát thanh do phóng viên chuyển tới, mắt lướt qua từng bản tin, từng bài vở, miệng lẩm nhẩm, tay lăm lăm cây bút chì gạch nhịp từng mệnh đề, từng chữ, đoạn nào cần vuốt tiếng, câu nào cần luyến giọng…

Trong phòng đọc, thường gọi là phòng bá âm, khi đóng cửa cách âm rồi là không gian lặng ngắt, những chiếc micrô lạnh ngắt. Dòng chữ sơn trắng "Hàng triệu người đang nghe bạn nói" trên tấm biển xanh nho nhỏ treo trước mặt đã đi vào tiềm thức, nói đúng hơn, đã vào máu huyết người PTV. "Hàng triệu người đang nghe bạn nói", vừa là hạnh phúc vừa là trách nhiệm và cũng là "sức ép tâm lý" thường trực.

Trước khi đèn đỏ sáng lên, tín hiệu chuẩn bị đọc, hít một hơi thở thật sâu, buông lỏng cơ thể, đầu óc không hề vướng bận gì (dẫu trước đó có thể có điều gì phiền muộn). Tất cả "quên hết", tập trung cao độ cho việc... đọc. Truyền tin (thông tin), truyền tưởng (truyền đạt tư tưởng), truyền cảm, đặc trưng của phát thanh, ba đường "truyền dẫn" này cộng hưởng qua công cụ duy nhất: Giọng đọc của PTV để đến đối tượng tiếp nhận bởi giác quan duy nhất: thính giác.

"Kim Cúc ơi, hành nghề đến nay đã 40 năm, sao giọng bạn vẫn... tốt. Chắc là trời cho?". Nữ nghệ sĩ mủm mỉm: "Thanh đới đúng là trời cho. Làm anh ca sĩ, kịch sĩ, cả... "nói sĩ" như PTV bọn mình, không có vốn trời cho thì làm sao thành được. Nhưng máy móc bằng sắt thép, vi điện tử, điện tử chăng nữa, đều có kỳ có hạn. Hết đát là hết quyền sử dụng, phải thay thế, huống chi là thanh đới con người.

Nhưng như câu cửa miệng, của bền tại người. Muốn thanh đới trong lành bền lâu đòi hỏi PTV phải kiên nhẫn, bền bỉ luyện thanh, luyện giọng với kỷ luật tự giác thường xuyên, thường ngày. Đó là chưa kể phải kiêng khem trong ăn uống, sinh hoạt. Cay đắng, nóng lạnh đều vừa độ. Quá ham một chút, nóng giận hét to một chút thôi rất có thể bất thường... thất thanh. Hỏng cái gì thì có thể chữa trị, thanh đới mà "mô-ve" thì chưa hưu cũng phải... nghỉ nghề…".

"Sau khi nghỉ hưu, Kim Cúc hình như cộng tác với phim ảnh nhiều hơn thì phải. Kim Cúc đọc thuyết minh nhiều phim tài liệu, phóng sự của Truyền hình Quân đội, của Truyền hình Công an nhân dân. Giọng thuyết minh có hồn lắm, sống động lắm. Vậy đọc cho phim có khác gì so với đọc phát thanh?" - Tôi hỏi tiếp.

"Khác lắm chứ. Với phát thanh mình có thể làm chủ giọng đọc của mình, cả trường độ, cao độ. Nhưng với phim ảnh, nhất là phim thể loại phóng sự, mỗi câu, mỗi dòng, mỗi mệnh đề đều phải bắt kịp nhịp điệu hình ảnh, theo sát mỗi khuôn hình. Phát thanh mỗi giây có thể đọc hai ba từ, truyền hình mỗi giây có tới 5 đến 7 từ, mà vẫn phải tròn vành rõ chữ, vẫn phải truyền đạt cảm xúc đúng với nội dung phim".

Hai năm trở lại đây Kim Cúc tiếp tục được Đài TNVN mời đọc các chương trình văn nghệ, đặc biệt mỗi tuần hai buổi "Đọc truyện đêm khuya" phát vào 22 giờ trên kênh VOV2. Kim Cúc bảo đây là chương trình Cúc si mê từ mấy chục năm trước.

Còn nhớ lần đầu tiên Cúc đọc là một truyện ngắn của nhà văn Ông Văn Tùng. Đêm trước phát sóng, hôm sau nhà văn đi xe đạp hơn 10 cây số trong Hà Đông ra đài tìm bằng được người đã đọc truyện của mình. Gặp Kim Cúc, ông chỉ nói mỗi câu: "Truyện của tôi dở thế mà chị đọc hay thế. Cảm ơn!".

Lại nhớ lần được phân công đọc bút ký "Sông Đà" của nhà văn Nguyễn Tuân. Đúng là một thử thách đối với cô PTV mới sang "sân văn nghệ" tham gia "Đọc truyện đêm khuya". Đọc xong rồi, đêm về mở radio nghe lại vẫn còn... run. Không biết có đạt hay không? Nghe đâu nhà văn nổi tiếng là khó tính.

Nhưng thật bất ngờ, ngày hôm sau Nguyễn tiên sinh tìm đến Ban Văn nghệ. Giọng khẽ khàng, cụ phán: "Cái cô gì hôm qua đọc cái ký của tôi... được đấy. Giọng chân thực, truyền cảm. Đúng cái ý của mình". Kim Cúc ngồi đó "âm ỉ sướng" , không nói thành lời.

Kim Cúc bảo khi nhận đọc truyện, PTV thường phải đầu tư thời gian, công sức gấp nhiều lần so với đọc các chuyên mục khác. Phải có trình độ kiến văn ở mức nào đó mới có thể thẩm thấu được tác phẩm văn học. Bởi thế, cái sự đọc sách của PTV phải coi như công việc thường ngày, như việc luyện thanh luyện giọng vậy. Đến nay Cúc vẫn cố gắng duy trì, mỗi tuần đọc một tập truyện ngắn. Hai ba tháng tìm đọc một tiểu thuyết. Vốn văn học, vốn văn hóa tổng hợp, vốn sống... trầm tích bao tháng ngày cho người đọc truyện một nhận thức sâu xa, một cái nhìn rộng mở… 

Gần đây Kim Cúc nhận được khá nhiều truyện ngắn có chất lượng. Truyện "Tiếng hát của mẹ" của tác giả Hoa Sơn mà Cúc vừa đọc là một truyện như thế. Cuối năm 2008 vừa qua, một tác phẩm khác cũng khiến Cúc cảm động. Đó là truyện ngắn "Người trong tranh" của tác giả Nguyễn Xuân Hải đăng trên báo Văn nghệ Công an. Đọc những truyện này đôi chỗ không kìm được xúc động, Cúc đã phải ra hiệu cho biên tập viên ngưng ít phút cho trấn tĩnh.

"Tưởng cảm động thế cứ tiếp tục đọc chứ?". Kim Cúc mỉm cười trước câu  hỏi ngô nghê của tôi rồi nhỏ nhẹ: "Trong đời làm PTV mấy chục năm, Cúc đã có những phút giây ngỡ không thể đọc trước máy. Phải ghìm nỗi xúc động đang dâng trào, không thể vừa khóc vừa đọc. Hàng triệu người đang nghe bạn nói cơ mà. Đọc truyện đêm khuya cũng vậy, nhiều đoạn văn, nhiều huống cảnh cũng làm cho tôi nghẹn lòng. Nhưng phải kìm chế, phải định thần. Thính giả nghe có thể rơi lệ, nhưng người đọc chuyện phải... điềm tĩnh".

"Những phút giây hạnh phúc của nữ nghệ sĩ bây giờ?" - Tôi hỏi và nghệ sĩ trả lời: "Đọc được tác phẩm đồng nghiệp vừa ý, người nghe mến mộ. Còn rất riêng tư, rất nhỏ nhoi thôi, là khi nghe tiếng của Cúc trên đài, thằng cháu đích tôn mới ba tuổi cứ liến thoắng: Bà nội đấy, bà nội đấy! Cúc ôm nó vào lòng mà cứ rưng rưng...".

Tôi bỗng nhìn Kim Cúc. Lạ chưa kìa, sau câu nói ấy, đằng sau cặp kính trắng, những giọt nước mắt lặng lẽ lăn dài trên gò má. Sao vậy, nữ nghệ sĩ thân mến của tôi...?

Tác giả: Vũ Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây