Nhà văn Lê Văn Thảo: Văn chương là nỗi niềm là thân phận

Chủ nhật - 31/10/2010 07:20 2.211 0

Nhà văn Lê Văn Thảo

Nhà văn Lê Văn Thảo

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng châu thổ sông Hồng, nhưng ngay sau khi tốt nghiệp ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, tình nguyện vào làm phóng viên chiến trường ở miền Nam; sống và gắn bó với đất và người Nam bộ suốt hơn ba chục năm qua. Đọc văn Lê Văn Thảo, tôi càng thêm tha thiết tin yêu đất và người xứ này: Người Nam bộ có tình cảm trong sáng, chân chất, mộc mạc nhưng mãnh liệt, ý chí và nghị lực phi thường, bản tánh ngang tàng, khảng khái, chỉ tôn thờ sự thật và coi trọng nghĩa tình... Những người nông dân miệt vườn mà tôi đã từng tiếp xúc thật sự là một thế giới của vẻ đẹp giản dị trong tâm hồn, tính cách hào phóng, cả đời không thèm lụy bất cứ điều gì, vui buồn lộ cả ra ngoài, nhưng lại rất sâu sắc trong những ứng xử thuộc về tâm linh. Có thể nhận ra những điều vừa nói chỉ qua một vài truyện ngắn của Lê Văn Thảo như: Đêm Tháp Mười, Hai người lính,  Bà nội tôi, Làng lở, Con mèo, Ông già biển, Anh chàng xích lô lãng tử, Hai ông cháu và con người chủ xưa, Người Sài Gòn...

 Truyện ngắn Ông cá hô là một thí dụ điển hình. Đây là truyện khắc họa tính cách người Nam bộ thật sự độc đáo! Nhưng ông Thảo đâu phải chỉ có Ông cá hô. Hãy đọc Thằng Cung", hãy đọc Đứa con trở về... sẽ thấy tính cách con người Nam bộ hiển hiện sinh động, tỏa sáng tấm lòng nhân hậu và tràn đầy nghĩa khí. Ngay cả những truyện ngắn được Lê Văn Thảo viết trong thời chiến tranh in trong tập Đêm Tháp Mười (1972) tôi vẫn nhận ra nhân vật quen thuộc của Lê Văn Thảo là những con người bình dị, những người mà người ta kêu bằng vô danh tiểu tốt. Lê Văn Thảo nghiêng về loại nhân vật ít người để ý, những người chịu nhiều cay đắng, thiệt thòi nhưng không bao giờ oán than cái số kiếp mình phải gánh chịu. Họ chấp nhận và vượt qua tất cả để sống, giản dị vậy thôi, để sống. Sống như ai, như kiểu nào không quan trọng, mà là để sống như cái cách mà họ có thể! Đọc truyện ngắn Lê Văn Thảo, tự dưng tôi cứ thích đọc lại những truyện ngắn của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Ông Lộc viết về đất và người Nam bộ thật hay, tôi cho là hay cỡ hàng đầu trong các nhà văn gốc Nam bộ. Truyện ngắn Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc là một mẫu mực, là một bài thơ bằng văn xuôi về những người nông dân Việt Nam đi mở đất. Họ chấp nhận tất cả, vượt lên tất cả, bằng nghị lực phi thường, bằng cả tấm lòng nhân ái, trọng nghĩa khinh tài, bằng cả niềm vui và niềm hy vọng, bằng sự tếu táo cà rỡn dí dỏm rất Nam bộ do chính họ tạo ra để mà đối diện với bao thử thách, để mà có thể tồn tại một cách ngang tàng. Nhờ họ, những người đi mở cõi, mà giang san gấm vóc mới được như ngày nay!

 Năm 2005, Lê Văn Thảo tâm sự: "Tôi không có giáo huấn gì trong sáng tác văn học, không chỉ dạy ai trong các trang viết. Tôi ít tranh cãi nhưng cũng không chiều chuộng. Văn học đối với tôi là nỗi niềm, thân phận, lương tâm, những trải nghiệm cuộc đời và đôi điều suy tư từ những năm tháng sống lặn lội".

 Trước đó gần mười năm, ông nói: "Tôi viết chậm, thường viết về những kỷ niệm, do vậy viết để phục vụ kịp thời là khó khăn. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tôi có dịp cùng sống và chiến đấu với các chiến sĩ quân giải phóng, do vậy đề tài chiến tranh với những người chiến sĩ bình thường, tình đồng đội của họ đối với nhau vẫn là đề tài tôi yêu thích. Viết thật giản dị, đó là phương châm của tôi...".

 Đọc văn Lê Văn Thảo, dù hợp gu hay không gợp, những ai quen với chuyện bếp núc của văn chương đều nhận ra đây là một cây bút có nghề. Người ta bảo có ba yếu tố cấu thành một nhà văn, đó là: có một câu chuyện, biết kể về câu chuyện ấy và thứ ba là biết viết thành văn. Hội đủ ba yếu tố đó nói nôm na là có nghề, dù văn ông có thể hợp với người này mà không hợp với người khác.

Truyện ngắn của Lê Văn Thảo thường được ông thể hiện qua lời kể ở ngôi thứ nhất. Có gì kể nấy. Chuyện sao kể vậy. Ngôn ngữ thì đặc chất Nam bộ, không cầu kỳ, không khoe mẽ, không hề làm dáng văn chương chữ nghĩa. Tiểu thuyết của Lê Văn Thảo cũng như truyện ngắn, không cốt làm văn, mà chỉ cốt nói được tính cách con người, tâm trạng con người, hồn cốt của người dân Nam bộ. Tôi đã đọc kỹ cả bốn cuốn tiểu thuyết của ông, và thấy rằng càng về sau, ông Thảo càng lên tay! Thế giới nhân vật tiểu thuyết của Lê Văn Thảo cũng vẫn là cái thế giới của truyện ngắn của ông: những người bình thường, những thân phận hẩm hiu, cô độc và bất hạnh, những người ở dưới đáy xã hội. Lê Văn Thảo không lao vào những đề tài "mang tầm thời đại", những vấn đề chính trị, kinh tế, quốc kế dân sinh, Ông không thích cao đàm khoát luận trên trời dưới biển mà chỉ thích những điều gần gũi, bình dân. Ông viết về những điều mà ông thương yêu, trân quý.

 Những nhân vật trong tiểu thuyết của Lê Văn Thảo khiến người đọc cứ phải nghĩ ngợi thật nhiều... Năm 2001, tại Đại hội lần thứ tư Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, ông Thảo và tôi cùng một số người nữa được bầu vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Thành phố, lúc đó tôi mới về làm trưởng chi nhánh Nhà xuất bản Văn học được gần một năm. Ông Thảo gửi cho tôi hai bản thảo tiểu thuyết, trong đó có Cơn giông. Tôi trực tiếp biên tập Cơn giông và cảm nhận rằng đây là tiểu thuyết hay nhất của Lê Văn Thảo. Khi đang chờ lấy giấy phép xuất bản (hồi đó phải chờ lâu quá!) thì ông Thảo báo tin: Nhà xuất bản Trẻ họ chuẩn bị in rồi! Không có duyên xuất bản lần đầu, nay tôi rất mừng vì Cơn giông được tới hai giải thưởng và tôi tuyển chọn để đưa vào Tuyển tập Lê Văn Thảo.

Nhớ lại năm 1979, khi đến Nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh - lúc đó do một người tôi rất quý trọng là ông Hà Mậu Nhai làm giám đốc - để gửi bản thảo tác phẩm đầu tay Những người mở đất tôi mới được đọc tập truyện ngắn Đêm Tháp Mười do Nhà xuất bản Giải Phóng ấn hành từ năm 1972. Lúc đó tôi không thích! Sau này nghĩ lại, tôi thấy nếu ông Thảo mà cũng trau chuốt ngôn từ, tỉa tót từng chi tiết, nhấn nhá từng hình ảnh, bố cục tác phẩm nghiêm cẩn... thì đâu còn là nhà văn Lê Văn Thảo nữa!

Nghệ thuật dựng truyện của ông cũng giản dị. Nhiều truyện ngắn, nếu ông Thảo viết kỹ hơn, dựng truyện cho quy mô hơn thì gọi là tiểu thuyết cũng được, và ngược lại. Bố cục tiểu thuyết của ông, như cuốn Một ngày và một đời giống như là những mảng tươi rói của cuộc sống được lắp ghép không cần mộng mẹo. Chương 4 của tác phẩm này có vẻ như ít ăn nhập với chương 3 và các chương sau.. ấy nhưng nó vẫn tồn tại và có vị trí của nó, không thể loại bỏ! Là người chuyên viết tiểu thuyết, đọc nhiều tiểu thuyết, tôi không quen với lối viết ấy! Thế nhưng, chính là từ tiểu thuyết "Cơn giông", tôi nhìn lại phong cách thể hiện của Lê Văn Thảo. Ông viết từ sự thôi thúc của nội tâm, cốt viết ra cho hết những rung cảm trong lòng, viết bằng cả trái tim, khối óc hướng về con người, nâng niu trên trọng con người. Có vẻ như ông Thảo không hề lo rằng người đọc không hiểu mình! Phải chăng, sáng tác trong tâm thức hết mình và tự tin như thế, trên nền tảng của một người có vốn văn hóa, có truyền thống yêu nước và cách mạng của gia đình, cho nên văn Lê Văn Thảo chiếm được cảm tình của một bộ phận bạn đọc. Văn ông có dấu ấn riêng, không lẫn vào người khác.

Năm nay, 68 tuổi ta, từng thoát hiểm sau một lần phẫu thuật, Lê Văn Thảo vẫn giữ được tâm hồn trẻ trung, hóm hỉnh. Đôi khi bốc lên, ông rất hồn nhiên y hệt như từ thuở đang là sinh viên Đại học khoa học Sài Gòn, bỏ ngang, lên rừng tham gia kháng chiến chống Mỹ năm 1962. Quyền lực làm tha hóa con người. Ấy là ngạn ngữ Pháp. Với Lê Văn Thảo, quyền lực (dù rất hẻo, nhưng cũng là quyền lực) dường như chớ hề động tĩnh gì tới anh, một người trai Sài Gòn "chánh hiệu con nai vàng", lúc nào cũng nhìn cuộc đời bằng con mắt vô cùng giản dị, nhân ái. Tôi thường họp hành với ông, thấy ông điều khiển cuộc họp theo kiểu cuộc chơi vui, cuộc... nhậu, nhưng vẫn rất chất lượng! Ông Thảo không ưa sự quá lễ nghi, trịnh trọng. Ông ăn mặc cũng giản dị, vì thế mà ở đâu ông cũng xáp vô một cách dễ dàng.

Trong chỗ thân tình, nhà văn Lê Văn Duy, em ruột ông, kể cho tôi nghe về chuyện anh em ông bỏ Sài Gòn hoa lệ lên chiến khu. Năm 1962, thân sinh của hai ông là cụ Dương Văn Diêu, cán bộ miền Nam tập kết, Hiệu trưởng Trường học sinh miền Nam, vượt Trường Sơn vào thành lập ngành giáo dục Giải phóng, làm Trưởng tiểu ban Giáo dục. Ông Duy kể: "Má tôi lên rừng gặp ba tôi. Má kể anh Thảo học năm thứ ba đại học khoa học, còn tôi học xong năm thứ nhất ban Lý Hóa Sinh của đại học khoa học thì chuyển sang học trường Quốc gia hành chánh, học bổng mỗi tháng 2.000 đồng (lương của lính Sài Gòn lúc đó chỉ 900 đồng. Hồi đó ăn một bữa trưa ngon lành chỉ hết 5 đồng). Ba tôi lo lắng vô cùng. Kiểu này thì hai đứa con mình sẽ làm quan chức cho chế độ Sài Gòn là cái chắc! Ba tôi biểu má tôi kêu hai anh em lên rừng. Thời ấy, sinh viên, trí thức lên chiến khu chưa nhiều. Chúng tôi bỏ tất cả để ra đi, biết rằng sẽ vô cùng gian khổ, có thể hy sinh... nhưng vì truyền thống gia đình, vì lòng yêu nước, vì lý tưởng cách mạng đẹp quá, chúng tôi ra đi không hề tính toán, so đo... Hai năm trời đầu trên rừng, chúng tôi học tập, chỉnh huấn liên miên, và làm đủ thứ, nhất là làm rẫy để có cái mà ăn! Có ai ngờ hai anh em tôi lại trở thành nhà văn!...".

Thấm thoát đó mà cậu sinh viên Đại học khoa học Sài Gòn Dương Ngọc Huy 23 tuổi, nay đã sắp bước vào tuổi cổ lai hy rồi! Nhìn dáng vẻ ông những buổi chiều đi làm về hay buổi sáng ra chợ, tôi cứ nhớ đến hình ảnh nhân vật "tôi" trong truyện ngắn Con mèo của Lê Văn Thảo. Nhân vật tôi ghét mèo, chỉ cưng chó, nhưng con trai anh ta lại chỉ thích nuôi mèo, cưng mèo. Con mèo cái đẻ lứa nào thì người cha lập tức đem cho biến lứa đó. Đến lần sau cùng, hai con mèo con bị quẳng ra đường! Lê Văn Thảo kể tiếp: "Thằng con tôi ngủ say tới sáng. Nhưng sáng ra vừa thức giấc đưa mắt nhìn quanh, nó hỏi tôi hai con mèo con đâu. Tôi đáp loanh quanh rồi nói sang chuyện khác. Thằng con tôi để tôi yên hai ngày, sang ngày thứ ba không báo trước gì cả, nhắc lại chuyện hai con mèo con, hỏi cụ thể tôi cho ai, người đó ở đâu, tên gì. Tôi thấy chuyện đã không đơn giản. Không thể bày chuyện các "cô chú" ra được nữa, chắc nó đã đoán biết chuyện gì rồi, nó sẽ hỏi nữa tôi sẽ sa lầy vào mớ bòng bong những câu hỏi của nó. Đành phải nói ra sự thật thôi. Nhưng cũng nên nói sự thật một nửa. Tôi nói đem cho một người bạn nhưng giữa đường nó xổng mất. Xổng chỗ nào? Tôi chỉ chỗ. Nó bảo tôi dẫn đến đó. Thì đi. Chúng tôi đến đó cũng vào lúc trời tối, thằng con tôi nhìn đoạn hè đường trống trơn, ẩm ướt, tối mờ mờ nói:

- Hai con mèo con đâu rồi?

Tôi gắt:

- Nó ở đâu làm sao ba biết được. Thôi đi về!

Thằng con tôi chịu về, không hỏi gì nữa. Nhưng như vậy lại càng khiến tôi không thể yên. Như có tội ác nào đó treo trên đầu. Thế là đêm đêm tôi mò ra chỗ đoạn đường vắng, kiểu như phạm nhân tìm lại chỗ hiện trường phạm tội, đứng nhìn một lúc mặt hè đường ẩm ướt, tối mờ mờ, mong gặp lại hai con mèo con, và cũng sợ gặp phải chúng.

... Ngày tháng trôi qua. Thỉnh thoảng đi ngang chỗ đoạn đường vắng tôi cũng có liếc dòm qua, nhưng nghĩ bụng hai con mèo chắc đã lớn rồi có gặp tôi cũng không nhìn ra. Thôi thì chúng cứ sống, còn sống như thế nào là việc của chúng.

Con mèo nhà tôi không hiểu sao không đẻ nữa, tuy vẫn thon thả óng mượt. Nó chán cảnh đẻ không được nuôi con, hay muốn cảnh báo tôi điều gì?...

Truyện chỉ là lời kể quá ư giản dị, mộc mạc, tức là chẳng có gì là kịch tính, là nghệ thuật! Nhưng hãy đọc lại đi! Tôi thật sự kinh hoàng! Bằng một giọng kể tưng tửng, từ một chuyện ai đó có thể cho là vớ vẩn, một chuyện mà ai cũng từng gặp, từng sống, nhưng nhà văn Lê Văn Thảo đã nói được những chuyện chẳng vớ vẩn chút nào. Đó chính là lòng nhân ái! Nhân vật tôi cứ lầm lũi đi tìm hai con mèo con trên hè phố... hai con mèo đã bị anh ta từ chối, ghét bỏ, xua đuổi, quẳng đi thì không bao giờ thấy nữa, nhưng cái mà anh ta tìm thấy chính là tấm lòng nhân ái, sẽ không bao giờ mất đi trên cõi đời này. Thử hỏi, nếu không còn lòng nhân ái thì con người làm sao sống, mà sống để làm cái gì?! Sức nặng nghệ thuật của trang viết, âm hưởng của nó, tôi tin rằng sẽ còn vang vọng mãi trong lòng những người yêu văn chương, nghệ thuật, yêu cuộc đời này!

 Nhà văn Lê Văn Thảo tên thật là Dương Ngọc Huy, sinh ngày 1.10.1939 tại Thủ Thừa, tỉnh Long An, phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa 7 (2005-2010), chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh khoá 4-5 (2000-2010), hiện thường trú tại TP. Hồ Chí Minh.
Năm 1962, Lê Văn Thảo rời Trường đại học Khoa học tự nhiên Sài Gòn, thoát ly lên chiến khu làm công tác văn hoá văn nghệ. Năm 1968: tham gia chiến dịch Mậu Thân ở Sài Gòn. Bắt đầu viết văn từ năm 1965 với đề tài nông thôn, chiến tranh du kích. Tác phẩm chính đã xuất bản: gồm các tập truyện ngắn và tiểu thuyết: Đêm Tháp Mười (1972); Ông cá hô (1995); Một ngày và một đời (1997); Con mèo (1999); Cơn giông (2002); Truyện ngắn chọn lọc (2003)...
Nhà văn Lê Văn Thảo hai lần được nhận giải thưởng loại A về tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Đông Nam Á năm 2006 và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Tác giả: Triệu Xuân

Nguồn tin: Văn nghệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây