Nguyễn Thanh Hải- Sao không dưng Má chịu làm đóa mây viễn xứ
Chủ nhật - 27/03/2022 05:428590
Thơ NGUYỄN THANH HẢI Lời cảm nhận của DUNG THỊ VÂN
Mấy tháng nay Sài Gòn đại dịch không những người Sài Gòn buồn mà còn kéo cả nước Việt Nam buồn theo. Bởi vì người dân ở đâu cũng có thân nhân đang học, đang làm ăn hoặc đang sinh sống tại Sài Gòn. Dân chấp hành chỉ thị chỉ ở trong nhà, hàng ngày đọc tin tức và những video trên mạng quá đau buồn và chỉ cầu mong cho mau hết dịch bệnh. Dịch Covid bây giờ cả thế giới đều bị không riêng một nước nào. Chỉ phân biệt tỉnh hoặc thành phố nào đang là tâm dịch mà thôi.
Những người đã mất vào những ngày dịch cho dù chết vì Covid hay bệnh nền thì cũng quá đau buồn và có một đám tang không như ý muốn hoặc là có hoặc là không và chờ giao tro cốt. Mẹ nhà thơ Nguyễn Thanh Hải cũng ra đi vào lúc này cho nên khi đọc những bài thơ của Hải khiến lòng tôi dâng lên một nỗi buồn và phải nói rằng tôi quá xúc động khi đọc những bài thơ của Hải. Bài nào đọc tôi cũng thấy lòng rưng rức. Dẫu biết rằng mẹ (má)...Tuỳ theo số phận của mỗi con người sớm hay muộn...ai rồi cũng phải rơi vào hoàn cảnh đớn đau này. Đàn bà (con gái) mềm lòng khó mà che giấu cảm xúc, không cứng rắn và chịu đựng như đàn ông (con trai). Nhưng qua những bài thơ Nguyễn Thanh Hải viết về mẹ. Tôi hiểu được nỗi lòng nhà thơ đang buồn ghê lắm, nỗi buồn đó nó không thua gì phái nữ chẳng qua là đàn ông biết kềm lòng. Đau đớn khi người thân mất vào đúng lúc cả nước Việt Nam! cùng dịch mà Sài Gòn là đại dịch. Sự đi lại khó khăn vì khắp các tỉnh thành đều chấp hành theo chỉ thị “giãn cách”, “ai ở đâu ở yên đó”. Vì những lẽ đó mà đã buồn lại buồn hơn.
Từng câu thơ như những lời nhà thơ đang hỏi má và đang ngồi bên má.
Sao không dưng/má chịu/làm đóa mây/ viễn xứ
Từng câu thắc mắc dằn vặt khổ đau tại sao má mất. Đó là tiếng lòng đau thương và nức nở của nhà thơ. Là tiếng gào đau đớn tự đáy tim. Tôi hiểu nỗi lòng của những người con mất mẹ. Vì có cùng cảnh ngộ mới thấu đáo lòng nhau. Bởi tôi cũng đã quằn quại đớn đau trong những ngày mất mẹ. Dù có ở tuổi nào đi nữa thì nỗi buồn mất mát mẹ nó cũng như đứa trẻ đó là khóc, những giọt nước mắt không làm sau giấu được
Những câu thơ cứ như tiếng lòng thủ thỉ trách cứ bên má.
Thây kệ/con chim cú kêu đi/ Má đừng đi/ Má không về được/cây trúc/ đỏ lá...
Xưa kia các ông bà thường tin dị đoan hễ cú kêu ở đâu là trước sau ở nơi đó rồi cũng có người mất.
Nhà thơ cứ nhẹ nhàng trong những lời thơ như đang trò chuyện cùng má ... “Hồi nào /má không chịu đi đâu xa/đi đâu chút là đòi về/ mà giờ ngõ cách đường ngăn/chắc má nhớ nhà lắm”. Tôi hiểu nỗi đau của nhà thơ nó đang dày vò nỗi lòng mình ghê gớm lắm. Từng chữ trong câu thơ đang xé nát hồn mình. Bởi cái tình của một người con dành cho mẹ nó vô cùng thiêng liêng và cao cả. Y Vân đã viết: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào”. Tình mẹ muôn đời thiết tha như vậy đối với những đứa con cho dù ở thế kỷ nào đi nữa. Từng câu từng chữ của tác giả tôi tưởng chừng như đó là những giọt nước mắt đang thầm gào trong tiếng nấc. Bởi vì mẹ luôn là hình ảnh tha thiết nhất trong đời, mà đi suốt cuộc đời này con người khó mà tìm được một hình ảnh nào thay thế cho mẹ. (và tôi cũng chưa nghe được một tâm sự nào). Tôi chỉ biết tình mẹ thương con là vô bờ vô bến. Cho dù đứa con có phạm những lỗi lầm thì chỉ chịu sự nghiêm khắc trừng phạt của cha. Còn người mẹ thương con là một tình yêu bao la. Con khôn thì mẹ hãnh diện. Con dại thì mẹ thương con trong khổ đau. Người mẹ không bao giờ bỏ con. Tuy nhiên trong xã hội đôi lúc cũng có nhiều câu chuyện xảy ra ngoài ý muốn, ngoại lệ (chỉ một phần tử nhỏ) cho nên ta không lấy đó làm điều.
Ta hãy cùng nhau đọc để chia sẻ nỗi đau trong lòng nhà thơ vừa mới mất mẹ.
“Con không tin/tiếng khóc tiếng cười /gần mà sao xa quá vậy Tiếng chuông chiều tuôn trào/ theo từng giọt nhang rơi Má. Cuộc lưu nào con vừa gọi má hôm qua Giận hết sức buối chiều sao không dự báo Để cơn gió mồ côi dắt đi đâu lời má khuyên con niệm kinh phật Giờ chỉ phảng phất nụ cười hiền còn đọng ở đâu đây
Má nói hãy tập nhớ tập quên để mai này biết làm quen đứng bên bờ xa vắng Là má nói đùa thôi mà sao nỡ lòng nào hoa lưu ly đó lại trổ bông Con hư quá không biết giữ gìn cây cải ca dao để buổi chiều ví dầu đi mất Giờ ngồi nắm tay mình hụt hẫng múc lại từng gàu thơ ấu nghe đau
Ngọn gió ơi xin đừng thông thốc nữa Trên chuyến gió sương này trời còn thương quá lâm râm Sao không dưng má lại chịu làm đóa mây viễn xứ Ngàn năm sau má có trở về...”
Đó là những trầm thống tự đáy tim nhà thơ đau đến từng câu thơ diễn đạt. Như những lời trách cứ mẹ đừng đi…Tôi viết và cảm được nỗi đau tiếc nuối của tác giả không còn gì đau hơn nữa.
Hy vọng những dòng này sẽ xoa dịu nỗi lòng tác giả một phần nào. Cầu mong tác giả thật bình tâm trong cuộc sống.
DUNG THỊ VÂN Ngày 29/9/2021
-----------------------
Sao không dưng má chịu làm đóa mây viễn xứ
Má. Thây kệ con chim cú kêu đi. Má đừng đi... Mấy tháng trời rồi. Trắc trở long đong má không về được nên cây trúc trước nhà mình đỏ lá Hồi nào má không chịu đi đâu xa nhà xa quê. Đi đâu chút là đòi về. Mà giờ ngõ cách đường ngăn, chắc má nhớ nhà lắm Con không tin tiếng khóc tiếng cười nghe gần mà sao xa quá vậy Tiếng chuông chiều tuôn trào theo từng giọt nhang rơi
Má. Cuộc lưu nào con vừa gọi má hôm qua Giận hết sức buối chiều sao không dự báo Để cơn gió mồ côi dắt đi đâu lời má khuyên con niệm kinh phật Giờ chỉ phảng phất nụ cười hiền còn đọng ở đâu đây
Má nói hãy tập nhớ tập quên để mai này biết làm quen đứng bên bờ xa vắng Là má nói đùa thôi mà sao nỡ lòng nào hoa lưu ly đó lại trổ bông Con hư quá không biết giữ gìn cây cải ca dao để buổi chiều ví dầu đi mất Giờ ngồi nắm tay mình hụt hẫng múc lại từng gàu thơ ấu nghe đau
Ngọn gió ơi xin đừng thông thốc nữa Trên chuyến gió sương này trời còn thương quá lâm râm Sao không dưng má lại chịu làm đóa mây viễn xứ Ngàn năm sau má có trở về...
Nhớ ngày má mất 18/9/2021 nhằm 12/8 Al năm Tân Sửu