Nhà thơ đi bộ đã đi xa

Thứ sáu - 25/03/2011 21:25 2.844 0

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu
Vào lúc 19g30 ngày 24-3-2011, nhà thơ Hoài Anh đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) chỉ sau một thời gian ngắn lâm bệnh, khiến những người thân bên ông bàng hoàng, thương cảm.

Lễ viếng nhà thơ Hoài Anh bắt đầu lúc 10g ngày 26-3-2011 tại nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Lễ động quan diễn ra lúc 7g ngày 27-3, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Chính sách (Củ Chi, TP.HCM).

Hoài Anh tên thật là Trần Trung Phương, sinh năm 1938 tại Văn Ấp, Bình Lục, Hà Nam (theo gia đình thì năm sinh thực tế của ông là năm 1936, nhưng trong giấy tờ thì khai năm 1938). Thời kháng chiến chống Pháp, ông là bộ đội Liên khu III, sau năm 1945 ông làm cán bộ Sở Văn hóa - thông tin, Hội Văn nghệ Hà Nội. Từ sau năm 1975 ông công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam, tuần báoVăn Nghệ TP.HCM. Ông là hội viên Hội Nhà văn VN, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu VN.

Sinh thời, cái tên Hoài Anh được mọi người gọi với nhiều danh xưng: nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình, dịch giả, nhà biên kịch... Tuy nhiên khi nói về bản thân, Hoài Anh chỉ nói gọn mình là "người sáng tác", còn những bạn hữu trong giới thường gọi ông là nhà thơ. Có lẽ danh xưng nhà thơ là đúng với Hoài Anh nhất, không chỉ vì cả đời ông gắn với công việc làm thơ mà tính cách sống của ông cũng rất thơ. Hoài Anh cũng được mệnh danh là nhà thơ đi bộ vì ông không biết đi xe máy lẫn xe đạp, xê dịch trong thành phố gần như hoàn toàn bằng đi bộ.

Trước khi về ở với vợ chồng người con trai thứ, nhà thơ Hoài Anh có nhiều năm sống một mình trong căn phòng lầu 6 chung cư 190 (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM). Ðây cũng là nơi Hoài Anh viết nhiều tác phẩm quan trọng; về thơ có: Dạ lan (1986), 99 ngọn (1991), Thơ - Thư (2001), 100 bài thơ Ðường (thơ dịch 2001)...; về tiểu luận, phê bình văn học có: Chân dung văn học (1995-2001), Chân dung thơ (2001), Tìm hoa quá bước (2001)...

Với tập Chân dung văn học dày gần 1.500 trang, có thể nói Hoài Anh là người viết chân dung văn học nhiều nhất hiện nay với nguồn tư liệu phong phú, chuẩn xác, lẫn những liên hệ, soi rọi cá nhân đầy trách nhiệm.

Ngoài ra, Hoài Anh còn viết hàng chục tập truyện lịch sử VN. Cách viết truyện lịch sử của Hoài Anh là cố gắng phục dựng những nhân vật, câu chuyện dựa trên những sử liệu tin cậy nhất, để trở thành những câu chuyện lịch sử VN dễ thấm vào lòng người.

Sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ, khá uyên thâm ở mảng Hán - Nôm, Hoài Anh được mệnh danh là "từ điển sống" cho nhiều đồng nghiệp, đặc biệt là với những nhà văn trẻ. Sống chân tình, khiêm tốn hết mực và luôn lao động nghiêm túc miệt mài.

Rồi đây, chắc nhiều người còn nhớ đến hình ảnh một nhà thơ bộ hành trong thành phố, một chiếc bóng cô độc giữa đêm khuya dưới ngọn đèn vàng và tiếng máy đánh chữ lốc cốc miên man. Cảm giác tất cả như ngưng lại từ chỗ mà nhà thơ ngồi, như trong thơ ông: Ai đó cần một điểm tựa để nâng bổng trái đất/ Tôi chỉ cần một cái bàn/ Cái bàn là mặt biển thời gian/ Từ đó dấy lên những cơn sóng ngầm ý nghĩ...

Tác giả: Trần Nhã Thụy

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây