Từ nơi hoang vắng

Thứ hai - 25/03/2013 02:26 5.551 0
Không hiểu vì điều gì, thay vì để tôi xuống X, họ đã để tôi xuống Y - một cánh đồng mía vắng bóng người ven theo quốc lộ.
Minh họa của Thúy Hằng
Minh họa của Thúy Hằng

Có thể người lái xe đã nghe không đúng điều tôi nói. Có thể giọng của tôi gây nên sự hiểu lầm chết người. Có thể người ta đã nhầm tôi với một ai đó trên xe. Thay vì gọi người đó, họ vứt vali tôi xuống. Và cuối cùng tôi phải đi theo. Tôi chưa kịp nói được điều gì chiếc xe đã vụt thoát như một bóng ma.

Ở đây đang là mùa thu thì phải. Cánh đồng mía vàng rực bốn bề.

Ở một nơi tuyệt đẹp như thế này...

Nếu không lầm thì tôi còn giữ số điện thoại nhà xe khi gọi anh ta vào chiều tối hôm qua. Nhưng tôi không còn nhớ đã gọi bằng chiếc điện thoại nào, của tôi hay của cô ấy.

Sao anh không đi bằng xe gọi, cô ấy nói với tôi.

Nhiều năm nay có một dịch vụ. Chỉ cần nhấc điện thoại hẹn ngày giờ địa điểm, sẽ có người đến đón bạn đi. Nếu bạn sợ ngủ quên, họ sẽ gọi điện nhắc nhở. Rồi cô ấy cho tôi một con số.

Gọi đi. Cô ấy nói.

Khi từ một nơi xa khuất như thế đến đây, tôi gần như làm theo những gì cô mách bảo. Giống như cách đó năm hôm, cô ấy bảo đi vịnh Hạ Long đi. Thế là tôi đi hai ngày. Thế rồi khi ở vịnh Hạ Long cô ấy nói cần phải cởi áo khoác ra để cảm nhận hơi nước và gió. Thế là tôi cởi áo khoác ra để cảm nhận hơi nước và gió. Thế rồi, trong một giây phút, cô nói đến X đi. Và tôi đã đến X. Cô nói gọi điện cho nhà xe M đi. Tôi đã gọi điện cho nhà xe M.

Điện thoại của tôi không có cuộc gọi nào được thực hiện vào chiều tối hôm qua. “Lịch sử cuộc gọi” trống hoác. Nhớ lần đầu sử dụng điện thoại, tôi đã rất ấn tượng với dòng chữ lịch - sử - cuộc - gọi, liên tưởng ít nhiều đến một cái gì đó thật sự trầm trọng đã xảy ra với mình. Thay vì đơn giản chỉ là “danh sách đã gọi”.

Theo định nghĩa của một ai đó mà tôi đọc được thì lịch sử được định nghĩa như là “một câu chuyện chúng ta nói chúng ta là ai”.

Có một cái gì đó đã xảy ra cho tôi, trong quá khứ của một - tháng - trước. Từ một nơi xa khuất đến thế, tôi đến đây và làm theo chỉ dẫn của cô ấy. Trước đó tôi không hề muốn đi đâu cả. Tôi sống gần như hết thời tuổi trẻ của mình ở đúng một nơi.

Rồi như một chuỗi domino “bắt đầu xáo trộn”, tôi lăn mình đi.

Vì có những điều tôi không thật sự tin ở mình nên tôi tin ở cô ấy. Dù tôi không tin cô ấy thì tôi vẫn tin có những điều vẫn xảy ra không theo cách của tôi, mà theo riêng nó.

Chuyện này có ít nhiều liên quan đến bà dì tôi theo cùng một nghĩa, dì lấy gã phụ hồ khi nhà tắm vỡ hoác. Gã phụ hồ đến nhà dì làm lụng trong hai tuần thì xong. Dì nói làm ơn xây thêm cho tôi cái giếng. Làm thêm đến hai tuần. Dì nhìn quanh nói làm thêm cho tôi cái chuồng bồ câu đi. Rồi những tuần tiếp theo là chỉnh sửa hàng rào, xây thêm cái bếp... Xây, xây và xây đến một hôm gã phụ hồ nhận ra có xây bao nhiêu vẫn không đủ, họ ăn ở với nhau. Có hai đứa con. Từ đó không còn cái gì đáng để xây nữa.

Người chồng trước của dì cũng là một phụ hồ, cho tôi một liên tưởng cũng bằng một cách, cách riêng nhất của dì. Không biết trong quá khứ trước đó dì đã nhờ anh ta xây cái gì, dì đã nói cái gì trong “lịch sử cuộc gọi” giữa họ?

Tôi gọi lại cho cô ấy lúc đi sâu vào cánh đồng mía. Không có người bắt máy, điện thoại vọng lại âm u như đang đi sâu trong một đường hầm. Có lẽ cô muốn làm khó tôi một chút đây mà.

Tôi có thể ở đây ăn mía và chờ cô gọi lại.

Tôi có thể đi sâu vào cánh đồng mía nếu tôi không mắc kẹt cái vali.

Tôi nhận ra mình đã vứt đi rất nhiều thứ trong một tháng nay. Nhưng điều đó vẫn chưa làm cái vali nhẹ. Tôi vẫn còn luyến tiếc rất nhiều thứ trong đó. Có thể sau chuyến đi này, tôi sẽ có cái nhìn chọn lọc hơn về những gì nên và những gì thì không nên mang theo.

Vào buổi chiều tối, lúc tôi đã ăn rất nhiều mía và hơi thiu ngủ, điện thoại đã run lên như thể trái tim tôi. Đó là số của cô ấy nhưng không phải cô ấy. Người ta thông báo cô ấy vừa chết sáng nay.

Đó là một câu chuyện đáng tiếc và rất buồn.

Có lẽ sau khi đưa tôi lên xe thì cô ấy chết.

Có lẽ, theo một cách nào đó của cô ấy, rất riêng, cô ấy chỉ chết khi đã chia tay với tôi.

Người đàn ông bắt điện thoại hỏi sau khi cô ấy chết rồi thì tôi có cần gì không?

Anh là ai thế?

Một người quen.

Nếu có thể, tôi nói, hãy đọc cho tôi nghe lịch sử cuộc gọi vào buổi chiều tối hôm qua trên điện thoại của cô ấy.

Có thật sự cần thiết nữa không khi mà cô ấy đã chết rồi? Người đàn ông rụt rè hỏi.

Cần chứ. Rất cần. Tôi mong anh hãy vì cô ấy mà làm điều này.

Người đàn ông im lặng một lúc lâu. Cuối cùng anh ta cũng nhắn cho tôi năm số điện thoại cuối từ cái gọi là “lịch sử” ấy.

Tôi không biết anh dùng những con số này làm việc gì, nhưng tôi mong là anh sử dụng nó một cách tốt nhất như lúc cô ấy vẫn còn sống. Người đàn ông nói.

Vâng. Tôi hứa.

Tôi cũng không tin anh ta là người quen của cô ấy. Tôi cảm thấy tình cảm của anh ta với cô ấy thật vô tận. Nó có vẻ như là tình yêu trong giọng nói của anh.

Người đầu tiên tôi gọi theo cái gọi là lịch sử cuộc gọi của cô ấy là một đứa trẻ 17 tuổi. Nó nói không gặp cô nhiều tháng nay, bất ngờ chiều tối qua cô ấy gọi. Có thể cô đã muốn thông báo một điều gì, nhưng rồi lại thôi. Con bé được cô ấy dạy học ở một thời điểm nào đó “trong quá khứ”. Tôi thông báo cô ấy đã chết. Cuộc gọi đó được xem như lần trò chuyện cuối giữa họ từ quá khứ cho đến tương lai.

Khi nghe tôi nói đến đó con bé bật khóc.

Người thứ hai trong lịch sử cuộc gọi là mẹ cô ấy. Họ đã nói với nhau về một bữa ăn. Cô ấy muốn ăn một cái gì đó mà “trong quá khứ” người mẹ đã đem đến. Người mẹ hứa sẽ chuẩn bị nó vào thứ bảy tuần sau. Cô ấy không ở chung với mẹ. Họ thường gặp nhau vào thứ bảy hằng tuần. Cô ấy về, ôm mẹ một ngày đêm, vòi vĩnh, kể chuyện, phục dựng một vài chi tiết cũ như một niềm vui nho nhỏ giữa họ rồi đi.

Cậu có phải là người yêu của con gái tôi? Người đàn bà rụt rè hỏi. Tôi chưa bao giờ nghe con bé nhắc đến bạn trai.

Có lẽ trong tương lai, hoặc sau chuyến đi này, tôi sẽ yêu cô ấy. Tôi nghĩ vậy. Cô ấy có những phẩm chất mà những người đàn ông theo lẽ thường phải yêu. Nhưng chúng tôi cũng chưa nói đến chuyện này.

Thật ra thì từ một nơi xa xăm như thế, tôi chưa rõ được chuyện gì. Chuyện gì đã thúc đẩy tôi đến đây? Tôi chưa từng có một lịch sử như thế.

Tôi có thể gặp cậu được không? Người đàn bà rụt rè đề nghị. Tôi cũng không biết gặp cậu để làm gì, nhưng có lẽ do tôi muốn nghe một ai đó nói về con gái tôi, tôi nghĩ cậu có một vài câu chuyện gì đó về nó, nó đã gặp cậu như thế nào, nó hay nói chuyện gì, nó có nỗi niềm gì chưa nói với tôi không?

Có lẽ tôi đã là lịch sử cuộc gọi của cô ấy trong suy nghĩ của người mẹ.

Người thứ ba là nhà xe, là người đã trò chuyện với tôi vào chiều tối hôm qua. Đã có một nhầm lẫn gì đó, tôi nói, người của các anh đã thả tôi xuống một nơi hoang vu.

Không, không thể có chuyện ấy được đối với nhà xe của chúng tôi. Người đàn ông phản đối. Chúng tôi đã xây dựng thương hiệu này từ rất lâu, và rất công phu. Chúng tôi không thể hủy hoại nó trong “trí nhớ” của khách hàng. Có lẽ tôi cần một ít thời gian để tìm hiểu việc này. Và tôi sẽ gọi lại anh ngay khi biết rõ mọi việc.

Người đàn ông cúp máy.

Một lần nữa tôi thấy mình như đang rơi vào một chốn hoang vu.

Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một cánh đồng mía. Hoặc nhìn thấy một cái gì đó tương tự như vậy. Một màu vàng óng trải dài trong ánh nắng chiều. Nếu có một người nằm chết ở đây, có lẽ anh ta tới thiên đường còn nhanh hơn là việc ai đó phát hiện ra anh ta và hô hoán lên.

Vào lúc mặt trời sắp tắt trên cánh đồng mía người đàn ông của nhà xe đã gọi điện trở lại. Người đàn ông xin lỗi vì sự chậm trễ. Người tài xế đã ngủ sau một chuyến đi dài, anh ta tắt điện thoại. Họ đã không cách gì liên lạc được với anh ta. Người đàn ông phải nhờ một người khác đến tận nơi anh ta ngủ. Và đập anh ta dậy. Người tài xế đó cho rằng chính cô ấy đã yêu cầu anh ta “hãy thả anh ấy xuống một cánh đồng mía” khi xe đã lăn bánh được một lúc qua điện thoại. Anh ta còn yêu cầu tôi hãy kiểm tra lịch sử cuộc gọi trên máy của cô ấy và của cả anh ta để làm bằng chứng nếu tôi không tin.

Anh ta đã hỏi lại hai lần, có thật vậy không, thả anh ta xuống cánh đồng mía, và cô ấy đã xác nhận. Vì cô ấy đã gọi bằng chính số điện thoại mà tôi đã gọi nên người tài xế đã nghe theo. Anh ta cũng thay mặt nhà xe xin lỗi khách hàng vì đã để chàng lơ xe chuyển đồ xuống một cách không được văn minh lắm.

Sáng nay là sinh nhật của con gái anh chàng lơ xe, nên đã có “một điều gì đó” thôi thúc anh ta làm chuyện này một cách kém thận trọng. Ngày thường anh ta không phải là người như vậy, không phải là bản chất của anh ta. Có lẽ tâm trí của anh ta bị buộc chặt vào đứa con trong cái ngày trọng đại này. Và anh ta đã không còn nhận thức thấy những điều khác.

Đã có một cái gì xảy ra, người đàn ông nhấn mạnh, và nó đã xảy ra.

Thay mặt nhà xe, chúng tôi sẽ cho người đến đón anh. Người đàn ông trực tổng đài cam kết. Anh muốn đi đâu, chúng tôi sẽ đưa anh đi, xem như một lời xin lỗi chân thành từ phía chúng tôi.

Tôi sẽ đi đâu?

Anh có thể đưa tôi trở lại chỗ xuất phát được không? Tôi nói với người đàn ông.

Có vẻ như mục đích của tôi không còn. Từ đó tôi cũng sẽ đi ngược lại, theo con đường mà tôi đã đến đây. Tôi sẽ lưu lại vịnh Hạ Long hai ngày. Sau đó tôi sẽ quay lại nơi tôi gặp cô ấy trước khi cô ấy cho tôi lời khuyên đầu tiên, đi vịnh Hạ Long. Sau đó tôi sẽ lên chuyến bay mà từ một nơi xa xăm tôi đến đây. Tôi sẽ quay về đúng căn nhà của tôi, trước khi tôi đến đây. Và tôi sẽ làm mọi cách để xem như mình “chưa từng sống trong quá khứ” của một tháng qua.

Tất nhiên là được. Người đàn ông nói. Hãy chờ chúng tôi. Và trong lúc chờ chúng tôi, có lẽ ăn mía để giải khuây là điều anh nên làm nhất. Anh có nhớ câu chuyện người đàn ông lạc vào bãi mía đã buộc tiền vào thân cây khi ăn một lóng mía không? Hãy làm như vậy và chờ chúng tôi đến.

Anh ta thật là biết nói chuyện.

Nhưng tại sao cô ấy lại bảo hãy thả tôi xuống một cánh đồng mía cơ chứ? Tôi nói. Đến bây giờ tôi vẫn không tin nó là sự thật.

Tôi cũng không biết. Người đàn ông nói. Nhưng nếu là anh, tôi sẽ thích chuyện đó. Tôi sẽ đi sâu vào cánh đồng mía và không thôi nghĩ về cô ấy. Chẳng phải tuyệt vời hay sao.

Vẫn còn hai số điện thoại từ cái lịch sử ấy mà tôi chưa gọi. Nhưng có lẽ nó sẽ được sử dụng bằng một cách khác.

Dầu sao thì cũng đã có lúc tôi đã làm một việc gì đó khác hẳn cuộc đời mình.

Tác giả: Nguyễn Ngọc Thuần

 Từ khóa: nguyễn ngọc thuần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây