Nhạc sĩ Thanh Sơn: Không chỉ là "lưu bút ngày xanh"

Thứ bảy - 13/11/2010 09:20 1.681 0

Vợ chồng nhạc sĩ Thanh Sơn tại Hà Nội (tháng 10/2010).

Vợ chồng nhạc sĩ Thanh Sơn tại Hà Nội (tháng 10/2010).
Ra Hà Nội lần này, nhạc sĩ Thanh Sơn đi cùng người bạn đời của mình. Vẫn là thế, mấy chục năm qua, nếu không bận, bà vẫn thường cùng ông trên mỗi cuộc hành trình. Ở với nhau tới đầu bạc, răng long, họ vẫn luôn dành cho nhau sự chăm sóc ân cần, trìu mến mà những người trẻ phải ngưỡng mộ. Tranh thủ lúc nhạc sĩ Thanh Sơn chụp ảnh cùng người hâm mộ, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với người phụ nữ đứng sau sự nghiệp của ông...
Cuối tháng 10 vừa qua, trong cái gió heo may se lạnh đặc trưng của mùa thu Hà Nội, khán giả thủ đô đã được thưởng thức những ca khúc trữ tình vượt thời gian của nhạc sĩ Thanh Sơn trong liveshow ca nhạc "Hình bóng quê nhà" tổ chức tại Nhà hát Lớn. Chương trình bao gồm 16 nhạc phẩm tiêu biểu đã làm nên tên tuổi nhạc sĩ Thanh Sơn trong lòng công chúng yêu nhạc như: "Lưu bút ngày xanh", "Nỗi buồn hoa phượng", "Mùa hoa anh đào", "Hình bóng quê nhà", "Hương tóc mạ non", "Gợi nhớ quê hương"... Thưởng thức ca khúc của nhạc sĩ Thanh Sơn và trò chuyện cùng ông, ta càng nhận ra ở người nhạc sĩ này sự hồn hậu, chân tình. Dù đã ở tuổi thất thập, nhạc sĩ Thanh Sơn vẫn dí dỏm, yêu đời và tràn đầy cảm hứng sáng tác.

1. Biết nhạc sĩ Thanh Sơn ra Hà Nội để chuẩn bị cho liveshow ca nhạc đầu tiên của mình ở thủ đô, nhiều khán giả đã tới tận khách sạn nơi ông nghỉ để xin được trò chuyện, chụp ảnh và xin chữ ký. Nhạc sĩ Thanh Sơn tâm sự, ông rất bất ngờ trước tình cảm mà khán giả miền Bắc dành cho ông - một nhạc sĩ của Nam Bộ. Ông chia sẻ, đây lần đầu tiên ông ra Hà Nội và thật hạnh phúc vì đúng vào thời điểm Hà Nội đẹp và nên thơ nhất. Ra Hà Nội vào mùa hoa sữa nên vừa tới nơi, vợ chồng ông đã nhờ một người bạn đưa đi để tận mắt nhìn ngắm loài hoa quyến rũ từng đi vào nhạc, vào thơ này. Ngay trong đêm diễn, nhạc sĩ Thanh Sơn tâm sự một điều lý thú là phần lớn những ca khúc của ông lại được công chúng biết đến qua giọng hát của những nghệ sĩ miền Bắc như NSND Thu Hiền, nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền…

Ra Hà Nội lần này, nhạc sĩ Thanh Sơn đi cùng người bạn đời của mình. Vẫn là thế, mấy chục năm qua, nếu không bận, bà vẫn thường cùng ông trên mỗi cuộc hành trình. Ở với nhau tới đầu bạc, răng long, họ vẫn luôn dành cho nhau sự chăm sóc ân cần, trìu mến mà những người trẻ phải ngưỡng mộ. Tranh thủ lúc nhạc sĩ Thanh Sơn chụp ảnh cùng người hâm mộ, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với người phụ nữ đứng sau sự nghiệp của ông.

Khi tôi hỏi vui: "Ông là nhạc sĩ nổi tiếng, tài hoa như vậy, chắc là có nhiều bóng hồng vây quanh. Có khi nào bà ghen không?". Bà hồn hậu: "Thú thật là không, vì tôi hiểu tính chồng tôi. Có gì cũng chỉ là những tình cảm thoáng qua thôi. Như cô thấy đấy, bao nhiêu bóng hồng rồi cũng "rơi", chỉ còn có "bóng đào" này thôi (cười). Ông nhà tôi hiền lắm. Hai vợ chồng tôi sinh được 7 người con nhưng hiếm khi thấy ông quát mắng con cái".

Nhạc sĩ Thanh Sơn cũng là người không ngại ngần công khai "những phút xao lòng" từng trở thành cảm hứng sáng tác trong ông. Những "bóng hồng"  ấy đi qua, để lại những hoài niệm và rồi trở thành những nốt nhạc đẹp, lãng mạn trong từng ca khúc của ông. Xao xuyến, bâng khuâng thì nhiều nhưng gia đình, sự thương yêu trân trọng và tin tưởng vẫn luôn được ông đặt lên hàng đầu. Có lẽ điều đó khiến vợ chồng người nhạc sĩ đã trụ vững bên nhau từ thuở xuân xanh cho đến khi đầu bạc.

Nhạc sĩ Thanh Sơn tâm sự, ông rất vui trước thành công của đêm nhạc và tình cảm mà khán giả Hà Nội dành cho mình. Đạo diễn Vũ Liêm cho biết, sở dĩ đặt tên cho liveshow của nhạc sĩ Thanh Sơn là "Hình bóng quê nhà" bởi phần lớn trong số 500 ca khúc của ông là viết về quê hương, đất nước.

2. Nhạc sĩ Thanh Sơn đến với âm nhạc hết sức tình cờ và chủ yếu bằng con đường tự học. Sinh năm 1938, trong một gia đình có tới 12 người con ở Sóc Trăng, cậu bé Lê Văn Thiện (tên thật của nhạc sĩ Thanh Sơn) từ nhỏ đã say mê văn nghệ. Cũng vì ham thích ca hát, năm 1957, ông lên Sài Gòn sống với mẹ để vừa cùng mẹ đi làm công, làm mướn vừa tìm cơ hội đến với âm nhạc. Dù công việc mưu sinh vất vả nhưng lúc nào cậu cũng nghêu ngao hát. Năm 1959, Lê Văn Thiện đánh bạo ghi tên tham dự cuộc thi hát do Đài Phát thanh Sài Gòn tổ chức. Không ngờ, cậu được giải Nhất với tác phẩm "Chiều tàn" của nhạc sĩ Lam Phương. Sau giải thưởng ấy, tên tuổi Thanh Sơn ngày càng được công chúng biết đến qua những chương trình ca nhạc trên đài Phát thanh Sài Gòn. Nhờ đó, Thanh Sơn được nhận vào đoàn Văn nghệ Việt Nam của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Ông thường xuyên biểu diễn tại vũ trường Maxim's cũng như tham gia lưu diễn ở một số quốc gia châu Á như Lào, Campuchia, Singapore, Malaysia, Indonesia…

Trong thời gian là thành viên của Đoàn Văn nghệ Việt Nam, Thanh Sơn có may mắn được gần gũi với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ để rồi trong ông bắt đầu nhen nhúm ý định sáng tác. Ngoài việc đọc cuốn "Để sáng tác một ca khúc" của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và Hùng Lân, ông còn được nhạc sĩ này tận tình chỉ bảo, nâng đỡ. Ông mày mò sáng tác, được bài nào thì nhờ các ca sĩ đàn anh xem xét, chỉnh lý giùm. Năm 1960, tác phẩm đầu tay có tên gọi "Tình học sinh" của Thanh Sơn ra đời. Bài hát không được nhiều người biết đến nhưng tới ca khúc thứ 2 "Lưu bút ngày xanh" thì rất nổi tiếng. Lý giải vì sao viết nhiều về tuổi học trò (tới 20 ca khúc), nhạc sĩ Thanh Sơn chia sẻ: Ngày mới bắt đầu con đường sáng tác, ông rất hoang mang không biết nên viết về chủ đề gì. Rồi ông chợt nhớ về tuổi học trò, quãng thời gian mộng mơ, đầy kỷ niệm và luôn đau đáu bởi vì "Tôi học hành không tới nơi tới chốn nên không thôi hoài niệm, nuối tiếc về nó".

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, dường như mỗi ca khúc của Thanh Sơn đều gắn với một kỷ niệm, một nỗi niềm có thực trong đời. Viết nhạc, với ông là ghi lại những cảm xúc có thật ở trong lòng để sẻ chia với mọi người. Ông là người giàu cảm xúc và nhiều hoài niệm nên các ca khúc của ông cũng vì thế thường gợi lại một nỗi niềm xưa cũ, một miền ký ức xa thẳm trong tâm hồn mỗi người. Ngay nghệ danh Thanh Sơn của ông cũng bắt nguồn từ một câu chuyện có thực. Hồi nhỏ, ông có một người bạn gái thân tên là Thanh nhưng không may người bạn này đã mất trong thời kỳ chống Pháp. Ông đã dùng tên Thanh của cô để ghép với tên Sơn thành nghệ danh của mình như một sự khắc ghi kỷ niệm.

Nguồn gốc ra đời ca khúc "Nỗi buồn hoa phượng" nổi tiếng của ông cũng bắt nguồn từ mối tình đầu trong sáng thơ ngây hồi ông còn ở Sóc Trăng. Thuở đó, nhạc sĩ có quen và quý mến cô gái tên là Hoa Phượng. Và rồi, gia đình cô chuyển lên Sài Gòn sinh sống. Hai người buộc phải chia tay. Họ chia tay nhau giữa sân trường. Anh nói "Vậy là hai đứa xa nhau rồi không biết khi nào mới gặp lại". Hoa Phượng an ủi rằng: "Chắc chắn anh sẽ còn gặp em vì mỗi khi hè đến, hoa phượng sẽ nở". Cuộc chia tay ấy vào năm 1953 và 10 năm sau, năm 1963, một mùa hoa phượng nữa lại về trong ký ức của Thanh Sơn. Nhìn hoa rơi, người nhạc sĩ tài hoa bất chợt nhớ lại câu nói của người con gái năm xưa. Cảm xúc ào ạt dâng tràn và ông viết như trải lòng lên trang giấy:"Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn/ Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương/ Rồi mai xa cách hai đứa hai nơi/ Phút gần gũi nhau mất rồi/ Tạ từ là hết người ơi".

Nét nhạc êm đềm, man mác một nỗi buồn sâu lắng khiến cho "Nỗi buồn hoa phượng" trở thành bài hát gối đầu giường của nhiều thế hệ cô cậu học trò. Cho đến nay, những lời nhạc mênh mang buồn ấy vẫn còn làm xao xuyến bao người mỗi khi hè về. Nhạc sĩ Thanh Sơn tâm sự, từ buổi chia tay ấy, dù sau này lên Sài Gòn sinh sống nhưng ông chưa bao giờ gặp lại được người con gái ấy.

Một nhạc phẩm nữa của Thanh Sơn cũng được nhiều người yêu mến là "Mùa hoa anh đào". Ca khúc này được ông sáng tác năm 1962, lấy cảm hứng từ người vợ thân yêu của mình. Chuyện là hai năm sau ngày cưới, vợ chồng ông lên Đà Lạt chơi. Đà Lạt đúng mùa hoa anh đào nở. Nhiều người thường khen vợ ông có vẻ đẹp của một thiếu nữ Nhật Bản. Và gương mặt đó, cùng với sắc hoa anh đào hồng phai của xứ lạnh đã làm thành cảm hứng cho "Mùa hoa anh đào" mang âm hưởng âm nhạc Nhật Bản. Ông hóm hỉnh: "Ngày đó, ai cũng khen vợ tôi đẹp nên tôi sợ mất, phải viết ngay một bài để nịnh bà ấy".

Không chỉ có "Mùa hoa anh đào" ông viết tặng cho người vợ hiền của mình mà ca khúc "Hương tóc mạ non" cũng là tấm chân tình của ông dành cho bà. Thoạt đầu, tác phẩm này có tên "Tóc em thơm mùi mạ" nhưng sau đó ông đổi thành "Hương tóc mạ non" bắt nguồn từ tên vợ ông là Hương.

Bên cạnh những tình khúc thì một số lượng lớn tác phẩm làm nên tên tuổi nhạc sĩ Thanh Sơn là những ca khúc viết về quê hương: "Đoản xuân ca", "Gợi nhớ quê hương", "Hình bóng quê nhà", "Tình trăng lúa", "Quê hương ba miền", "Hành trình trên đất phù sa"… Đa số những sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn lấy cảm hứng từ những câu hò vùng sông nước đồng bằng Sông Cửu Long đã thấm vào hồn ông từ thuở thơ ấu.

Đến với âm nhạc tình cờ để gắn bó trọn đời với âm nhạc, sau này, vừa sáng tác, nhạc sĩ Thanh Sơn còn có 10 năm phụ trách biên tập chương trình cho Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông. Năm 2005, dù đang trên giường bệnh chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật tim, ông vẫn cho ra đời ca khúc "Chiều mưa xứ Dừa" viết về quê hương Bến Tre. Sự nổi tiếng là điều ông ít quan tâm bởi như nhạc sĩ hồn nhiên bộc bạch: "Tui khoái làm nhạc sĩ hơn vì mình có tâm sự gì, mình diễn ra thành lời được". Rồi ông hứa: "Nhất định lần này về, tôi sẽ có bài hát viết về Hà Nội".

Tác giả: Khánh Thảo

Nguồn tin: VNCA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây