Nhạc sĩ Trần Tiến: 'Tôi mà kinh doanh là đói ngay'

Thứ năm - 15/10/2009 15:24 2.177 0

Nhạc sĩ Trần Tiến

Nhạc sĩ Trần Tiến
Có nhiều lời đồn thổi rằng nhạc sĩ Trần Tiến, người viết “ngành ca, tỉnh ca” hay nhất - có mức thù lao “ngất ngưởng” cho những ca khúc đặt hàng, rằng ông có rất nhiều cơ hội kinh doanh vì mối quen biết rộng trong giới doanh nhân…

- Thưa nhạc sĩ, ông suy nghĩ gì khi một số người gọi vui ông là nhạc sĩ nổi tiếng về... “ngành ca, tỉnh ca”?

- Tôi thường đặt mình là “con của mọi nhà, là em của vạn kiếp phôi pha, là anh của vạn đầu em nhỏ, không áo cơm cù bất, cù bơ...” như ước mơ của một nhà thơ thuở thiếu thời tôi hằng yêu mến. Bài hát của tôi không chỉ dành cho quê hương, Tổ quốc, những “nhân dân lớn”, mà thường dành phần nhiều cho những “nhân dân nhỏ” như: trẻ mồ côi, gái điếm, anh thợ đóng giày, cô hàng tạp hóa, thương binh...

Vì vậy, khi những “nhân dân nhỏ” khác như Ban dân số kế hoạch hóa gia đình, tầng lớp doanh nhân, anh chàng đăng kiểm, cô gái viễn thông, thợ xây, thợ hồ... mong muốn mình viết về họ, nếu thấy cảm hứng thì viết thôi. Đề tài chỉ là cái cớ để bộc lộ cảm xúc nếu ta thực sự có tấm lòng và tài năng nghệ thuật.

- Những lời mời thế nào thì ông sẽ “gật đầu”?

- Tôi chỉ khó tính không nhận viết khi không đủ cảm xúc hoặc khi người ta muốn tôi quảng cáo, làm PR cho họ. Và đôi khi đề tài đặt hàng khó thể hiện bằng bài hát.

- Thực lòng, nhạc sĩ có thích kiểu sáng tác đặt hàng?

- Tôi không biết phân biệt nhạc đặt hàng hay tình ca “để đời”. Chỉ có nhạc hay và nhạc dở mà thôi. Bach, Mozart, Banzac, Doxtoiepski... đều viết theo đơn đặt hàng mà có những tác phẩm để đời. Nhờ có đặt hàng mà tôi may mắn có được Sao em nỡ vội lấy chồng, Giai điệu Tổ quốc, Vết chân tròn trên cát, Giấc mơ Chapi, Tùy hứng Lý qua cầu... là hạnh phúc lắm rồi. Thời gian viết những đơn đặt hàng này là bao lâu ư? 50 năm bạn ạ. Nghĩ ngợi 50 năm, nhưng khi đặt bút viết, nếu “trời cho” thì có thể chỉ 50 phút, không cho thì phải... 5 tháng!

- Trong số những ca khúc nhạc sĩ viết về các tỉnh, ngành, những ca khúc nào khiến ông tâm đắc?

- Tôi chưa tâm đắc bài nào cả, không hiểu vì sao. Có lẽ viết cái ta chưa từng trải qua thì thường như kẻ cưỡi ngựa xem hoa mà thôi. Ví dụ tôi rất yêu Đà Nẵng và người xứ Quảng mà viết mãi không ra, may có bài Mưa bay tháp cổ, không thì áy náy lắm.   - Nhiều bài “ngành ca, tỉnh ca” của ông đã vượt khuôn khổ nội bộ của ngành, của tỉnh, được nhiều người yêu thích. Bí quyết gì vậy, thưa ông?

- Bí quyết là làm việc như “trâu” và phải cảm xúc gấp 10 lần những bài hát đề tài chung chung, dễ viết khác. Bạn làm sao cho chữ “đăng kiểm”, “cọc nhồi”, “sinh đẻ”, “si-đa” vào mà hát không thấy ngượng mồm, không những thế còn để người nghe khóc, cười, vui, buồn, đau đớn và khát vọng cùng bạn. Thậm chí còn không biết bạn đang viết cho một hợp đồng quỷ quái nào nữa!

 - Bên cạnh thành công ông có bao giờ thất vọng, “ngậm ngùi” về số phận đứa con tinh thần của mình?

- Có lúc nào thấy ngậm ngùi không ư? Nhiều lắm, ví dụ Vết chân tròn trên cát và Giai điệu Tổ quốc, thù lao có 17.000 đồng một bài. Viết cho ngành dầu khí Việt Nam hai bài, bằng tất cả cảm xúc, tài năng có được, viết xong, tự thấy sướng vô cùng nhưng họ không lấy bài mà chỉ cần thu nhạc cổ động. Quả là buồn!

- Ông có thể bật mí về mức cát-sê của mỗi ca khúc sáng tác theo đơn đặt hàng?

- Tôi được mời đi hát hoặc sáng tác, từ xưa tới nay chưa bao giờ đòi cát - sê bạn ạ. Nghệ thuật đích thực làm gì có giá. Tuy vậy, sẽ rất khó cho người mời, đôi khi tôi đành dùng cách hỏi lại người mời: Nếu tôi dành cho bạn hai tháng không đi kiếm ăn nuôi gia đình, chỉ tập trung suy nghĩ, sáng tác cho bạn, bạn định nuôi vợ con tôi thế nào thì bạn trả thế đó. Còn nếu bài hát hay, thì bạn nên thanh toán thêm cho tôi tiền cà phê, bia và tiền công tôi ngồi ngắm các cô gái xinh đẹp để lấy cảm hứng.

- Ca khúc ông viết về doanh nhân cũng theo đơn đặt hàng, ông có hài lòng về ca khúc này?

- Hai bài hát viết về doanh nhân của tôi thành công được là nhờ bạn Ba Phong, Chủ tịch HĐQT một tập đoàn lớn. Lúc đầu, Ba Phong nhờ tôi viết để kỷ niệm 20 năm thành lập công ty. Tôi nói: “Phong ơi liệu như thế có phí khả năng viết của mình không, phí cả tiền nữa. Một bài ca ngợi công ty, giá chỉ có một, hai triệu bạc thôi, nhờ ai viết chẳng được. Bạn đưa mình tiêu nhiều tiền thế này thì phải viết cho đáng đồng tiền bát gạo chứ”. Và thế là tôi dụ được bạn ấy, để có điều kiện viết về một tầng lớp rất quan trọng của đất nước, sau này chúng tôi đều rất tự hào vì hai bài hát Đời doanh nhân và bài Phép tính cộng.

- Đánh giá của ông về doanh nhân Việt Nam?

- Họ có những bước đi mạnh mẽ và táo bạo không thua nhiều lắm so với doanh nhân thế giới. Nếu được Nhà nước ủng hộ và tạo điều kiện hơn, chắc chắn họ sẽ “sáng tác” ra... nhiều tiền.

- Nhạc sĩ đã khi nào có ý định “bước chân” sang lĩnh vực kinh doanh như một số nhạc sĩ khác?

- Không bao giờ, tôi chỉ nói được, chứ làm là “đói” ngay...

 - Có mối quan hệ khá gần gũi với giới doanh nhân, nhạc sĩ có biết thực hư  về những lời đồn giữa đại gia với chân dài?

- Tôi không để ý đến chuyện này, nên không biết. Tuy vậy cũng có một vài người nhờ chân dài trong kế hoạch kinh doanh của họ, hai bên cùng có lợi mà. Ai thích thì cứ việc, chẳng có gì xấu trong việc này. Tôi không phải là chân dài mà còn được đại gia mời nữa là..., tất nhiên là mời Trần Tiến uống rượu cùng đối tác cho nó “oai” thôi. Rảnh thì tôi cũng đi cho vui, thêm bạn mà.

Nguồn tin: Đất Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây