Sân khấu khủng hoảng, do đâu?

Thứ hai - 05/07/2010 23:02 2.127 0

Những vở diễn hoành tráng như vở cải lương “Chiếc áo Thiên Nga” đòi hỏi diễn viên phải chuyên nghiệp, tận tâm. Ảnh: AN DUNG

Những vở diễn hoành tráng như vở cải lương “Chiếc áo Thiên Nga” đòi hỏi diễn viên phải chuyên nghiệp, tận tâm. Ảnh: AN DUNG
Lâu nay, ai cũng nhìn nhận rằng, những người làm sân khấu ở TPHCM luôn năng động, tích cực đi tìm khán giả. Tuy nhiên, nếu nhìn lại thực trạng của sân khấu thành phố hiện nay, hầu như không có những tên tuổi mới đáng chú ý, không có những vở diễn làm cho khán giả ùn ùn kéo tới rạp như trước đây, chắc hẳn nhiều người không khỏi giật mình – sân khấu đang khủng hoảng!

1. Điều dễ nhận thấy nhất, thực 

 tế nhiều sân khấu đang khá vất vả với việc huy động lực lượng diễn viên. Hiện nay, hầu hết những diễn viên đã nổi danh và mới có chút tên tuổi trong làng sân khấu đều luôn đắt show… đóng phim! Với một diễn viên, việc đắt show là điều đáng mừng. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì mừng cho họ, nhưng lại lo cho sân khấu sàn diễn. Chính đội ngũ diễn viên sân khấu thường xuyên kẹt lịch quay phim nên thời gian dành cho việc tập vở mới không nhiều. Nếu như trước đây, một vở diễn có khi mất thời gian cả hai tháng để tập thì nay chỉ mất 2 – 3 tuần, như vậy làm sao có thể hy vọng diễn viên “nhuyễn” vai.

Đạo diễn – NSƯT Trần Ngọc Giàu từng tâm sự: “Giờ là thời của phim truyền hình, nhiều diễn viên trẻ cứ mải mê đóng phim nên ít dành thời gian đầu tư cho vai diễn trên sân khấu, do đó nhiều vai diễn cứ nhàn nhạt…”. Có không ít trường hợp, khi ra sàn tập, đạo diễn đã có mặt trong khi diễn viên còn chưa thấy tăm hơi ở đâu. Có lẽ, chính việc chạy show đóng phim quá nhiều của những gương mặt trẻ sân khấu nên lâu lắm rồi sân khấu thành phố hiếm có sự lóe sáng của những gương mặt trẻ.

Theo nhận định của nhiều người, với những người trẻ “bận rộn” ấy, việc họ tham gia vở diễn, thể hiện gần tròn vai là tốt lắm rồi. Cho nên, chả trách tại sao suốt bao năm qua, những cái tên luôn được nhắc tới  của sân khấu thành phố quanh đi quẩn lại vẫn là: Hồng Vân, Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy, Thành Hội…

Chính thực tế của sân khấu sàn diễn hiện nay như thế đã vô hình chung khiến cho những người làm sân khấu…sợ sân khấu. Còn nhớ, khi đạo diễn Minh Nguyệt bắt tay vào thực hiện vở diễn Cánh đồng bất tận, chị đã phải mỏi mắt mới có thể tìm được vài diễn viên mà mình cần tìm. Trong khi đó, ai cũng thấy, diễn viên trẻ sân khấu luôn trong tình trạng thừa, bởi mỗi năm các trường nghệ thuật trên địa bàn TPHCM đều có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường?

2. Tại sao hàng năm luôn có 

 những sinh viên trẻ mới ra trường, được lực lượng tăng cường cho các đơn vị, nhưng sân khấu lại vẫn thiếu những nghệ sĩ trẻ đích thực tài năng và tâm huyết với nghề. Theo NSƯT Thành Hội, người đang tham gia công tác giảng dạy ở Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM, từng chia sẻ trong buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên ngành sân khấu tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ, rằng nhiều gia đình có con em theo học ngành sân khấu nhưng ít khi ủng hộ, tạo điều kiện tốt nhất để các em học tập. Thậm chí, có gia đình còn cấm cản con em của họ đến với nghề diễn viên…

Bên cạnh đó, công tác đào tạo diễn viên hiện nay hoàn toàn chưa có một giáo trình chuẩn để giảng dạy. Điều này đã từng được nhiều nghệ sĩ – những người tham gia giảng dạy, có ý kiến mạnh mẽ cho rằng nhất thiết phải có ê kíp soạn thảo giáo trình sao cho phù hợp với thực tế học và hành hiện nay. Đạo diễn – NSƯT Trần Minh Ngọc đã chia sẻ: “Nếu như tập hợp được nhiều phương thức giảng dạy của nhiều nghệ sĩ lại thành một bộ giáo trình chuẩn, sẽ rất tiện lợi cho thầy cô và cả sinh viên sân khấu. Xác định được cái chuẩn để học, sinh viên sẽ tự tin hơn trong thực hành, sáng tạo…”.

Song song đó, về đội ngũ tham gia giảng dạy, đào tạo diễn viên sân khấu hiện nay cũng cần phải suy ngẫm. Theo đạo diễn – NSƯT Trần Ngọc Giàu: “Một giảng viên, nếu có được những vai diễn, vở diễn hay trên sân khấu, thì mỗi khi tham gia giảng dạy, truyền nghề, lời nói sẽ rất có trọng lượng với sinh viên. Bởi khi cần, họ có thể dẫn chứng cụ thể qua các vai diễn, vở diễn một cách sống động. Còn những giảng viên trẻ, hoàn toàn chưa có những vai diễn ấn tượng, chưa có những vở diễn hay, họ sẽ khó khăn trong việc truyền dạy, nếu chỉ nói lý thuyết suông, sẽ khó thuyết phục sinh viên...”.

Có thể nói, với sự khủng hoảng về chất lượng nguồn nhân lực của sân khấu hiện nay, nếu như những nhà quản lý, những nghệ sĩ trẻ không tĩnh tâm nhìn lại để tìm hướng khắc phục, thực trạng này chắc chắn sẽ còn kéo dài và bước phát triển của sân khấu sẽ khó có thể bền vững.

Tác giả: Vân An

Nguồn tin: SGGP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây