Chuyện của rẫy

Thứ ba - 24/08/2010 00:46 2.445 0
1. Gia cảnh nghèo khó khiến tôi phải sớm trở thành một người lao động chân tay ngay từ những năm vào tiểu học. Mưa dầm, nắng hạn đã dần biến tôi thành một cậu bé đen nhẻm và gầy gò, tóc cháy màu nắng và mặc những cái áo vá từ tình thương yêu của chòm xóm.
Tài sản duy nhất mà tôi có được chỉ là một căn chòi nhỏ xíu xiu và cha tôi. Nắng, gió, mưu sinh, sự phụ bạc của con người đã khiến cha tôi sống trầm lặng từ lúc nào. Tuổi thơ khổ cực của tôi luôn gắn với hình ảnh cha phát rẫy, trồng rừng.

 

Tôi lớn lên với cái tên thằng Rẫy, cái tên thật đúng với hình ảnh của tôi, cái tên không phải của cha tôi đặt, mà là tên gọi quen thuộc từ lũ bạn nhà giàu thời tiểu học.

Lang bạt và sương gió đã lấy đi của tôi giai đoạn hồn nhiên nhất của tuổi thơ. Tôi đã khâm phục tôi như thế nào khi phải hòa nhập với những tuổi thơ đầy màu sắc khác, khi mà tôi, chỉ duy nhất tôi, có màu áo trắng khác nhất với lũ bạn, màu ngà hóa nâu của những buổi người đẫm mồ hôi chạy ra đồng với nắng và gió, rồi dần dần nâu xám lại màu của nghèo khó.

2. Cuộc sống của cha con tôi bớt cô đơn hơn từ khi chú Bảy đờn cò về dựng vách lá, sống gần nhà tôi. Chú có con trai, con gái, cả hai đều đã có vợ có chồng, xa thiệt xa. Chú nói tụi nó như quên chú, quên cái người đã sinh ra chúng, chú trách mình vô duyên vô dụng, cứ ăn dầm nằm dề thì khổ cho con mình.

Vài năm dắt díu phiêu bạt, vài năm lênh đênh, rồi mỏi gối chồn chân ở chốn này. Chiều chiều, cứ nước lên và tiếng tu hú kêu, chú lại ôm đờn mà hát cho con Út của chú nghe. Cái chất giọng trầm buồn của chú, bài hát Dạ cổ hoài lang tôi nghe hoài mà cứ thấy đau đáu mãi trong lòng cái nỗi miên man.

Thằng Út của chú tên là Nhuận, nó trạc tuổi tôi, nhà cũng nghèo như nhau nhưng nó còn thêm cái tật nói ngọng nghịu từ cái môi chẻ đôi tội tội. Những khi ba nó đờn, nó cũng say sưa ríu rít hát. Mỗi lần nó hát, tôi thấy nó thiệt hiền, thiệt khác.

Cha tôi chốc chốc lại tấm tắc vỗ đùi, nhấp một ít rượu rồi nhận xét: "Cha, thằng này mà lành chắc nó cũng ngang ngửa tài tử chứ hổng chơi đâu à nghen!".  Cứ vậy, cứ nghe tiếng đờn của chú Bảy vào những đêm trăng vắt vẻo trên mấy ngọn bạch đàn, cái giọng tếu tếu của thằng Nhuận hát, những ngụm rượu gạo nồng nồng..., mà cuộc sống của cha con tôi bớt cô quạnh đi nhiều.

Rồi ngày qua ngày, tôi với nó lại lóc cóc chiếc xe đạp nhỏ chạy xuống chợ huyện rao bán dưa hành, cải mướp. Nó học cách tôi rao hàng, mặc kệ cái vẻ bề ngoài thô xấu, nó tự tin láu táu giúp đỡ tôi, lúc nào xe của chúng tôi cũng đắt khách. Chắc tại vì rau tôi tươi, hay cũng tại vì cái vẻ đáng mến của nó, tôi nghĩ vậy. Hổng biết sao, tự lúc nào, nó trở nên quen thân với tôi như đôi bạn nối khố.

3. Là dân lao động nên tôi rất bứt rứt khi phải co người trên tấm phản nhỏ để học viết chữ và làm toán. Ngồi năm phút, tôi đã thấy chán và vụt cái đã vắt vẻo trên nhành me nhỏ, chân đung đưa và bắt nhịp hát bài Dạ cổ hoài lang bằng cái giọng ráo hoảnh. Chốc chốc lại thấy cha tôi dáo dác tìm, tôi ngụy trang kỹ như con tắc kè biến hóa.

Thầy giáo đến nhà, khiến cha tôi biết rõ nguyên căn. Hôm trước tôi đã trốn học đi đào khoai với thằng Nhuận. Xì, ông thầy thật rảnh, ai lại chèo chống đến cái nơi khỉ ho cò gáy này vì một chuyện bé teo. Tôi trốn ra sau nhà, chạy về phía rẫy dưa. Sau khi tự xử một trái dưa ngọt lịm, dưới gốc thốt nốt mát mẻ êm êm, tôi đánh một giấc ngon lành. Đến chiều, khi mặt trời sau núi đỏ ửng, cũng là khi cái bụng tôi sôi lên sùng sục, tôi trở về nhà, mặt trời ở thật xa, tiếng chim chiều ủ rũ gọi nhau bay về tổ, trời tim tím sau rặng bạch đàn đen thẫm.

Cửa nhà mở toang và chưa thấy lên đèn, mấy gian lá lụp xụp cũng không thấy  mùi khói bếp. Cha tôi đi đâu mất tiêu, tôi chạy qua nhà chú Bảy, cũng chẳng có ai. Tôi về nhà lên đèn dầu, bắt đầu lo lắng và chốc chốc lại ngóng ra cửa. Tôi làm vậy cả chục lần, lần nào cũng thấy con đường dẫn lên phía rẫy vắng gió, tiếng loài chim gì bay ngang thảng thốt. Chưa lần nào tôi dám ra ngoài rừng vào đêm mà không có cha tôi bên cạnh, và lần này tôi đành phải chịu bó gối, những khoảng tối của rừng là quá lớn đối với một thằng nhóc như tôi. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy lo lắng, khó chịu, trong người cứ nóng ran, bồn chồn và mệt mỏi.

4. Tôi thức dậy trên phản và thấy bàn tay nham nhám của cha tôi đặt trên trán mình. Mồ hôi vã ra như tắm, tôi thật sự khó chịu, gót chân có cái gì đó tê rần, buốt đến tận thái dương. Được một lúc thì tôi lại tiếp tục ngất đi, bên tai cứ cái giọng của thằng Nhuận chen lẫn với giọng cha tôi, tôi thấy bầu trời tối sầm và giọng tôi trở nên lạc lõng, mê man. Tôi chưa biết là tôi đã nằm trong bệnh viện chiều hôm đó, chân tôi bịt băng trắng toát. Sau một mũi thuốc, tôi mát mẻ trở lại. Sau này tôi mới biết là tôi bị gai rừng đâm và nhiễm trùng. Suốt buổi chiều thầy và cha tôi đã đi tìm tôi, cả chú Bảy và thằng Nhuận nữa. Tôi khỏe lại vài ngày sau đó.

Còn thằng Nhuận thì cứ lâu lâu lại trách tôi bất cẩn. Và kể từ đó nó có thêm nhiệm vụ mới là theo dõi mọi "hành tung" của tôi.

Tôi bắt đầu thân thiết với thằng Nhuận. Và tôi cũng biết nó buồn như thế nào khi không được đến trường như tôi. Cái miệng nó cứ xụ xuống mỗi khi thấy tôi nằm trên phản tập đọc. Thấy nó tới gần, tôi càng gắng đọc to hơn, nó khoái chí kéo chân tôi ngồi dậy dạy cho nó đọc theo. Tôi ma mãnh chỉ vào những chữ thật khó. Nghe nó đánh vần mà tấm phản rung lên bần bật vì tôi chẳng thể nhịn được cười, cái miệng của nó cứ líu lên, đọc chữ O tròn méo xẹo, khó khăn phát âm từng chữ cái cỏn con. Phải mất đến gần tuần rưỡi, nó mới nói được gần chính xác tên nó, tên tôi. Thế nên khỏi phải nói cũng biết thằng nhóc vui sướng đến cỡ nào. Nó ham học và nhanh nhạy hơn cả tôi.

5. Hạn hán, đời sống của cha con tôi trên rừng càng khổ cực hơn. Để trữ nước cho nấu ăn, tắm giặt, tôi phải nhịn uống đến kỳ cùng. Chỉ đi bộ đến trường là một điều khó khăn, tôi chẳng còn sức đâu mà chạy ra chợ huyện thêm mấy cây số nữa để mua giấy, tập học. Tôi lấy viết chì ghi lằng nhằng lên sách, lên bìa vở và bàn học, nhủ rằng khỏe khỏe tôi chạy xuống chợ huyện mua liền. Khi nỗi khổ của tôi lên đến đỉnh điểm (tôi chẳng còn chỗ để viết nữa) và lo sợ thầy giáo sẽ phát hiện thì tôi đã nhận được từ tay thằng Nhuận một thứ.

Những miếng giấy nham nhám nhăn được xếp chồng lên nhau một cách chân thành và vụng về, những miếng giấy không còn lề được cắt cẩn thận và đóng lại bằng chỉ thêu. Một mẩu viết chì ngắn cũn chuốt thô hai đầu, là toàn bộ món quà mà thằng Nhuận tặng tôi. Trên đôi tay gầy bé, nó đưa cho tôi bằng hết sức sự thành thật và ngưỡng mộ, "Cho anh đó!". Tôi tròn mắt rất lâu và khẽ cười, tôi cảm động đến quên cả một tiếng cảm ơn.

Có cái gì đó làm sống dậy trong tôi nhiều điều, hai căn chòi nhỏ bốn người chỉ có mình tôi biết chữ, biết đọc sách, biết tính cho cha bao nhiêu cây rừng trên một hecta. Tôi tìm thấy trong đáy mắt thằng Nhuận niềm khát khao được đi học, khi chứng kiến sự vươn lên không mệt mỏi của nó lúc cố gắng học đọc và viết. Tôi thấy chú Bảy vẫn thường nhường phần cơm nạc cho con, vẫn để dành trong túi những đồng tiền cực nhọc. Tôi thấy cha ngày càng vất vả hơn khi tôi lên lớp. Tóc cha ngày càng phai và da ngày càng xấu đi. Tôi nhìn thấy được tôi phải làm gì, cho cha tôi, cho chú Bảy và thằng Nhuận.

Cuối năm lớp 7 tôi được vinh dự nhận học bổng học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Ông thầy trẻ tủm tỉm cười, còn mắt của cha tôi và hai người hàng xóm thân yêu thì ánh lên những tia nắng vui. Cái tên thằng Rẫy của tôi từ đó đã không còn nữa.

6. Cuộc sống những năm ấy vẫn không ngừng sóng gió, năm tôi vừa lên lớp 9, thằng Nhuận bạn tôi đã ra đi mãi mãi. Nắng gió ở rừng không làm nó chùn bước, khó khăn chật vật của cuộc sống không làm mất đi cái vẻ lạc quan hiện sáng trên gương mặt của nó... Nhưng đợt lũ năm ấy đã mãi mãi cướp đi người bạn mà tôi thương yêu nhất. Lấy đi của tôi niềm tin yêu vào cuộc sống. Lấy đi của nó những ước mơ chưa thành sự thật. Giữa những sóng gió khắc khổ, giữa những mất mát của cuộc đời, ba người chúng tôi đã dắt díu nhau đi qua những mùa khắc nghiệt nhất của bão giông.

7. Giờ đây bằng tất cả nghị lực và ước mơ, tôi đã vào được Đại học Nông lâm ở tuổi 21. Cha tôi đã mất sau một trận giông kéo dài trên rừng, trận giông cuốn theo mưa lũ, khi đang cố gắng bảo vệ những mầm cây rừng nhỏ. Vẫn là bài Dạ cổ hoài lang sâu khuất trong ký ức mỗi khi tôi về quê với chú. Vẫn màu trời thăm thẳm tím và tiếng tu hú, vẫn chái nhà ám mùi khói củi, vẫn còn chú. 

Chú đã xin được một chỗ trong ban đờn ca tài tử của địa phương, niềm vui duy nhất của chú là được thấy tôi về và đờn cho tôi nghe, được nghe tôi khoe những thành tích, nghe tôi kể về cuộc sống và ước mơ, được dúi cho tôi vài chục ngàn lẻ chắt chiu qua từng mùa gặt, với đôi mắt ngập tràn tình yêu thương.

Trong suốt cuộc đời, tôi không thể nào quên những thời khắc còn ở bên cha tôi, chú tôi và Nhuận, những con người đã vun vén hết từng sức lực nhỏ bé, cạn kiệt của một đời cho tôi. Sống với nắng hạn và dẫn tôi ra khỏi thế giới xói mòn. Tất cả chỉ để tôi được đến trường...   

Tác giả: Hồng Ngọc Diệu An

Nguồn tin: Áo Trắng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây