Lổ hổng

Chủ nhật - 27/05/2012 03:24 3.808 0
Trời vào hè. Nắng. Cái nắng gay gắt, một màu vàng sộm lá cây, nắng giăng kín khoảng không gian rộng lớn dưới mặt đất. Nắng len lỏi vào cái chuồng gà ẩm thấp, sưởi ấm cả đàn gà con sau một trận mưa rào với sấm chớp nhì nhằng đêm qua. Nắng thêm sắc vàng cho bộ lông óng ánh, mềm mại của lũ gà con vừa xuống ổ.

Con gà bé nhỏ với dáng vẻ gầy còm, yếu ớt vẫn lủi thủi theo sau đàn gà. Chân chạy, nhưng mất vẫn dáo dác nhìn gà mẹ. Bất chợt con gà mái với thân hình hơi ốm do vừa xuống ổ quay phắt lại, đưa ánh mắt hung tợn, vỗ vỗ cánh chực tiến tới làm điều gì đó không rõ, con gà nhỏ vội vàng chạy lui.

Thằng Mèo vẫn mải miết đứng nhìn đàn gà. Nó nhè nhẹ nhón chân theo dõi, nấp kín vào mấy bụi cây rậm rạp trong vườn. Nó không muốn gây tiếng động, cứ để chúng hoạt động một cách tự nhiên.

Mới vài ngày trước mọi việc còn yên bình.

Mụ gà mái. Cái con mụ có thân hình phổng phao. Bình thường, mụ là con gà có thể nói là “uy quyền” nhất trong đàn. Mụ sẵn sàng mổ các con khác chỉ vì vài hạt tấm vương vãi hay vài hạt đậu khô còn sót lại sau mùa gặt. Vậy mà hôm đó mụ nằm yên trong tổ. Mắt lừ đừ. Mụ chẳng thèm nhảy ra khỏi ổ, cũng chẳng “cục tác” như những con mái khác. Thấy lạ, thằng Mèo đến gần lắng tai nghe.

- Chíp. . . chíp. . .

Nó vui lắm, gà nở rồi!

Mấy đứa con của mụ dần cứng cáp sau một hồi ở lâu trong không khí. Một ngày kể từ hôm chú gà con đầu tiên ra đời. Mụ nhảy ra khỏi tổ. Lòng vui sướng pha chút kiêu hãnh dắt theo một bầy gà con lang thang trong vườn nhà. Đôi chân  bị giam trong ổ nhiều ngày nay được tự do mụ tha hồ vẫy vùng bới tung mọi nơi, cát bụi mù mịt.

Thằng Mèo dọn dẹp ổ trứng đầy vỏ. Đưa mắt nhìn đàn gà mỉm cười.

- Ô, cha mẹ ơi!- Bỗng nó kêu lên, ngạc nhiên.

Với ánh mắt ngờ vực, nó nhẹ nhàng cầm cái trứng còn sót lại vào nhà. Mắt nheo lại. Môi mím chặt, có vẻ như đang suy nghĩ một cái gì đó ghê lắm! Nó lục lọi trong góc bếp cầm ra cái đèn dầu bám đầy bụi. Nó bắt chước mẹ, một tay cầm trứng, tay kia che phía trên soi vào ánh đèn dầu ở góc tối trong nhà. Không biết nhìn thấy gì trong đó mà mỉm cười lẩm bẩm:

- Vậy là nở chậm thôi!

Nó lại vội vàng chạy ra chậu nước rửa chén bỏ quả trứng vào rồi đứng nhìn. Cái trứng nổi trên mặt nước lắc lư. Nó lại cười:

- Đúng rồi! Mai nở.

Vừa nói nó vừa cầm vào nhà lấy miếng giẻ thường dùng nhắc nồi lau khô rồi tới hủ gạo bỏ vào đó.

Đêm đến, nó đem quả trứng, lén lút và cẩn thận đặt vào với đám gà con, để mẹ nó ấp vào ban đêm.

Sáng ra. Đàn gà lại lục tục kiếm ăn. Trong cái tổ rơm vàng êm ái quả trứng vẫn im lặng. Cái yên lặng một cách bí ẩn. Thằng Mèo nằm trên cái võng sau vườn, đong đưa nghĩ ngợi. Mắt đượm buồn. Cái nắng le lói xuyên qua tán cây, chiếu thẳng vào mặt nó. Như chợt nghĩ ra điều gì nó vội vàng chạy ngay ra sau hè, cầm cái trứng lẻ loi nâng niu trong lòng bàn tay, nó trèo lên chuồng bò đặt quả vào ổ  nhờ gà đen ấp hộ. Thấy có người chạm vào gà mẹ liền mổ mạnh nhưng nó vừa xuýt xoa vừa cười.

Hồi hộp. Lo lắng. Cuối cùng, hôm sau nữa con gà cũng nở. Thân hình thấp bé, yếu ớt. Gà con cất tiếng kêu như bao chú gà khác. Lông nó phủ sọc đen, chỉ loáng thoáng vài chỗ lấm tấm vàng.  Ánh mắt hấp háy, ngây thơ ngước nhìn gương mặt vui mừng của thằng Mèo.

Đến chiều, khi đàn gà đã đi ngủ, nó trèo lên chuồng bỏ gà con vào ổ với mẹ. Mụ gà mái bực dọc. Mổ cắn tứ phía. Đàn gà con bỏ chạy tán loạn. Tiếng kêu xao xác cả bóng chiều. Cảnh ấy diễn ra trong chốc lát, cuối cùng nó cũng chạy tọt được vào trong và qua được một đêm.

Năm giờ sáng mà mặt trời đã ló dạng. Cái âm thanh hỗn loạn đêm qua lại bắt đầu đánh thức giấc ngủ nướng mùa hè của thằng Mèo. Nghe tiếng gà kêu nó vội choàng dậy chạy ra. Nó chống cằm nhìn con gà bị rượt, bị cắn. Mình mẩy bị xơ xác nhưng nó không khóc. Ừ! Mà nó có biết khóc đâu cơ chứ! Chỉ có tiếng kêu yếu ớt, thổn thức vang lên thay cho sự vỡ oà của những giọt nước mắt. Thì ra gà mẹ vì thương đàn con đã không thừa nhận nó là con. Chắc là nghe tiếng kêu quen thuộc, con mái đen đang ấp lại nhảy xuống xông vào giành con. Nó gọi cục cục rồi dắt con đi. Thằng Mèo mỉm cười. Thế là yên tâm, nó đứng dậy đi vào rửa mặt.

Ngày mùa, mẹ nó đã dậy từ rất sớm để nấu cơm. Nó sà vào khoe thành tích của mình. Nghe đến đây, mẹ  nó hoảng hốt bảo:

- Thế còn ổ trứng của con Đen thì sao?

- Thôi, chết rồi! –Nó chợt thảng thốt.

Hắn thấy lo lắng. Có chút gì đó gọi là ân hận đang tràn ngập tâm trí nó. Tại sao hắn lại làm thế? Tại sao hắn lại cho trứng của mụ gà mái để con Đen ấp hộ? Hắn điên rồi! Đầu óc hắn ngổn ngang những ý nghĩ. Cứ thế! Mỗi lúc một rối ren, chất chồng len lỏi vào khoảng trống của những suy nghĩ. . . Nhưng, chợt hắn sững lại. Hắn không làm thế, con Mười Ba sẽ chẳng thể ra đời, không thể vui đùa, không được nhìn thấy ánh sáng và cái không gian đầy ăm ắp sắc màu của hoa lá, cây cỏ. Và cả sắc lông của chính nó. Và cũng không thể biết cái nghịch lí của cuộc đời.

Nếu lúc trước, giá như cái trứng này mãi mãi đừng nở. Giá như chẳng tồn tại cái trứng thứ 13 này trên đời thì sẽ không xảy ra “bi kịch” thế này. Hắn chợt nhận ra cái ngớ ngẩn đáng yêu. Nó phải làm gì với con gà tội nghiệp, với ổ trứng?

Suy nghĩ một hồi không ra, nó chạy sang gặp thằng Tí. Hai đứa bàn bạc một lúc cũng đã tìm ra một kế. Hắn về với cái lồng chim trên tay. Đến nhà, hắn đã tìm cách bắt được con gà tội nghiệp bỏ vào lồng chim nhanh nhảu giấu vào phòng kín để gà Đen trở lại ấp.

Mất con, gà Đen lại lồng lên. Móng chân cày xuống đất. Vẻ tức giận lộ rõ trong đôi mắt. Trông nó thật đáng thương nhưng còn ổ trứng sắp nở nằm chỏng chơ trên giàn. Còn gà mẹ thì lại lục tục đi tìm “đứa con đầu lòng”. Nó ở đâu? Nó là ai? Mười Ba! Thật oái oăm! Chỉ một con gà con mà với hai mẹ gà thì hoàn toàn trái ngược nhau. Con mình thì lại không nhận trong khi với con Đen thì lại giành cho bằng được.

Đến chiều, thằng Tí sang chơi.

- Sao, ổn không? - Thằng Tí hất hàm hỏi.

- Tốt rồi!

Vừa nói hắn vừa hí hoáy viết viết vẽ vẽ  cái gì đó lên tờ bìa các- tông. Chả biết hắn làm gì nhưng có vẻ hệ trọng lắm. Còn viết bằng bút đỏ nữa cơ. Xong đâu đấy, hắn lấy cơm nguội rồi dán tờ giấy vào lồng chim. Thằng Tí và thằng Nị đi theo.

- Từ nay nó phải ở tạm lồng SOS. Nếu không, lớn lên dễ đi bán vé số như chơi!

Nó vừa dứt lời, hai thằng đã cười toét miệng.

- Anh nói cái gì lạ thế?

Hắn nghiêm mặt:

- Tao không đùa! Mày nhớ nhé. Phải cho nó ăn uống đàng hoàng, phải cho nó vào lồng trước chạng vạng. . .

Con gà nhỏ bắt đầu với một tên mới: Mười Ba. Theo lý luận của nó với thằng Tí nhà bên về chuyện đặt tên đó thì có hai nguyên nhân:

- Thứ nhất là do nó là quả trứng số 13, quả vỏn vẹn còn sót lại trong ổ.

- Thứ hai: do nó có số phận quá “ bi thảm” nên tao đặt cho nó là Mười Ba. Số 13 là số xui mà mày.

Thằng Mèo nói đến đâu, thằng Tí gật đầu lia lịa đến đó. Nó quý con Mười Ba – như nó.

Thằng Nị biết anh nó không đùa nên không dám cãi nhưng nó vẫn gãi đầu, gãi tai ra vẻ khó hiểu. Nó chạy tọt vào bếp đầy khói, thì thầm điều gì với mẹ không rõ. Chỉ biết sau khi nghe xong mẹ hắn mỉm cười thật nhẹ. . . Sau đó, mẹ hắn có vẻ quan tâm đến cái lồng gà mỗi khi hắn đi học hay đi đào dế với mấy đứa trẻ con trên cánh đồng.

Vài ngày sau, khi đang ăn dở bữa cơm thì thằng Tí hối hả chạy sang, mặt đầy vẻ bí mật và lại thì thầm.

Thằng Mèo chạy vào với vẻ mặt sung sướng. Hắn lúi húi đem con gà ra, tay cầm ca nước phun ướt con gà. Thằng Tí bảo mẹ nó bày như vậy để gà mẹ không nhận ra mùi của gà đen ấp hộ. Rồi nó bỏ con Mười Ba vào tổ của mụ gà mái.

Hắn vào ăn cơm nhưng đầu óc cứ để đâu đâu. Ngồi không yên. Hắn lại bỏ dở chén cơm. Lại cắm cúi. Nhưng lần này là ở chuồng gà. Cái yên tĩnh bị phá tan bởi một thứ âm thanh quen thuộc. Lại là tiếng kêu cứu. Lại vang lên một nỗi niềm. Nó lại bị hất hủi. Nó buồn tủi. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Sự sống vẫn phải được duy trì. Mèo nghĩ thế! Hay đúng hơn là  tin như thế. Và Mười Ba đã lớn dần theo cách riêng. Đêm ngủ trong lồng SOS. Ngày lại lủi thủi theo sau mẹ. Dẫu cho mụ gà mái xua đuổi mỗi khi có mồi. Dẫu cho mụ vẫn thường đưa đôi mắt đỏ lừ nhìn nó. Nó vẫn vậy.

Thật khốn nạn thân Mười Ba! Nguy hiểm luôn rình rập, bủa vây.

Một chiều, trời đã tắt nắng từ lâu. Gìơ đó, mọi hôm đàn gà đã vào chuồng. Chả hiểu sao hôm nay mụ gà mái cứ luống cuống, vỗ cánh phành phạch ra vẻ dữ tợn lắm. Lũ gà con hoảng hốt chạy nấp vào bụng mẹ. Thì ra, một con quạ đen dang rộng cánh,  bay sà sà sát mặt đất, đang lăm le đàn gà.

- Mười Ba. Mười Ba đâu? - Nhỏ cầm cây củi khô dài  huơ huơ, xua đuổi quạ.

Cái hỗn độn, ồn ào đi qua. Mọi thứ dần trở về với vẻ vốn có. Chỉ có cái lồng vẫn nằm trống không, nghiêng ngả, chỏng chơ trên mặt đất bụi bặm.

Thằng Mèo tìm quanh nhưng chẳng thấy gì. Nó cũng chẳng thèm nhặt lồng lên. Ừ! Mà thôi. Nhặt làm gì? Mười Ba đi rồi, có ai cần nữa đâu mà nhặt. Đóng cửa chuồng gà, toan bước vào nhà, bỗng:

- Chip. . . chip. . .

Tiếng gọi đàn thổn thức. Là Mười Ba. Đúng rồi! Nhưng nó ở đâu lúc   này? Hắn vội vạch bụi cây. Đây rồi, cái dáng nhỏ thó, cái bộ lông điểm vàng ít ỏi. Thằng Mèo vội vàng nhặt lồng chim. Bây giờ thì nó lại thực sự hữu ích rồi. . .

Nhưng, cuộc sống đâu chỉ một vài lần nguy hiểm. Cái chết luôn rình rập, vồ vập bất cứ lúc nào. Hôm ấy, đội bóng trong xóm phải thi đấu với đội xóm bên. Hắn vui mừng với chiến thắng, với chức “vô địch sân cỏ”. Đến chập choạng tối mới lò mò về. Mệt lả. Hắn dựa lưng trên tấm phản tu liền mấy gáo nước. Mắt hắn liu riu.

- Chít. . chít. . .

Tiếng chuột.

- Chắc lũ chuột đồng lại rình rập mấy nhóc gà  đây mà. Đừng mơ! Tao đã. . .

Bỗng hắn giật phắt dậy, chạy ra sau chuồng. Vô ý quá. Lồng chưa khép. Mười Ba nằm ườn ra. Chân đầy máu.

- Tội nghiệp! Nó què thật hả anh Mèo? - Thằng Tí chắp miệng nhìn con gà bé nhỏ với cái chân bị gãy đang nằm dài ra đất. Thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn quanh sợ hãi trông tội nghiệp.

Thằng Mèo bực tức lắm! Mà không tức sao được, khi nó được bà ngoại mệnh danh là Mèo. Lúc còn nhỏ ở với ngoại nó được giao nhiệm vụ nhốt gà và trừng trị lũ chuột nen gọi là Mèo, chứ tên nó là Chiếu, còn tuổi là trâu. Thế mà giờ đây, chính bọn chuột lại gắn con gà mà nó thương yêu. Thằng Mèo vác cái khuôn mặt ỉu xìu vào nhà, hét toáng lên, ầm ĩ :

- Thằng Nị đâu? Tao bảo mày thế nào hả?

Thằng Nị vừa lon ton chạy về đến đầu ngỏ, thoáng thấy cái bộ mặt dữ giằng của thằng anh, không mất nhiều thời gian suy nghĩ, nhanh như cắt hắn chui tọt vào cây rơm sừng sững còn ngào ngạt cái vị  thơm nồng sau mùa gặt. . .

Im thin thít, mặc anh hắn sục sạo.

Thời gian trôi đi một cách chậm chạp trên cái chân què. Mười Ba lớn lên trở thành con trống choai. Tưởng chừng những kí ức đau thương sẽ dần mất đi. Nhưng không, nó cứ âm ỉ, dai dẳng mãi trong lòng. Mới đây thôi, Thằng Mèo lại ứa  nước mắt khi nhìn con gà què bị giành giật, cấu xé bởi chính mẹ nó và đám gà cùng lứa.

Mèo sững người. Trong phút chốc, hắn thừ ra như chẳng hề nhìn thấy gì. Nhưng! Rõ ràng mắt hắn đang đăm chiêu quan sát cái cảnh hỗn loạn và tiếng mổ oang oác của đàn gà nhà. Mặt hắn buồn rũ rượi. Như một kẻ mộng du giật mình, hắn cầm cây huơ tứ tung, chân giậm thình thịch làm bầy gà chạy tán loạn. Con thì cắm đầu cắm cổ chạy về phía bụi cây, con lại bay đến cạnh ao cá. Mọi thứ cứ hỗn độn cả lên. Cả hắn nữa. Nhưng chỉ có Mười Ba nằm điềm tĩnh. Hay đúng hơn là nằm trên mặt đất đầy rơm rạ. Nó ngóc cổ ra vẻ cầu cứu.

Lần này nó không khóc. Nó nhìn Mười Ba và biết mình phải làm gì lúc này. Nhanh lên! Hoạ may, sau này con Mười Ba mới có thể sống được. Chứ cứ đứng đấy, yếu đuối để nhìn nó dần tím tái đi à? Nó nghĩ thế!

Rồi vài hôm sau, nó lại có thể khập khiễng đi kiếm mồi rồi.

Lạ thật!  Ngày nào, con gà què cũng lê lết theo sau đàn gà của mụ gà mái.

Đàn gà không ưa nó. Thỉnh thoảng chúng hùa nhau, quay lại xua đuổi. Lại chạy. Rồi lại theo sau. Dẫu thế nào đi chăng nữa Mười Ba vẫn không chịu lìa đàn.

***

Trời hạ. Cây lá lại mang nỗi buồn xao xác. Gió tây nam lại ầm ào thổi. Hất tung những chiếc lá khô nằm dài mỏi mệt trên mặt đất, rối tung mớ tóc vàng vọt của bụi tre và xoáy vào cả nỗi xao xác trong lòng người. Có lẽ Mèo thương cho Mười Ba, nhỏ nghĩ Mười Ba như những chú rùa cát. Dẫu cuộc sống có biết bao hiểm nguy rình rập thì chúng vẫn tìm về với mênh mông, với những cơn sóng trào trắng xoá. Những chú rùa con yếu ớt tìm về để được biển cả ôm ấp, vỗ về.

Mười Ba đã giúp nó nhận ra cái giá trị của cuộc sống.

Nằm dài trên tấm phản, nó đưa mắt nhìn quanh quất trên trần nhà, mạng nhện giăng chằng chịt. Lòng cu cậu lại đang rối bời. . . Bất chợt nhìn qua khe cửa: một không gian đầy sắc màu lại hiển hiện. Màu vàng ươm của nắng, cái xanh mơn mởn của cây lá, một vài đám mây trắng xốp bồng bềnh trôi lơ đãng giữa không trung. Một lỗ hổng

kì diệu. . . Đôi khi, nó lại thích cái cảm giác nheo mắt lại chỉ để nhìn vào một cái lỗ hổng be bé rồi chợt nhận ra cái thế giới đầy sức sống đang hiện hữu ngoài kia.

Giật mình bởi những ý nghĩ mông lung, nó lại bị cuốn vào những suy nghĩ lằng nhằng về cuộc sống, về Mười Ba. . . Một nỗi niềm thương cảm. Một nỗi đau đớn, day dứt giăng trong lòng. Vì cái dáng vẻ đáng thương hay vì thân phận? Hắn cũng chẳng biết.

Thằng Mèo đã nghĩ đến cái cảnh ngộ phải sống trong cái lồng của con gà nhỏ. Hắn thấy lòng buồn rười rượi, ngổn ngang những ý nghĩ. Hắn tìm thấy cái nghịch lý ngay trong lòng hắn. Hắn lại thấy lòng mơn man những cảm giác thích thú khi đưa mắt nhìn qua lỗ hổng. Còn con gà? Có lần, hắn cũng đã nhìn thấy Mười Ba lẳng lặng cố nhìn qua lỗ hổng tờ giấy báo mà chính nó đã vây chiếc lồng để chứng kiến cái cảnh cả đàn gà ríu rít, quây quần bên nhau để tranh nhau những hạt tấm vung vãi, vây quanh đe doạ một con giun đất đen sì bất hạnh đang run rẩy tấm thân dài ngoẵng uốn lượn, quằn quại trên mặt đất; cũng có thể là lúc cả đàn hí hửng chạy theo một vài chú châu chấu xanh lẩn mình khiếp sợ trên đám cỏ mơn mởn vừa được dội rửa sau cơn mưa rào.

***

Cuộc sống đôi khi tồn tại những nghịch lí. Đối mặt hay trốn tránh? Trốn tránh thực tế chỉ là cách lựa chọn của những kẻ yếu đuối. Phải đối mặt để tìm kiếm những điều tốt đẹp đang giấu mình và đôi khi còn là những điều kì diệu nữa. . . Mười Ba đã làm thế.

Sáng nay, Mười Ba đã cất tiếng gáy đầu tiên. Tiếng gáy cất lên ngay trong cái lồng chật chội làm thằng Mèo thả nắm lúa trên tay lúc nào không hay. Nó vỗ tay và cười ran. Tiếng cười giòn tan hoà trong tiếng gáy của Mười Ba tạo nên một âm thanh lạ làm xao động cả một góc vườn.

Tác giả: Phạm Nguyễn Ca Dao

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây