Mơ về một khúc sông trôi

Thứ tư - 29/07/2009 10:13 2.909 0

Mơ về một khúc sông trôi

Ngày ấy Điền hơn em một tuổi. Nhưng em chắc chắn Điền không hề biết cái vệt máu ấy là biểu hiện sinh lý đầu tiên của người đàn bà. Cái đầu hay triết lý của Điền cũng chỉ nghĩ, có lẽ em bị một cành cây nào đó cào xước vào chỗ kín và thế là máu chảy ra thôi.

- Kìa, khúc sông trôi!
- Không, khúc sông đứng yên!
- Trôi...
- Đứng yên...

Khi quyết định đổ tiền của xuống để nắn dòng chảy, em đã cùng đoàn cán bộ khảo sát và đối tác trúng thầu đến cái nơi mà hai mươi tám năm trước em nhận ra mình là con gái. Vẫn một bờ sông ngút ngàn gió. Vẫn những vạt cói lăn tăn rì rào trước những cơn sóng nhẹ. Vẫn những vệt phù sa đỏ sậm đổ nghiêng xuống lòng sông. Và vẫn có những đôi trai gái cãi nhau về việc khúc sông trôi hay không trôi?

Em thì bảo rằng khúc sông trôi. Bởi vì nếu khúc sông không trôi thì vệt máu đào trinh nữ của em đã chẳng bị dòng nước cuốn đi xa tít mù khơi như thế kia. Điền lại cứ một mực bảo khúc sông đứng yên. “Chẳng có gì trôi cả, vẫn từng ấy nước và trong lòng khúc sông vẫn từng ấy tôm cá và phù sa”. “Nhưng máu, rõ ràng máu...”. “Nó lặn xuống dòng nước và khúc sông này giữ nó trong lòng, thế thôi, muôn đời khúc sông vẫn đứng yên”.

Ngày ấy Điền hơn em một tuổi. Nhưng em chắc chắn một điều rằng Điền không hề biết cái vệt máu ấy là biểu hiện sinh lý đầu tiên của một người đàn bà. Cái đầu hay triết lý của Điền cũng chỉ nghĩ rằng, có lẽ em bị một cành cây nào đó cào xước vào chỗ kín và thế là máu chảy ra thôi. Còn em, tuy có hơi sợ nhưng trước đó cô Thoa đã nhắc đến cái “sự cố” này rồi nên em có phần yên tâm hơn. Đột nhiên thấy em không tắm nữa mà chạy về phía chân cầu treo thay quần áo, Điền đang ở giữa dòng vội bơi vào bờ. Em chỉ xuống vệt máu nhập nhòa trên mặt bùn non để giải thích việc lên bờ của mình. Điền gật đầu ra vẻ hiểu, rồi lại lao mình xuống sông bơi lội. Mệt nhoài vì sông nước, Điền cứ để nguyên mình trần như thế đến ngồi bên em và tranh luận về việc khúc sông trôi hay không trôi? Hôm ấy lần đầu tiên em không muốn về cùng với Điền. Lần đầu tiên, em có cảm giác ngượng ngùng khi đi cùng với một người con trai. Lần đầu tiên em cảm thấy mình biết nhiều điều bí mật về con người hơn Điền. Và đó là lần cuối cùng em tắm sông cùng với bạn trai, dù đó là Điền.

Điền bây giờ đang ở đâu? Mấy đêm nay, đêm nào em cũng mơ thấy dòng sông, thấy công đường và thấy khuôn mặt Điền lúc nghiêm khắc như ông chánh án ở phiên tòa sơ thẩm, lúc quyết liệt bênh vực em như ông luật sư già có mái tóc bạc như cước. Điền ở độ tuổi 45 vẫn không khác với ngày xưa bao nhiêu. Nhất là ánh mắt của Điền. Ánh mắt vừa nghiêm, vừa hiền, có cả nghị lực và sự mềm yếu, vừa làm em sợ lại vừa làm em có thể trêu đùa, nũng nịu. Ánh mắt ấy lần đầu tiên quắc lên với em khi em tìm đến nhà Điền để trao cho phụ huynh cuốn sổ liên lạc.

Nhà Điền ở đằng sau một cái chợ. Nói như thế vẫn chưa chính xác, vì sau chợ còn là một cánh đồng rộng. Em đi trên những bờ ruộng nối tiếp nhau cắt ngang cánh đồng ấy để bước vào một xóm xa lạ quanh năm che phủ bởi một lớp tre dày. Thỉnh thoảng theo cô Thoa ra chợ, khi đi ra phía sau, em cũng có nhìn thấy cái bụi tre khổng lồ ấy, và không nghĩ rằng bên trong đó là một xóm dân cư, lại có cả căn nhà của cậu bạn học giỏi nhất lớp mà em rất nể phục.

Gọi là xóm dân cư nhưng thực ra chỉ có khoảng dăm nóc nhà thôi. Khi em đi đến giữa cánh đồng thì bất ngờ Điền từ dưới ruộng nhảy phắt ra đứng chắn ngay trước mặt em.

- Đưa sổ liên lạc cho tớ?

- Không, cô giáo bảo tớ giao tận tay phụ huynh, lấy chữ ký xong mang về nộp cho cô.

- Thì cứ đưa đây, rồi ra chợ ngồi chờ tớ, tớ sẽ đưa lại sổ với chữ ký của mẹ tớ.

- Không!, em bày tỏ thái độ cương quyết.

Điền đã giật cặp sách trên tay em. Không hiểu sao lúc ấy em lại khỏe thế. Em không cho Điền giành lấy cuốn sổ liên lạc. Chẳng phải em muốn làm tròn bổn phận của một người lớp trưởng đâu. Cũng chẳng phải em muốn “tâng công” với cô giáo chủ nhiệm. Cái chính là bản thân em đang muốn biết tại sao Điền lại nghỉ học mấy ngày qua? Và ngay lúc ấy em muốn khám phá cái bụi tre khổng lồ kia chứa những gì trong đó, ở đấy cậu bạn học gầy gò, mảnh khảnh của em sống như thế nào? Vì thế Điền quắc mắt lên với em, Điền lao vào em giành giật chiếc cặp sách, Điền khỏe hơn em thật đấy, nhưng Điền không thể đè bẹp được ý chí khám phá của em. Em còn nhận ra rằng Điền không dám chạm mạnh vào người em. Trong khi giằng co em đã xé rách vạt áo trước của Điền. Em nhìn thấy phần bụng lép kẹp cùng chiếc quần Điền mặc không có cúc, cạp được buộc túm lại bằng một sợi dây gai. Điền có vẻ bất lực trước ánh mắt soi mói và khoái trá của em. Em biết điều ấy nên em càng củng cố thêm ý nghĩ không chịu khuất phục trước Điền. Đang mạnh mẽ là thế bỗng ánh mắt của Điền cụp xuống. Điền nói với em bằng một giọng rất mủi: “Quyên đừng vào nhà tớ có được không, mẹ tớ sẽ ký vào sổ liên lạc cho Quyên đem về nộp cô giáo, Quyên đứng ở ngoài này thôi...”

- Phạm nhân Quyên, ra ngoài!

Đấy là thứ ngôn ngữ mà người ta thường dùng để gọi em. Không còn đâu những lời lẽ dễ chịu kiểu như: “Thưa đồng chí chủ tịch”, “Báo cáo chủ tịch”, “Xin hỏi chủ tịch một số vấn đề về huyện nhà”... Âm thanh quanh em bây giờ chói gắt, nặng nề và ngột ngạt lắm. Đi kèm với cái giọng mệnh lệnh đó là tiếng mở khóa, tiếng kéo cánh cửa. Nữ quản giáo đưa em lên phòng hỏi cung. Vẫn ông luật sư già có mái tóc bạc như cước. Vừa nhìn thấy ông, em đã bảo: “Bác đừng thuyết phục cháu nữa. Ở phiên phúc thẩm cháu cũng sẽ không có gì khai thêm đâu. Một mình cháu chịu tội là đủ. Lôi thêm những người khác vào vòng lao lý làm gì?”. Ông luật sư ngày xưa là bạn của bố em. Nhiều lần ông nhìn em mà nước mắt rưng rưng. Ông bảo: “Bác biết những người ấy. Họ không đáng để cháu phải chịu tội thay. Cháu hãy dũng cảm lên. Nói ra sự thật là cách sám hối tốt nhất của người có tội”.

Em có nên nói ra sự thật không hả Điền? Khi cầm cuốn sổ liên lạc từ nhà Điền về nộp cho cô giáo em đã nói dối. Lần đầu tiên em nói dối trên cương vị lớp trưởng. Nhìn ánh mắt Điền như van xin em đừng bước vào nhà, em mềm lòng lắm. Chút kiêu hãnh của con bé lớp trưởng trong em được ve vuốt. Em thỏa mãn. Và em định mở cặp lấy cuốn sổ liên lạc ra đưa cho Điền. Nhưng rồi những bí ẩn sau bụi tre kia lại kích thích em. Em bĩu môi ra và lắc đầu một cách độc ác.

- Tớ phải gặp bố mẹ cậu!  

Điền nhìn em bất lực. Rồi Điền buông xuôi. “Đấy, kệ bạn!”. Điền bỏ chạy xuống ruộng, lát sau em thấy Điền thấp thoáng sau rặng tre. Hình như Điền đang gánh thứ gì đó rất nặng. Hai cái thùng được bọc kín oằn cả hai đầu đòn gánh. Em vênh mặt lên bước những bước dài trên cánh đồng. Nhà Điền ở cuối xóm. Cánh cổng tre dựng hờ hững. Em đưa tay đẩy cánh cổng và nó đổ ập vào người em. Em dựng được cánh cổng dậy thì gai tre cào rách tay em. Em đi theo rặng duối, bước qua khoảnh sân hẹp, đẩy tiếp cánh cửa gỗ màu nâu để vào nhà Điền. Đó là căn nhà một gian chật hẹp và rất tối. Em đưa tay lên mắt để nhìn cho rõ hơn. “Ai đấy?”, một giọng nói hơi ngái ngái, không biết là đàn ông hay đàn bà cất lên từ góc bên phải. “Cháu là Quyên, cháu học cùng lớp với bạn Điền”, em mạnh dạn lên tiếng đáp lại. “Cháu đi thẳng đến chỗ bàn nước, đẩy cái liếp lên cho khỏi tối”. Em đã nhìn thấy cái bàn nước và hai chiếc ghế băng được đẽo từ thân ổi. Em làm theo hướng dẫn. Cánh liếp được đẩy lên. Ở đó đã có sẵn một chiếc gậy nhỏ. Em dùng cây gậy đó để chống tấm liếp. Ánh sáng ùa qua khung cửa sổ. Bên phải em là một chiếc giường đôi cũ kỹ, trên đó có một người đang nằm, đắp tấm chăn mỏng. Bên trái em như một góc nhà kho, có quang gánh, bao thóc, thúng gạo và những củ khoai nằm lăn lóc. Người nằm trên giường là mẹ Điền. Em đã thoáng nhìn thấy Điền đi về qua sân. Nhưng Điền có vẻ không cần biết đến em. Điền ra góc sân rửa chân tay. Rồi Điền chui vào bếp. Lát sau em gửi thấy mùi rơm cháy. Mẹ Điền bị bệnh khớp.

Qua chuyện trò với mẹ Điền, em biết rằng bố Điền là công nhân lái tàu hỏa nhưng đã chết gần chục năm nay rồi. Mẹ Điền làm nông nghiệp, ngoài ra còn làm “công nhân vệ sinh” nữa. Sau này em mới biết rằng công nhân vệ sinh tức là chiều chiều gánh hai cái thùng trĩu nặng mà lúc nãy Điền vừa gánh. Mấy ngày nay bỗng nhiên bệnh khớp đánh quỵ mẹ nên Điền phải làm thay công việc ấy. Nhưng Điền nói dối mẹ là vẫn đi học. Mẹ Điền trót hợp đồng với mấy công sở trên huyện rồi, chỉ một ngày vắng mẹ Điền thôi, hàng loạt khu vệ sinh công cộng sẽ phải có người khác đến dọn. Như thế mẹ Điền sẽ mất việc. Như thế cũng có nghĩa là chút thu nhập thêm ít ỏi sẽ không còn nữa. Mấy thước ruộng vỡ hoang cùng mảnh vườn sau nhà cũng không có cái mà chăm bón. Nhà Điền nghèo nên Điền phải cố giữ lấy cái thừa thãi của thiên hạ để lo cho cuộc sống của gia đình mình.

Em ngồi nói chuyện với mẹ Điền, thấy tự nhiên, gần gũi và thân thiết. Em không có mẹ nên cảm động trước tình mẫu tử trong căn nhà Điền chăng? Bố em là bí thư thị ủy. Bố chỉ có một mình em. Cô Thoa văn thư thường qua nhà nấu cơm cho em ăn nhưng cô ấy không có cách nói chuyện như của mẹ Điền. Trước cô ấy, em không có ý niệm về “Mẹ”. Hôm ấy em đã không dám nói đến chuyện cuốn sổ liên lạc. Trời nhập nhoạng tối thì em xin phép ra về. Mẹ gọi Điền lên bảo luộc khoai cho em ăn. Em chọn hai củ to nhất, cho vào cặp sách rồi mang về. Điền đưa em qua cánh đồng. Em bảo Điền: “Mai đi học nhé?”. Điền gật đầu. Hôm sau em nói dối cô giáo rằng mẹ Điền bị ốm nặng, không thể ký vào sổ liên lạc được. Cô giáo tin em, cô cùng em đến thăm mẹ Điền. Chuyện sổ liên lạc rồi cũng qua đi. Điền lại đi học bình thường. Điền quý em hơn. Có thể sau mẹ, em là nhất trong trái tim Điền. Em cảm nhận được điều đó. Em thường đến nhà Điền chơi. Đi tắm sông cùng Điền. Và em yêu Điền. Chắc chắn là thế. Bây giờ thì em gọi cái trạng thái tình cảm ấy ra một cách rõ ràng như thế. Bởi vì trước đây đã nhiều lần em không muốn thừa nhận điều ấy. Ngay cả khi em và Điền cùng đỗ vào trường cao đẳng sư phạm, em rất đau khổ mỗi khi thấy Điền đi với một cô gái khác, nhưng em vẫn cứ cho rằng Điền yêu em hơn là em yêu Điền.

- Phạm nhân Quyên, ra ngoài!

Lại thứ ngôn ngữ lạnh lùng và đáng ghét ấy. Lại tiếng kẹt cửa và khuôn mặt vô cảm của người nữ quản giáo. Lại khoảng sân dài cùng hành lang hẹp đưa em đến phòng hỏi cung. Lần này không phải ông luật sư già có mái tóc bạc như cước. Lần này là người của “ông ấy”. Ông ấy lại cho người vào lên giây cót tinh thần cho em. Điền đừng quắc mắt lên như thế mỗi khi nghe em nhắc đến “ông ấy”. “Ông ấy” là bố chồng của em kia mà. Ông ấy có quyền yêu thương em chứ? Khi bố em là bí thư thị ủy thì ông ấy là người ở trên huyện. Cái thị trấn bé tí, đáng kể nhất là cái chợ mỗi khi đi học Điền thường phải đi qua, về mặt hành chính nó chỉ tương đương với cấp xã thôi. Bố em cũng chỉ là một bí thư xã chứ có to tát gì đâu. Thế nên ông ấy là cấp trên của bố em. Ông ấy có thể giúp bố em phát lộ quan chức hơn nữa. Bố em không thể không nể vì ông ấy. Và khi ông ấy ngỏ lời muốn em về làm dâu nhà ông ấy, làm sao bố em không mừng vui cho được? Khổ nỗi em lại đang vướng víu với Điền. Đôi ba lần ông ấy nhìn thấy em và Điền đèo nhau trên chiếc xe đạp Liên Xô do chính ông ấy tặng. Rồi ông ấy lại phát hiện ra ông ấy và bố Điền trước đây từng công tác một tổ với nhau khi còn ở ngành đường sắt. Thế là ông ấy tìm đến nhà Điền. Có lẽ vì thế mà Điền mới được kết nạp Đảng ngay khi còn ở trong trường. Rồi lại được điều về dạy ở trường điểm của huyện. Và Điền là một trong những đảng viên trẻ nhất của ngành giáo dục lên đường nhập ngũ khi chiến tranh biên giới xảy ra.

Chỉ có điều, Điền đã bỏ rơi em. Điền ham muốn công danh. Điền say mê quyền chức. Điền phủi em nhanh như phủi một cọng rơm. Cái ngày Điền đi, em đã muốn đến gặp Điền để mắng vào mặt Điền, thậm chí tát vào mặt Điền nữa. Nhưng hôm ấy Điền chỉ ríu rít với cô bạn hàng xóm của Điền thôi. Điền không thèm nhìn em. Điền không muốn dành cho em một nửa ánh mắt. Lòng tự ái của em bị tổn thương ghê gớm. Em đã không thèm gửi quà cho Điền, không thèm hẹn hò thư từ với Điền, không thèm nghĩ rằng đã có một người bạn như Điền nữa. Em bỏ về và sau ngày Điền đi một năm em về làm dâu nhà ông ấy.

- “Ông ấy” nói rằng án hai mươi năm là thắng lợi bước đầu. Cố gắng giữ vững lập trường, xử phúc thẩm chắc chắn sẽ giảm nữa. Hãy vì thằng Bin mà chịu đựng. Quá trình thi hành án sau này sẽ có những tác động hiệu quả hơn.

Thế đấy. Điền có biết bây giờ em sống vì ai không? Vì thằng Bin. Phải, cái thằng có lần cứ đòi nhảy từ tầng bốn xuống đất, sau Điền phải leo tường lên từ phía sau lôi nó xuống đấy. Nó đã 18 tuổi rồi Điền ạ. Nó là đứa cháu duy nhất của ông ấy. Ông ấy đáng thương lắm Điền biết không? Từ chiến trường ra cơ thể ông ấy bị nhiễm chất độc hóa học nên không dám sinh nở nhiều. Ông ấy chỉ có một người con là bố thằng Bin thôi. Trước khi về làm con dâu ông ấy, em không biết gì về người chồng của em cả. Chỉ được nghe nói rằng đó là một chàng trai cao lớn, thông minh, học ở Liên Xô về, đang công tác ở một công trường dưới Quảng Ninh. Mấy lần ông ấy đưa ảnh cho em xem. Quả cũng đẹp đẽ thật. Buổi sáng hôm rước dâu, ông ấy thông báo rằng, công trường xảy ra tai nạn lao động, con trai ông ấy và mấy chuyên gia Liên Xô bị thương nặng, hiện đang điều trị tại nhà điều dưỡng bên vịnh Hạ Long, không thể về được. Thế là em lên xe hoa một mình, không có chú rể.

Đêm tân hôn không có người đàn ông nào nằm bên em cả. Đêm ấy em mơ tới Điền. Tiếng súng đì đùng từ biên giới vọng về xé rách giấc miên viễn buồn nản của em. Một tuần sau một chuyến xe đặc biệt mới chở chồng em từ Quảng Ninh về. Em nhận ngay ra sự dối lừa khủng khiếp của ông ấy. Chồng em chẳng phải kỹ sư hay phiên dịch viên gì hết. Chồng em là một thanh niên đang suy sụp vì bệnh teo cơ. Chất hóa học ông ấy nhiễm phải truyền sang người cậu con trai, và chồng em đã phải bỏ dở chương trình học tập ở Liên Xô, trở về điều trị tại Quảng Ninh vài ba năm nay rồi. Em muốn bỏ về nhà ngay nhưng ông ấy đã khóc. Ông ấy bảo cuộc đời ông ấy chẳng còn gì cả, chỉ còn cậu con trai đáng thương ấy thôi. Lạy trời, bố thằng Bin không đến nỗi nào, ngoại trừ đôi chân giống như hai chiếc cẳng bò vô cảm. Em đau đớn quá. Nhưng em không còn chỗ để tháo lui. Hiện tại em không có tình yêu, quá khứ cũng khước từ em, em còn biết trốn chạy đi đâu, tìm đến miền trú ẩn nào nữa đây? Lần cuối cùng nói chuyện với em, Điền bảo rằng Điền hợp với cô bé hàng xóm hơn vì cùng cảnh ngộ. Em tưởng Điền nói đùa, ai ngờ từ đó không bao giờ em còn có cơ hội để nói chuyện với Điền nữa. Em cho rằng Điền thách thức lòng kiêu hãnh của em. Em cứ nghĩ rằng em đang phủi Điền, em tìm lại cảm giác soi mói và độc ác vào buổi chiều mang cuốn sổ liên lạc đến nhà Điền khi nhìn xuống vạt bụng gầy nhom và hai cạp quần được dây gai buộc túm lại. Em cứ nghĩ rồi Điền sẽ chạy đến với em. Nhưng em càng chờ đợi thì Điền càng rời xa em.

Năm năm sau ngày cưới cả bố em và ông ấy đều vô cùng sung sướng khi biết em có thai. Cuộc sống vợ chồng em cuối cùng thì cũng có kết quả. Em sinh ra thằng Bin. Ba cân rưỡi, chân tay, mặt mũi đều hoàn toàn bình thường. Ông ấy cảm thấy được đền bù. Ông ấy càng yêu quý con dâu hơn. Đường công danh của ông ấy cũng không ngừng thăng tiến. Ông ấy được rút lên tỉnh. Bố em cũng được rút lên huyện. Chồng em sống thêm được vài năm nữa, khi thằng Bin lên ba tuổi thì mất. Em bắt đầu bước vào quỹ đạo chính trị. Từ một cô giáo em được rút về phòng giáo dục, rồi đi học, rồi sang làm công tác phụ nữ, rồi công tác tuyên giáo, rồi trở thành nữ phó chủ tịch huyện. Trước đó vài năm bố em nghỉ công tác vì lý do sức khỏe. Còn bố chồng em, ông ấy vẫn ở trên tỉnh, vẫn hàng ngày chỉ đạo các hoạt động của em. Năm ngoái chủ tịch huyện được điều đi nơi khác, em lên nắm quyền chủ tịch. Em biết Điền đã xuất ngũ, đã đi học thêm ở Hà Nội rồi trở về mái trường chuyên nghiệp năm xưa em và Điền từng học. Thi thoảng em vẫn được nghe những tin tức về Điền. Điền lên trưởng khoa, rồi hiệu phó, và mới đây là hiệu trưởng. Điền còn tham gia cả Hội đồng nhân dân tỉnh nữa. Ai đó đã nói không sai rằng sự nghiệp của người đàn bà là tình yêu còn tình yêu của người đàn ông là sự nghiệp. Trên bước hoan lộ của của mình có bao giờ Điền nghĩ đến em không? Có. Đúng rồi. Chẳng phải đã có lần Điền xộc thẳng vào phòng em với ánh mắt quắc lên như ngày nào muốn giành giật từ em cuốn sổ liên lạc. Và Điền đã nói rằng: Khúc sông trôi...

- Tại sao anh lại nói đến khúc sông trôi? - Em đã hỏi Điền câu đó với tư cách là một nữ chủ tịch huyện.

- Đồng chí không biết quy luật của dòng chảy sao? Sáu tháng đầu năm bờ trái bồi, bờ phải lở, sáu tháng cuối năm thì ngược lại. Bây giờ đang là mùa lũ cuối năm. Làm đường bên bờ trái lúc này là đổ tiền của xuống sông xuống biển...

- Cám ơn đồng chí, chúng tôi đã có những chuyên gia giỏi về vấn đề này. Mà anh Điền này, anh vẫn nói với tôi là khúc sông đứng yên kia mà, có cái gì trôi được đâu?  

Điền ngỡ ngàng nhìn em. Rồi Điền hạ giọng: “Chiều nay tôi muốn gặp Quyên ở quán cà phê dưới chân cầu treo có được không? Lâu lắm rồi chúng ta không có dịp nói chuyện với nhau”.

Buổi chiều hôm đó thật khủng khiếp đối với em. Vì em chợt nhận ra rằng em vẫn yêu Điền. Trong em không có hình ảnh nào có thể thay thế được Điền. Em đã phủi Điền bằng thời gian và sự căm ghét, đôi khi là cả sự thù hận nữa, nhưng Điền vẫn không ra khỏi em. Điền hỏi em rất nhiều điều. Về sức khỏe, về gia đình, về con cái... Giữa lúc ấy cậu lái xe hớt hải chạy vào báo với em rằng thằng Bin đang đòi nhảy từ tầng bốn nhà em xuống đất. Điền và em lao ra xe. Trong khi em van vỉ cậu con trai mù lòa đừng chán đời mà lao xuống đất thì Điền chui qua cửa sổ tầng ba, leo lên sân thượng tầng bốn túm lấy thằng Bin đưa xuống. Thằng Bin đẹp như bố nó nhưng lên 5 tuổi thì hai mắt bỗng dưng mù. Mấy năm gần đây, khi bước sang tuổi thiếu niên tự nhiên nó trở tính, hay hờn hay dỗi, thường cáu bẳn và đòi tự sát. Hôm ấy em hoãn cuộc họp thường vụ để ở nhà nấu cơm mời Điền. Em cảm thấy rất vui khi được làm một người nội trợ. Trong bữa cơm Điền liên tục kể những câu chuyện vui thời Điền đóng quân trên biên giới. Khiếu hài hước của Điền làm thằng Bin ngoác miệng ra cười thích thú. Nó thán phục Điền khi Điền kể về những chuyện chiến đấu, chuyện đói khát, chuyện lạc trong rừng sâu...

Tối đến, khi thằng Bin đi ngủ, Điền nhìn em bằng ánh mắt rất lạ. Trong một lần đèo em về trên chiếc xe đạp Liên Xô, Điền cũng đã từng nhìn em bằng ánh mắt như thế. Điền chở em ra bờ sông. Dưới chân cầu treo, gió rào rạt thổi, Điền đặt em lên yên xe, xoay mặt lại. Điền ngồi trên gác ba ga, xoạc chân ra hai bên làm trụ chống. Điền nhìn như thôi miên em. Ánh mắt của Điền lần đầu tiên có những tia sắc dục tươi trẻ và đắm say. Em đã nín thở khi đôi môi Điền chạm vào người em. Hai tay Điền bóp chặt lấy hông em. Trời ơi, cái cảm giác diệu kỳ ấy sau này thỉnh thoảng lại thức dậy trong em, và nó làm em thù Điền. Hôm ấy Điền lại nhìn em như thế. Nhưng em chưa thể tha thứ cho Điền. Điền đã từng phủi em một cách tệ hại. Điền không thể hối lỗi chỉ bằng một ánh mắt như thế kia. Giữa lúc Điền đang nhìn em thì em buông ra câu hỏi: “Vợ con Điền thế nào?”. Lập tức ánh mắt Điền cụp xuống. Thực ra em thừa biết hoàn cảnh của Điền. Điền lấy một cô vợ học khoa Tiếng Nga, từng là học trò của Điền và đã có một đứa con. Cô ấy được cử đi thực tập tiếng ở nước ngoài rồi ở lại luôn bên đó không về nữa. Điền bất hạnh lắm chứ chẳng sung sướng gì đâu. Ai bảo Điền bạc với em? Điền mải mê quyền lực nhưng chắc gì quyền lực Điền đã hơn em? Điền rủ lòng thương xót cho bi kịch gia đình của em nhưng bi kịch của Điền chả phải cũng rất đáng thương xót đó sao?

“Cô ấy gửi đơn về nước xin ly hôn, tôi đã quyết định giải phóng cho cô ấy rồi. Bây giờ tôi là người tự do. “Tự do để làm gì nữa hả Điền?”. “Để làm cái mà mình muốn”. “Trước đây Điền không có tự do sao?”. “Có. Nhưng tôi đã không làm được cái mà tôi muốn”. “Điền muốn gì?” “Muốn tìm lại khúc sông trôi”. “Trước đây Điền bảo nó không trôi kia mà?”. “Tôi đã nghĩ thế, nhưng mà nó đã trôi, tôi muốn tìm lại nó”. Em đã chủ động chấm dứt câu chuyện tại đây. Điền phải ra về trong nỗi vương vấn và ức chế. Em biết Điền còn có điều gì đó muốn nói mà chưa nói được. Em nông nổi, cứ nghĩ rằng em đã làm được một việc, đó là cào vào lòng kiêu hãnh của Điền và hả hê cho rằng Điền đau đớn. Ngay ngày hôm sau những tấn đất đá đầu tiên được đổ xuống lòng sông. Phố huyện nghèo nàn tưởng ngủ quên bỗng thức dậy với tiềm năng du lịch lớn nhất miền duyên hải. Hai bên bờ sông sẽ là hai con đường nhỏ rải át phan với vỉa hè rộng và những hàng dương liễu buông rủ. Chiếc cầu treo sẽ được xây lại với công nghệ dây văng hiện đại. Những quả đồi lô nhô kéo dài ra đến tận bờ biển kia sẽ là quần thể du lịch sinh thái tuyệt vời. Nhưng nhất định phải xây dựng bên bờ trái trước.

Nhất định thế dù sáu tháng cuối năm đó là bờ lở của dòng sông.

- Phạm nhân Quyên, ra ngoài!

Lần này không phải là phòng hỏi cung với những bức tường màu vàng nhợt nhạt, u ám. Không phải hành lang dài và hẹp. Cũng không phải ông luật sư già với mái tóc bạc như cước. Không phải người của “ông ấy”. Không phải người của các cơ quan tố tụng đến tống đạt những văn bản lạnh lùng, khô xác. Không phải bố em và thằng Bin. Đơn giản hơn, lần này em được ra ngoài sân đi dạo.

Góc sân có một cây cơm nguội rất to. Phạm nhân ngồi quanh gốc cây ấy mơ về chân trời tự do đang ở rất xa họ. Chân cầu treo cũng có một gốc cây cơm nguội rất to phải không Điền? Dưới gốc cây ấy là quán cà phê “Bờ sông”. Những người công nhân chưa kịp cưa gốc cây ấy đi để làm cầu treo mới thì em bị bắt. Hôm em bị bắt chính là hôm em hẹn Điền đến quán “Bờ sông” để nói tiếp câu chuyện dang dở. Sau bữa cơm tối ở nhà em Điền gọi điện đến cho em nhiều lần. Điền bảo muốn gặp em. Em hỏi có chuyện gì, Điền chỉ nói rằng chuyện khúc sông trôi. Em lại cứ cho đó là câu chuyện lãng mạn của đời em và Điền nên cứ đủng đỉnh vì còn muốn gặm nhấm nỗi hả hê dày vò Điền. Cuối cùng sốt ruột quá, Điền phải nói thẳng với em rằng: “Hãy dừng ngay việc làm đường bên bờ trái của dòng sông”

- Chứ không phải chuyện khúc sông trôi hay đứng yên à?

- Quyên nghe tôi đi. Tôi là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Tôi đang cầm trong tay rất nhiều đơn “kêu cứu” hành động đổ tiền của xuống sông xuống biển này. Đây là chuyện rất hệ trọng và nghiêm túc...

- Một mình Quyên làm sao thay đổi được. Đây là công trình do tỉnh đầu tư. Quyên chỉ là cấp thi hành thôi.

- Quyên đừng làm theo lệnh của “ông ấy”. Chắc chắn ông ấy sẽ có một tương lai không tốt. Quyên hãy...

Điền còn muốn nói nữa nhưng em đặt máy xuống. Vậy là Điền đã nhắc đến “ông ấy”. Em biết việc mình làm chứ. Nhưng em và bố chồng em đã ngồi cùng thuyền, nếu có đắm thì cả hai đều chìm, làm sao tránh được? Em còn mong lũ về sớm hơn nữa cơ. Ông ấy không thể giải trình được những sai phạm tài chính bao nhiêu năm qua nếu không có lũ về. Chỉ cần lũ về, vài trăm triệu sẽ mất nhưng hàng tỉ đồng sẽ được “rửa” để bù đắp vào những khoản tiền mà ông ấy trót hà lạm công quỹ. Em và ông ấy đang cần một khoản tiền lớn. Phải lợi dụng quy luật xói mòn của dòng chảy để đổ cho thiên tai đã cướp đi hàng tỉ đồng nhưng thực ra số tiền ấy đã chảy về những nơi mà ông ấy muốn. “Vì thằng Bin. Tất cả vì thằng Bin con ạ. Thôi thì vì con vì cháu mà bố con ta phải làm việc này. Hết khóa này bố sẽ nghỉ. Bố không thể để tay mình nhúng chàm hơn nữa”. Ông ấy đã nói với em như thế. Đêm cuối cùng trước ngày bị bắt Điền lại gọi điện đến cho em. Điền bảo: “Báo đài đưa tin ầm ĩ rồi. Lửa sắp cháy đến em đấy”.

- Chỉ là vấn đề trình độ hạn chế thôi. Nếu cần cả lãnh đạo tỉnh và huyện sẽ kiểm điểm trước dân.

- Và thế là sẽ được bỏ qua số tiền hàng tỉ trôi ra biển ư? Không đơn giản thế đâu. Quyên sắp phải trả giá cho những việc làm của mình đấy.

Tự nhiên em thấy lạnh người. Giọng nói của Điền có âm sắc không bình thường. Em vội xuống giọng: “Vì thằng Bin. Điền hiểu không? Em làm mọi điều chỉ vì con em thôi”. “Không đúng. Thằng Bin không cần nhiều tiền đến thế ở ngân hàng nước ngoài. Nó cũng không thể ở hết từng ấy căn hộ. Một thiếu niên mù lòa như nó chỉ cần đến trường trẻ em khuyết tật học chữ nổi Brai và học một loại nhạc cụ nào đấy để biểu lộ tâm hồn của nó ra với đồng loại là đủ. Ngoài ra nó còn cần một người mẹ và một người đàn ông coi nó như con. Quyên có đủ những thứ mà nó cần rồi, sao Quyên lại tự đánh mất đi?” “Không, em chỉ muốn nó đầy đủ hơn nữa thôi” “Sẽ không đầy đủ hơn nữa đâu mà mất tất đấy. Nếu Quyên vào tù thì nó ở với ai? Quyên đừng ngu ngốc như thế. Hãy tỉnh táo lại đi!”

- Anh có thể giúp được gì cho mẹ con em lúc này không? - Bỗng nhiên em thấy run rẩy khi hỏi lại Điền câu ấy.

- Anh sẽ làm bố thằng Bin. Anh muốn cưới em!

Sao Điền lại nói với em điều ấy muộn màng thế? Em hẹn Điền hôm sau sẽ ra quán cà phê “Bờ sông” để nói chuyện cụ thể hơn. Nhưng rồi câu chuyện dang dở giữa em và Điền không được tiếp tục. Em bị bắt. Xe hòm của công an tỉnh chạy qua chân cầu. Em nhìn thấy Điền đứng dưới gốc cơm nguội đợi em. Em nhìn rõ cả khuôn mặt hốc hác và hàng ria mép chưa kịp cạo của Điền. Điền nhìn theo chiếc xe hòm với một linh cảm đặc biệt. Em thấy Điền hốt hoảng đuổi theo. Nhưng bụi đã cuộn lên sau xe và khuôn mặt Điền nhòa đi. Ngày xưa Điền từng trèo lên cây cơm nguội hái quả cho em ăn. Bây giờ tự nhiên em thèm vị chát của quả cơm nguội quá. Cái cảm giác này rất giống ngày em nghén thằng Bin. Hồi đó em đã nhớ Điền quay quắt. Em đã mò ra gốc cây cơm nguội nhặt những quả rụng để ăn. Điền ơi, sao Điền lại nói với em cái điều ấy muộn thế? Tại sao Điền lại không muốn cưới em khi em chưa thuộc về “ông ấy”?

- Phạm nhân Quyên, ra ngoài!

Ôi, cái điệp khúc buồn nản này sao cứ vang lên mãi thế? Không phải là ra sân đi dạo nữa mà lặp lại cái hành trình muôn thủa: Khoảng sân - Hành lang - Phòng hỏi cung. Em sẽ lại gặp ai nữa đây? Còn ai muốn vào đây gặp em lúc này hả Điền?

- Anh đây, anh vào đây để trả lời em câu hỏi vì sao anh lại nói điều ấy với em muộn màng thế. Anh chưa kịp nói với em điều đó kia mà.

- Điền, có cần thiết nữa không?

- Em cần hiểu rõ “ông ấy”. Điều ấy có cần thiết với em hay không, tự em biết. Ông ấy là bạn cùng một tổ công nhân với bố anh ở ngành đường sắt. Ông ấy tìm đến nhà anh và nói rằng phải thực lòng xin lỗi anh. Rằng con trai ông ấy ở Liên Xô về có tổ chức một đêm sinh nhật rất đặc biệt. Rằng thằng trời đánh ấy có mời em đến, thấy em đẹp quá, không làm chủ được, đã chuốc rượu cho em say rồi ngủ với em. Rằng ông cũng biết anh là bạn của em. Rằng ông rất hối hận và muốn làm bất cứ điều gì có thể làm được với anh để chuộc lỗi cho cậu con trai. Anh khờ khạo quá. Những thằng con trai khi yêu thường khờ khạo lắm. Chỉ cần bị kích vào lòng kiêu hãnh là ôi thôi, coi như mất hết trí khôn. Anh đến nhà ông ấy đôi ba lần. Ông ấy tỏ ra cực kỳ tử tế. Ông ấy đưa rất nhiều ảnh của con trai ông ấy cho anh xem. Đúng là con ông ấy đẹp, tấm ảnh nào cũng thấy toát lên sự ga lăng, khoáng đạt và đậm chất tây học. “Cậu ấy đang làm việc với những chuyên gia nước ngoài ở dưới Quảng Ninh”. Ông ấy thường nói thế và anh tin thế. Ra trường ông ấy xin cho anh về dạy ở trường điểm. Rồi ông ấy động viên anh nhập ngũ. Anh tiếp tục tin ông ấy, có lúc coi ông ấy như một người thầy, một người cha, một bậc đi trước, hiểu biết, lịch lãm, rất đáng để học tập. Trong những câu chuyện mà ông ấy nói, em hiện lên như một thứ con gái hám của, sùng ngoại, thích được rơi vào những gia đình quyền thế. Chính những điều ông ấy nói đã khiến anh tự rời xa em mặc dù anh biết rằng...

“Thôi, em hiểu rồi, anh còn gì muốn nói nữa không?”, bỗng dưng em không muốn nghe nữa. Hỏi xong anh câu ấy, em đứng lên xin trở về phòng giam. Anh nói với theo: “Em không đáng chết chìm cùng thuyền với ông ấy. Anh và Bin chờ em. Khúc sông vẫn đứng yên. Cuộc đời cứ chảy nhưng tình yêu không trôi”.

Tình yêu không trôi. Nhưng tình yêu của em đã bị “ông ấy” đánh cắp mất rồi còn đâu. Thằng Bin cùng huyết thống với ông ấy nhưng ông ấy không thể tiếp tục dùng thằng Bin để lợi dụng em. Và cuộc đời thằng Bin cũng không thể để ông ấy đánh cắp nốt. Đêm đó em đã xin gặp luật sư, quyết định khai ra tất cả. Ông luật sư có mái tóc bạc như cước rất vui mừng. Ông bảo với em rằng những gì mà em đã khai rất có ý nghĩa, có thể làm thay đổi nội dung vụ án...

Nhưng bây giờ thì em không thiết tha gì với việc nội dung vụ án có thay đổi hay không nữa. Sáng mai tòa sẽ xử phúc thẩm. Sáng mai, một lần nữa em sẽ đứng trước vành móng ngựa. Em vừa nhận được tin ông ấy đã chết vì một cơn đau tim đột ngột. Bây giờ có lẽ thằng Bin đang khóc ông nội bằng đôi mắt mù lòa của nó. Bây giờ có lẽ Điền cũng không ngủ được vì lo cho em trước phiên tòa ngày mai. Em bỗng thấy lòng mình thanh thản. Em không còn hận thù ai nữa. Không còn căm ghét ai nữa. Cũng chẳng dằn vặt mình. Cuộc đời em hóa ra chỉ bị người khác đánh cắp thôi. Cho đến lúc em phải ra tòa em mới biết rằng mình đang bị xét xử về những tháng ngày bị đánh cắp.

Anh là một nhân chứng lương tâm. Bây giờ thì em tin, rằng dòng đời cứ chảy nhưng tình yêu không trôi. Khúc sông trôi hay không trôi chẳng qua cũng chỉ là thứ hiện thực huyền ảo như tình yêu của chúng ta mà thôi.

Phải không Điền?

Nhà số 4, tháng 4.

Tác giả: NGUYỄN ĐÌNH TÚ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây