Xi cứ mãi là trẻ thơ

Thứ tư - 27/06/2012 03:12 3.761 0
Trời gần trưa. Nắng gay gắt hắt xuống mặt đường nhựa sần sùi khiến người ta có cảm giác mặt đường sắp nhầy nhậy, dẻo quánh tan chảy. Quán cà phê đã hết khách tự lúc nào nhưng nhạc vẫn mở xình xịch. Phát Banh vẫn ngồi đó, gật gật theo điệu nhạc có vẻ thích thú lắm. Thường mọi hôm thì vào nửa buổi là hắn đã về rồi nhưng hôm nay mặc cho bà chủ có nài nỉ, dỗ ngọt thế nào hắn vẫn không chịu về, lại còn nói trống không:

- Chưa trả tiền mà!

Nói thì thế, nhưng hắn làm gì có xu nào trong túi mà chưa với trả.

Sáng sáng, người ta lại thấy một con người với bộ dạng thất thểu, vô hồn của một kẻ điên dại lê những bước chân xềnh xệch của mình trên con đường nhựa mấp mem những ổ gà. Hắn cứ đi, chẳng thèm tránh người, mặc kệ xe cộ. Người ta phải tự tránh chứ hắn cần quái gì phải tránh thằng nào. Hắn đi theo quán tính và tấp vào một quán cà phê giữa phố mới. Hắn nhâm nhi từng ngụm nhỏ cà phê trông có vẻ bài bản lắm nhưng lại chẳng bao giờ trả tiền. Ai trả cho chủ quán mà hắn không thấy là không chịu. Cứ đòi nằng nặc phải đưa tiền cho chính tay hắn trả mới thôi. Có lẽ vì thế mà có người cho rằng hắn “giả điên khiêng đồ”. Nói thì vậy chứ hắn được nhiều người thương vì ngày trước khi còn là một kẻ bình thường hắn cũng đã giúp khối người. Nhà ai có việc gì cần cấp hắn sẵn sàng cho mượn tiền, thấy mấy đứa nhỏ bán vé số hắn hay hỏi thăm rồi cho vài ngàn…

Sau khi nhà nước qui hoạch hơn ngàn mét vuông hắn nhận tiền đền bù rồi làm căn nhà hai tầng khang trang. Không làm ruộng nữa hắn chuyển qua mở quán buôn bán tạp hoá, cà phê, ghi số đề, cá độ đá banh…rồi đi tù! Cái tên Phát Banh của hắn cũng bắt đầu từ đó.

Vào trại được vài tháng là hắn bị bệnh. Ban đầu, người ta nghi ngờ chơi “khổ nhục kế” nên cũng khổ lắm nhưng qua một thời gian họ xác định đúng là bị bệnh thật nên đã dễ dãi hơn nhiều. Sau đó trại có cử cán bộ túc trực ở bệnh viện tâm thần để chữa trị nhưng vẫn không được và với chỉ định của bác sĩ hắn đã được tha sớm trước thời hạn để về nhà mới mong khôi phục được trí nhớ. Thế là người ta gọi người nhà hắn lên để nhận về.

Những ngày ấy trong xóm lại rộn lên biết bao nhiêu là chuyện. Đi đâu cũng nghe người ta xầm xì bàn tán về chuyện Phát Banh ở nhiều góc cạnh cuộc đời hắn: kẻ thương hại, người lo sợ, oán trách đã làm hạ con cháu mình. Giấy báo của trại đã gởi về địa phương nhưng chẳng biết giao cho ai. Cô em gái thì muốn đón anh về nhưng anh chồng thì lại không đồng ý:

- Bây giờ anh Phát thần kinh không ổn định, vợ chồng đều lo đi làm đi ăn, rồi lại còn nhà cửa nữa. Hay là mình cứ nhờ họ chuyển qua bệnh viện tâm thần rồi hằng tuần vợ chồng mình lên thăm cũng được. Khi nào ảnh tỉnh hãy đưa về!

Ý kiến của chồng nghe cũng đúng nhưng cô vợ vẫn biết ẩn ý đằng sau lời nói ấy, anh ta cũng biết thừa là anh Phát cần tịnh dưỡng mới mong khôi phục trí nhớ. Họ đã bảo nếu ở bệnh viện khi phải chứng kiến người điên anh ta sẽ nặng hơn và có thể điên thật. Bạn bè thì đông nhưng ai lại nhận cái của ấy về làm gì. Ai cũng bảo tội nghiệp nhưng chẳng ai dám liều lĩnh. Cuối cùng thì địa phương cũng liên hệ được với cha hắn ở quê. Ông nghe thế thì mừng lắm đã vội vã cùng địa phương lên đón hắn về.

Quê nghèo. Chỉ có không gian bao la rợp mình trong màu xanh dịu mát của cây lá. Nhà cửa không san sát như ở phố thị mà chỉ lác đác, thưa thớt mấy ngôi nhà phênh cũ nát. Cảnh vật có vẻ yên tĩnh, trầm lắng nhưng đôi khi lại tịch mịch quá khiến con người có cảm giác rợn ngợp, sợ sệt nhất là vào buổi đêm. Cái khoảnh khắc tăm tối với những ngọn đèn le lói, lu lấp mờ ảo bên trong những căn nhà. Người ta sống vậy cũng quen rồi. Nhưng còn hắn? Hắn có cái gì đó như sợ sệt, như lo âu, phấp phỏm. Hắn chỉ thu lu trong góc giường, mặt lộ rõ vẻ đau khổ. Lâu lâu lại ú ớ, ngọng nghịu chẳng nên lời:

- Thằng…? Thằng…?

Hình như hắn muốn gọi tên ai đó nhưng lại chẳng nhớ ra. Cha hắn ngồi bên:

- Thằng Tài hả? Con của con hả?

Hắn lại lắc đầu ngoầy ngoậy, rồi phụng phịu như một đứa trẻ:

- Không.

Hắn cứ vậy. Cứ rảnh ra là hắn hỏi bâng quơ, lung tung đủ điều, đủ sự nhưng câu hỏi “con” hỏi “thằng”gì đó là lặp đi lặp lại nhiều nhất. “Thằng Tài” hắn chẳng chịu rồi cha hắn gọi tên đủ người nhưng vẫn chỉ có những cái lắc đầu tưởng như quán tính.

Những đêm dài liên tiếp hắn chẳng ngủ nghê gì. Không chợp mắt nhưng hắn lại mơ. Hắn cứ lớ ngớ. Chắc nhiều chuyện cũ cứ dồn nén, chất chồng khiến hắn cảm thấy đầu óc quay cuồng. Cơn điên loạn cứ thế nổi lên, kéo dài dai dẳng cho đến tờ mờ sáng. Rồi hắn lại thiếp đi mà chẳng hay biết gì. Nhìn cái thân xác ngây dại và cái đầu tóc rối bời, cha hắn không khỏi chạnh lòng.

Hai vợ chồng đứa em về thăm thấy mọi sinh hoạt cá nhân anh đều tự làm được như một người bình thường, khoảng thời gian đau khổ, đầy tiếc nuối của quá khứ đã khiến hắn không nhớ gì. Bác sĩ khuyên nên cho hắn sống ở những nơi hắn từng gắn bó để khơi gợi miền kí ức ngủ quên trong hắn. Và lần này thằng em rể đã đưa ra đề nghị cha hắn đã phải thu xếp công việc nhà để đưa hắn trở về khu phố cũ gần nhà mình.

Và thế là hắn đã có mặt ở đây, tại quán cà phê này.

Những dấu chân lê thê của hắn cứ chồng chéo lên nhau trên con đường ngắn ngủn của khu tái định cư. Hắn đi, đưa ánh mắt vô hồn nhìn quanh quất những ngôi nhà cao rộng hai bên đường. Có lần hắn như chôn chặt chân trước ngôi nhà mái ngói nâu thẫm, hàng rào ánh vàng hoa huỳnh anh. Khung cảnh yên tĩnh hiếm thấy đang chìm sâu trong lòng thành phố đột ngột bị nứt gãy vì những tiếng đập thùm thụp vào cổng sắt với tiếng gào “Mở cửa!” tha thiết của hắn. Chủ nhà bước ra nhưng vừa nhìn thấy hắn đã vội vàng quay vào, khép cả cửa trong. Cha hắn thấy thế, tối đến lại qua nhà đó và thành thật kể về bệnh tình và mong cho hắn được vào nhà một lần nhưng chủ nhà nhất quyết không chịu. Rồi họ lẩn đi đâu hơn cả tuần liền để mặc ngôi nhà nằm im lìm và những tiếng thét gào điên dại phía bên ngoài. Ở lại nhà cô em được hơn nửa tháng thì người cha lại đưa về nhưng hắn dứt khoát không chịu. Hắn nói như một người tỉnh hoàn toàn:

- Cha để con ở đây với em. Con ở giữ nhà cho em.

Nghe con nói, nước mắt ông chảy dài, cô em cũng khóc theo. Hắn lại cười:

- Ở giữ nhà chứ có phải đi tù đâu mà khóc!

Tiếng nức nở lại vang lên lớn hơn. Cậu con rể thấy thế liền bảo:

- Thôi cha cứ về đi, để ảnh ở đây với tụi con, nhà cũng rộng chỗ mà lo gì?

Thế là hắn lại có mặt ở đây: nhà cô em và gần ngôi nhà cũ của hắn. Sáng sớm dậy đi uống cà phê, chiều tưới cây, quét dọn nhà cửa. Tối ngủ. Vòng tuần hoàn đơn điệu nhưng không hề nhàm chán với hắn. Có lẽ thế!

Lâu lâu, người ta lại thấy cha hắn ở quê lên mang theo bao gạo, con gà mái tơ, con vịt và vài quả dưa mọng nước, nặng trĩu… Thấy con không quậy phá gì là ông mừng lắm rồi nên càng về sau lên chơi ông hay cười, nhất là khi nghe mọi người kể chuyện “làm giàu” của hắn:

- Ai cho tiền: nhận.

- Em hắn cho tiền trả cà phê: không trả.

- Ai trả tiền cà phê thì được và mới chịu rời quán.

Có lần chị Ngân phải nhờ một người khác giả vờ vào uống rồi đưa tiền trả, hắn mới chịu về. Thế là mất đến hai lần tiền.

Tối đến, hắn ăn cơm xong là đi ngủ. Nhưng cũng có hôm lại thấy ra sân ngồi hút thuốc, nhả khói phì phèo rồi trầm ngâm nhìn trời, hắn có nghĩ ngợi điều gì không ai rõ. Có hôm, trời nóng vào xem thì lại thấy mồ hôi ướt đẫm mà hắn vẫn ngáy khò khò. Ngủ chẳng biết sao nhưng hắn thức dậy thì rất chính xác bằng chiếc đồng hồ báo thức với tiếng nhạc vọng đến từ quán cà phê.

Cuối đông năm ngoái trời lạnh sớm. Cái nắng vàng vọt ngắt lịm từ bốn, năm giờ chiều khiến cảnh vật như chậm chạp, uể oải. Chẳng biết vì ngủ sớm hay sao mà chưa tờ mờ sáng quán đã nghe văng vẳng tiếng nhạc- khúc nhạc buồn cứ dội liên hồi vào không gian tịnh vắng, tràn vào lòng người những thanh âm não nề.

Nghe tiếng chân sột soạt, biết là hắn đã dậy nên cô em gái vội vùng ra khỏi chăn để khoá cửa nếu không trộm lẻn vào thì khổ.

Mưa rơi, thấm ướt con đường mòn lẵng dấu chân hắn. Không áo mưa, cũng chẳng mũ nón gì, cứ đầu trần thế băng xăm xăm ra ngoài trời. Hắn bước điềm nhiên chẳng sá gì mưa gió. Cửa quán vẫn đóng im ỉm. Chỉ có nhạc dập dìu cùng  ánh sáng đèn từ trong hắt ra. Hắn chẳng gọi. Lặng yên nép mình vào bức tường nhão nhoẹt nước mưa từ đêm qua. Chị Ngân lục đục mở cửa, trông thấy hắn đứng tần ngần đó tự bao giờ, bất giác lùi lại hoảng hốt. Hắn chẳng nói gì, chỉ cười hì hì. Quán mở… Nhưng cũng phải rất lâu sau đó khách mới bắt đầu lui tới. Nhiều người nhìn thấy hắn ngồi ở một góc quán liền ghẹo:

- Thằng này ám miết làm ăn chi ra?

Nghe thế chị Ngân liền cười phân bua:

- Đừng nói rứa tội cái miệng, nhờ vía nhẹ mở hàng mà tôi buôn bán được đó!

- Sao chị không đem ổng về làm giàu, ở luôn trong nhà cho vui?

Chị Ngân lại cười :

- Nằn nì hoài mà có chịu đâu?

Rồi chị lại thực thà kể:

- Từ ngày về, vài hôm đầu trời chưa sáng đã mò ra rồi ì. Tôi thấy cũng chán nhưng sau đó thấy tôi lúi húi nấu nước thì lại dọn bàn ghế dùm. Tất cả đâu vào đó rồi mới chịu ngồi yên nghe nhạc, uống cà phê. Chỉ tội ai hỏi gì cũng chỉ cười cười chứ ít trả lời. Mà có cũng là bâng quơ cho qua chuyện, chẳng ăn nhập gì cả.

Việc đi uống cà phê của Phát thì cô em gái rất thích vì ít ra anh ấy cũng còn có thú vui, hơn nữa biết đâu trong trò chuyện với mọi người anh ta lại tỉnh ra. Nhưng thời gian gần đây cô ta cũng thấy hơi mệt vì cứ lâu lâu chị Ngân lại mở nhạc quá sớm khiến cô phải dậy để mở và đóng lại cửa. Vào nằm một lúc, âm thanh dìu dặt  bỗng dưng ngưng bặt, không gian lại đi vào cái tĩnh mịch vốn có cô lại dậy ra ngõ nhìn sang quán cà phê nhưng quán vẫn tối om. Chẳng biết đi đâu, cô đợi một hồi không được lại vào ngủ. May mà cô chưa đưa ra lời than phiền nếu không lại bị người ta đổ tội rồi, khi cuộc sống của Phát lại bị xáo trộn.

Vài lần cô chú ý thấy cứ đến chương trình bóng đá là anh ta vội bỏ vào phòng ngủ. Tệ hại hơn, một buổi chiều hắn chạy như ma đuổi về nhà, vừa chạy vừa bịt kín mít hai lỗ tai. Tiếng rú man rợ lên thất thanh, dội vào con hẻm nhỏ bé. Đến nhà, hắn dùng khăn dày quấn quanh đầu, lều thều như cái xác ướp. Thu gọn người trong chăn, hắn rên hừ hừ, thỉnh thoảng lại cất những tiếng kêu khủng khiếp. Mấy đứa nhỏ trong xóm chạy theo hắn lấp ló sau cánh cửa sổ nhìn bộ dạng của hắn. Thằng em rể ngồi nhậu nhà hàng xóm vội chạy về, khi hỏi thì mấy đứa nhỏ nói:  

- Chú đang coi đá banh thì tự nhiên lắc lắc đầu, hét lên rồi bỏ chạy như vậy đó chứ không ai làm chi chú ấy cả. À! Chú bị rớt chiếc dép lào trên đường tụi cháu lượm dùm đây nữa nè!

Hắn cứ quằn quại trên giường, mặc cho những lời dỗ ngon ngọt của em hắn. Hắn vồ lấy bất gì ai, cấu xé như để thoả cơn đau. Đôi mắt hắn thoáng kinh hãi, rồi lại đăm đăm dữ tợn. Trông hắn bây giờ như một con chó ăn phải bã- vừa nhăn nhúm vì đau khổ, vừa lộ vẻ phẫn uất khôn nguôi. Chẳng biết cái gì hành hạ thân xác của hắn, cô em chỉ biết khóc lóc rồi chắp tay khấn lạy trời đất…

Những ngày tiếp đó, hắn chỉ dám lẩn quẩn trong nhà. Tuyệt nhiên không thấy hắn bén mảng ra đường và dĩ nhiên không hề lui tới quán cà phê ồn ào phía con hẻm. Hắn cứ luôn mồm bảo rằng có người muốn giết hắn. Có người đánh đuổi. Có người chửi bới hắn.

- Đuổi đi hết đi. Đuổi đi. Nhanh lên! Tau chém bây giờ.

Hắn cứ nói không không, chẳng thấy ai đáp trả, hắn lại quỳ sập xuống van nài. Rồi hắn khóc… Nức nở trong cơn điên loạn của một kẻ mất trí…

- Đừng mà! Đừng mà. . .

Hắn chỉ kịp thốt lên một vài tiếng trước khi lịm đi. Cơn mê man ập đến…

Bây giờ thì ông cha và mọi người đều hiểu chuyện gì đã xảy ra. Hắn đã bắt đầu nhớ lại tại sao hắn phải đi tù: bán hết nhà cửa cho những trận banh thế giới, người ta đến đòi nợ rồi ẩu đả nhau, cùng đường hắn đã chém một tên đòi nợ thuê.

Thế là ông cha lại phải lên đón hắn về quê.

Hắn đi được một thời gian ngắn thì chị Ngân cũng nghỉ bán cà phê và dọn đi nơi khác. Không biết chị nói có đúng không: vía hắn nhẹ, từ ngày hắn đến uống mở hàng chị bán đắt. Và bây giờ hắn đi chị cũng tìm nơi khác hay đi đâu cũng chẳng ai quan tâm làm gì! Chỉ tội, năm sau có lần lên đám giỗ ở nhà cô em hắn có qua quán nhưng chẳng thấy. Hắn lại lủi thủi ra về.   

***

Trở về với làng quê được hơn một năm. Mắt hắn lại tươi theo cái màu vàng của đồng lúa chín, lại xanh thẳm cái bầu trời ở phía đường chân trời xa tít tắp… Cha hắn nhìn thấu tận trong đôi mắt tưởng như vô thần ấy cả một sự thanh thản rộng lớn. Có lẽ nơi này đã thực sự bình yên…Chiếc võng đầu ngõ đong đưa theo nhịp, hắn nằm nhìn nắng qua vòm cây loang lỗ rồi cất tiếng hát cái giai điệu nhẹ nhàng của khúc dân ca mà hắn thường nghe lỏm được của bà Tư hàng xóm. Hắn hát chẳng đâu vào đâu khi thì đoạn này, khi thì đoạn kia, chắp vá và vô trật tự nhưng lại rất có hồn. Có lẽ vì hắn hát bằng tất cả niềm say mê, sự vượt thoát thanh thản của một tâm hồn vô tư của kẻ tâm thần…

Hắn tỏ ra rất rành trong việc chăm sóc vườn, tỉ mỉ vót từng mắt tre, chẻ từng sợi lạt lại cho thật đàng hoàng, cẩn thận. Hắn dùng lạt buộc tất cả lại với nhau, cây lớn, cây nhỏ nằm gọn ghẽ bên trên bộ khung vững chắc của giàn cà chua vừa ra hoa. Sau cơn mưa, nắng mới đổ xoà trên giàn, làm loang lổ mấy chiếc lá xanh mơn mởn đang chực vươn lên. Trời lên dịu nhẹ, mấy chùm hoa vàng rực lại toả vào không gian thứ ánh sáng ấm nóng. Hắn nhìn cha rồi cười. Cha hắn gật gật đầu rồi cười to hơn.

Lâu lâu hắn lại theo cha ra đồng, ông vác cày đi trước, hắn lẽo đẽo dắt trâu theo sau giống như ngày xưa hắn đã từng làm. Dần dà, hắn ra đồng nhiều hơn nhưng thích gì làm nấy.

Ở quê trời mùa hè hắn cứ nằng nặc treo võng gần cổng để… giữ nhà, nhưng thực chất là để ngắm nhìn bọn trẻ con bày đủ trò chơi. Kí ức về thuở ấu thơ lại chọc thủng không gian, xuyên suốt thời gian hiện về. Hắn mơ màng, chập chờn giữa hồi ức và hiện tại… Rồi chẳng biết cái gì thúc giục hắn. Vì quá khứ quá đẹp đẽ? Hay vì cái bản chất trẻ con đang hiện hữu trong sâu kín tâm khảm của hắn? Hắn chẳng biết và cũng chẳng ai biết điều đó. Chỉ biết rằng, hắn nhập cuộc với bọn trẻ con nhếch nhác ấy một cách hào hứng nhất. Có lẽ hắn đã quên cái thân phận người lớn tủi nhục của hắn, quên bẵng cái quá khứ cay đắng với những trận cá độ bóng đá, với những con số đề vô tâm, tàn ác. . . Hắn giành xách những xô nước to giúp lũ trẻ đào dế trên cánh đồng nồng sặc mùi rạ khô, hắn đứng đầu “làm mẹ” dắt bọn nhỏ lòng vòng trên những con đường gập ghềnh bụi đất khi “Rồng rắn lên mây” đơn giản vì hắn là đứa lớn nhất, khỏe nhất. Trò kéo co thì phe nào cũng giành hắn. Cha hắn lại đứng xem rồi vỗ tay. Có lần hắn bắt ông phải đứng ở nhóm bên kia để kéo với hắn.  Lũ trẻ có vẻ quý hắn lắm! Không biết tự lúc nào chúng đã chôn vùi, gạt bỏ tất cả mọi sự trêu chọc khi hắn vừa tập tễnh về làng.

Một buổi trưa, khi đang nhìn đám trẻ con ngoài ngõ xóm, hắn ngồi nghĩ ngợi rồi như nhớ ra điều gì: “Thôi không chơi nữa! Về đã…” Hắn chạy khắp nơi tìm cha rồi hỏi:

- Thằng Tài đâu rồi? Thằng Tài đâu rồi? Đi chơi rồi hả? Chơi ở đâu mà ngoài xóm không thấy?

Cha hắn sững sờ. Hắn đã tỉnh? Hay vẫn còn trong cơn mê với sự chờn vờn mơ hồ bất chợt của hồi ức. Hình ảnh đứa con trai bụ bẩm đã hiện về trong trí hắn? Người cha già nhìn con bằng ánh mắt thương cảm, bằng nỗi xót xa, day dứt và cả sự bế tắc trong việc giải đáp. Ông nhớ đứa trẻ ngày nào nắm chặt tay mẹ dắt díu về làng từ ngày bố nó đi tù. Mẹ nó về đòi chia phần đất cho thằng nhỏ. Đất chưa chia đã gọi người đến trả giá. Rồi chửi rủa ông già tội nghiệp. Nào là ông bà đã đẻ ra một thằng con trời đánh làm hại cuộc đời mẹ con cô. Nào là sao không chết đi cho rãnh. Chị ta còn doạ sẽ đốt nhà, phá vườn nếu không được chia tài sản…Chẳng làm được gì chị rình và lấy được số tiền ông già dành dụm rồi bỏ đi. Biết giải thích sao đây? Cảm giác tội lỗi cứ dâng lên cuồn cuộn, dậy sóng mãnh liệt trong lòng ông.

- Không biết. Con hỏi ai?

Câu trả lời lớ ngớ trong sự đau đớn tột cùng của một người cha.

- Thằng Hiếu, thằng Nam nữa kìa? Đâu hết rồi? - Hắn cứ hỏi dồn.

Ông già lại quặn lên niềm đau. Đó là tên những thằng bạn đã cùng xóm ngày xưa khi còn bé. Sao hắn nhớ? Lẽ nào? . . .

- Con nhầm rồi! Làm chi có ai tên đó!

Không gian lại rơi bặt vào im lặng, khoảng im lặng rùng mình. May mà hắn bỏ đi vào giường, không hỏi gì nữa nếu không chưa biết chuyện gì sẽ đến.

Cuộc sống quá trớ trêu. Ông Hương và nhiều người nữa từng mong hắn tỉnh. Mấy năm trước, hắn tỉnh trong kinh hoàng, còn bây giờ hắn tỉnh làm ông sợ hãi. Thương hắn, ông đi quanh xóm dặn dò: “Thằng Phát nói bất cứ về chuyện gì của ngày xưa thì tìm cách nói tránh sang chuyện khác dùm, hắn mà nhớ lại thì khổ lắm! Cứ giúp để nó mãi là đứa trẻ thơ ngây. ” Mọi người thương ông đã làm theo nhưng thật cực vì khi nói chuyện với thằng Phát họ cũng phải biến mình thành kẻ tâm thần, một người lãng trí để hoà nhập.

Đã gần bốn năm kể từ ngày hắn trở về với tuổi thơ, với những trò chơi trong tiềm thức. Quá khứ tươi đẹp đã đánh thức hắn nhưng mọi người lại phải một lần nữa đẩy hắn vào sự lãng quên tồi tệ để cứu hắn khỏi bị điên.

Tôi, người kể lại chuyện này, và bạn đọc chắc hẳn phải thở ra, ngậm ngùi trước những oái oăm của cuộc sống. Cuộc sống là một chuỗi những mảnh ghép đầy sắc màu, muôn hình vạn trạng. Và hắn- Phát Banh- đã đến, xuất hiện trong cuộc đời tưởng như một mảnh ghép lệch. Mảnh ghép đó không khớp với bất kì khoảng trống nào. Có thể nó chìm nghỉm trong những sắc màu rực rỡ hơn hay nổi trội vì kì dị so với mọi mảnh ghép khác. Nhưng nó đã đến và con người chấp nhận nó như một mảnh ghép hoàn hảo tô vẽ bức tranh và ta gọi đó là cuộc đời. Ở đây được cai quản bởi một vị thần trên đỉnh Ô- lim- pơ, tôi lỡ quên tên, có thể ưu ái một người nào đó nhưng chẳng ghét ai bao giờ. Vì thế, Ngài đã trở lại để dựng nốt đoạn cuối cuộc đời của Phát Banh- Phát Điên - thằng khờ - đứa trẻ tuổi ba mươi.

Xuân đến với mai, với cúc vàng rực vàng đầy sân và cả cái nắng dịu nhẹ nhuộm vàng cây cối nhưng nó lại nhuốm nỗi buồn trong lòng ông Hương. Người đàn ông còm cõi ấy lại dằn lòng dồn nén đau thương vào trong. Ông chỉ biết vui cùng niềm vui con trẻ, khờ khờ của thằng Phát. Dắt nhau đi lên đồi thắp hương mộ người thân vừa về đến sân thấy đứa trẻ đang lom khom bên bờ giậu bắt chuồn chuồn bỗng hai cha con đứng sững lại. Nhưng mỗi người đã theo đuổi một ý nghĩ riêng tư. Ông Hương lên tiếng gọi trước:

- Tài! – Nghe có người thằng bé quay lại nhưng không trả lời.

Ông Hương thầm nhủ: làm sao có thể như vậy được. Hơn nữa, nếu còn sống bây giờ nó đã mười tuổi rồi mà! Ngày mẹ nó bỏ lại thằng nhỏ đã lên năm. Ngôi nhà lúc ấy chỉ còn thằng nhỏ ngây thơ với con trâu béo mũm mỉm và người ông còm cõi. Ngày ấy, không một ai thấy nó lúc ra đi, không một ai… Chỉ có con trâu ngơ ngác bên sông, chỉ còn cái quần đùi vắt vẻo bên khóm tre cạnh bờ. Nó xuôi theo dòng nước và về ngủ yên trên ngọn đồi để dễ lên đến thiên đàng trên cao kia và thỉnh thoảng ông đã nhìn thấy nụ cười hiền hậu của nó lấp ló trong những đám mây bồng bềnh…

Nghe cha gọi cái tên mà nó mang trong tiềm thức, Phát như nhận ra điều gì đã vội chạy vụt đến ôm lấy thằng bé. Quá bất ngờ, thằng bé không kịp chạy và đã khóc thét lên nhưng hắn ôm ghì lấy thằng bé chạy nhanh như một người thân sau bao ngày xa cách. Vào đến nhà, hắn lại đứng sững lại khi nhìn thấy người đàn bà quen quen, chị ta vội đứng lên đón thằng bé.

Hắn ấm ứ: Chị …Ng…Ngân.

- Ngân đây!- Rồi cúi mặt xuống khi nhìn thấy ông Hương bước vào.

- Con chào bác! – Quay sang thằng bé chị giục.

- Tài, chào ông đi con!

Thằng bé lớ ngớ khi nghe gọi tên đứng xuống đất vòng tay:

- Cháu chào ông năm mới, chúc ông mạnh khoẻ.

Nó lại đưa mắt nhìn mẹ, mẹ nó gật đầu và nhắp miệng bày:

- Con chào ba, chúc ba vui vẻ!

Xong nó vội bước lại đứng nép bên cạnh mẹ.

Từ nhà dưới vợ chồng cô em gái vội bước lên đưa mắt như làm hiệu với ông Hương rồi nhìn Phát nói:

- Đã lâu lắm rồi em mới nhờ chị Ngân tìm được thằng Tài về cho anh đây! Vui không?

Như một cái máy biết nói Phát gật đầu cười: “Vui” rồi vội vàng chạy đến ôm thằng bé hôn rối rít.

Ông Hương dường như vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra. Ông nhìn thằng nhỏ. Đứa nhỏ giống thằng Tài cháu ông quá, như từ một khuôn đúc ra, giống thằng  đến lạ kì, ngay cả cái tên cũng là một sự trùng lặp vô tình hay hữu ý? Ông cũng không biết nữa! Đang nghĩ ngợi thì thằng con rể đi tới cầm tay ông:

- Cha ra xem con mới mua chiếc xe có đẹp không này?

Hai cha con ra sân chẳng biết nói chuyện gì mà lâu lắm mới vào. Ông bước đến vừa móc túi lấy tiền:

- Ông lì xì cho cháu, khi nãy ông quên.

Đã lâu lắm rồi các nhà hàng xóm lại nghe thấy tiếng cười nói giòn giã trong nhà ông Hương.

Những ngày tết còn lại người ta thấy Phát Điên, người ở đây gọi thế, dắt con và một người đàn bà lạ đi chơi. Ở đâu hắn cũng đòi mọi người lì xì cho con hắn.

Có người hỏi thằng bé tên gì nó lại nhìn mẹ và bảo:

- Dạ, cháu tên là Tài ạ!

Thì ra trong sâu thẳm của tâm hồn Phát chỉ tồn tại duy nhất một tình yêu cho đứa con nhỏ, tình yêu ấy nồng cháy đến thiêng liêng. Hắn gần gũi đứa nhỏ, bày vẽ cho nó những trò chơi của bọn trẻ nhà quê. Và hắn lại lớn lên cùng con hắn- như hai đứa trẻ.

Ông Hương không còn những đêm thao thức; nỗi bất hạnh, sự cắn rứt lương tâm cũng đã vơi dần nhưng trong đêm tối vẫn vọng lên tiếng nguyện cầu:

- Ước gì nó cứ mãi là trẻ thơ!

Tác giả: Phạm Nguyễn Ca Dao

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây