Ám ảnh của nạn nhân sau một năm tai nạn xe khách Sêrêpok

Thứ năm - 16/05/2013 22:47 710 0
12 tháng sau tai nạn xe khách rơi xuống cầu Sêrêpok, chị Thủy vẫn liệt hai chân, bị sưng thận cùng nhiều di chứng khác. Còn với những đứa trẻ đã mất cả cha lẫn mẹ, ngày ngày chúng vẫn ra cổng ngóng chờ họ mau chóng trở về.

Trong căn nhà còn chưa trát tường ở sát quốc lộ 26 (thị trấn M’Đrắk, Đăk Lăk), chị Đinh Thị Ánh Thủy (22 tuổi) xanh xao, gầy gò nằm liệt trên giường. Cạnh chị lúc nào cũng có cô con gái bé nhỏ hồn nhiên nói cười, nhảy nhót. Chị là một trong hơn 20 nạn nhân may mắn sống sót sau chuyến xe định mệnh cướp đi mạng sống của 34 người tại cầu Sêrêpok đêm 17/5/2012. Nhưng tai nạn ấy khiến chị liệt hai chân, sưng thận cùng nhiều nhiều di chứng khác.

Chị Thủy và con gái đã có thể cười sau một năm xảy ra tai nạn nhưng suốt đời chị sẽ không thôi bị ám ảnh về chuyến xe kinh hoàng đêm 17/5. Ảnh: An Nhơn

Mím chặt môi để lấy sức gượng dậy, chị Thủy nhờ người bế vào chiếc xe lăn bên góc nhà. "Tôi còn sống tới ngày hôm nay, đó là sự kỳ diệu", chị bắt đầu bằng giọng vẻ lạc quan nhưng ánh mắt chất chứa buồn.

Chị bảo, một năm qua chưa khi nào quên được chuyến xe kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của 34 người. Trong đó, gia đình chị phải gánh chịu nỗi đau quá lớn: chồng chết, vợ liệt, con gái gẫy chân.

Hôm đó, sau khi ăn cưới cô em ở Đăk Lăk, vợ chồng chị cùng con gái lên xe ngồi hàng ghế 32-33 để trở lại Bình Phước. Do bị say xe nên chị cố dỗ giấc ngủ và không biết ôtô khách đã húc vào cầu Sêrêpok thế nào. "Lúc xe rơi xuống, tôi nghe tiếng kêu cứu của con gái nhưng toàn thân tê cứng, không thể cử động được. Tôi cố gọi chồng cứu con mà không thấy trả lời. Tất cả tối đen, tôi không biết gì nữa. Sáng hôm sau thấy mình trong bệnh viện, người nhà cho biết chồng tôi không còn nữa", chị Thủy bật khóc.

Chồng mất, con gái bị gãy chân, bản thân chị cũng rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh vì tràn máu màng phổi, gãy cột sống cổ và ngực làm liệt nửa người dưới. Những ngày tháng đó chị như sống trong địa ngục. Chị bảo, trong cơn chập chờn nửa tỉnh nửa mê, chị lại thấy hình ảnh chiếc xe lao xuống sông cùng với những tiếng kêu la đau đớn.

Sau ca phẫu thuật đầu tiên, vết thương bị nhiễm trùng, bác sĩ Bệnh viên Chợ Rẫy báo gia đình chuẩn bị tinh thần ở lần mổ thứ hai. "Lúc đó tôi chỉ muốn chết sớm vì không muốn người thân phải khổ. Nhưng nghĩ con gái còn nhỏ quá, hy vọng sống trong tôi lại trỗi dậy", chị Thủy đưa mắt nhìn con âu yếm.

Vượt qua lần đó, hai tay của chị có thể cầm nắm được, song vì tổn thương cột sống cổ nên việc tiểu tiện không tự chủ, phải đặt ống thông. Nằm lâu quá hai bên hông bị loét và không có dấu hiệu lành. Sau 2 tháng ở Sài Gòn, chị được cho về bệnh viện tỉnh, rồi huyện, trước khi về nhà chờ chết. "Chỗ loét ngày càng lan rộng, lòi cả xương cụt, ai thấy cũng sợ. Nghĩ chỉ còn sống vài tháng nữa, tôi xác định tâm lý nên nhờ cậy ông bà nội chăm sóc giúp con gái", chị ứa lệ.

Anh Mùi bảo cha con anh vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người trong chuyến xe định mệnh. Ảnh: An Nhơn

Không đành nhìn cháu nội chết, ông Đinh Văn Dũng (70 tuổi) chạy khắp nơi hỏi han, tìm phương thuốc dân gian chữa trị. Khi dùng dầu mè, nghệ tươi và lá trầu vò nát đắp vào một thời gian thì chỗ loét khô và đầy đặn trở lại. Như trở về từ cõi chết, chị tiếp tục hy vọng về việc phục hồi đôi chân.

"Biết là không thể thay đổi được số phận, nhưng có lẽ suốt đời tôi không thể quên được tai nạn khủng khiếp đó. Trong giấc ngủ tôi vẫn thường thấy mình rơi xuống. Thậm chí, cứ nghe ở đâu có tai nạn, tôi lại sống lại cảm giác kinh hoàng khi gọi chồng cứu con", giọng chị Thủy buồn rượi.

* Ảnh cầu Sêrêpok sau một năm xảy ra tai nạn

Cách nhà chị Thủy hơn 20 km, ở xã Cư Prao, không khí vui tươi đã về với đôi vợ chồng trẻ Trịnh Văn Mùi (34 tuổi). Sau nhiều tháng chống chọi với tử thần, cô con gái duy nhất của họ là Trịnh Khánh Huyền (4 tuổi) đã chạy nhảy, nghịch ngợm trở lại. "Lúc xuất viện về nhà, cháu nằm một chỗ không đi được, kêu la đau đớn. Nhìn cảnh đó vợ chồng tôi ước mình có thể gánh chịu thay con", anh Mùi nghẹn giọng.

Tai nạn xảy ra khi anh Mùi cùng con đón xe về chơi nhà nội ở Bình Phước. Anh bế con trong lòng, ngồi ở băng ghế áp chót cùng với một nữ sinh. Xe gần tới TP Buôn Mê Thuột, hai bố con ngủ thiếp đi. "Tôi giật mình dậy khi chiếc xe chao đảo, còn tài xế hét lên 'mất lái rồi', sau đó là cảm giác có một người bay vọt qua đầu mình. Từ đó tôi không biết gì cho đến khi thấy mình nằm trong bệnh viện", anh nhớ lại.

Anh Mùi bị thương phần ngoài, gãy 4 cái răng nên hai tháng đầu chỉ ăn được cháo. Nướu răng bị viêm mủ, anh phải xuống Sài Gòn cấy răng mất 51 triệu đồng. Tuy nhiên anh bảo cha con anh vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người. "Mỗi lần đi ngang cầu Sêrêpok, về nhà tôi lại không ngủ được", anh Mùi nói.

Không may mắn như bố con anh Mùi, hai em cậu bé Ven Gia Chung lại mất cả bố lẫn mẹ.

"Đáng lẽ tụi nó không chết. Cả hai đã đặt vé đi xuống Sài Gòn khám bệnh trước đó một ngày nhưng do bận việc nên hồi vé", bà ngoại bé Chung sụt sùi. Nghe bà kể, phía trong góc phòng, cậu bé 13 tuổi cũng òa khóc. "Con nhớ có lần mẹ sai đi mua thuốc và làm mất 2.000 đồng. Mẹ đi lên đi xuống con đường ấy mấy lần để tìm nhưng không thấy", Chung mếu máo rồi quay vội ra cửa. Sau lưng cậu là bàn thờ nghi ngút khói hương. Gia đình vừa làm xong lễ giỗ đầu tiên cho cha mẹ cậu bé.

Mất cả cha lẫn mẹ, không còn nơi nương tựa nhưng 3 anh em Chung không về ở nhà ông bà nội ngoại. Hai đứa trẻ quyết ở lại để hàng ngày lo khói hương cho cha mẹ. Thương cháu, bà ngoại phải chuyển về đây ở hẳn để chăm nuôi các cháu cho đến khi trưởng thành. "Sau tai nạn, phía nhà xe bồi thường cho gia đình 100 triệu đồng. Nhiều nhà hảo tâm cũng đến cho vài chục triệu. Toàn bộ số tiền đó, chúng tôi đã gửi tiết kiệm cho các cháu", bà của Chung cho biết.

Cũng chịu cảnh mồ côi cha mẹ trong vụ tai nạn còn có anh em Lê Công Trình và Lê Thị Bích Trâm ở huyện Krông Pắk. Trâm cũng có mặt trên chuyến xe hôm ấy nhưng may mắn sống sót. Trong ký ức non dại của một đứa trẻ 6 tuổi như Trâm, trong năm qua, cha mẹ em chỉ như đang đi làm xa. "Cứ chiều đến nó lại ra cổng ngóng. Đợi mãi không được nó lại bắt ông bà ngồi vào bàn thờ tụng kinh, cầu cho ba mẹ chóng trở về", bà ngoại của Trâm cho hay.

Tác giả: An Nhơn

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây