'Nắng nóng sẽ không còn gay gắt như tuần qua'

Thứ ba - 21/05/2013 07:24 781 0
"Nền nhiệt mùa hè năm nay thuộc diện cực kỳ nóng. Tuy nhiên, các tháng tới ít khả năng nắng nóng gay gắt và kéo dài hơn đợt vừa qua", chuyên gia dự báo khí tượng Nguyễn Hữu Hải nhìn nhận.

Sáng 21/5, Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức hội thảo các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Giải thích về hiện tượng nắng nóng kỷ lục ngày 16/5, nhiều chuyên gia cho rằng đó là hiện tượng bất thường về thời tiết chứ không bất thường về thời gian, vì đang là thời điểm nóng nhất trong năm.

Nguyên nhân của hiện tượng đó, theo ông Lương Tuấn Minh, Trưởng phòng Quản lý dự báo (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương) là có cơn bão đổ vào Myanmar, Bangladesh. Nó hút hết mây và tạo ra dòng gió Tây Nam khiến nắng nóng ở miền Bắc Việt Nam trở nên cực đại.

Về dự báo nắng nóng, ông Nguyễn Hữu Hải, Trưởng phòng dự báo hạn dài và vừa (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương) nói: "Nền nhiệt độ mùa hè năm nay thuộc diện cực kỳ nóng, tuy mức độ vẫn chưa bằng năm 2010. Các tháng tới ít có khả năng nắng nóng gay gắt và kéo dài hơn đợt vừa qua".

Mùa hè năm nay còn nhiều đợt nắng nóng tuy không kéo dài với nền nhiệt cao như tuần qua. Ảnh: Hoàng Hà.

Chia sẻ về dự báo thời tiết trong ba tháng 5, 6, 7, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khí tượng - khí hậu cho hay, năm nay thời tiết ở trạng thái trung gian của ENSO (không El Nino, không La Nina), nhưng nhiệt độ có khả năng vượt chuẩn (mức trung bình nhiều năm) trên hầu hết diện tích châu Á. Đối với lãnh thổ Việt Nam, nhiệt độ có khả năng vượt chuẩn ở các tỉnh Tây Bắc.

Theo ông Cường, Việt Nam nằm trong khu vực chịu tác động của gió mùa mùa hè châu Á nên thiên tai có diễn biến phức tạp và gia tăng về cường độ, tần suất. Cụ thể, bão và áp thấp nhiệt đới gia tăng về cường độ và trái quy luật. Lũ lụt, lũ quét gia tăng về tần suất và phạm vi ảnh hưởng. Hạn hán, nắng nóng kéo dài. Thiên tai trên biển cũng gia tăng về mức độ ảnh hưởng do nước biển dâng.

Các chuyên gia khí tượng nhìn nhận, mặc dù đã đáp ứng được một phần yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai, nhưng việc cảnh báo, dự báo hiện còn một số hạn chế như: thu thập số liệu bị chậm trễ từ 1 đến 3h đã làm cho tổng thời gian cần thiết để chuẩn bị dự báo bị kéo dài. Công nghệ khai thác nhanh thông tin vệ tinh khí tượng và radar thời tiết chưa có, chưa có hệ thống cảnh báo, dự báo tự động. Riêng dự báo, cảnh báo về lũ quét thì chưa làm được.

"Để dự báo, cảnh báo được các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan như mưa lớn, mưa đá, dông, lũ quét cần có hệ thống quan trắc đủ dày, hiện đại, thông tin liên lạc hiện đại và đảm bảo thông suốt trong mọi điều kiện. Đặc biệt phải có công nghệ dự báo, cảnh báo với đội ngũ cán bộ chuyên môn trình độ cao", ông Cường nói.

Đợt nắng nóng đầu tiên ở miền Bắc bắt đầu từ ngày 14/5, lên đến đỉnh điểm vào ngày 16/5 với nhiệt độ Hà Nội đạt 40 độ C, cao nhất từ năm 1983 trở lại đây. Các khu vực đồng bằng Bắc Bộ phổ biến 38-39 độ C. Sau đó, nền nhiệt giảm dần nhờ những cơn mưa dông vào chiều tối, nhưng vẫn duy trì nắng nóng gay gắt đến hết ngày 20/5 (nhiệt độ cao nhất ngày đều trên 35 độ C). Dự báo trong năm 2013 miền Bắc có tổng cộng 7-8 đợt nắng nóng, mỗi đợt kéo dài 3-10 ngày.

Hoàng Thùy

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây