Tranh cãi nguyên nhân vụ nổ nhà 'Phương khói lửa'

Thứ tư - 27/02/2013 00:23 624 0
Theo tiến sĩ hóa học Phước Thành, chất gây nổ ở nhà ông 'Phương khói lửa' không thể là loại bình thường thì thạc sĩ Khánh Duy lại cho rằng "một viên pháo đại mà bỏ vào cái lon nhỏ thì cũng có thể gây sức công phá lớn".

Vụ tai nạn đêm 24/2 tại hẻm 384, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP HCM được xem là một trong những vụ nổ lớn nhất từ trước tới giờ. Ngoài việc cướp đi sinh mạng của 11 người, vụ nổ còn phá hủy 3 căn nhà liền kề với tổng diện tích gần 280 m2, trong đó căn nhà 4 x 20 m của ông Phương có tường gạch 30 cm cũng vỡ nát. Phạm vi ảnh hưởng của vụ nổ được ghi nhận lên đến 500 m, gây hư hỏng kính một số nhà dân.

Nguyên nhân làm sập nhiều căn nhà khiến hơn chục người chết chưa được công an điều tra kết luận nhưng tại nhà chuyên viên khói lửa này, cơ quan chức năng thu nhiều loại vật liệu cháy nổ như một số đạn mã tử, vỏ đạn (đã tháo thuốc), súng quân dụng...

Tiến sĩ Nguyễn Phước Thành, Chủ nhiệm liên ngành Hóa phân tích - Hóa đại cương, ĐH Tôn Đức Thắng (TP HCM) nhận định lựu đạn, bom thường, thuốc nổ dùng trong phim trường không thể có sức công phá mạnh như vậy.

"Thuốc nổ trong phim trường chủ yếu tạo ra nhiều khói lửa, rất ít sức công phá vì chỉ nhằm tạo âm thanh thật cho hiện trường. Sức công phá lớn đến như vậy thì không thể nào là thuốc nổ bình thường được mà còn phải là một khối lượng rất lớn", Tiến sĩ Thành khẳng định.

3 căn nhà bị đổ sập hoàn toàn trong vụ nổ tại hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP HCM) sáng 24/2.

Cũng theo ông Thành, thuốc nổ trong phim trường thường được dùng để tạo ra khói là chính nên người ta thường dùng bột than nhẹ và kaliclorat, hoặc để tạo chất nổ như pháo thì dùng muối nitrat, phốt pho đỏ và bột than. Nếu mua ở chợ thì có thể dùng bột than để pha trộn với vài hỗn hợp khác để tạo nên thuốc nổ. Tùy vào tỷ lễ pha trộn mà tạo ra sức nổ to hay nhỏ.

Ngoài ra, ông Thành cho rằng để có thể gây nổ thì cần phải có ngòi nổ hoặc tia lửa như điện, sóng... và bản thân thuốc nổ có ngòi nổ cũng cần có tia lửa kích nổ mới gây nổ được. Cũng theo ông Thành, do không biết được chính xác không gian chứa thuốc nổ và các loại hỗn hợp của thuốc nổ nên không thể ước tính được khối lượng như thế nào. Với sức công phá này, ngoài thuốc nổ trong quân sự thì thuốc nổ tự pha chế, người chế ra đã cân tỷ lệ cho sức nổ mạnh hoặc có trữ số lượng lớn, hoặc cất trữ trong kho quá nhỏ.

Tuy nhiên, Thạc sĩ Huỳnh Khánh Duy, Giảng viên khoa Kỹ thuật Hóa học (ĐH Bách Khoa TP HCM) lại cho rằng, việc đánh giá một vụ nổ không chỉ phụ thuộc vào vấn đề thuốc nổ dùng để làm đạo cụ phim trường hay thuốc nổ công nghiệp mà phải căn cứ vào bản chất của loại thuốc nổ đó là loại gì (ví dụ như TNT hay C4), độc hay không độc, có thể gây chết người hay không và liều lượng thuốc nổ là bao nhiêu.

Ông Duy dẫn chứng, với một viên pháo đại mà bỏ vào một cái lon nhỏ thì cũng có thể gây ra sức công phá lớn, hay một bình gas khi nổ cũng có thể gây sập cả căn nhà. "Nếu không phải thuốc nổ công nghiệp mà do người ta tự pha chế nhưng với một khối lượng lớn, trong một điều kiện thể tích không gian hẹp thì sức công phá vẫn rất lớn", ông Duy cho biết.

Thuốc nổ được sử dụng phổ biến hiện nay là TNT hay C4, các loại mà quân đội vẫn thường dùng để mở đường. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay vẫn có nhiều loại thuốc nổ trôi nổi mà người ta có thể mua được. Theo ông Duy, khi giám định cơ quan công an sẽ tìm ra loại thuốc nổ ở hiện trường là loại gì bởi vì bất cứ chất nổ nào khi cháy cũng đều có để lại những dấu vết. Khi biết được loại chất nổ thì có thể tính toán được sức công phá.

Về nguyên nhân gây nổ, ông Duy cho rằng bắt buộc hoặc phải có sự thay đổi nhiệt độ để có thể gây ra phản ứng với không khí hoặc phản ứng giữa các thành phần hóa chất với nhau và gây nổ. Sức công phá do hóa chất gây ra chính là do sự giãn nở không khí.

Nhiều vật dụng có hình dạng như súng, lựu đạn, chất kích nổ được tìm thấy ở hiện trường.

Cũng chung quan điểm, đạo diễn Quốc Thịnh (chủ nhiệm Câu lạc bộ Cascader Quốc Thịnh) - một người trong nghề làm phim, nhận định "vụ nổ xảy ra tại nhà của anh Phương có thể do lượng chất nổ lớn, trong một không gian chật hẹp của gia đình nên sức công phá mới lớn như vậy".

Vị đạo diễn này từng làm việc chung với "Phương khói lửa" cũng cho biết, thông thường ông Phương sử dụng các chất như lưu huỳnh, than, thuốc súng... sau đó nối dây từ vị trí gây nổ với bình ắc quy để kích hoạt tạo nên vụ nổ. Nguồn gốc của những vật liệu này, ông Phương lấy ở đâu thì vị đạo diễn này không nắm được.

Việc mua bán vật liệu cháy nổ hiện nay không được kiểm soát tốt đã được thiếu tướng Trần Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội (Bộ Công an) thừa nhận.

Đại tá Nguyễn Văn Dung (Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, PC64, Công an TP HCM) cũng cho biết, chỉ những công ty vốn 100% nhà nước mới có giấy phép sử dụng thuốc nổ công nghiệp và số thuốc nổ này đều do các công ty phía Bộ Quốc phòng cung cấp. Cá nhân ông Phương lẫn công ty Lạc Việt do ông làm giám đốc không được cấp phép sử dụng bất cứ loại chất nổ nào. Tuy nhiên, từ trước tới giờ, PC64 cũng chưa lập biên bản xử lý trường hợp nào vi phạm về việc tạo hiệu ứng cháy nổ.

>> Cách tạo cháy nổ trong phim của 'Phương khói lửa'
>> Khởi tố vụ nổ sập nhà làm 10 người chết
>> Đêm định mệnh cướp 10 sinh mạng ở Sài Gòn

Tác giả: Trung Sơn

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây