Ước mơ dang dở của chàng học viên tàu ngầm

Thứ bảy - 08/06/2013 20:24 933 0
Giọng nói khàn đặc, nước da xanh lét, Nguyễn Quang Linh vừa trải qua đợt điều trị hóa xạ kéo dài gần nửa năm. Khát khao trở thành người dẫn đường tàu ngầm của chàng học viên hải quân đã tắt lịm bởi bệnh ung thư vòm họng.

Sinh ra ở xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), từ nhỏ Nguyễn Quang Linh đã ước mơ trở thành chiến sĩ hải quân. Năm 2010, Linh thi đỗ Học viện Hải quân Nha Trang với số điểm khá cao. Học hết năm nhất với kết quả tốt, cậu được cử đi Nga du học về công nghệ tàu ngầm.

Tháng 12/2011, chàng trai lên đường với mong ước sự học sẽ thay đổi tương lai bản thân cùng cuộc sống nghèo khó của gia đình. Tại Phân viện Hải quân Pie (thuộc Học viện Hải quân Nga) đóng tại thành phố Saint-Petersburg, Linh học ngành Dẫn đường tàu mặt nước và tàu ngầm.

Học được hơn 2 tháng, thấy cổ họng đau rát, nuốt nước bọt khó, Linh đi khám và được kết luận viêm họng, cho thuốc về uống. Cậu bắt đầu lo lắng khi bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm mà kéo dài dai dẳng vài tháng trời. “Lúc đầu, em cứ nghĩ do không hợp thời tiết, không ngờ bệnh bắt đầu biến chứng thành ung thư”, Linh giải thích về triệu chứng ù tai, đau nhức một bên đầu khi bệnh nặng thêm.

Vừa nói chuyện, chàng trai 21 tuổi vừa ôm cánh tay vì vẫn còn đau. Ảnh: Hoàng Phương

Giữa tháng 8/2012, Linh nhận được thông báo chuẩn bị về nước điều trị bệnh. Ngỡ ngàng, cảm tưởng như rơi xuống vực sâu là cảm xúc của Nguyễn Quang Linh lúc ấy. Chàng học viên vội chia tay bạn bè, ngôi trường mới quen để đặt vé máy bay về nước.

Nhập viện Quân y 108, Linh được kết luận bị ung thư vòm họng, sau chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Phóng xạ và U bướu Quân đội. Tại đây, Linh được điều trị bằng phương pháp hóa xạ trị kết hợp. Hai tháng đầu, Linh trải qua ba đợt truyền hóa chất trước khi chiếu tia phóng xạ. Cơ thể cậu đau nhức dữ dội, tóc bắt đầu rụng.

Kết thúc hai tháng hóa trị, Linh tiếp tục điều trị bằng tia phóng xạ. Linh bảo, da mặt và cổ bị chiếu xạ nên cháy đen, bong tróc ra thành từng mảng để thay da non. Trải qua ba lần “lột da” thì đợt xạ trị kết thúc. Bốn mũi tiêm giảm đau một ngày khiến hai tay cậu đau nhức, không cử động được.

Bác sĩ Nguyễn Thái Sơn (Bệnh viện Y học Phóng xạ và U bướu Quân đội), người trực tiếp điều trị cho Linh thông tin, bệnh ung thư vòm họng của em phát triển đến giai đoạn 4, tức là đã ảnh hưởng đến thần kinh. Qua thời gian điều trị, u đã tan hết, không phát hiện di căn. Nhưng những người trẻ tuổi mắc bệnh này thường yếu tố ác tính cao, tiên lượng kém nên cần điều trị lâu dài. Trường hợp của Linh phải theo dõi thêm, 3 tháng đi kiểm tra một lần. Sức khỏe ổn định thì em có thể đi học.

Mỗi lần ăn uống là một cực hình với Linh. Thức ăn đi qua cuống họng là cơ thể lại phản ứng, nôn dữ dội. Những cơn đau hành hạ biến chàng trai khỏe mạnh, nặng 63 kg xuống chỉ còn hơn 50 kg. Là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất trong phòng bệnh, những người lính tuổi cha, chú luôn động viên chàng trai “rụng ít tóc, vẫn còn đẹp trai chán”. Họ bày cho cậu cách xay nhuyễn cháo để ăn cho đỡ đau.

Trước đây, Linh chỉ quan tâm đến tàu ngầm, tên lửa. Từ khi bị bệnh, cậu chăm chỉ lên mạng tìm thông tin về ung thư vòm họng để hiểu bệnh của mình. Kết hợp điều trị với ăn uống, sinh hoạt điều độ, sức khỏe đã có dấu hiệu hồi phục. Cậu khoe giờ có thêm

khá nhiều kiến thức về bệnh ung thư. Đầu tháng 7 tới, Linh sẽ ra Viện Y học Phóng xạ và U bướu Quân đội kiểm tra lần nữa, nếu kết quả khả quan thì có thể quay lại trường học vào tháng 9. Nếu bệnh nặng thêm thì Linh phải điều trị và có thể con đường học phải dang dở.

Những ngày tươi đẹp của Linh ở Phân viện Hải quân Pie (thuộc Học viện Hải quân Nga).

Bạn học bên Nga liên tục hỏi thăm tình hình sức khỏe Linh qua mạng. Nhìn những bức ảnh họ chụp giữa trời tuyết trắng, trong trường học, Linh lại buồn. Lẽ ra giờ cậu cũng đang chuẩn bị kết thúc năm học và chuẩn bị về nước thực tập. Nước Nga xa xôi giờ chỉ còn trong ký ức chàng lính qua những tờ tiền cậu đặt dưới ngăn bàn làm kỷ niệm.

Linh tâm sự, ngày phải rời Nga để trở về nước, bao nhiêu dự định, ước mơ tan vỡ. Giờ cậu chỉ mong nhanh được trở lại Học viện Hải quân Nha Trang, tiếp tục phục vụ trong quân ngũ. Hồ sơ của Linh được nhà trường bảo lưu. “Em không sợ học lại, không sợ quên kiến thức. Chỉ sợ sẽ phải tiếp tục nằm điều trị, không quay lại trường thì bao nhiêu dự định, ước mơ sẽ tắt hết”, Linh tâm sự.

Từ hồi biết con trai bị ung thư, chị Lê Thị Hương thêm đau ốm liên miên. Căn bệnh suy tim độ 4 nhiều lần quật ngã người phụ nữ ấy. Bác sĩ bắt nằm viện điều trị nhưng không có tiền, chị lại xin về nhà. Mấy hôm nay, bệnh tình trở nặng, chị lại lên bệnh viện Đa khoa Hoằng Hóa nằm. Cậu con út đang học dở lớp 10 đã bỏ học bươn chải hơn một năm nay. Cô em gái kế Linh học Cao đẳng Y Thanh Hóa cũng tính bỏ trường về phụ bố chăm anh trai và mẹ.

Còn người bố Nguyễn Quang Lực giờ vừa phải căng mình chăm sóc con, vừa phải đi làm kiếm tiền nuôi cả nhà. Những ngày Linh nằm viện, anh phải xin nghỉ việc không lương để đi chăm con. Chi phí điều trị bệnh của Linh được bảo hiểm quân đội chi trả. Nhưng các dịch vụ khác và chi phí ăn ở thì gia đình phải tự túc. Lương công nhân cầu đường không được bao nhiêu, người cha vẫn cố dành dụm để sắp tới đưa con trai ra Hà Nội kiểm tra lần nữa.

Khi nhắc đến Nguyễn Quang Linh, ông Nguyễn Văn Kỳ, bí thư thôn Hưng Thịnh vẫn tiếc cho cậu học trò học giỏi nhất làng, đi học với nguyện vọng đổi đời, nhưng cuối cùng lại kém may mắn. “Lúc cháu đi viện về, người dân góp được hơn một triệu đồng để động viên tinh thần Linh và gia đình. Thuộc diện hộ nghèo lâu năm, căn nhà Linh và gia đình đang ở hiện giờ được xây dựng nhờ một phần kinh phí hỗ trợ của huyện, xã và nhân dân”, ông Kỳ thông tin thêm.

Tác giả: Hoàng Phương

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây