Phù phiếm ăn ruỗng nội tâm

Thứ năm - 06/08/2009 00:35 3.102 0

Phù phiếm ăn ruỗng nội tâm

Nhưng những đường phố hào nhoáng mang tên danh hào kiểu cũ, những quán rượu mới thấp thoáng salon trong quá khứ, thơ Baudelaire hay tinh thần nổi loạn Sagan đã khó cứu vãn sự mâu thuẫn gây cười trong khi những mối quan hệ đó được thiết lập. Buổi hẹn đầu, để ra vẻ tài tử, chàng trai thì thầm vào tai cô gái rằng anh tôn thờ đại lộ Saint-Germain, rượu vang xứ Bourgogne và nước ép quả lý đen. Còn cô nàng thì nói chuyện thời trang và quan tâm đến việc anh ta có bị mê hoặc bởi bộ ngực quyến rũ của mình hay không. Cô gái đâm ra thất vọng vì anh chàng lịch thiệp và lý tưởng kia chỉ lấm lét nghe lén điện thoại và xem tin nhắn, không hề màng đến sự hấp dẫn mà cô đã mất nhiều thì giờ “đầu tư” chuẩn bị (Tập tành thượng lưu trí thức).
Giá đâu đó có người đợi tôi, tập 12 truyện ngắn, có thể gặp được nhiều tâm trạng thị dân có phần phù phiếm kiểu như thế. “Sự tầm thường ở tinh thần đó là một chuyện rất khó diễn đạt” – Anna Gavalda viết như thế trong truyện The Opel touch. Vì thế, sự tầm thường ấy luôn được nằm giấu bên dưới lớp ngôn từ đùa cợt, có khi làm bộ làm tịch nhưng đầy chua xót. Vì bi và hài vốn là hai mặt của một bàn tay. Sự tầm thường ấy là gì? Những màn trang sức bề ngoài chỉ làm tăng thêm khả năng thất vọng sụp đổ với những mối quan hệ được toan tính lập trình. Và đâu đó trong tập truyện, cô nàng mê thời trang Pramod hẳn chỉ liếc mắt đưa tình với những anh lái Opel nhưng điều đó không đủ cho một cuộc tình mượt mà!

Thế giới của hoang tưởng và phù phiếm ngập tràn trên những trang sách của Anna Gavalda. Nữ văn sĩ này đã dành năng lực tinh tế của mình để gọi tên chúng. Người ta dành nhiều thì giờ, ý nghĩ cho của cải vật chất và nhu cầu tiêu dùng. Và dùng nhiều trang sức tiêu dùng để phủ lên, hy vọng hay chờ đợi những mối quan hệ trong đời sống để rồi sau đó nhận ra những điều “không khớp”, những sự sụp đổ và trống trải. Đó là cái kết thúc của một mối quan hệ giữa cô nhà văn chuyên viết truyện tình yêu đang cố gắng trau chuốt vẻ ngoài để quyến rũ ông chủ bút của nhà xuất bản để cuốn sách được in (Kết thúc). Đó là bức hoạ tâm trạng “rất xám” của đôi vợ chồng già, trên đường từ thành phố về nông trại của mình. Họ ngồi bên nhau trong chiếc xế hộp xịn nhưng hai ý nghĩ không cùng hướng. Họ như hai cá thể rời. Người vợ nghĩ chuyện nhận con nuôi và nên mua áo quần gì cho đứa bé để xứng tầm là con của đại gia; còn người chồng thì lâu lắm rồi, không muốn ngủ với vợ vì hết ngoại tình, gái gú, ông ta lại quá bực dọc trong kinh doanh… (Người đàn ông và người đàn bà).

Nhưng chất humoriste (hài hước) vẫn là thứ thường trực trong những truyện ngắn dù tình huống dẫn dắt bi đát đến cỡ nào – nó như một giọng điệu đặc trưng và tạo nét duyên cho văn chương Anna Gavalda. Nó làm nên sức cuốn hút đầy tự nhiên của cuốn sách. Nhân vật người đàn bà có thai ngoài ý muốn suốt sáu tháng lơ là không cần biết giới tính đứa bé trong bụng mình, một hôm trở nên hụt hẫng vì bác sĩ báo cái thai đã chết trong bụng chị ta. Sau ca trục xuất thai nhi ra khỏi cơ thể, người mẹ nằm lả với cái bụng rỗng tuếch và nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc oe oe vọng sang từ những phòng kế bên. Nhưng rồi sau đó chị lại đối diện với sự ngậm ngùi khi vẫn phải xuất hiện với bộ đầm bầu trong một đám cưới của cô em họ (truyện I.I G). Tâm trạng của một cô thú y già sống nơi nông trại hẻo lánh của mình đã bị bọn say rượu hãm hiếp, nhân lúc bọn vô lại ngủ say, chị ta đã “giải phẫu” cặp tinh hoàn của hai thằng này rồi xắt vụn, dùng chỉ ruột mèo khâu lại. Sau đó, chị ta bình thản đợi cảnh sát tới với một mong mỏi duy nhất: bọn cảnh sát không phải hụ còi quá to khi đến đây. Một chi tiết gây cười, tinh tế nhưng chua chát đến rợn người (Chỉ ruột mèo)

Bằng giọng văn thấp thoáng trào lộng và lượn những “đường kim mối chỉ” tinh tế khâu vào tận sâu thẳm của tâm trạng, Anna Gavalda chạm đến một Paris đang sống bằng ánh hào quang và cả sự đè nặng của thể diện quá khứ. Thể diện một khi trở nên phù phiếm có thể đem lại cho người ta nỗi cô đơn và trống rỗng cùng cực. Nhất là trong một thời đại mà ở đó, thị dân đang quay cuồng vì những toan tính, trau chuốt rửng mỡ để rồi hụt hẫng, không sức đề kháng nào cho hội chứng nội tâm bị khoét rỗng. Một cuốn truyện ngắn hay, có thể đọc nhanh nhưng để lại nhiều ngẫm ngợi.

Tác giả:Anna Gavalda sinh năm 1970, tốt nghiệp cử nhân văn chương đại học Sorbonne. Tập truyện ngắn đầu tay Giá đâu đó có người đợi tôi từng mang lại cho tác giả trẻ này giải thưởng RTL (giải thưởng dành cho tác phẩm văn chương tiếng Pháp do đài phát thanh RTL và tạp chí Lire bình chọn)… Cuốn sách này cũng đã dịch ra 30 thứ tiếng trên thế giới.

Anna Gavalda hiện làm việc ở tạp chí Elle, là cây bút viết thời luận cho tạp chí Paris-lle-de- France của Journal du Dimanche

(Giá đâu đó có người đợi tôi, tập truyện ngắn, Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, 2008)

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây