Nguyên tắc thoát nạn trong đám cháy có nhiều khói

Thứ năm - 21/11/2013 10:16 1.879 0
Để tránh ngạt, bạn phải cúi thấp người khi di chuyển, thậm chí phải bò dưới sàn vì khói luôn luôn bay lên cao. 

Trung tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy quận 1, TP HCM, cho biết, kỹ năng tổ chức công tác thoát nạn giữ một vai trò quyết định tới hiệu quả cứu người.

Khi xảy ra sự cố cháy nổ, tất cả mọi người trong khu vực cháy đều chuyển động cùng lúc và không được tổ chức hợp lý do bị ảnh hưởng của khói lửa, nhiệt độ và các loại sản phẩm cháy.

Vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn, con người có rất ít thời gian để phản ứng, suy nghĩ. Nếu không có kỹ năng thoát nạn trong giai đoạn này, thời gian kéo dài sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Do đó điều quan trọng là phải bình tĩnh để xử lý các tình huống xảy ra. Khi tiếp nhận thông tin báo động, mọi người sẽ phải sẵn sàng thực hiện di tản khẩn cấp để thuận lợi cho công tác chữa cháy.

Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang phải dùng mọi cách cố làm cho nhân viên cứu hỏa để ý nhận ra bằng cách vẫy tay, la hét.

Trong đám cháy, khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang phải dùng mọi cách cố làm cho nhân viên cứu hỏa để ý nhận ra bằng cách vẫy tay, la hét... Ảnh: Trí Tín.

Một nguyên tắc thoát nạn rất quan trọng khi xảy ra cháy là phải cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn luôn bay lên cao. Đôi lúc, người phải bò dưới sàn khi lượng khói tập trung nhiều để khỏi bị ngạt.

Để chống nhiễm khói, mọi người cần lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc có thể sử dụng mặt nạ chống khói khi được trang bị. Khi muốn thoát ra khỏi đám lửa, ngoài việc dùng khăn thấm nước che miệng, mũi, phải dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy thoát nhanh ra ngoài qua đám lửa để tránh bị cháy quần áo gây bỏng da.

Thực tế, nghẹt thở vì khói là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao và nhanh hơn là bị phỏng và chết cháy. Vì vậy hãy di tản nhanh chóng ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt.

Bên cạnh đó, cần lưu ý:

- Trong quá trình thoát nạn ra ngoài nên báo cho những người xung quanh biết và nên đóng các cửa trên đường lan truyền để giới hạn sự lan tràn của lửa và khói.

- Không sử dụng thang máy làm thang thoát nạn vì sự cố cháy nổ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thang máy. Do đó chỉ sử dụng cầu thang bộ để thoát ra.

- Có thể giúp đỡ những người xung quanh thoát nạn ra ngoài an toàn khi bản thân có đủ sức khỏe và tỉnh táo. Không nên giúp đỡ người khác thoát nạn khi bản thân cũng đang bị khói, lửa đe dọa đến tính mạng.

- Khi sinh sống, làm việc, sinh hoạt trong tòa nhà phải để ý các đường lối, sơ đồ thoát nạn. Điểm này có thể sẽ giúp ích rất tốt, cứu mạng con người khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

- Khi thoát nạn ra ngoài an toàn nên tập trung ở một nơi và kiểm tra lại danh sách xem còn có người bị kẹt lại trong đám cháy không, từ đó có các biện pháp cứu người bị kẹt trong đám cháy ra ngoài an toàn.

- Trong quá trình thoát nạn phải tuân thủ theo đúng sự hướng dẫn của người chỉ huy hoặc nhân viên hướng dẫn thoát nạn của tòa nhà.

- Một yếu tố quan trọng để con người sống sót khi hỏa hoạn xảy ra là phải thật sự bình tĩnh và nhanh nhẹn thực hiện theo đúng phương pháp, kỹ năng thoát nạn.

- Khi bị kẹt trong đám cháy, khói của đám cháy đang tràn vào từ các cửa và hành lang, mọi người phải nằm xuống sàn nhà cách nơi khói đang tràn vào càng xa càng tốt, dùng khăn thấm nước che mặt, đóng hết các cửa lớn và cửa sổ lại để cô lập đám cháy. Nếu có  khói lửa đang lan đến gần, phải dùng vải, quần áo chèn vào các khe hở để không có khói, lửa tràn nhanh vào nhà sau khi sử dụng bình chữa cháy cố gắng khống chế đám cháy.

- Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang phải dùng mọi cách cố làm cho nhân viên cứu hỏa để ý nhận ra bằng cách vẫy tay, la hét.

- Nếu thấy an toàn để thoát thân và có một cửa lớn đang đóng, trước khi thoát ra bằng lối đó phải kiểm tra độ nóng của cửa bằng cách đặt mu bàn tay lên cửa. Không mở cửa nếu thấy cửa ấm hoặc nóng. Nếu thấy cửa không bị tác động nhiệt thì mở cửa từ từ và đè sát người vào cửa. Nếu thấy có lửa và khói phía bên kia thì đóng lại ngay lập tức đồng thời chèn kỹ các khe hở không cho khói, lửa lan vào phòng. Nếu không có lửa và khói tiến đến thì nhanh chóng thoát ra ngoài đồng thời đóng cửa lại nhưng không được khóa cửa. Trên đường thoát nạn tìm mọi cách báo động cho mọi người cùng thoát nạn an toàn.

- Khi bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt nếu có thể, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Không được nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.

- Khi thấy người khác bị cháy, hãy giúp người đó dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại. Dùng chăn, mền, quần áo choàng lên người để dập tắt lửa.

- Khi gặp người bị ngạt, ngất, bỏng phải tổ chức sơ cấp cứu ban đầu trước khi đưa nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện.

- Báo cháy kịp thời cho cơ quan Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 để được hỗ trợ trong công tác thoát nạn, cứu nạn khi có người bị kẹt trong đám cháy.

Trung tá Huỳnh Quang Tâm nhận xét trên thực tế, các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người phần lớn là do điều kiện thoát nạn, kỹ năng tổ chức công tác thoát nạn chưa đảm bảo.

Trong lĩnh vực phòng cháy - chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ, công tác thoát nạn cho người luôn được đặt lên hàng đầu, dựa trên hai phương diện: các điều kiện an toàn của lối thoát nạn và kỹ năng tổ chức thoát nạn.

Lối thoát nạn an toàn là lối ra không bị khói, bụi, sản phẩm cháy che phủ, không bị các tác động nguy hiểm của đám cháy gây uy hiếp tới tính mạng con người. Các lối thoát nạn phải dễ nhận thấy và đường dẫn tới lối đi phải được đánh dấu rõ ràng bằng ký hiệu hướng dẫn. Đó có thể là cửa đi, hành lang dẫn tới các khu vực an toàn hoặc lối đi dẫn tới cầu thang bộ, lối đi ngang dẫn sang công trình liền kề...

DSC-7818-8953-1384870965.jpg

Người nhà nạn nhân tử vong trong vụ cháy bar ở Hà Nội đang khóc vật vã bên ngoài nhà xác bệnh viện 108. Ảnh: Nguyên Anh.

Khi xây dựng công trình, các lối thoát nạn phải đảm bảo đúng quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn. Hạng mục này phải được bố trí phân tán, đảm bảo số lượng và chiều rộng tổng cộng đủ cho việc thoát nạn của tối đa người trong công trình hoặc khu vực cần thoát nạn khi xảy ra sự cố. 

Gần đây, tình hình cháy nổ diễn ra khắp nơi với nhiều nguyên nhân, mới nhất là vụ cháy bar ở Zone 9 (Hà Nội) khiến 6 nạn nhân thiệt mạng và nhiều người bị thương nặng. Thống kê riêng địa bàn TP HCM, năm 2012 xảy ra 121 vụ cháy làm 9 người chết và 12 người bị thương. Trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn thành phố có 336 vụ cháy làm chết 5 người và bị thương 5 người.

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây