Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


Bến My Lăng ở đâu?

Bến My Lăng ở đâu?
Nhân đọc bài Đi tìm bến My Lăng của Lâm Bích Thuỷ, con gái  nhà thơ Yến Lan đăng trên Văn nghệ số 35+36 ngày 28-8 và 4-9-2010, tôi xin kể một câu chuyện lần gặp nhà thơ Yến Lan liên quan đến bài thơ Bến My Lăng. Chuyện thật một trăm phần trăm.
Tháng 3 năm 1985, nhân kỷ niệm mười năm giải phóng tỉnh Nghĩa Bình (Quảng Ngãi, Bình Định), tôi được mời về Quy Nhơn vì có viết vài cuốn sách liên quan đến lịch sử quê nhà. lần ấy tôi được ở chung với các anh nhà thơ, nhà văn lớp trước như Nguyễn Thành Long, Phạm Hổ, Yến Lan, Vương Linh. Các anh thương, coi tôi như em. Buổi tối ngồi nói chuyện phiếm, tôi hỏi nhà thơ Yến Lan:

- Thưa anh, ngày nhỏ em được học bài thơ Bến My Lăng của anh do các cụ Hoài Thanh, Hoài Chân tuyển vào “Thi nhân Việt Nam”.

- Ừ, mà sao?

- Dạ, đến bây giờ em vẫn còn thuộc – Tôi đọc liền khổ thơ đầu:

Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,

Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.

Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,

Ông lái buồn để gió lén mơn râu…

Nhà thơ Yến Lan vỗ vai tôi cười vui vẻ:

- Học ngày ấy mà còn thuộc đến bây giờ. Anh cám ơn em!

- Thưa anh “Bến My Lăng” anh viết trước “Bốn lăm” lấy tích từ đâu vậy?

- Tích tuồng gì đâu. Chuyện thế nầy. Cha anh có mấy người em vợ, nhưng ông thương cậu Sáu anh nhất. Cậu anh học chữ nho, có biết quốc ngữ, thuộc nhiều thơ Đường, thích trò chuyện và nghe cha anh giảng giải thơ Đường. Nhưng chẳng hiểu sao cậu anh lại chọn nghề chống đò ngang. Hàng tháng vào tuần trăng, ăn cơm chiều xong cha con anh thường dắt nhau xuống thăm cậu Sáu, cách nhà chừng năm, sáu cây số. Những ngày như vậy, đợi cho hết khách, hai người chống đò ra giữa sông, cắm sào ngồi uống rượu, ngắm trăng, nói chuyện đời, chuyện nhân tình thế thái, chuyện đạo nghĩa, chuyện mưu sống và bình thơ Đường. Anh nằm gối đầu lên đùi cha ngủ thiếp lúc nào không biết. Một lần cha con anh xuống thăm cậu hơi sớm. Đò ngang ở bờ bên kia, cha anh gọi rồi đứng nhìn nắng chiều nhạt dần trên mặt sông. Đang mùa nước cạn bờ bên này có một doi cát nổi lên. Cha anh chỉ tay hỏi: “Con thấy doi cát nầy giống cái gì?”. Anh nghĩ mãi không ra câu trả lời, cha anh cười: “Con thấy nó có giống bờ mi mắt không?”. Anh phục cha lắm. Đúng rồi, dòng sông trong vắt kia là con mắt, doi cát chồm ra kia là bờ mi. Kỷ niệm ấy anh nhớ mãi và thành cái tứ thơ để sau nầy viết bài “Bến My Lăng”.

- Vậy mà ngày còn đi học em nghe mỗi thầy giáo giảng một cách về sự tích “Bến My Lăng” ly kỳ lắm. Có thầy còn khẳng định đó là cái bến sông ở tít tận bên Tầu, còn ông lái đò là ẩn sĩ đời Đường.

Nhà thơ cười:

- Từ tứ thơ đến bài thơ là quy trình lao động nhọc nhằn không ai nghĩ thay mình được - Giọng anh hạ thấp: - Giá họ viết mấy chữ hỏi mình thì đơn giản biết mấy.

Anh ngồi lặng yên nhìn vào mênh mông. Tôi bỗng lây cái buồn mênh mông ấy, thầm nghĩ: “Chuyện giải thích tuỳ tiện như thế bây giờ ở đâu mà chả có”. Nhưng vẫn chưa hiểu được nghĩa bóng của bài thơ.

Còn bây giờ theo lời kể của Lâm Bích Thuỷ thì cái triết lý nhân sinh đậm chất nhân văn đầy sức thuyết phục mà nhà thơ Yến Lan muốn gửi gắm vào Bến My Lăng là: “Viết bài thơ nầy ba muốn nói đến hạnh phúc của con người… Hạnh phúc không phải lúc nào cũng phụ thuộc bên ngoài. Nó ở bên trong ta. Chỉ có những gì do bàn tay lao động của mình làm nên thì ta mới ý thức được hạnh phúc đáng quý như thế nào và mới biết cách gìn giữ nó bên lâu. Ta đừng bao giờ chờ đợi người khác mang hạnh phúc đến cho mình, ít có điều ấy lắm. Mà nếu có thì không được bền vững bằng chính bàn tay mình xây nên. Người xưa đã dạy ta: Đừng chờ sung rụng(1).

_______________
(1) Đi tìm bên My Lăng

Tác giả: Lê Quang Hào

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây