Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


Những điều "trái khoáy" của một thiên tài

Albert Camus là một hiện tượng lạ trên văn đàn thế giới. Với việc được trao giải thưởng Nobel văn học ở tuổi 44, đến nay, ông vẫn là một trong hai nhà văn trẻ tuổi nhất được nhận giải thưởng danh giá này (chỉ sau nhà văn Anh Rudyard Kipling, người được trao giải Nobel văn học ở tuổi 42). Vinh quang đến sớm nhưng cuộc đời Camus cũng gặp nhiều bất hạnh, mà một trong những điều bất hạnh hơn cả là việc ông tử nạn bởi một vụ tai nạn giao thông vào ngày 14 tháng giêng năm 1960. Ra đi ở tuổi 47, cái chết bi thảm của Camus đã đưa ông vào "vị trí" nhà văn đoản thọ nhất trong các nhà văn đoạt giải Nobel.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh của Albert Camus (1913-2013), chúng ta cùng ôn lại một số kỷ niệm liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Hơn cả văn chương là… bóng đá

Chuyện kể rằng, khi một người bạn hỏi Albert Camus: "Anh thích thứ gì nhất trên đời?", nhà văn bấy giờ tên tuổi đã rất nổi tiếng không chút đắn đo trả lời: "Đó là bóng đá".

Với Camus, trên cả viết văn, bóng đá là niềm đam mê đầu đời và cũng là niềm đam mê suốt đời của ông.

Từ năm 1928 đến năm 1930, mặc dù thân hình khá mảnh khảnh song chàng thiếu niên người Pháp gốc Algeria này vẫn được giao nhiệm vụ trấn giữ khung thành cho đội trẻ của Racing Universitaire d'Alger và được coi là thủ môn có "bàn tay nhựa", thuộc loại hiếm có trong làng bóng đá Algeria thời ấy (Algeria bấy giờ còn là thuộc địa của Pháp). Sự thể không biết sẽ còn đưa Camus tới ngôi vị nào trong làng thể thao nếu như ông không bị dính căn bệnh lao mãn tính. Bệnh tật đã ngăn cản Camus trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp và hướng ông tới văn chương và triết học. Mặc dầu sau này đã gặt hái được nhiều thành tựu trong lĩnh vực mới, song Camus không bao giờ nguôi lòng say mê bóng đá. Thời gian làm việc cho tờ Paris buổi tối, Camus thường tới sân bóng Công viên các hoàng tử để cổ vũ cho đội Racing Club de Paris, một đội bóng có màu áo giống với màu áo Câu lạc bộ ông tham gia hồi trẻ. Thậm chí, trong một bài phát biểu ngay sau khi nhận giải Nobel tại Stockholm (Thụy Điển) ngày 10 tháng 12 năm 1957, Camus cũng không quên gửi lời cảm ơn tới… trái bóng: "Tôi nợ trái bóng tròn nhiều lắm" và "Bóng đá đã giúp tôi có được những bài học về đạo đức và lẽ sống".

Cũng năm đó, trong bài báo nổi tiếng "Máu của người Hung" viết nhân một năm xảy ra cuộc chính biến tại Hungary, Camus cũng lại liên hệ tới chuyện bóng đá: "Tôi không thuộc danh sách những người muốn dân tộc Hung lại cầm vũ khí một lần nữa, trong một cuộc bạo động chắc chắn sẽ bị dẹp bỏ, ngay trước mắt một thế giới không hề tiết kiệm những tiếng vỗ tay cũng như những giọt nước mắt chia sẻ nhưng ngay sau đó thì trở về cuộc sống bình thản của mình, như các cổ động viên bóng đá tối chủ nhật, sau một trận giành Cúp. Máu đã chảy quá nhiều trong sân bãi và chúng ta chỉ được phép hào phóng với máu của chính mình".

Không có "người đàn bà duy nhất"

Theo nhà văn, nhà báo Olivier Todd, tác giả cuốn "Tiểu sử Albert Camus" thì ít nhất phải có hai quyển niên bạ mới ghi hết được những cái tên phụ nữ từng lưu nhiều dấu ấn trong các cuộc phiêu lưu tình ái của nhà văn này. "Ông ta có nhiều mối quan hệ cùng lúc. Việc này gần như được thể hiện công khai" - Olivier Todd tiết lộ. Cũng theo Olivier Todd kể, khi biết ông có ý định thực hiện một cuốn tiểu sử về Albert Camus, đã có nhiều phụ nữ tìm gặp ông để khẳng định với ông rằng, Camus là người đàn ông lý tưởng của đời họ, và khôi hài hơn, một số người đang sở hữu một, hai lá thư mà Camus viết cho họ còn lầm tưởng rằng, với ông, họ là "người đàn bà duy nhất".


Albert Camus khiêu vũ cùng Torun Moberg sau lễ trao giải Nobel văn học năm 1957

Albert Camus có sức thu hút người khác giới ngay từ khi còn là một thanh niên mới chập chững vào đời, gia sản không có gì ngoài hai bàn tay trắng. Chàng trai có đôi mắt xanh ẩn chứa một nỗi u hoài xa vắng đã làm đắm chìm biết bao trái tim phụ nữ. Cái "hay" của Camus - theo ghi nhận của Todd - là phụ nữ mê ông không phải vì ông được giải Nobel - tức là vì danh tiếng của ông - mà vì họ thực sự yêu mến con người ông. Còn cái "dở" của Camus - theo nhận xét của nữ văn sĩ Simone de Beauvoir (đã được in trong cuốn "Những vị quan"), đó là "Khác với Jean - Paul Sartre, Camus không bao giờ đặt mình ngang hàng với những phụ nữ mà ông đã chinh phục". Simone de Beauvoir rất phẫn nộ vì điều này và trong cuốn sách của mình, bà đã mô tả Camus như "một kẻ đê tiện".  

Tác giả những câu danh ngôn bất hủ

Là một nhà văn đồng thời là một nhà triết học nên các tác phẩm của Camus rất giàu triết lý. Nổi trội trong những triết lý ấy là sự tôn trọng phẩm giá con người và niềm hạnh phúc riêng tư của mỗi cá nhân.

Người ta thường nói đến những bài diễn từ của các tác giả trình bày tại lễ nhận giải Nobel văn học được tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển) hàng năm. Đó luôn được xem là một trong những cơ sở để đánh giá cái "tầm" tư tưởng của mỗi nhà văn. Đọc diễn từ của Albert Camus, so sánh với các bài diễn từ của nhiều nhà văn khác, ta có thể khẳng định rằng, đó là một trong những bài phát biểu hùng hồn, giản dị và hấp dẫn nhất. Ta cũng bắt gặp đầy rẫy trong các cuốn sách của Camus những câu đúc kết thâm thúy, có sức truyền cảm mạnh mẽ. Chẳng hạn, "Người không có đạo đức giống như con thú hoang bị thả rông vào thế giới"; "Bạn chỉ được "tha thứ" cho hạnh phúc và thành công của mình khi bạn sẵn sàng hào phóng chia sẻ chúng"; "Người ta cần nhiều can đảm để sống hơn là để tự sát"; "Rất bình thường khi cho đi một phần nhỏ cuộc đời để không đánh mất nó toàn bộ"; "Tôi thà sống cả đời tin có thần linh và rồi chết mà phát hiện hoàn toàn không có, còn hơn sống cả đời không tin tưởng và rồi chết mà phát hiện có thần linh". Những câu như thế thực sự là những danh ngôn có tác dụng nâng dậy đời sống tâm hồn cũng như góp phần giúp con người nhận ra đâu mới thực là chân giá trị của cuộc đời. 

Một cuộc đời nhiều bất hạnh

Albert Camus là người gặp nhiều bất hạnh cả trong "gia đình nhỏ" lẫn "gia đình lớn". Sinh năm 1913 tại Mondovi, một làng ở Constantinois, gần Bone, Algeria, ông chỉ được biết mặt cha qua một bức ảnh duy nhất. Cha ông là Lucien Camus, một công nhân sản xuất rượu nho đã bị động viên quân dịch trong Thế chiến thứ nhất rồi bị thương và chết tại Quân y viện Saint - Brieuc ngày 17/10/1914, khi mới 28 tuổi. Lúc ấy, mẹ Camus, một phụ nữ gốc Tây Ban Nha đang đi làm giúp việc cho một thương nhân. Tin chồng tử trận đã khiến bà bị sốc nặng, lên cơn tai biến. Sau sự cố đau buồn ấy, việc nghe, nói của bà gặp nhiều khó khăn. Đã vậy, người đàn bà này lại không hề biết chữ.

Về chuyện đời tư, phải nói cuộc sống hôn nhân của Camus không hề thuận buồm xuôi gió. Đúng như Camus từng nói, ông không phải là con người của gia đình. Năm 1936, ông kết hôn với cô Simone Hie, một người nghiện ma túy, để rồi hai năm sau, họ buộc phải chia tay với lý do, cả hai đều không chung tình.

Ngày 14 tháng Giêng năm 1960, từ tư dinh của mình, Camus cùng người cháu tên gọi Gaston lao ra trên chiếc xe con Facel - Vega FV3 do một người bạn của ông - tên gọi Michel Gallimard lái. Chiếc xe đâm mạnh vào một cây tiêu huyền, khiến hào tử nạn. Báo chí nêu lý do chiếc xe chạy quá tốc độ.

Khi tai nạn xảy ra, bà mẹ Camus đang ở Alger (thủ đô Algeria). Khác với khi nhận được tin về cái chết của chồng trước đó 46 năm, lần này bà không khóc mà chỉ thở dài: "Nó còn trẻ quá!".

Thi hài nhà văn vĩ đại được chôn cất ở Lourmarin, một ngôi làng thuộc vùng Vaucluse, miền Nam nước Pháp, nơi Camus đã mua tòa biệt thự bằng số tiền của giải Nobel.

Tháng 11/2009, nhân chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm ngày mất của Albert Camus, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đề xuất đưa di hài Camus từ Lourmarin vào điện Pantheon ở thủ đô Paris, nơi dành để an táng những nhân vật vĩ đại nhất của nước Pháp.

Mặc dù đây là một vinh dự lớn nhưng kế hoạch đó đã không nhận được sự đồng tình từ phía những người con của Camus. Theo tờ Le Monde, cả con trai và con gái của nhà văn đều cho rằng, việc chuyển di hài cha mình tới điện Pantheon là không hợp với lối sống của ông và động thái đó của Tổng thống Sarkozy hoàn toàn mang màu sắc chính trị.

Tác giả: Trịnh Duy Mạnh

Nguồn tin: CAND

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây