Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


Một nhà văn đi học...viết văn

Nhà văn Phong Điệp

Nhà văn Phong Điệp

Cách đây chừng 15 năm, nhà thơ Trương Hữu Lợi ở Đài Tiếng nói Việt Nam bảo với nhà phê bình Nguyên An, vẻ vừa mừng vui vừa hồi hộp: "Nguyên An ơi, mình vừa tìm được một cô bé ở quê viết được lắm! Cậu làm sao cùng mình giúp nó đi!" Cô bé ấy là nhà văn Phong Điệp bây giờ.

Phong Điệp là tác giả của 11 tập văn xuôi (8 tập truyện ngắn, 1 truyện dài, 1 tập tản văn và 1 tiểu thuyết)

Trước khi có 1, 2, 3 ... 11 tập văn xuôi này, Phong Điệp đã là một tác giả quen thuộc với bạn đọc trên các báo chí nhưThiếu niên tiền phong, Tiền Phong, Hoa học trò... và Văn học và tuổi trẻ...Trước khi là một cây viết có triển vọng, Phong Điệp là một học sinh giỏi văn ở Nam Định. Còn nhớ, đâu như khoảng năm 1993, nhà thơ Trương Hữu Lợi ở Đài Tiếng nói Việt Nam bảo với tôi, vẻ vừa mừng vui vừa hồi hộp: "Nguyên An ơi, mình vừa tìm được một cô bé ở quê viết được lắm! Cậu làm sao cùng mình giúp nó đi!" Cô bé ấy là nhà văn Phong Điệp bây giờ.

Có lẽ, cũng nên cho phép tôi nói thêm:

Sau khi đã viết được cả chục tập sách, đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thì năm 2008 Phong Điệp lại xin vào học khoá II của Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du. Còn chuyện này thì dường như đã nhiều người biết: Trong dăm năm lại đây, Phong Điệp là chủ của trang phongdiep.net có rất đông người đọc và trao đổi, với sự hào hứng tự nhiên và niềm tin cậy cũng rất hồn nhiên.

"Tập viết từ bao giờ?" - đã có lúc tôi định hỏi Phong Điệp câu hỏi này, nhưng rồi không hỏi nữa. Nay thì đã biết, chỉ trong khoảng 15 năm thật sự được biết đến, mà ra được 11 tập sách như đã kể, mà tập nào cũng đọc được (nghĩa là trên trung bình), thử so sánh mà xem, có phải là Phong Điệp đã có một sức viết đáng nể không? Trong khoảng thời gian này, Điệp còn học đại học, còn viết báo, còn làm công việc của một biên tập viên... rồi tìm lập một gia đình riêng...Rõ ràng là Phong Điệp đã tự tạo cho mình một phong cách sống, một phương thức làm việc sao cho thích hợp, và vì thế, tỏ ra có hiệu quả cao, so với nhiều người.

Tôi quan sát Phong Điệp từ xa, và thấy ở nhà văn này có chuyện đáng suy ngẫm, có thể là để học tập - chuyện này: Phong Điệp biết và dám từ chối những cuộc trò chuyện, những cuộc tụ tập dễ sa vào đấu hót mất thì giờ mà nhiều người lầm tưởng rằng đó là sự giao du để lấy "cảm hứng sáng tạo"!

Không ngại tự mổ xẻ tư tưởng, tình cảm, thói quen... của cá nhân mình và những người đồng trang lứa với mình, đó là một đặc điểm của các nhà văn trẻ đương đại. Có người bảo: Là vì họ có biết có hiểu gì ai nữa đâu mà chẳng tự mổ xẻ (!) Người khác lại nói: Sáng tác gì mà cứ như tự truyện, như hồi ký, viết mãi thế thì cạn vốn chứ còn gì!

Dù sao mặc lòng, tự mổ xẻ tự phân thân vẫn là một đặc điểm, mà xem ra, không chỉ ở Việt Nam ta. Nhưng với Phong Điệp, có hai ý đáng bàn:

Một là, cái chuyện tự mổ xẻ này được làm một cách mạnh dạn, rành rẽ mà không tanh bành, không gây cảm giác đáo để, tự phơi bày một cách trung thực, không lên gân cho cường tráng và cũng không giả bộ mềm mại cho ra vẻ "đời thường". Khi tự mổ xẻ như vậy, các truyện ngắn của Phong Điệp đã cho người đọc cảm nhận: Hình như mọi trạng thái tâm lý, mọi cách sống và mức sống của giới trẻ hôm nay - nhất là những bạn trẻ xuất thân nông thôn, có ít học thức đang gia nhập vào đời sống thị thành, với biết bao nhiêu lo toan, bức xúc, hy vọng và tuyệt vọng, dang dở ngổn ngang... đều được phơi bày ra cả.

Hai là: Khi "lấy mình lấy bạn cùng trang lứa" ra mà làm nhân vật, thật tự nhiên, Phong Điệp đã có một sự thoải mái hơn khi cầm bút thì phải. Nhà văn viết "như chơi" với một bút pháp biến hoá già dặn. Thử đọc tiểu thuyết Blogger mà xem, ta sẽ thấy có sự pha trộn hài hoà của nhiều cách viết: nào là dòng ý thức, nào là độc thoại nội tâm, nào là tiểu thuyết tư liệu nào là đặc tả và chồng lấp với mờ ảo của điện ảnh, nào là hư thực lẫn lộn kiểu chuyện ma, chuyện liêu trai...

Vậy gọi Phong Điệp có phong cách gì? Nếu có thể gọi Phong Điệp đang là một phong cách?

Phong Điệp đang có đà, cứ để chị ấy viết đã. Văn xuôi của Phong Điệp có lúc gây cho ta cảm tưởng là chả văn vẻ gì cả, câu thì ngắn, cụt; đoạn nọ gắn với đoạn kia như một kịch bản phim... Đã thế, nội dung lại như là sự bê nguyên xi một ít cuộc đời vào trang viết mà thôi. Nhưng đừng coi thường, tôi nhắc lại, đừng coi thường, bạn hãy thử bê nguyên xi đi, nó sẽ phá vỡ cấu trúc của bạn, làm lệch dòng chủ lưu của mạch truyện mà bạn đang viết đấy. Phong Điệp giả bộ bê nguyên xi mà. Trong cái dòng văn tôn trọng sự thật, tin ở sự mẫn cảm của người đọc của Phong Điệp, hình như Phong Điệp có nhiều thành công hơn khi viết về cuộc sống công sở hôm nay. Cái sự "bê nguyên xi" này là có dụng ý của tác giả, khiến ta thấy ngột thở, chán ngán hơn là tin yêu và hy vọng. Như thế là Phong Điệp quá tay chăng, hay là sự thực vốn có nơi có chỗ như thế thì cứ để nó phơi bày, cho người ta ghét mà tìm cách cải tạo nó đi?

Ở trên tôi có nhắc đến chuyện Phong Điệp đến học ở Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du sau khi đã có 10 tập sách, đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Vâng, quả có thế. Khi học khoá II, thỉnh thoảng chị có vắng đôi buổi vì việc cơ quan không bỏ được, nhưng buổi nào đã đi, chị đều nghe và ghi rất chăm chú. Cẩn thận và chủ động tích cóp tư liệu, lại mạnh dạn viết theo cái cách của riêng mình, hợp với mình...Như thế, Phong Điệp đáng để chúng ta hy vọng, phải không?

Tác giả: Nguyên An

Nguồn tin: VanVN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây