Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


Nhà văn Ngô Phan Lưu không bao giờ tuyệt vọng

Nhà văn Ngô Phan Lưu.

Nhà văn Ngô Phan Lưu.

Viết và trả lời phỏng vấn đều tưng tửng theo kiểu “hỏi xoáy đáp xoay”, nhưng trong tầng sâu từng câu chữ, ẩn sau vẻ hài hước, sau những đối thoại sắc lẻm của Ngô Phan Lưu là một tấm lòng đôn hậu thương yêu con người.

Hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai

Ông từng thích gọi là cây bút hơn là nhà văn, bây giờ sở thích ấy có còn hay đã quen với hai từ nhà văn rồi?

- Bây giờ gọi “cây bút” hay “nhà văn” cũng đều được. Nhưng trong tầng sâu, tôi vẫn thích được gọi là “cây bút” hơn. Bởi vì “cây bút” thế nào cũng có ngày hết mực, và cây bút sẽ thôi làm cây bút. Tốt. Còn nhà văn luôn mãi ngoan cố nuôi ảo tưởng làm nhà văn. Dở.

Người ta vẫn ví Phú Yên như một ốc đảo yên lành, được sống trong ốc đảo ấy với những người dân quê hiền lành chân chất dường như chính là “thiên đường” của Ngô Phan Lưu cả về đời sống và văn học?

- Đâu có ai ví Phú Yên như một ốc đảo yên lành, nhưng nay ví mới tinh như thế cũng được. Còn những người dân quê hiền lành chân chất thì nay cũng không như thế nữa rồi. Quê hương, tôi luôn yêu mến và cố gắng phụng sự. Quê hương nay cũng khá giả và mỹ miều, nhưng đó không phải là “thiên đường”, vì thiên đường không có trên quả địa cầu này. Còn nếu tôi cố tình buộc nó phải là thiên đường thì tôi không phải là nhà văn nữa rồi.

Ông từng là một blogger khá nhiệt tình trong làng văn, nhưng lâu nay không thấy ông xài blog nữa?

- Hồi mới lập blog thì hăm hở lắm, nhưng nay chán rồi và dứt khoát bỏ luôn. Lý do quá hao thời gian và chẳng được cái tích sự gì. Nhiều khi lại rách việc.

Ông có phàn nàn gì về cuộc sống hiện tại?

- Phàn nàn cuộc sống hiện tại của mình với ai? Họ có giúp đỡ mình không? Còn phàn nàn với vợ con hoặc chính mình thì càng dở tệ. Vả lại, phàn nàn ích lợi gì? Thế nên, tôi không phàn nàn. Có khó khăn, khổ sở thì luôn gắng vượt qua, lại càng không bao giờ tuyệt vọng.

Nhưng đôi khi viết văn cũng là một cách phàn nàn?

- Viết văn, cho dù viết về phàn nàn, cũng không phải là phàn nàn. Tầng sâu của nó luôn là lột tả để hiểu sâu hơn về con người và đời sống.

Ông chưa bao giờ tuyệt vọng, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời?

- Đúng vậy. Tôi luôn tâm niệm điều Phật dạy: “Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng”. Thế nên, tôi không tuyệt vọng ngay trong những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời.

Điều gì đã cho ông niềm tin để có một thái độ sống vững vàng như vậy?

- Tôi tin điều dân gian truyền lại: “hết cơn bĩ cực, tới hồi thái lai”. Tin nơi quy luật thiên nhiên: đông tàn xuân đến. Tin vào đạo đức: ở hiền gặp lành... Những điều ấy đã giúp tôi sống vững vàng không áy náy.

Có điều gì khi còn trẻ chưa làm được khiến ông tiếc nuối?

- Tôi tiếc nhất lúc còn trẻ mình lại ham chơi, không học cao được. Nay già rồi thấy uổng quá.

Ông từng có những trăn trở rất hay về ký ức trong tạp văn “Ký ức loanh quanh”, hiện tại ký ức có vị trí thế nào với ông?

- Ký ức rất quan trọng đối với tôi. Có thể nói nó là một cái mỏ mà tôi khai thác hằng ngày. Trong cái mỏ ấy, đủ thứ thượng vàng hạ cám và rối tinh như cái rổ may của bà ngoại. Nhưng tôi quý nó lắm.

Nếu phát hiện được thì không phải là số phận

Có lẽ năng lượng văn chương luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, và nó phát lộ ở thời điểm nào trong đời là tùy vào cái duyên của mỗi người, ông có thể nói một chút về cái duyên ấy của mình?

- Tôi sa vào văn chương, cũng một phần do đọc sách nhiều. Ghiền đọc sách tai hại như thế. Một phần cũng do buồn quá nên viết để tiêu thời gian. Buồn phiền cũng tai hại không kém. Lại cũng có mục đích kiếm ít tiền. Chỉ có điều này là không tai hại, nhưng chúng lại ít quá. Theo tôi, dính vào văn chương là cái nghiệp, chứ không phải cái duyên. Nói cái duyên để cho đẹp thế thôi. Duyên gì ở đấy. Lao tâm khổ trí, tiền bạc ít ỏi, mà lệch lạc một cái là sinh “to chuyện” ngay. Biết vậy, nhưng không thể thoát khỏi cái nghiệp chướng ấy. Đành vậy.

Ông từng nói “nếu phát hiện số phận đánh lừa mình thì sẽ… đánh lừa lại số phận”, đến nay ông đã phải làm điều đó chưa?

- Úi trời, đúng là có lần tôi đã nói như thế, lâu rồi. Nhưng từ ấy đến nay, tôi chưa phát hiện được số phận đánh lừa mình. Có lẽ đến khi xuống lỗ tôi vẫn không phát hiện được. Vì nếu phát hiện được thì nó không phải là số phận nữa rồi. Nay tôi hiểu thêm điều ấy, và câu nói cũ của tôi đã mâu thuẫn từ căn bản. Khốn đốn quá, bực mình quá mà nói găng thế thôi. Nhưng dù sao, đó cũng là dấu ấn của một nghị lực đáng quý.

Trang bìa cuốn sách mới của Ngô Phan Lưu.

Có khi nào ông nghĩ cái nghiệp văn chương của mình cũng là một… trò đùa của số phận?

- Như trên nói rồi. Đã là số phận thì làm sao mình phát hiện đó là trò đùa, cho dù mình đang ở trong trò đùa. Thôi thì cứ coi văn chương là số phận của mình. Không ca thán.

Ông từng dành hẳn một truyện ngắn để triết lý về bộ râu của mình, nó nói lên điều gì về Ngô Phan Lưu ngoài việc ông… có một bộ râu đẹp?

- Do tôi thích râu nên mới để râu. Người ta đã nhìn quen mắt, mà cũng khen, thế cho nên tôi không cạo. Râu nó nói to lên rằng chủ nó đã già. Chủ nó là đàn ông. Nó nhắc nhở mình như thế để mình khỏi quên. Thế là tốt lắm.

Cũng trong một truyện ngắn ông đã cho nhân vật nhà văn nam khi được hỏi cảm tưởng về các nhà văn nữ nói rằng “thích tác giả hơn tác phẩm”, còn ngoài đời ông đánh giá các nhà văn nữ thế nào?

- “Thích tác giả hơn tác phẩm” là việc xảy ra trong truyện ngắn đậm chất hư cấu về cảm tưởng đối với nhà văn nữ. Còn ngoài đời tôi luôn tôn trọng cả hai.

Điều dễ nhận thấy trong các truyện ngắn của Ngô Phan Lưu là mô tuýp những giấc mộng, ông thường cho nhân vật của mìnhthoát ly hiện thực bằng cách đẩy họ vào những cơn mơ, còn tác giả của nó ngoài việc thoát ly đời sống bằng các… nhân vật có còn cách nào khác?

- Không có chuyện các nhân vật thoát ly hiện thực bằng các giấc mơ. Giấc mơ chỉ là một biện pháp nghệ thuật vô cùng thoải mái cho ngòi bút để khắc họa tinh thần nhân vật. Cũng không có chuyện tác giả thoát ly đời sống bằng các nhân vật. Nhân vật cũng là một biện pháp nghệ thuật để thám hiểm cuộc sống. Một con người đang sống không thể nào thoát ly đời sống cho dù trong vài phút. Vì sự thoát ly ấy cũng chính là đời sống.

Mỗi con chữ như một người lính

Trong các tác phẩm của ông, con người thường hay bị lên án, bị chê ác không bằng loài vật, thậm chí không bằng những vật vô tri, phải chăng càng sống lâu thì người ta càng thấm thía những sự rất không ổn của loài người mà chính mình đang dự phần?

- Cái ác của con người thì rõ như ban ngày và càng ngày càng nhiều đến phát tởm. Điều này không cần sống lâu mới biết. Nó nhan nhản. Vậy làm sao cho con người bớt ác? Nếu có câu hỏi ấy, thì tôi cũng lọt thỏm trong câu hỏi ấy, vì tôi cũng ác như người khác, chớ đâu có hiền.

Đọc những gì ông viết, người đọc dễ hình dung đến một ông già tai quái, ưa triết lý bắt bẻ. Còn ông, ông tự họa mình thế nào?

- Người đọc hình dung tôi thế nào cũng được, xấu hoặc tốt tôi cũng đều cảm ơn. Còn tôi thì tôi biết tôi không phải là người như anh vừa nêu. Tôi đơn giản quá, nên giống tai quái. Tôi ưa nói thẳng, nên giống bắt bẻ thế thôi. Tôi không tự họa mình được. Muốn biết, tôi phải soi gương, nhưng đó chỉ là cái bóng không thật.

Ông lựa chọn viết ngắn để theo đuổi hay đó là cái tạng riêng của mỗi nhà văn?

- Cái tạng của tôi ưa viết ngắn. Và tôi cố gắng phát triển cái viết ngắn ấy thành ngắn hơn. Tôi quan niệm mỗi con chữ như một người lính. Chú nào không có nhiệm vụ cụ thể, thẳng tay cho xuất ngũ.

Dường như  ý tưởng đến với ông một cách tự nhiên và nhàn tản, có bao giờ ông cảm thấy bí đề tài viết?

- Tôi luôn cố gắng vươn tới giản dị và chính xác. Chính giản dị và chính xác gây cho người đọc có cảm giác nó đến tự nhiên và nhàn tản. Còn việc bí đề tài vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Thế nên, đôi lúc tôi phải viết về chính cái bí ấy để thoát bí.

 

Nhà văn Ngô Phan Lưu sinh năm 1943 (trong lý lịch ghi 1946) tại Phú Yên. Dù đến với văn chương khi đã ngoài năm mươi tuổi nhưng ông đã kịp xuất bản 5 tập sách: Bếp lửa chiều đông (Thơ, 1997); Người không giăng câu Kiều (Tập truyện ngắn, 2004); Cơm chiều (Tập truyện ngắn, 2008); Xoa tay và cười (Tập truyện ngắn và tản văn, 2009); Con lươn chép miệng (Tập truyện ngắn, 2010).

Ông đoạt Giải nhất cuộc thi truyện ngắn tuần báo Văn nghệ - Hội nhà văn VN năm 2006-2007 với 2 truyện ngắn “Buổi sáng biến mất” và “Cơm chiều”.

Tác giả: Dương Tử Thành

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây