Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


Thầy ơi!

Hồi trẻ, tôi là một đứa con gái ngang ngạnh, cũng may mà trời phú cho tôi một nhan sắc nổi trội. Tôi học giỏi nhưng tính kiêu căng, hễ có bạn nào trội hơn thì lập tức bứt phá một cách điên cuồng, nhất là khi bạn đó là con trai. Cái cá tính ấy khiến tôi chẳng thể nhận ra sự cạnh khoé của bạn bè, tôi đâu biết rằng mình ích kỷ, tự phụ đến nỗi không bao giờ cảm thấy hài lòng.

Vào cấp ba, tôi vẫn mang theo niềm kiêu hãnh ấy. Thêm nữa đến tuổi dậy thì, nghe mọi người khen tôi xinh, mẹ tôi vui lắm. Bắt đầu tôi để ý đến ánh mắt của đám bạn trai. Bọn con trai gắn cho tôi cái biệt danh “hoa khôi” càng làm cho tôi kênh kiệu thêm. Trong đám bạn gái, thân với tôi nhất là Phương, con một cán bộ lãnh đạo huyện. Phương hiền lành, đôi mắt khá thông minh, học giỏi, mọi cử chỉ đi đứng, quan hệ bạn bè đều tỏ vẻ dịu dàng dễ chịu. Ai cũng quý mến Phương, kể cả tôi. Năm lớp chín, một lần Phương nói:

- Huyền ơi, ước gì tớ xinh như cậu nhỉ.

Tôi nhìn nó thầm ghen tị:

- Mày tham thế thì trời ban bao nhiêu cho vừa.

- Tao nói thật đấy, nhiều bạn trai để ý đến mày lắm. Có thằng thì bảo mày đang yêu, nó nhìn mắt mày nó biết.

- Vớ vẩn, cái gì mà luyên thuyên vậy. Tao đang suy nghĩ, học xong cấp ba, hầu hết bọn con trai ra mặt trận, bọn mình thì mỗi đứa chọn một con đường tu nghiệp. Con trai lớp mình chẳng mấy đứa được mẽ, tao chỉ vệch vạc mấy nét bút chì là rõ từng đứa.

Tôi mỉm cười nhìn Phương:

- Ngoài học hành  hãy vô tư cho thỏa.

- Mày lo xa hơn tao tưởng, “bà già” từ lúc nào vậy?  Đến lượt Phương mát mẻ tôi.

Kết thúc những câu chuyện búa xua, chúng tôi cười thoải mái và thưởng cho nhau một trận cù nôn.

*

Giữa học kỳ năm lớp chín, thầy Mẫn chủ nhiệm lớp tôi sang chủ nhiệm lớp khác. Thầy Hải tốt nghiệp khoa toán trường Đại học Sư phạm Vinh về cơ quan Bộ công tác mấy năm thì được điều về trường nhận chủ nhiệm lớp tôi. Thầy hơn bọn chúng tôi tám chín tuổi, dáng người cao, gọn, khuôn mặt rất đàn ông với đôi mắt to sáng. Quê ở ngoại thành Hà Nội, là con liệt sĩ nên thầy được ưu tiên không phải đi bộ đội. Về nhận chủ nhiệm lớp tôi vào một ngày mưa, tay xách đôi dép cao su tuột quai, thầy phải bấm những ngón chân thường xuyên đi giày xuống nền lớp học. Căn nhà hầm sâu dưới mặt đất khoảng bảy tám mươi phân, tường đất đắp cao gần một mét, khung nhà bằng tre mái rơm khá dày để chống bom bi. Chẳng có ai đưa thầy đến, thầy tự giới thiệu mình về thay thầy Mẫn. Thế rồi giờ học bắt đầu, thầy giở sổ điểm lần tên học sinh để kiểm tra bài cũ, sau khi gọi lớp trưởng, thầy gọi đến tôi. Tôi đang chăm chú quan sát thầy thì giật mình, một thoáng bối rối, bước lên bảng giải một bài tập không được trôi chảy trước sự ngỡ ngàng của cả lớp. Dường như ai cũng thấy mình được nâng đỡ, lớp 9H như tiếp nhận được một luồng khí mới. Chỉ có tôi, tự nhiên tôi cảm thấy bị áp lực, sự trễ nải trong học tập không thể nào giấu kín được.

Gần đây máy bay Mĩ đánh phá trung tâm thị xã rất dữ dội. Không khí sẵn sàng nhập ngũ ở lớp tôi cũng rộn rạo hẳn lên. Độ này tôi hay nhận được thư bạn trai, những lời tán tỉnh nhạt thếch, nhưng lại có những lá thư bày tỏ chân thành đến mức không thể không nâng niu. Long hơn tôi một tuổi, hết năm học này là anh mười tám tuổi, chúng tôi đều gọi Long bằng anh. Cuối năm ấy chúng tôi tiễn Long lên đường, Tôi tặng Long một tấm ảnh đen trắng cỡ ba nhân bốn có ghi ở mặt sau: “Hẹn ngày trở về!”.

Chúng tôi lên lớp mười, thầy Hải vẫn chủ nhiệm. Đầu học kỳ hai lực học của tôi bị sa sút, thầy Hải động viên tôi, thầy bảo hãy thả lỏng tinh thần, sắp xếp lại kế hoạch học tập cho hợp lý để tránh áp lực.

Một hôm tôi nghe tin thầy Hiệu trưởng gọi thầy Hải lên phòng giám hiệu để huấn thị. Nào là truy chụp cho thầy Hải mang tư tưởng tiểu tư sản, tiêm nhiễm phong cách ăn mặc cho một số học sinh không phù hợp với thời chiến, nào là có cảm tình với học sinh nữ, còn có cả cảm tình riêng .v.v… Ông còn doạ dẫm gì đó làm thầy không kìm được :

- Tôi xin ghi nhận ý kiến của Hiệu trưởng để tự liên hệ về mình. Có điều, tôi xin hỏi Hiệu trưởng là quần áo học sinh may bằng vải phân phối, lấy đâu mà chưng diện. Tôi chỉ là người hướng dẫn các em may mặc cho đúng cách, vừa vặn, gọn gàng, khoẻ khoắn. Nhiều em còn mặc quần dải rút, tôi góp ý sửa thành quần phăng, có thế thì sao lại gọi là ăn chơi. Cá nhân tôi, tư trang mang về đây toàn là những bộ quần áo cũ. Hiệu trưởng có yêu cầu phải thay đổi cách ăn mặc thì tôi đào đâu ra phiếu vải bây giờ. Việc cảm tình với học sinh nữ thì chỉ đúng một nửa, vì rằng tôi cũng có cảm tình với cả học sinh nam.

Thầy Hiệu trưởng đuối lý, hạ giọng:

 - Tôi nhắc nhở đồng chí rút kinh nghiệm. Đồng chí phải biết làm quen với hoàn cảnh thời chiến. Thiếu thốn, gian khổ thì phải như nhau chứ… Thầy Hải ngắt lời:

- Thưa Hiệu trưởng, dù trong hoàn cảnh nào thì cũng phải dạy cho học sinh của chúng ta nên người. Ngoài kiến thức văn hoá ra, chúng ta cần phải hiểu các em, cần phải trau dồi vốn sống cùng các em.

Ánh mắt thầy rực cháy, cương nghị:

- Điều tôi vừa nói đều là trách nhiệm chung của mỗi bậc thầy, của Hiệu trưởng, của tất cả những người đang làm nghề cao quý này.

Sau hôm đó chúng tôi nhận thấy thầy trầm tư, không khí của lớp 10H có phần lắng xuống. Những giờ toán, cả lớp vẫn chăm chú nghe giảng, thầy vẫn say sưa tận tình, thế nhưng có tiết hầu như chẳng vào đầu tôi được tí tị nào. Vào một tiết học như vậy, bất ngờ thầy gọi tôi lên bảng, tôi ấp úng, cả lớp lại ngạc nhiên. Thầy nhìn tôi với ánh mắt đầy vẻ trách móc pha lẫn sự chia sẻ cảm thông. Tôi đứng vịn vào mép bảng nghe thầy giảng lại cách giải một bài tập lượng giác. Sau buổi học, tôi đạp xe như bay trên con đường gồ ghề đầy ổ gà, chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô tự nhiên chịu một cơn hờn giận cuồng phong.

Lại một hôm nhà trường nhận xét phong trào học tập lớp tôi sa sút. Vai trò thầy chủ nhiệm cần phải xem lại. Còn gì  xảy ra với 10H nữa đây. Thầy Hải vẫn giữ vẻ bình thản, có lẽ thầy không muốn chúng tôi phân tán tư tưởng.

Đúng vào những ngày ấy thì tôi nhận được thư của Long. Anh được huấn luyện pháo binh và được phân vào một đơn vị ở Quảng Bình. Thư viết vội vàng, mộc mạc, cuối thư Long gửi lời tôi thăm hỏi đến thầy hai Hải, Phương, cùng các bạn trong lớp. Nhưng mà làm sao tôi chuyển lời được, cái Phương mà biết thì nó đòi xem thư ngay, mà đây hẳn là một bức thư tình, nhất là tôi sợ thầy Hải biết chuyện, dù rằng tôi vẫn chưa mảy may yêu Long.

Đầu óc mông lung, tôi thương Long, với thầy Hải thì tôi vừa kính trọng vừa yêu thương, lại vừa giận hờn. Cảm giác một ngày nào đó phải xa thầy cứ choáng ngợp trong tôi. Hồi đó tôi đã có cảm nhận, với những người như thầy Hải, như Long thuộc mẫu đàn ông lý tưởng đối với nhiều phụ nữ, “người tình” trăm năm với một trong hai người đàn ông kia hẳn là sẽ rất hạnh phúc. Còn Phương, dù thế nào thì vẫn là một người bạn tốt của tôi, nó xinh xắn, hiền lành, lại rất thông minh. Tôi ghen tị với nó nhưng luôn cầu mong cho nó thuận buồm xuôi gió trong cuộc sống cũng như sự nghiệp. Tôi thầm cảm ơn sự hiện diện của thầy Hải. Thầy đã trở thành thần tượng trong tôi.

*

Tôi đã kịp soi lại chân dung của mình, định bụng chủ động một cuộc tâm sự với thầy Hải thì đột ngột nhận được tin thầy chuẩn bị nhập ngũ. Cả lớp bàng hoàng, thầy Hải cũng phải ra mặt trận ư? Sao bảo thầy là con liệt sĩ thì được miễn!

Trong lúc tôi đang tự dằn vặt thì giờ ra chơi Phương kéo tôi ra sau lớp:

- Mày biết lý do thầy Hải nhập ngũ không?

- Làm sao tao biết được. Mày nói nhanh lên.

- Thầy làm đơn tình nguyện đến ba lần. Người ta bảo thầy tha thiết đề đạt nguyện vọng được trực tiếp ra mặt trận cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

- Làm sao mày biết?

- Thầy Việt dạy văn nói với tao.

Lại một lần nữa tôi ghen tị. Nó sâu sắc đáng tin cậy. Người khác cũng có thể tâm sự những điều bí mật với nó. Nó đang được người khác hâm mộ, còn mình “nổi tiếng” có lẽ chỉ ở cái mẽ ngoài đáng được để mắt.

Ba tiếng kẻng, hiệu lệnh vào lớp. Không khí buổi học  hôm đó trầm lắng. Có lẽ cả lớp mỗi đứa đều đang theo đuổi một ý nghĩ riêng. Cuối giờ Địa lý, tự nhiên thầy Dung nói với lớp:

- Chắc các cô, các cậu biết rồi, tuần sau là thầy chủ nhiệm đẹp trai sẽ lên đường nhập ngũ. Tuổi trẻ mà, lý tưởng là cầm súng. Hoài bão ước mơ là ở ngoài mặt trận. Như bọn tôi đã quá lứa nhỡ thì, đành chung thuỷ với nghề bán cháo phổi vậy.

Tôi cố lắng nghe thầy Dung nói, còn lắng nghe kỹ hơn nghe giảng bài. Nó vừa như có ý cảnh báo mát mẻ, vừa như xổ ra sù đố kị từ trong lòng người.

Buổi học kết thúc, mấy đứa chúng tôi rủ nhau đến phòng thầy Hải vào buổi trưa. Phòng thầy ở cuối dãy nhà lá, hai bên là vách ngăn bằng giấy dầu. Chỉ còn mấy thầy trò chúng tôi, thầy Hải cười. Nụ cười ánh lên niềm kiêu hãnh của một “đấng mày râu” thực sự. Thầy lên tiếng:

- Chắc các em biết tuần sau thầy lên đường nhập ngũ, thầy rất nhớ các em. Những ngày về trường ta đối với thầy là những ngày hiểu rất nhiều về cuộc sống, về con người. Có nhiều điều nhẽ ra các em phải được tiếp thu. Có những điều ngoài sách vở mà những người làm thầy cần phải trau dồi cho các em thì không được phép.

Dừng lại, thoáng một nét ưu tư, thầy tiếp:

- Ước gì sớm hoà bình thầy lại được trở về với nghề, Thầy lại cười, nụ cười đầy ý vị, thầy nói tiếp: “ Trai thời loạn, gái thời bình”. Bây giờ đất nước đang còn chiến tranh, trai gái lần lượt lên đường, biết đâu một ngày nào đó thầy trò lại gặp nhau ở ngoài mặt trận.

Trưa hè chói trang, bầu trời hôm nay bỗng đẹp lạ thường. Tiếng ve ngân vang thành bè trầm bổng dội vào ký ức học trò. 

- Thầy ơi, nghe thầy nói cứ như tiểu thuyết. Tôi phá tan khoảnh khắc yên lặng. 

- Thầy ơi, thế chính thức ngày nào thầy đi, Phương dè dặt hỏi.

- Thứ bảy tuần sau thầy đi, nhưng giờ thì chưa biết. Tập trung trước trên huyện, chắc giao quân vào ban đêm.

- Thế tại sao thầy là con liệt sĩ mà không được miễn? Một bạn trai hỏi.

- Lúc này hơn bao giờ hết thầy mới hiểu rõ ý nghĩa của cuộc sống. Cha thầy hy sinh năm 1968 ở mặt trận Đường Chín Nam Lào. Thầy có hai anh em, em gái thầy đang học ở Liên Xô. Thầy muốn tự khẳng định mình, không muốn vì được hưởng ưu đãi. Chắc hương hồn cha thầy sẽ vui khi biết con mình xung phong cầm súng. Chỉ thương mẹ ở nhà một mình, nhưng chắc bà hiểu con, bà chưa biết chuyện. Mẹ thầy là giáo viên văn cấp hai. 

Phương về nhà tôi. Đêm hôm đó chúng tôi vạch kế hoạch cho dự định chia tay thầy Hải. Lan man một lúc chúng tôi ngủ lúc nào không biết.

Cuối buổi học hôm sau đã diễn ra buổi chia tay giữa thầy chủ nhiệm với lớp tôi. Mọi người yêu cầu tôi hát, tôi đã hát bài “Tự nguyện”. Chưa bao giờ tôi hát cháy mình như thế.

Hôm sau thầy Hải về Hà Nội. Chúng tôi mong đợi từng khắc thời gian. Và rồi thầy trở lại trường trước khi lên huyện tập trung một ngày. Tối hôm ấy nhóm chúng tôi hơn chục đứa ở phòng thầy tới khuya, chuyện trò rôm rả. Việc nhập ngũ của Hải không còn là sự bất bình thường nữa mà sự “lên đường” của thầy trở thành niềm tự hào của lớp 10H.

*

Thấm thoắt tôi đã là sinh viên năm thứ ba khoa văn Đại học Tổng hợp, Phương là sinh viên khoa toán Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm đầu chúng tôi  nhận được nhiều thư của thầy Hải, thầy xưng hô trong thư với tôi là “thầy” với “Huyền”. Nghe cách xưng hô thì trìu mến nhưng giọng văn nghiêm túc lắm. Một hôm tôi sang thăm Phương, tình cờ đọc được mấy dòng thư của thầy Hải viết cho Phương, mở đầu: “Phương. Em thân yêu!” Tôi ngớ người ra, liếc nhanh xuống cuối thư “Tạm biệt. Hôn em!”. Thì ra họ đã yêu nhau, cái tình yêu đã ủ mầm từ lúc nào mà tôi không hay biết. Thế là cái Phương bạn tôi bắt đầu được nhớ nhung, được chờ đợi, được tha hồ khát vọng. Cho đến một lần Phương tự bộc bạch với tôi rằng khi chia tay, thầy Hải đã trao vội cho nó một bức thư vẻn vẹn mấy dòng: “Xin lỗi Phương, em thực sự đã trưởng thành. Tôi yêu em, nếu có thể được, hãy trả lời. Khi nào có hòm thư sẽ báo tin cho em và mong nhận được câu trả lời từ em. Bằng không, chắc tôi không dám nghĩ tới ngày gặp lại. Tạm biệt người tôi yêu!”, ký tên “Trần Thế Hải”.

Phương kể, nó đã khóc thầm mấy đêm. Nó thương thầy Hải, nó thương tôi. Nó vẫn nghĩ thầy Hải dành tình cảm cho tôi nhiều hơn. Thật là bất ngờ đối với cả hai đứa. Đột nhiên tôi lại nhớ đến Long, chắc giờ này Long đang trực chiến bên một mâm pháo.

*

Tôi đã nhận lời yêu Long vào cuối năm đại học thứ hai. Tôi đã hiểu thế nào là tình yêu, tình yêu chấp nhận tất cả khi nó thực sự bùng cháy trong nhau, tình yêu là tự dâng hiến, nhưng cũng sẵn sàng chấp nhận cả hy sinh, mất mát.

Tôi và Phương ra trường mỗi đứa một nơi. Tôi trở thành nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học công tác ở Hà Nội. Phương trở thành cô giáo của trường cấp ba ở chính quê hương mình. Từ khi ra trường, lâu lắm chúng tôi không gặp nhau, thư từ cũng thưa dần.

Tin sét đánh giáng xuống tôi khá bất ngờ, sau khi đại thắng mùa xuân năm 1975, tôi nhận được một lá thư của đồng đội Long gửi ra, Long đã hy sinh trong chiến dịch Hồ Chí Minh trên đường tiến quân từ Tây Nguyên xuống Sài Gòn. Không khí sau ngày giải phóng cứ ngùn ngụt đất trời Thủ đô Hà Nội, nhưng tôi thì đau xé ruột xé gan, tôi khóc ròng rã một mình không một ai chia sẻ. Tôi quyết định về quê, đến nhà Long. Gia đình anh cũng nhận được một lá thư của đồng đội Long báo tin. Bố mẹ anh đã được anh kể rõ trong thư về tôi, bởi thế tôi được gần gũi và được cùng chia sẻ nỗi đau thương mất mát vô bờ bến cùng mọi người. Ghé qua nhà tôi thăm mẹ, chưa kịp hỏi thăm ba tôi thì tôi đã khóc: “Sao đời con lại như thế này hả mẹ ơi. Con không tin, con không tin là Long đã hy sinh. Mẹ tôi an ủi rất nhiều, rồi mẹ cũng khóc.

Tôi dự định một chuyến đi dài để nghiên cứu về đặc điểm văn học vùng cao. Đang chuẩn bị cho chuyến đi thì nhận được thư của thầy Hải và Phương, kèm theo thiếp mời cưới của hai người. Thầy Hải đã ra quân và trở về trường dạy học cùng với người yêu, nghe đâu thầy bị thương, sức ép bom đạn đã làm thầy yếu đi nhiều. Tôi đang lưỡng lự thì có yêu cầu nhóm công tác chúng tôi phải lên đường. Hồi ấy phương tiện đi Tây Bắc hết sức khó khăn nên tôi không thể lùi lại để đi một mình. Còn một tuần nữa thì đám cưới thầy Hải và Phương được tổ chức.

Đêm đó tôi ngồi viết thư cho thầy Hải và Phương, thư ngắn chỉ vẻn vẹn  một trang giấy mà chứa đựng biết bao điều. Thông minh như Phương chắc là nó thấu hiểu nỗi lòng của tôi và cảm thông cho tôi, cuối thư tôi viết: “… Thầy ơi, em chúc thầy có một mái ấm gia đình hạnh phúc như em đã từng mong đợi, em “cấm” thầy không được để Phương buồn nghe thầy!”. Tôi viết thư cho em gái nhờ chuẩn bị tặng phẩm mừng đám cưới, việc đó đối với em gái tôi chẳng khó khăn gì vì em tôi làm việc ở ty Thương nghiệp cùng với ba tôi.

Hành trình Tây Bắc của tôi không ngờ lại là một hành trình định mệnh. Trong đoàn có một người tên là Minh, anh hơn tôi năm tuổi, tôi hai sáu, anh ba mốt, vóc người hơi nhỏ, khuôn mặt có vẻ điềm tĩnh đôi mắt kín đáo, tiềm ẩn những điều hệ trọng. Tôi coi Minh như một người anh trai, thế mà thái độ của Minh trước tôi thì buồn cười lắm. Tôi đã nhận thấy Minh là người đáng gần gũi, anh giỏi về chuyên môn, ba mươi tuổi Minh đã có những tác phẩm đáng nể.

Rong ruổi hơn hai tháng trời trên vùng Tây Bắc, ngày mai chúng tôi trở về Hà Nội. Chiều hôm đó Minh rủ tôi lên một mỏm đồi. Ngồi nhìn khung cảnh nơi đây, người ta có thể mặc sức mà tưởng tượng, mà thả hồn bay bổng theo trời mây trùng điệp núi rừng. Chất lãng mạn mặc sức mà tung hoành, nó có thể phá tung sự kìm kẹp của lý trí, nó có thể vượt qua mọi sự khuôn sáo, giáo điều, mọi lý thuyết đạo đức giả tạo của cuộc đời. Đang mải nghĩ thì Minh quàng tay lên vai tôi thủ thỉ:

- Huyền đã có người yêu chưa?

- Chưa! Tôi đã nói dối, nhưng không quan trọng. Tôi ngồi im, để mặc cánh tay Minh trên vai mình.

- Anh không tin,

Tôi quay người lại nhìn Minh bình thản:

- Anh Minh này, liệu anh có chấp nhận một người con gái ôm mối tình đầu để sống bên anh đến trọn đời không?

Minh trân mắt nhìn tôi, một cái nhìn dày dạn kinh nghiệm:

- Người đó có thể là em? Anh nghĩ rằng với anh thì đâu phải là gì chứ. Em cứ ôm bao nhiêu mối tình trước đó thì anh cũng vẫn nâng niu, trân trọng,  em có tin không?

Tôi bật khóc, khóc thành tiếng. Vòng tay Minh ghì chặt lấy vai tôi, tôi hơi gồng lên cưỡng lại với một bản năng tự vệ yếu ớt.

Anh ấy đã hy sinh tháng tư năm bảy lăm rồi anh ạ.

Sự nhạy cảm đã làm cho Minh kịp dừng lại, anh nhìn vào mắt tôi, đặt hai bàn tay lên hai vai tôi: “Thông cảm cho anh”. Sự tinh tế ấy đã chinh phục được tôi.

Một năm sau tôi và Minh làm đám cưới. Hai năm sau chúng tôi có một bé gái. Cái thời bao cấp, dân văn chương chúng tôi nuôi miệng còn chưa đủ. Năm 1981 bé Hương được hai tuổi tôi đưa bé về cho ông bà ngoại nuôi. Đột nhiên một tác phẩm của Minh bị công kích, xuy xét, bị cho là đi ngược lại quan điểm Chủ nghĩa xã hội. Một số đồng nghiệp đọc thì khen lắm, nhưng khi bị quy kết thì không một ai lên tiếng. Thế là chồng tôi bị “treo bút”. Anh bỏ vào miền Nam nương tựa vào sự cưu mang của đồng nghiệp, chờ đợi sự phán xét. Anh để lại cho tôi một lá thư và một tờ đơn ly hôn. Tôi đau đớn trong thầm lặng và thương anh, một con người ngay thẳng và tài năng. Có lẽ chỉ vì giàu giả tưởng mà nên nông nỗi này. Tôi thường về thăm bé Hương, mẹ tôi bảo nó là bản sao của tôi nhưng đôi mắt thì giống mắt bố Minh.

Lâu lâu chồng tôi mới lại gửi một bức thư, sau vài dòng là anh ấy đã hỏi tôi giải quyết ly hôn xong chưa, cuối cùng thì gửi cho bé Hương một ngàn nụ hôn của người cha tội nghiệp. Quãng thời gian đó tôi hay về quê nhưng chẳng nghĩ đến việc thăm bạn bè, kể cả thầy Hải và Phương, chỉ nghe tin thầy Hải bệnh tật ốm đau luôn, mẹ thầy sang nước ngoài ở với con gái, em gái thầy lầy chồng ngoại quốc rồi định cư luôn ở bên ấy.

*

Phương thỉnh thoảng đến nhà thăm ba mẹ tôi, mẹ tôi kể: “Nó quý bé Hương lắm, đồ dùng, sách vở học tập của bé Hương hầu hết là do cô Phương mua, mặc dù ông bà ngoại chẳng để nó thiếu. Năm bé Hương thi được vào cấp ba, Phương xin cho nó vào lớp chuyên toán do Phương chủ nhiệm. Phương coi con tôi như con của nó, không bao giờ Phương động đến chuyện của chồng tôi”. Tôi thầm thán phục Phương, nhưng cũng thương nó. Suốt ba năm học thầy Hải đã ra sức kèm cặp cho cháu Hương. Thầy luôn khen nó xinh và thông minh giống mẹ, nó vui lắm.

Cái năm cháu Hương chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông trung học thì tôi nhận được thư của chồng tôi, anh báo tin là đã cùng chung sống với một người phụ nữ Việt kiều mới về nước, họ sống với nhau hoà thuận nhưng không giá thú. Anh nói hãy tha thứ cho anh ấy và xin tôi hãy sớm làm xong thủ tục ly hôn thì anh ấy mới đăng ký kết hôn với người đàn bà kia được.

Tôi cầm tờ đơn xin ly hôn ố vàng, mắt nhoà đi. Tôi định. Tôi đặt tờ đơn vào ngăn kéo, nơi nó đã nằm im chứng kiến những ngày tháng cô đơn âm thầm đau đớn của tôi.

Con gái tôi vào thẳng Đại học, cháu ở ký túc xá chứ không ở cùng mẹ. Bấy giờ con gái tôi cứ hai ba ngày đến với mẹ một lần, khi tôi đi vắng thì nó đến coi nhà. Mỗi khi tôi hỏi thăm nó về thầy Hải và Phương thì nó vui lắm, dường như nó chỉ mong có vậy.

Năm thứ ba cái Hương được học bổng đi du học nước ngoài, nó đang làm thủ tục, tháng sau thì xuất ngoại. Gần đây nó cứ nhắc tôi sớm về thăm thầy Hải và cô Phương. Hai con của họ đều học xuất sắc, đang học cả trên Hà Nội, có lần chúng tìm đến thăm tôi mà không gặp, hai đứa viết giấy lùa qua khe cửa. Lòng tôi như lửa đốt, định bụng hai mẹ con sang tuần sẽ về thăm và nhận lỗi với thầy Hải và Phương, đang sắp xếp thì nghe tin thầy Hải  bị trọng bệnh, đột ngột ra đi.

Tôi như sắp ngã quỵ xuống! Số phận sao hà khắc, sự đời sao lắm éo le. Một con người trong sáng, nhân hậu và cao trọng như thầy Hải đã phải sớm từ giã cõi trần?

Hai mẹ con tôi cùng mẹ con Phương đứng trước linh sàng người quá cố, nhìn tấm ảnh của thầy Hải tôi nghẹn ngào, ký ức ùa về, tôi đang đứng trước thần tượng của tôi, thầy giáo đáng kính của tôi. Và thầy “Hải” trong tôi là hình bóng một trái tim nhân hậu, thiêng liêng và cao thượng. Tôi muốn hét lên.

“Em đã từng đơn phương yêu thầy, yêu mãnh liệt hơn cả yêu một thần tượng, nhưng khổ nỗi thời ấy trên đời này lại có cả em, cả Phương. Trái tim thầy chỉ được phép hoà nhịp với một người. Thầy đã chọn Phương! ” Tôi như gục xuống và miệng bật thành lời:

Thầy ơi! Hãy tha thứ cho “Huyền” thầy ơi!”

Tác giả: Đinh Ngọc Lâm

Nguồn tin: Văn nghệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây