Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


Những bức ảnh để đời của nghệ sĩ Lâm Hồng Long

Bức ảnh "Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn"

Bức ảnh "Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn"

Theo thông tin từ Báo Tuổi trẻ thì chính bức ảnh "Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn" do nghệ sĩ Lâm Hồng Long thực hiện từ nửa thế kỷ trước là cơ sở quan trọng để BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ 2005 - 2010 căn cứ đề nghị Nhà nước công nhận ngày 3/9 hàng năm là Ngày Âm nhạc Việt Nam.

Ông không phải là người mà tên tuổi được nhắc nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ không phải ai cũng biết đến tên ông. Vậy nhưng ông lại là một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh ngay từ đợt đầu tiên (năm 1996) với những tác phẩm đẹp một cách hoàn hảo: Các bức "Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn", "Mẹ con ngày gặp lại" (hay còn gọi là "Ngày hội ngộ") - những bức ảnh có bố cục chặt chẽ, chi tiết sinh động và rất giàu tính khái quát, từ lâu đã trở nên phổ biến với toàn thể đồng bào trong nước cũng như không ít bạn bè quốc tế.

Ông là nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long...

1. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long sinh năm 1925 tại Phước Lộc, thị trấn La Gi, huyện Hàm Tân (nay là thị xã La Gi) tỉnh Bình Thuận. Mặc dù từng đoạt nhiều giải thưởng với các tác phẩm ảnh như "Bác Hồ với các dũng sĩ miền Nam", "Bác Hồ tặng hoa mẹ Suốt", "Bác Hồ trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì sáng mồng hai Tết Kỷ Dậu 1969", "B52 cháy trên bầu trời Hà Nội năm 1972", song trong hơn 40 năm cầm máy theo sát các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, kỷ niệm sâu sắc nhất đối với ông vẫn là việc ông thực hiện bức ảnh "Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn" nhân dịp thủ đô Hà Nội mở dạ hội tại Công viên Bách Thảo chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III.

Nghệ sĩ Lâm Hồng Long nhớ lại: Tối hôm ấy (3/9/1960), Thông tấn xã Việt Nam (nơi ông đang công tác) giao cho ông nhiệm vụ chụp ảnh buổi dạ hội. Trong khung cảnh hoành tráng của buổi lễ, Bác Hồ xuất hiện và trước sự phấn chấn của các đại biểu, Người ung dung lên thẳng bục nhạc trưởng cầm đũa chỉ huy dàn nhạc biểu diễn  bài ca "Kết đoàn", một bài ca quen thuộc vẫn được đồng bào, chiến sĩ ta hát vang trong các dịp mít tinh, hội nghị. Cánh phóng viên loay hoay tìm vị trí bấm máy  sao cho chụp được hình ảnh Bác ở một tư thế nghệ thuật nhất. Việc này hơi... khó  vì Bác luôn hướng về phía dàn nhạc công và ban hợp xướng. Ai đó có muốn chụp thì cũng chỉ lấy được phần... lưng của Bác mà thôi.

Như các phóng viên khác, thoạt đầu Lâm Hồng Long cũng lúng túng chưa biết phải chọn góc độ nào, nhưng ông đoán thể nào Bác cũng sẽ quay về phía các nhà báo đang nâng ống kính chờ tác nghiệp. Song bài hát đã vào đoạn kết mà chưa thấy Bác quay lại, cánh phóng viên sốt ruột vội chuyển chỗ vào góc phía trong ban nhạc để chụp được chân dung Bác. Chỉ còn mỗi mình Lâm Hồng Long đứng nguyên tại chỗ và cơ hội bất ngờ đến với ông. Khi bài hát đến đoạn: "Tiến, tiến... theo ngọn cờ tự do đang reo vầng lên ánh dương xây đời mới, trong dân chủ mới..." cũng là lúc Bác quay nhìn về phía ống kính của Lâm Hồng Long, trong một tư thế rất đẹp. Không bỏ lỡ khoảnh khắc thần kỳ này, chiếc máy ảnh hiệu Rolleiflex trên tay ông ngay lập tức phát ra một tia chớp. Hình ảnh Bác mặc áo lụa vàng sáng lên trên một nền sẫm được "đệm" bởi vẻ mặt rạng rỡ của các nhạc công và những bóng đèn như những ánh sao lung linh. Với một kiểu ảnh duy nhất, Lâm Hồng Long đã lưu lại cho lịch sử muôn sau một hình ảnh rất đẹp của Bác trong tư thế hết sức ung dung tự tại. Có thể nói, bức ảnh đã trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.

2. Cùng với bức "Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn", bức ảnh "Mẹ con ngày gặp lại" cũng để lại trong công chúng nhiều xúc cảm.

Theo nghệ sĩ Lâm Hồng Long kể lại thì ngày 4/5/1975, được tin có chuyến tàu chở 36 tử tù từ Côn Đảo về đất liền cập bến Rạch Dừa, Vũng Tàu, ông đã tìm tới để ghi lại sự kiện này. Đang đứng trước cổng khu nhà nơi đoàn nghỉ, chợt ông nghe thấy tiếng kêu của một bà má: "Má cứ tưởng con chết rồi...". Ông vội quay ra thì thấy một bà mẹ già người Nam Bộ đang ôm choàng người con trai tử tù của mình, nghẹn ngào. Cảm động trước tình mẫu tử, nhà nghệ sĩ nhanh tay bấm máy. Ông ý thức rất rõ, đây là một khoảnh khắc đáng lưu nhớ và không dễ gì lặp lại.

Đó là bức ảnh mẹ con cụ Trần Thị Bính, quê ở xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.


Và "Mẹ con ngày gặp lại" của Lâm Hồng Long.

Có lẽ sẽ chẳng mấy người biết đến Lê Văn Thức (tên người tử tù trong bức ảnh) nếu không có bức ảnh nổi tiếng đó.

Sau này, anh Thức nhớ lại: "Hôm đó, vào khoảng 9, 10 giờ sáng, có người gọi tôi ra trại tiếp tân để gặp gia đình. Có lẽ khi đó gia đình chúng tôi đến sớm nhất nên tất cả anh em tử tù đều kéo hết ra ngoài cổng. Sau bao năm cách biệt tưởng không còn gặp lại, mẹ con mừng quá chỉ ôm nhau khóc. Lúc đó có thấy anh phóng viên chụp hình nhưng chúng tôi không để ý. Mãi sau này tôi mới biết anh ấy là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam".

Anh Lê Văn Thức sinh năm 1941. Là người con trai duy nhất trong gia đình có 5 người con, sau khi đậu tú tài 1, anh gia nhập Tiểu đoàn 514 quân giải phóng Khu 8. Tại đây, Lê Văn Thức được dự lớp huấn luyện đặc biệt và được kết nạp vào Đảng trước khi được tung vào hàng ngũ đối phương. Năm 1967, sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Thủ Đức, anh được chính quyền Sài Gòn đưa đi học khóa "tình báo tác chiến" tại Malaysia. Về nước, với lon thiếu úy, Lê Văn Thức được giao nhiệm vụ huấn luyện tại căn cứ quân sự Bình Đức (TP Mỹ Tho, tỉnh Định Tường, nay là tỉnh Tiền Giang).

Sau tết Mậu Thân 1968, tình hình chiến sự ngày càng ác liệt. Phía ta đặt mục tiêu hoặc phải diệt cho được căn cứ Bình Đức, hoặc đánh cho thiệt hại nặng. Lê Văn Thức được Binh vận Khu 8 giao nhiệm vụ vẽ bản đồ chi tiết căn cứ quân sự Bình Đức. Giữa tháng 3 năm ấy, anh hoàn tất công việc. Nhưng một sự cố bất ngờ đã xảy ra: Trên đường về căn cứ, người cán bộ mang tấm bản đồ bị trực thăng Mỹ bắn chết. Tấm bản đồ lọt vào tay địch. Qua giám định chữ viết, chúng xác định được người sĩ quan huấn luyện Lê Văn Thức chính là tác giả của tấm bản đồ. Một tuần sau anh bị bắt. Mặc dù bị địch tra khảo, đánh đập dã man, song Lê Văn Thức vẫn cắn răng chịu đựng, quyết không khai báo, bảo vệ an toàn cho cả đường dây.

Tháng 4/1968, Lê Văn Thức bị Tòa án binh lưu động của Bộ Tư lệnh vùng 4 chiến thuật đưa ra xét xử và bị tuyên tử hình vì tội "hoạt động nội tuyến cho Cộng sản". Sau đó, anh bị đưa về khám Chí Hòa và đến tháng 11/1968 thì bị đày ra Côn Đảo,  bị giam trong khu dành riêng cho tử tù...

Với Lê Văn Thức, bức ảnh "Mẹ con ngày gặp lại" đã góp phần trả lại sự công bằng cho anh. Sau khi được Thông tấn xã Việt Nam phát đi, tới năm 1991, bức ảnh  được Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế họp tại Madrid, Tây Ban Nha trao bằng Tuyên dương danh dự. Bức ảnh bắt đầu được báo chí trong nước giới thiệu nhiều. Bấy giờ, Lê Văn Thức đang gặp rắc rối trong công việc. Với lý lịch "thiếu úy ngụy", kể từ ngày hòa bình trở về, anh không được bố trí công tác mới. Mãi sau này, khi một cán bộ công tác ở UBND huyện Châu Thành, Bến Tre tình cờ đọc được những bài báo viết về nhân vật trong bức ảnh "Mẹ con ngày gặp lại", đã tìm đến nhà anh Thức phỏng vấn và viết bài "Viên thiếu úy mang bản án tử hình" (đăng trên báo Đồng Khởi thứ Bảy). Đến lúc ấy, nhiều người ở địa phương mới biết đến các hoạt động trong quá khứ của Lê Văn Thức. Và các cơ quan chức năng mới nhiệt tình vào cuộc để rồi công nhận những đóng góp, hy sinh có thực của Lê Văn Thức cho sự nghiệp cách mạng.

Sau khi nghệ sĩ Lâm Hồng Long được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện bộ phim tài liệu về tác giả. Đến lúc ấy ông mới có dịp theo đoàn làm phim vào Bến Tre tìm gặp "người trong ảnh". Năm 1997, Lâm Hồng Long lâm trọng bệnh. Lê Văn Thức đã tìm đến Bệnh viện Thống Nhất thăm ông và xúc động nhận thấy, bức ảnh "Mẹ con ngày gặp lại" được ông đặt trang trọng gần cửa sổ... Ba tuần sau, vào ngày 21/3/1997, nghệ sĩ Lâm Hồng Long qua đời, hưởng thọ 72 tuổi.

Tác giả: Hoàng Bình Minh

Nguồn tin: VNCA

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây