Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


Hoa vẫn nở và chim vẫn hót

Minh họa: Tuấn Anh

Minh họa: Tuấn Anh

Đoàn quyết định mang con chòe than đến cho Vũ.

Con than này Đoàn được một người quen ở quê cho, nhưng nuôi một thời gian, nó chả lớn gì cả, lại dát, thấy người là cứ rúm lại ở góc lồng, anh chán, xách lồng đến nhà Vũ.

Vũ ở một mình trong căn hộ nhỏ, có khoảnh sân hẹp. Vũ đặt ở khoảnh sân chừng chục chậu cây cảnh. Cũng chả tươi tốt gì. Toàn người ta mang đến cho, sẵn khoảnh sân thì xếp vào chứ Vũ cũng không phải là người có thú chơi bonsai. Đoàn cũng góp vào góc sân ấy một bụi tầm xuân. Chậu tầm xuân cũng như con than này, Đoàn được tặng, nhưng để trên ban công tầng hai mãi chả thấy lớn, hoa ra một lần duy nhất rồi tàn, anh chán, cũng bê cả chậu đến nhà Vũ.

Đoàn chơi với Vũ từ hồi sinh viên, dù học khác khoa. Ra trường, Đoàn làm việc ở ngành ngân hàng, còn Vũ là biên tập viên ở một nhà xuất bản. Đoàn là dân kinh tế nên quan tâm đến những con số, còn Vũ làm sách nên quan tâm đến các vấn đề văn học nghệ thuật.

Mấy hôm nay Đoàn đến ở nhà Vũ. Vũ tháp tùng sếp đi dự hội chợ sách ở nước ngoài, nhờ Đoàn ghé qua trông nhà và cho chim ăn. Con chòe than của Đoàn vào tay Vũ một thời gian trông khả dĩ hơn nhưng vẫn dát, chưa chịu hót một lần nào. Chích chòe là loại chim khó gần gũi với người, vì thế Vũ phải lấy áo che khoảng hai phần ba lồng. Vũ bảo: “Nuôi con chim của ông vất vả quá. Tôi phải mua bột làm sẵn đóng gói hiệu A-vầy cho nó ăn cùng với sâu tươi và cào cào, đến khi thay lông thì lại cho ăn bột phượng hoàng với trứng kiến. Con chòe than này tham ăn lắm, hy vọng một thời gian nữa nó sẽ quen dần, bớt dát, mau thuần. Tôi đi nửa tháng ông đừng để nó đói đấy nhé”.

Đoàn chỉ định ghé qua nhà Vũ một lát, tưới cây và cho chim ăn xong rồi về ngay. Nhưng vào ngày nghỉ cuối tuần, lại đang bực mình với ông bà bô về chuyện mấy đám “mối lái” bất thành nên ngủ luôn lại, không về nữa. Sáng hôm sau, Đoàn thức dậy bởi tiếng gõ cửa gấp gáp. Một phụ nữ trạc ngoài bốn chục tuổi thò đầu vào.

“Ô, chú Vũ đâu rồi?”.

Đoàn đang ngái ngủ, nhìn người phụ nữ lạ với ánh mắt không mấy thiện cảm. Chị ta trông nhàu nhĩ, răng vổ trầy vổ trật, ngón tay ngón chân dài ngoằng, gầy guộc. “Nó đi công tác rồi”, Đoàn đáp. “Thế hử. Tôi mua xôi sáng cho chú ấy đây. Mọi khi chú ấy vẫn nhờ tôi mà. Thôi, chú ấy không có nhà thì chú ăn vậy”. Đoàn cầm nắm xôi bọc trong túi ni-lông rồi nhanh chóng khép cửa lại.

Định lên giường ngủ tiếp nhưng đầu óc đã tỉnh hẳn, Đoàn đành gấp chăn chiếu lại, ra nhà sau làm vệ sinh. Đồng hồ chỉ hơn tám giờ, Đoàn dắt xe khỏi nhà, định ra phố làm bát phở, nhấm nháp ly cà phê rồi ghé qua nhà tí cho ông bà bô thấy mặt. Vừa mở cửa ra, Đoàn lại gặp người phụ nữ lúc nãy. Chị ta đang dắt một bà lão khoảng hơn bảy chục tuổi đi ngang qua cửa nhà Vũ. Bà lão mặt mũi nhăn nhúm, tóc bạc trắng, đi lại rất vất vả. Toàn thân bà lão rung rung, hai chân run run dò dẫm bước, hai bàn chân nhích đi từng tí một. Chị phụ nữ nhìn Đoàn cười rất tươi, bảo: “Chú lại đi hở? Trưa nay có ăn cơm không, tôi nấu cho?”. Đoàn lắc đầu: “Cám ơn chị, tôi đi không biết khi nào về”. Nói xong Đoàn lên xe, rú ga, vọt khỏi con ngõ nhỏ.

Mãi chiều Đoàn mới quay lại nhà Vũ. Đã muốn làm lành nhưng ông bà bô chỉ càng làm Đoàn bực mình thêm. Thế thì đi luôn mấy ngày liền cho hai cụ khốt biết mặt. Đoàn lấy thêm vài cái quần áo cho vào cốp xe, khoác cặp đựng laptop vào người rồi phóng đến nhà Vũ. Đoàn dừng xe ở quán nước đầu ngõ. Vào làm chén trà chát, hút điếu thuốc đã.

Quán vắng khách. Bà chủ quán đã quen mặt Đoàn, hỏi: “Chú Vũ lại đi công tác hả?”. Đoàn gật đầu. “Tôi bảo thật nhá, hai chú rủ nhau lấy vợ đi, ngoài ba mươi cả rồi, sau này cha già con cọc là khổ lắm”. Đoàn ngó lơ chỗ khác. Rõ chán. Đã không muốn nói chuyện này, bỏ nhà đến đây cho đỡ nhức đầu lại gặp ngay phải bà già lắm chuyện.

Ánh mắt của Đoàn lại bắt gặp người phụ nữ lúc sáng. Chị ta đang dìu bà lão tóc bạc lê từng bước vào trong ngõ. Đoàn nhìn theo cho đến khi hai người bước vào trong nhà. Hóa ra họ ở ngay cạnh nhà Vũ. Thấy Đoàn cứ nhìn theo hai người phụ nữ hàng xóm, bà hàng nước bảo: “Khổ, bị xuất huyết não đấy, mười năm nay rồi, tưởng chết mà chả chết cho. Bây giờ lẫn lắm, cứ mơ mơ màng màng toàn những chuyện không đâu”. Đoàn hỏi: “Cái chị đi cùng là con gái bà ấy à?”. “Không phải, đó là con ô-sin đấy. Bà cụ có mấy đứa con khá giả lắm, sống ở trên phố cả. Chúng nó thuê con ô-sin này cũng gần chục năm rồi. Hơi dở người một tí nhưng tốt tính lắm”.

Ra thế. Không ngờ Vũ có một bà hàng xóm xuất huyết não sống dựa vào cô ô-sin dở hơi. “Cô ấy không chồng con gì à?”. Đoàn hỏi. “Nó quê mãi miền trong, cũng có chồng, nhưng chồng bỏ đi lấy vợ hai rồi. Nó có một đứa con gái, mười ba mười bốn tuổi gì đấy, bị câm, ở với bà ngoại. Nó làm thế này được nuôi ăn rồi mà lương vẫn một triệu một tháng đấy chú ạ. Tiền ấy nó gửi về cho bà cụ nuôi con. Xấu xí thế mà mấy ông xích lô đầu phố kia thích lắm. Có người theo đuổi mấy năm rồi mà nó vẫn không đồng ý đấy”. Chà! Lại thế nữa. Sao mà lắm người khổ thế? So với những người như chị ô-sin này thì sự ủ dột của Vũ chả phải là vô nghĩa quá ư?

Đêm hôm đó, Đoàn đang ngồi xem trận bóng tranh cúp C1 châu Âu thì lại có tiếng đập cửa. Chị ô-sin nhà bên hớt ha hớt hải: “Chú ơi, chú sang xem hộ tôi với, bà bị làm sao ấy”. Đoàn hỏi: “Chị gọi cho các con của bà cụ chưa?”. “Rồi, dưng mà cả mấy gia đình các cô chú ấy đang đi nghỉ mát. Ôi, tôi run quá, bà cấp cứu nhiều lần rồi, dưng mà lần này tôi thấy bà lạ lắm”. Đoàn khoác thêm cái áo rồi chạy vội sang nhà hàng xóm. Bà cụ đang co giật trên giường. Đoàn bảo với chị ô-sin: “Tôi gọi xe cấp cứu đưa bà cụ vào bệnh viện nhé?”. Chị ô-sin luống cuống: “Mọi khi tôi chỉ báo với anh con trai bà, sau đó anh ấy gọi cho bác sĩ, nhưng hôm nay anh ấy đi xa, tôi chả biết đâu mà lần”. Đoàn chưa biết tính thế nào thì chị ô-sin bỗng hô lên: “Ô, bà tỉnh rồi…”. Đoàn cùng chị ô-sin chạy bổ lại giường. Đúng là bà cụ đã ngừng co giật, ánh mắt mở ra he hé nhìn Đoàn. “Tôi lại sống rồi à?”, giọng bà cụ thoát ra như từ cõi hư vô vọng về. “Bà làm con sợ quá. Bà có làm sao không, con gọi xe cấp cứu đưa bà vào viện nhé?” - chị ô-sin nói như súng liên thanh. “Ông ấy nhà tôi đâu rồi?”. “Ông đang đi làm chưa về. Bà cứ nằm nghỉ đi, lát nữa ông về con sẽ gọi bà”.

Đoàn nghe đối đáp giữa hai người mà không hiểu họ đang nói gì? “Bây giờ chị định thế nào?”, Đoàn hỏi chị ô-sin, nóng lòng muốn về xem nốt trận bóng đang gay cấn. “Cảm ơn chú. Thế này là bà ổn rồi, không sao đâu, tôi chăm bà lâu tôi biết. Chú về nhé”.

Đoàn nhìn hai người phụ nữ với ánh mắt ái ngại rồi quay lưng ra cửa, không quên nói một câu lấy lệ: “Có gì chị cứ gọi tôi nhé”. Xem hết trận bóng, Đoàn định đi ngủ thì mấy người bạn cùng chơi chứng khoán gọi đi nhậu. Đoàn lập tức dắt xe ra khỏi nhà. Đến gần hai giờ sáng mới về, đánh một giấc tới gần trưa.

Loanh quanh một hồi Đoàn chợt nhớ ra công việc của mình, vội lấy túi thức ăn mua sẵn mang ra chỗ lồng chim. Con than có vẻ đói, sau một hồi dè dặt thì sà đến bên cóng đựng cám mổ lấy mổ để. Nhìn con than say mồi Đoàn cũng thấy vui vui. Nuôi chim cũng có cái thú của nó, chỉ có điều Đoàn không phải là người kiên nhẫn. Còn đám cây cằn cỗi ở góc sân kia nữa. Đất trong các chậu khô nứt hết cả rồi. Đoàn lấy xô nước vãi một loạt lên mấy chậu cảnh. Thế là xong. Vũ chắc cũng lười thế thôi. Đàn ông ở một mình, cái thân còn lo chả xong nói gì đến những của nợ như chim muông với hoa lá vớ vẩn này.

Đang định mặc đồ vào rồi ra quán cơm bụi kiếm cái gì ăn thì chị ô-sin nhà hàng xóm le te bê một cái khay sang. “Tôi chờ mãi mới thấy chú mở cửa. Sáng nay tôi dậy sớm, ra chợ mua con gà nấu cháo cho bà, để dành cho chú một cặp lồng. Chú xơi đi”.

Đoàn ái ngại nhìn vào cái khay i-nox. Một cặp lồng bọc sứ in hoa văn mảnh và nét, một đĩa nhỏ đựng muối tiêu - ớt - chanh, một đĩa vừa đựng hành sống cắt đều và mấy cọng rau thơm, một chiếc bát, một đôi đũa và một chiếc thìa. Sự sạch sẽ của những thứ đặt trong chiếc khay đánh bạt đi cảm giác rờn rợn trong Đoàn. Lần trước, Đoàn đã không dám ăn gói xôi của chị hàng xóm. Lần này thì Đoàn sẽ xử sự khác. Đoàn đưa tay bê khay đồ ăn, miệng cảm ơn người hàng xóm tốt bụng.

Vào trong nhà, Đoàn mở cặp lồng ra. Cháo nóng hổi, đặc sánh, tỏa mùi thơm ngầy ngậy. Một cái đùi gà đặt ngay giữa cặp lồng. Đoàn cầm thìa lên múc cháo đưa vào miệng. Vị nêm rất vừa. Hôm qua uống nhiều rượu, giờ mới thấy khô miệng, háo ruột, cháo quả là thứ dễ nuốt hơn hết.

Nhoằng một cái, Đoàn đã xơi hết cái đùi gà và cặp lồng cháo. Rồi Đoàn ớ người ra nghĩ ngợi. Sao người hàng xóm lại dành cho mình phần hậu hĩnh thế? Cả một cái đùi gà to tổ bố. Còn bà cụ ăn gì? Còn ông cụ thì sao? Mà nhà bên ấy có mấy người? Thế này thì phải mua trả cho người ta một con gà mới được.

Đoàn định bê khay ra sau nhà rửa thì chị ô-sin lại đẩy cửa bước vào. “Chú ăn có vừa mồm không? Để tôi rửa cho. Tôi làm quen rồi, nhoáy một cái là xong”.

Chị ô-sin giằng lấy chiếc khay trong tay Đoàn, le te đi ra nhà sau. Có vẻ chị vẫn thường xuyên sang đây đỡ đần Vũ nên mọi thứ trong nhà chị đều thuộc. Đoàn lân la hỏi chuyện:

- Bà cụ đỡ chưa chị?

- Đỡ rồi. Sáng tôi đã đưa bà đi một vòng quanh xóm tập thể dục rồi đấy.

- Thế ông cụ có khỏe không ạ?

- Ông cụ nào? À, ông bên nhà chết rồi. Chết lâu rồi.

Đoàn nhíu mày:

- Tối hôm qua tôi thấy chị và bà cụ nói về ông cụ mà.

Chị ô-sin đã rửa xong khay bát đũa, đặt lên thành bếp, quay ra nói:

- Bà bị lẫn chú ạ. Tôi nghe kể, ngày xưa khi còn sống, ông vẫn bảo bà là ông chỉ hợp với bà thôi, cho nên bà không được chết trước, bà mà chết trước thì không ai chăm cho ông cả. Thế rồi bà bị xuất huyết não. Đã tưởng đi rồi, hôn mê mấy ngày không tỉnh. Thế mà bà sống lại. Bà bảo bà mơ một giấc mơ lạ lắm. Vì thế nên bà không chết được.

- Mơ gì?

- Cái này tôi nghe chính miệng bà kể. Bà bảo bà đứng trước một cái hang. Trong hang có mùi trầm, có ánh sáng như đom đóm, lại có mấy bà bạn cũ từ thuở nhỏ đứng đợi. Lại có nhạc vui tai lắm. Bà định bước vào hang thì ông chạy đến giữ tay bà lại. Bà cứ đòi đi. Ông nói vào tai bà: “Vào đấy là chết đấy, không ra được đâu. Bà đi thế này rồi ai chăm tôi?”. Lúc ấy mấy bà bạn kia chạy lại, nhất quyết lôi bà vào hang. Bà lấy hết sức chống lại. Chính nhờ thế mà bà mở mắt ra và sống lại đấy.

- Lâu chưa? - Đoàn hỏi.

- Lâu rồi. Ngày ấy ông còn sống. Bà ở lại là vì ông. Nhưng rồi được vài năm thì ông lại bỏ bà mà đi. Sau ngày ông đi, tôi mới về làm cho bà. Nhiều lần bà nguy kịch. Giấc mơ về chiếc hang đá kia lại xuất hiện. Và bà lại quyết sống vì nghĩ ông vẫn còn nên chưa được phép chết. Mỗi khi tỉnh lại, bao giờ bà cũng hỏi: Tôi lại sống rồi à?

 Đoàn thấy gai gai ở sống lưng. Ánh mắt he hé của bà cụ đêm qua nhìn Đoàn như đang lẩn khuất đâu đây. Sức sống của con người kể cũng lạ. Nếu một ngày kia, bà cụ tỉnh lại, biết là chồng mình đã chết, chắc bà sẽ thanh thản nhắm mắt xuôi tay? Còn bây giờ bà sống bằng sự nhầm lẫn. Sống như thế phỏng có ích gì? Mấy đứa con bà chắc cũng mệt mỏi về một người mẹ bệnh tật, già nua, lú lẫn, liệu có thực sự cần sự có mặt của bà trên cõi đời này? Cả chị ô-sin đáng thương kia nữa. Chăm sóc một người như bà, với đồng lương ấy, liệu chị ta có buồn chán trong sự chịu đựng nghiệt ngã suốt bao năm qua?

Đoàn bỗng nghĩ đến anh bạn cô đơn của mình. Liệu cuộc sống của hai người hàng xóm này có tác động đến quan niệm sống của Vũ không mà sao giọng điệu của cậu ta lúc nào cũng u ám? Đoàn lựa lời hỏi thăm chị ô-sin:

- Con gái chị có bao giờ ra đây chơi với mẹ không?

- Có chứ, chú. Cháu ngoan lắm, biết làm nhiều việc lắm, bà cụ quý con bé lắm. Mọi người bảo tôi gửi cháu vào trường trẻ em câm điếc gì đấy, dưng mà mỗi tháng phải đóng những hơn triệu cơ. Tôi chả kiếm đâu ra tiền. Lại cho cháu về quê ở với bà thôi.

Đoàn chợt nhớ ra ngân hàng nơi Đoàn làm việc có tài trợ cho một trường trẻ em câm điếc. Đoàn có quen với hiệu trưởng và biết rằng có những trường hợp được nhận vào đây mà không phải đóng khoản tiền nào. Đoàn chỉ cần nói một tiếng là nhà trường sẵn sàng nhận…

- Thôi, tôi về đây chú ạ. Đi lâu bà cần lại không có người.

Chị ô-sin bê khay bát đũa đã rửa sạch đi ra cửa. Đoàn nói với theo: “Chị nấu ăn ngon lắm. Cảm ơn chị rất nhiều!”. Chị ô-sin quay lại, cười rất tươi: “Ôi, thế mà chú Vũ cứ chê tôi nấu dở đấy”.

***

Ngay chiều hôm đó, bà bô không chịu được nữa, gọi điện bắt Đoàn về. “Có nhà có cửa, lại không chịu ở là sao? Có muốn tao tự tử chết cho xong không, hả? Thây kệ mày. Tao chả xắn tay áo lên lo cho cái thân mày nữa. Muốn lấy ai thì lấy, không lấy thì cứ ở vậy mà chết già”. Bà xả ra một tràng thế rồi rấm rứt khóc. Đoàn đành phải thu dọn chút đồ đạc ít ỏi rồi rời khỏi nhà Vũ. Trước khi đi, Đoàn không quên để sẵn cám A-vầy và xô nước ngoài sân rồi qua gửi chị ô-sin chìa khóa cổng, nhờ chị thay Đoàn cho chim ăn và tưới cây.

Mấy ngày sau, Đoàn đảo qua, thấy cóng vẫn đầy cám, đất trong các chậu cảnh vẫn đẫm nước thì yên tâm, không vào nhà nữa.

Trước ngày Vũ về, Đoàn lại đến kiểm tra. Lần này thì không đứng ngoài ngó qua cổng mà mở cửa vào nhà. Đoàn thực sự kinh ngạc khi thấy mấy chậu hoa ở góc sân đồng loạt hé nụ. Riêng bụi tầm xuân của Đoàn nở đến cả chục bông. Và kỳ lạ hơn nữa là con chòe than bỗng cất tiếng hót.

Nhìn bộ lông căng lửa của nó Đoàn không thể tưởng tượng được nó là con chòe than xấu xí do chính tay mình mang đến đây hơn một tháng trước. Đoàn đang ngẩn người ra nghe tiếng hót thanh tao của nó thì có chuông điện thoại. Vũ gọi về. Vũ hỏi tình hình ở nhà thế nào? Đoàn muốn nói rất nhiều nhưng chả biết bắt đầu từ đâu. Chả lẽ lại kể dông dài những chuyện vặt vãnh xảy ra trong mấy ngày vừa rồi? Cuối cùng Đoàn bảo:

- Ông yên tâm đi. Mọi thứ đều ổn. Hoa vẫn nở và chim vẫn hót…

Kết thúc cuộc điện thoại, Đoàn nhìn ra cửa và lại thấy chị ô-sin đang dìu bà cụ đi dạo quanh ngõ. Thôi chết! Đoàn quên khuấy là cần phải nói chuyện với hiệu trưởng trường trẻ em câm điếc. Đoàn vội rút điện thoại di động ra tìm số và gọi.

Trong khi chờ phía đầu kia bắt máy, Đoàn nghe tiếng con chòe than hót say sưa, và thoảng trong không gian, có thứ hương gì đó rất lạ bay ra từ đám cây ở góc sân nhà Vũ.

Tác giả: Nguyễn Đình Tú

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây