Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


Miền Tây hôm qua và hôm nay

Chợ nổi Cái Bè. Ảnh: Internet

Chợ nổi Cái Bè. Ảnh: Internet

Kinh tế vùng sông nước trù phú miền Tây ngày càng phát triển, kéo theo sự thay đổi trong nhiều thói quen, vốn đã trở thành nét đặc trưng….

Những thói quen chỉ còn trong ký ức

Bây giờ, miền Tây không còn những cây cầu khỉ, những con đường đất như mấy chục năm về trước. Tất cả đã được bê tông hóa.Sự thay đổi đó đã làm thói quen đi lại của người dân thay đổi theo. Ít ai đi xuồng, ghe nữa. Nhà nào cũng có một chiếc xe máy. Xuồng, ghe chỉ để dùng để chở trái cây từ vườn ra chợ bán.

Ngay cả thói quen uống rượu đế cố hữu bao nhiêu đời của người dân ở đây cũng thay đổi. Trong những dịp đám cưới, giỗ chạp, lễ tết… người ta thường hay đãi bia, phổ biến nhất là bia Sài Gòn xanh. Rượu trắng dùng để cúng, đợi tàn cây nhang, sẽ được vẩy vẩy xuống đất, cùng với gạo, muối.

Hiếm thấy hình ảnh mấy ông già nông dân cầm điếu thuốc rê to bằng ngón tay cái, đưa lên miệng phì phò, họ chuyển sang hút thuốc có đầu lọc hết rồi. Cái ống ngoáy trầu làm bằng vỏ đạn đồng của bà ngoại tôi được đặt lên bàn thờ để làm kỷ niệm. Ngày nay, lễ cưới, hỏi vẫn thấy mâm trầu cau, nhưng chỉ để làm lễ, chứ không ai ăn. Mấy chục năm trước, đàn bà, con gái mỗi khi gặp nhau thì bỏm bẽm miếng trầu là đầu câu chuyện.

Thuở tôi còn nhỏ, mỗi khi nghe tiếng leng keng của ông bán cà rem, mừng lắm. Cuống quýt chạy vào nhà, tìm mớ lông vịt, cái thau nhựa bể… đổi được vài cây cà rem. Hay nghe tiếng rao “ghe hàng đây…” của bà Năm từ dưới ở dưới sông vọng lên bờ, là chạy ùa xuống bến, ngoắc tay cho bà ghé, mua một bịch cốm.

Con nít bây giờ, đâu đời nào chịu úp mặt vào gốc cao, thơm ngát mùi hoa, chơi trò “năm, mười” như thuở chúng tôi. Không đứa trẻ nào bị u đầu, phải xức muối vì chơi trò tán u; trặt chân vì chạy nhảy chơi “keng” nữa…

Tiếng “ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh…” ru con của ngày xưa, bây giờ hiếm khi được nghe….

Những con đom đóm lập lòe trên những tán bần,lúc màn đêm buông xuống cũng không còn nữa. Thuốc rầy, thuốc sâu, diệt những loài côn trùng có hại, làm xanh tốt cho những vườn cây trĩu quả, vô tình diệt luôn loài côn trùng nhỏ bé, xinh đẹp này.

Ánh đèn điện sáng choang lấn át, lấn át ánh trăng huyền ảo, đôi khi làm người ta quên mất sự tồn tại của nó.

Năm vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử, mùa lũ không về với người miền Tây. Nước không đã ngập trắng xóa ruộng vườn như người ta trông chờ.Nhiều gia đình chuẩn bị sẵn lưới, lờ, câu… để kiếm thêm thu nhập từ những con tôm, con cá do thiên nhiên hào phóng ban tặng, đành thất vọng.

Không còn được nhìn thấy hình ảnh hai cây cột lắc lư, gượng gạo trước dòng nước chảy xiết, nơi có chiếc ghe “đóng đáy” của ông Hai Vạn nữa. Tiếng tù và “tu tu” vui tai, mời gọi bà con bơi xuồng ra “đáy” mua những con cá linh tươi rói vừa đánh bắt được của ông Hai đã im bặt từ lâu. Đâu rồi ánh đèn dầu lù mù trên hai chiếc cột ấy mỗi tối?


Một khu phố nhà sàn ở miền Tây. Ảnh: Trương Trọng Nghĩa

Văn hóa nhà sàn… cũng biến mất!

Do địa hình sông ngòi chằng chịt, ngày ấy, người dân miền Tây có hai thói quen cất nhà: cặp theo bờ sông hay làm nhà sàn hẳn trên sông. Cửa  nhà chính luôn chọn theo hướng con nước lớn. Người ta tin như vậy thì tài, lộc sẽ chảy vào nhà.

Cạnh cửa nhà, có một cái lu màu da bò vàng óng. Trên nắp lu có một cái gáo dừa theo thời gian, lên nước đen mun, dùng để múc nước. Mỗi lần súc lu, hay có mấy con cóc đen xì, từ đít lu nhảy ra ngơ ngác. Nước xách dưới sông, đổ đầy lu, người ta thường đánh phèn cho nước trong. Bây giờ nước máy chảy vào từng nhà, những cái lu chỉ còn trong ký ức.

Kiểu nhà sàn là nét độc đáo, làm phong phú thêm nét sinh hoạt vùng sông nước miền Tây. Kiểu nhà này thuận lợi ở chỗ, nhà có hai mặt tiền: Một mặt day ra sông, một mặt day ra đường cái. Kiểu này vừa ít chiếm đất làm nông nghiệp, vừa gần sông, thuận lợi cho việc sử dụng nước, lại có thể kinh doanh buon bán được ở cả hai mặt.

Dù có hai mặt tiền, nhưng người ta vẫn chú trọng mặt quay ra đường hơn, và mặt phía sau vẫn dùng làm một phần cho nhà bếp. Trước đây, phương tiện giao thông chủ yếu là xuồng, ghe nên mặt mé sông lúc nào cũng tấp nập, có thể dùng để buôn bán xăng lẻ (cho những nông dân khá giả, có tiền mua máy côle), lá lợp nhà, phân bón, tạp hóa…

Loại hình kinh doanh mà chủ nhân những ngôi nhà kiểu này hay chọn: Mở một vựa trái cây, làm hàng xáo thu mua những xuồng trái cây khẳm nước của các lão nông chở ngang. Những tiếng í ới: “Ghé đây đi, tui mua mắc giùm cho…” Việc chuyển hàng lên, xuống ghe, xuồng cũng rất thuận tiện, mau lẹ, ít tốn sức.

Mặt tiền giáp với mé đường, nếu kinh doanh, đa phần được sử dụng làm một tiệm bán nước, kết hợp bán tạp hóa. Đường đất, có nhiều cầu khỉ, nên muốn ra chợ, nếu không đi xuồng, ghe … thì người ta chỉ có nước cuốc bộ, chứ không thể đi xe được như bây giờ. Quán nước dọc đường này chỉ đơn giản là bán nước đá chanh, xi rô đỏ quét trộn đá bào, xá xị… thêm vài gói thuốc loại rẻ tiền đựng trong một cái keo bằng thủy tinh. Lội bộ ra chợ, bận đi, bận về cả mấy cây số, mất sức nên ghé uống một ly nước gải khát, giá chỉ vài ngàn đã thành một thói quen. Ai hà tiện, cứ  vô tư tấp vào cái lu trước nhà nào đó, lấy cái gáo dừa treo lủng lẳng, múc  nước mưa uống một hơi, chẳng cần thiết khách sáo hỏi chủ nhà tiếng nào.

Người dư dả, thường làm sàn nhà bằng gỗ thau lau. Đa phần còn lại, làm sàn nhà bằng gỗ của những thân cây xoài lâu năm. Cất nhà vài năm, siêng lau chùi, ván gỗ lên nước bóng loáng, nằm xuống mát lạnh. Sướng nhất của ở nhà sàn là thưởng thức cái cảm giác gió từ lòng sông lùa theo các kẽ ván, thổi lên mơn man da thịt. Buổi tối nằm nghe tiếng sóng vỗ ồm oạp vào bờ, rất dễ ngủ. Ít khi chủ nhân phải vất vả quét nhà, vì chỉ cần quơ chổi qua vài cái là rác, bụi sẽ theo các kẽ ván rớt hết xuống sông.

Chiều chiều, nước lớn, trẻ con ra mặt sau nhà, đùng đùng nhảy xuống sông tắm, đùa nghịch thỏa thích.Đứa nào cũng bơi giỏi như rái cá. Những cô gái quê đằm thắm, bưng mâm chén vừa xong buổi cơm chiều, ra sàn nước rửa. Giờ đó, mấy lão nông “chịu chơi”,  hay tận dụng mặt tiền phía sau, bày ra một mâm nhậu. Mồi là con cá lóc nướng trui bắt được lúc đi thăm ruộng lúc sớm mơi, là vài trái cóc, ổi, xoài hái ngoài vườn, rượu múc từ cái keo thủy tinh của tiệm tạp hóa ở mặt nhà phía trước…Ánh đèn dầu nhếch nhác. Nước mênh mông như lòng người phóng khoáng. Lấy hơi ca vài câu vọng cổ thiệt mùi, uống cạn tình, cạn nghĩa, không say, không về. 

Mùa nước nổi, cá dưới sông nhiều lắm. Ngoài những loại cá không ăn câu như cá linh, cá cơm… còn có những trự cá háu mồi: Cá rô, cá chốt, lòng tong, trê, lóc… Nước mấp mé sàn nhà, vài con trùng, trứng kiến làm mồi, thả cái cần câu trúc xuống nước chừng một buổi là đã có một bữa ăn thịnh soạn. Rau đã có sẵn ngoài vườn. Dân miền Tây không sợ đói là vậy, riết thành thói quen, ít lo nghĩ, dành dụm như dân ở các vùng khác.

Ở cạnh sông, có nhiều thuận lợi trong sinh hoạt, nhưng cũng có nhiều bất tiện, nhất là sự an toàn cho các em nhỏ, một chút sơ sẩy là có thể bị Hà Bá “bắt” mất. Nhà nào có con đang còn chập chững, thường làm một cái hàng rào chắn ngang, nhưng cũng không sao hoàn toàn tránh được rủi ro. Có người đang vừa bán hàng ở mặt nhà phía sau, vừa trông con nhỏ. Có khách mua hàng ở mặt trước, người mẹ bỏ con, lật đật chạy ra bán. Tới lúc bán xong, chạy vào, không thấy con mình, mới giật mình hốt hoảng. Mọi người nhảy xuống sông mò tìm, vớt lên xốc nước thì đã muộn. Đó là may mắn, vớt được xác con ngay, nhiều khi nước cuốn trôi đâu mất, hai, ba ngày sau xác mới nổi lên, cả nhà phải đi tìm rã chân mới gặp. Chị Ngọc, con dì Ba tôi mất lúc 2 tuổi, cũng vì té sông. Cái chết của chị làm dì Ba suy sụp tinh thần một thời gian dài. Chính mối nguy hiểm sông nước, nên trẻ em miền Tây thường được tập cho biết bơi từ khi còn rất nhỏ. Năm, sáu tuổi là chúng có thể nhảy xuống sông tắm một mình.

Do lòng sông rộng, dòng chảy mạnh, nên người ta không nhận ra sự ô nhiễm môi trường rõ nét do các căn nhà sàn gây ra. Khi thiết kế nhà sàn, chủ nhà thường yêu cầu thợ thi công thiết kế một nhà vệ sinh, có lối thoát ngay trên dòng nước. Do nghĩ đơn giản, dòng nước chảy siết sẽ cuốn trôi…tất cả, nên họ vẫn vô tư dùng nước, vô tư thải rác và… một cách vô tội vạ.

Từ năm 1996, chính phủ khuyến khích xóa bỏ cầu tiêu “tõm”, cùng với việc hạn chế xây nhà sàn. Ngoài vấn đề ô nhiễm dòng nước, nhà sàn được khuyến khích hạn chế xây dựng vì những căn nhà này sẽ che khuất tầm nhìn của các tài công, không bảo đảm an toàn giao thông đường thủy và cản trở dòng nước.Chuyện chất chà, đóng đáy trên sông cũng bị nghiêm cấm.

Chính điều đó, sau một thời gian, những ngôi nhà sàn đã trở nên mục nát, người dân tự nguyện chuyển lên bờ, xây nhà tường kiên cố, khang trang hơn. Những ngôi nhà sàn dọc bờ sông dần dần biến mất, lùi vào dĩ vãng…

Tác giả: Lê Ngọc Dương Cầm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây