Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


Yêu trên dòng kênh Tắt

Yêu trên dòng kênh Tắt
Dòng kênh Tắt bắt đầu vào hạn. Út Đào ngồi xổm trên bè, tay cầm vợt lòn vào cửa bè vớt cá, úp chụp vào cần xé. Cô gái đưa tay còn lại lau mồ hôi trên thái dương, vén tóc nhét vào trên vành tai. Tóc mai chỗ vầng trán không nếp nhăn bị mồ hôi nhoè bết vào nhau chực chấm vào đuôi đôi mắt tròn. Làn da bánh mật thắm nắng ửng lên. Vậy mà gương mặt Đào không tươi được, thậm chí sa sầm khi cô đưa ánh nhìn sang người bên cạnh.

Nhàn ngồi cứng đơ, mắt không động đậy, gương mặt rám nắng tối sâm sẩm như bầu trời trước trận mưa chiều. Mớ tóc hơi quăn của hắn mấy ngày nay không màng gội đã sơ cứng như rễ tre. Mấy con ruồi bâu vào giỏ cá ươn, bâu lây vào tóc, vào mũi, vào miệng có bờ môi hơi chì, hơi chẻ, hơi ngố của hắn. Nhàn hình như đang chăm chú lắng nghe âm thanh nào đó.

Út Đào cũng dừng tay nghe thử. Chẳng có âm thanh gì đáng nghe ngoại trừ tiếng ruồi vo vo và tiếng xèm xẹp của mấy con cá ươn. Cạnh Nhàn, phía trong giỏ, những cái bụng cá trắng trương phình, chỗ gần đuôi cá chảy ra dòng nước nhờn, xanh màu mật, bắt đầu bốc mùi khăn khẳn. Nắng càng cao, giỏ cá chỗ Nhàn càng có vẻ đầy lên thêm dù hắn đã dừng tay vớt từ lâu. Cá ở đâu mà nhiều, vớt đợt này chưa hết đợt khác nổi lên. Cô có cảm giác cá đang nằm sắp lớp ở dưới đáy bè chờ đủ giờ đủ khắc đủ ươn là lần lượt nổi lên, cá trắng nổi trước cá đen nổi sau trật tự thấy phát rầu.

Đào muốn nín thở theo từng đợt cá nổi lên mặt nước. Nhàn đang đổ rạp tinh thần ngay trong cái dáng sừng sững thản nhiên kia. Thèm nhìn thấy dáng hắn oằn mình bưng cám cho cá ăn, chỉ khi đó dòng kênh Tắt và những người đang trên dòng kênh này còn chỗ trong lòng hắn.

Đó là những ngày giữa cuối mùa mưa, độ giờ này, Nhàn đang nắm đầy tay mấy viên cám ném chủm chủm xuống bè. Lũ cá háu ăn quẫy đuôi ướt cả áo hắn. Bè cá ồn ào như mọi âm thanh của dòng kênh đổ hết về đây, cộng thêm tiếng Nhàn nhóng lên bờ chọc ghẹo Út Đào:

- Út Đào ơi, nấu cơm xong chưa, qua đây nói chuyện với tụi nó! Bà mua toàn cá trống, thiếu bà chúng quậy tưng, hổng chịu ăn gì cả.

- Tụi nó có ông mê quá trời cần chi tui.

Út Đào nói vậy chớ cũng tê tái bớt củi nồi cơm, chạy ào xuống bè. Nhàn vẫn đùa dai, miệng huyên thuyên tìm lời chọc ghẹo Út. Mắt hắn vẫn dán vào lũ cá, thỉnh thoảng đưa ánh mắt rực sáng nhìn xa vào dòng kênh Tắt, nhìn miếng ruộng nhỏ cạnh bờ đê. Ở đó từ nhiều năm về trước nhà của Nhàn cũng có vài công đất ruộng.

Nhưng hai mùa nước nổi, ba đổ bệnh qua đời, mẹ cũng bỏ ngủ bỏ ăn hết một mùa mưa rồi theo ba. Nhàn bán hai công đất cho nhà Út Tặng để trả nợ. Giờ quanh quất chỉ còn bờ kênh, hai nắm mộ đất trên bờ, bóng một cây còng che mát cả khúc kênh là còn thuộc về Nhàn. Tới mùa gặt nằm trên ngôi nhà nhỏ của Nhàn có thể nghe tiếng cúm núm gọi mùa ấm như hơi thở mẹ nhai trầu hồi còn sống. Mấy thứ đó góp phần làm Nhàn nấn ná lại miền quê này cộng thêm Sài Gòn...

- Sài Gòn chán lắm Út Đào ơi. Người ta sống như chạy, suốt ngày này qua ngày khác. Tui lên đó có mấy ngày chán muốn nghỉ sống”.

- Sài Gòn cái gì cũng phải mua. Muốn có một người bạn nói chuyện cũng phải mua hai ly cà phê mới có chỗ ngồi. Còn một người bạn như Út Đào thì vô phương.”

- Sài Gòn...

- Sài Gòn...

Út Đào thấy Sài Gòn đã được Nhàn mổ xẻ đến từng góc phố ngã đường. Hắn muốn thu nhỏ Sài Gòn bằng nắm tay để ngày ngày được nhìn thấy một người.

Nghe hắn nói riết, cô gái có cái lưng ngắn thắt ngang eo, cấy lúa giỏi hơn cầm lái xe máy, chưa từng đi Sài Gòn cũng cảm thấy Sài Gòn ở kế bên gốc cây gáo, cạnh con kênh Tắt trước nhà.

- Ông ghét Sài Gòn vậy sao không lên trên đó phứt cho rồi.

Nhàn nhìn Út Đào bẽn lẽn. Út Đào hiểu Nhàn hơn cả bản thân hắn. Ngày Nhàn đứng dưới bến nhìn bóng Thúy bước lên xe đi thẳng vào trong, chìm vào mấy hàng ghế chỉ còn lô nhô những cái đầu, Nhàn thở một hơi chậm và dài. Nhàn buồn cũng phải, một cuộc tình dài chỉ tồn mỗi cái quay lưng và một lời nhắn, mà nhắn cho Út Đào mới giận “ Út Đào ơi nhớ vàm kinh Tắt muốn đứng tim” Nhàn cằn nhằn vàm kinh Tắt buồn muốn chết có gì đáng nhớ đâu? Thúy nhắn tiếp “Lâu lâu Thúy về thăm. Về thăm rồi lại đi chớ sống ở đó phải có ruộng chục, ruộng trăm như nhà Út Tặng mới ngóc đầu lên nổi”. Rồi Nhàn cũng đi theo, nhưng cứ bỏ ngủ bỏ ăn vì nhịp sống công nghiệp của Sài Gòn quá hối hả, quá căng thẳng. Nhàn ốm xanh ốm xao hết bệnh nọ đến bệnh kia, buồn bã mang ba lô về xứ.

Út Đào ngồi giữa hai người bạn cô đã chơi thân từ thời niên thiếu, thấy tội nghiệp cho những người yêu nhau. Như cô có phải tốt không. Ba răn đe “con gái con đứa học chi nhiều nồi cơm không biết nấu, mai mốt về làm dâu bị mẹ chồng mắng vốn cho muối mặt”. Út Đào nghỉ học thật sớm rồi chẳng bao lâu được tiếng là cô gái cần mẫn nhất vùng. Mới dậy thì, những đám khá giả trong vùng đã nhờ mối mai dạm hỏi. Sắp tới chọn trong mớ đó một anh coi được, khoác áo cô dâu thì thành người lớn, cuộc đời “khỏe re như bò kéo xe”...

Út Đào thấy đời mình không còn gì phải bận tâm. Chỉ lo cho Nhàn và Thuý. Thương nhau từ hồi mười ba mười bốn, đợi nhau đến ngoài hai mươi mới giật mình nhận ra, không hợp nhau về nơi ăn chốn ở... Hai đứa chia hai nơi ôm nặng trong lòng nỗi nhớ. Rồi biết có bền lòng chặt dạ chờ nhau không, chỗ nhỏ Thúy làm việc nam thanh nữ tú dập dìu... Tội cho Nhàn.

Bởi vậy mà thấy Nhàn lui cui đốn tre bó thành bó, gom tiền dựng bè, cô đã đi lùng khắp miệt kinh Ngang tìm cá giống. Phải lựa giống cá thật dễ nuôi, chịu đựng được cái nắng của mùa hạn thắng kẹo nước kinh Tắt và phải mau lớn, ăn ngon, bán được. Nhàn chăm chỉ vậy, có Út Đào giúp một tay thì hổng mấy hồi dư dả, hổng mấy hồi cho Thúy thấy nước ở kênh này muôn đời đủ ngọt, đủ mát, không chỉ mấy cụm lục bình bóng mượt chòm lá tròn quay mà còn đủ nuôi sống những con người cần cù chịu khó.

Từ hồi có bè cá, Nhàn cũng bớt thẫn thờ, mỗi lúc đi uống cà phê không còn thời gian dừng lại lâu bên cầu vàm nhìn mấy chiếc xe đời mới chạy tuyến chợ Huyện - kinh Tắt -Sài Gòn, phàn nàn sao xe đi về đầy ắp người mà không một lần dừng nơi đầu Vàm xuống khách...

Hắn bám riết với bè cá, ít nhắc tới Sài Gòn:

- Bà Út chọn cá tốt quá. Chúng thiệt mau lớn, đà này non hai tháng nữa cất bè...

Đào cười híp cả mắt, rung cả vai, vô tư như lúc lắc đầu trước đám dạm hỏi của Út Tặng.

- Thiệt hả? Mai mốt bán cá có lời, nhớ chia...

Chia gì? Tiền hả? Ở xứ này chỉ có nhà Út Tặng mới có lắm tiền. Nhàn chỉ có mỗi tình yêu đã để vào cái lưng áo của Thúy rồi bám theo đó lên tận Sài Gòn, có mỗi nỗi ganh tị hắn đã ganh tị với ánh đèn đô thị rực rỡ sắc màu, có duy nhất nỗi đam mê hắn đã dành để nghe tiếng cá quẫy đuôi. Mấy cái đó Út Đào không cần sao?

Vậy mà hắn có húng hắng ho, lũ cá quẫy đuôi ít một chút, Út Đào chỉ lưng chén cơm đã bỏ đũa, lăng xăng xuống bến. Má lo lắng nhìn con gái, hỏi với theo “Sao ăn ít vậy con?”. “Dạ, con mới ăn bún hồi lúc đi chợ mua thuốc trị bệnh cá giùm Nhàn”. Má không dám mở lời cấm cản nhưng cũng nói gần nói xa. “ Cái thằng cố chấp. Loại người như nó thương ai thương tới chết” Út Đào nén một hơi thở dài sũng ướt, họa theo. “ Bởi vậy mới nói. Thằng chả tệ lắm má ơi. Sài Gòn vui vậy, náo nhiệt vậy mà ở mới ba bữa chả đã co giò chạy tuốt về đây. Kệ, tiếp tay để chả mau dư dả có chút đỉnh tiền làm vốn rồi chịu rước Thúy về. Không lẽ mỗi đứa một nơi vầy hoài sao tiện” Đào tính rồi. Sau mùa cá này nếu Thúy không về (mong sao Thúy chịu về)!? Út Đào sẽ gom hết vốn lẫn lãi phụ với Nhàn đóng một cái bè lớn hơn, học kỹ thuật nuôi kỹ hơn. Lúc đó Nhàn chắc sẽ bận bịu lắm. Cô dự tính cho kế hoạch gần mười năm, hai mươi năm và lâu sau nữa... Nghĩ tới đó nhịp tim đập mất trật tự, hai má căng đầy tỏa những mạch máu hồng li ti càng ửng rộ lên. Út Tặng-chàng trai sinh ra trong một gia đình giàu có nhất vùng nhưng cũng được tiếng nhà trùm chỉ- hôm đi thăm ruộng ngang vàm kinh Tắt nhìn thấy đôi má ấy một lần, không biết ất giáp gì về ngủ cứ nói mớ hoài, bị từ hôn cũng không bỏ được thói quen đi thăm ruộng mỗi ngày hai lượt, chân nọ đá chân kia trước nhà người con gái có nụ cười quê thiệt quê mà có duyên động trời. Út Đào nhìn cái dáng ục ịch của anh ta cười... tội nghiệp. Cô còn bao nhiêu dự tính khác không dính gì đến Út Tặng.

Bao nhiêu dự tính của Đào sau chỉ một đêm... Xế trưa sau cái đêm ấy, quanh quất chỉ có tiếng nước nhiễu tỏn tỏn từ giỏ cá ươn xuống bè. Mấy chục triệu Nhàn cùng Út Đào vay đổ vào bè đã biến thành mấy giỏ cá ươn. Bán. Người ta ngại thuốc độc không mua. Bỏ. Làm hôi hám cả dòng kênh. Hai người vừa phải vớt cá trong bè vừa phải vớt cá ngoài kênh đem... cho người ta ủ nước mắm. Đang vớt cá đôi lần Đào nhìn theo cái nhìn của Nhàn, dừng mắt đúng dòng nước trong leo lẻo chảy từ ruộng xuống. Nước trong lắm nhìn tưởng uống được, thậm chí rất mát.

Hôm trước, Đào cùng Nhàn đi ngược theo dòng mương tiêu này nhặt ốc bươu vàng về xay cho cá ăn, đi vài chục thước lại va nhằm vỏ chai của những loại thuốc độc. Thuốc trong chai đã vào cả ruộng. Mấy con chạch, con lươn rút tận đáy bùn cũng trồi lên tìm chỗ chết. Út nhìn thấy vài con ếch nằm ngay trên vũng nước đọng gần bờ mẫu mà rờn rợn trong người. Thuốc bảo vệ thực vật tàn sát cả lũ thiên địch. Biết làm sao? Đi thăm ruộng nào cũng thấy, lũ ốc bươu vàng vặn cái mông nhọn hoắt gặm hạt giống như kẻ cướp ngày ngậm mòn sự sống... Không ai đủ kiên nhẫn suy tính, họ đổ vào ruộng bất cứ chất gì có thể diệt được ốc. Có những chất lưu dẫn cực độc. Dòng nước từ ruộng đã chảy ngược ra kênh, chảy tới đâu cá lắc đầu bỏ ăn, phình bụng tới đó...

Giấc mơ “muốn giàu nuôi cá” của Nhàn sượng trân như mấy củ khoai sùng trong tay người đói bị yếu đường ruột. Nước dòng kênh lúc này chỉ thích hợp để mấy cụm lục bình trôi nhởn nhơ phè phỡn.

- Mình trồng lục bình lấy dây bán Út Đào ơi!

Đào nhăn mặt y như Nhàn moi hết ruột gan mình phơi ra nắng.

Nhàn lại rảnh rỗi đi trầm quán cà phê, chắc lại dừng chân thật lâu bên cầu vàm. Khi hắn về ghé qua nhà Đào, đôi mắt hắn lơ mơ như chứa cả một cánh đồng hoang thật lớn, đi hoài không tới.

- Út Đào ơi! Chắc là tui phải... đi Sài Gòn .

Đào ngồi phịch xuống ghế. Nhàn đã ra phán quyết sau cùng. Hắn còn không thuộc về hắn huống hồ ai đó trên dòng kênh này. Những bóng cây, miếng ruộng cả hai nấm mộ của song thân chỉ gợi nỗi ngậm ngùi. Nhàn chết mất trên mảnh đất này, ngay mùa hạn năm nay. Út Đào hít một hơi thật mạnh cho căng cả lồng ngực, nuốt ực cái gì đó đang chặn ngang ngực, nheo mắt tỏ vẻ lém lỉnh nhìn Nhàn, nhoẻn miệng cười tỉnh khô:

- Chớ chờ gì nữa. Từ đây lên đó đâu có bao xa lại cũng không qua sông Ngân Hà thì mắc mớ gì ngồi đây ôm nhớ. Đi đi! Làm kiếm tiền về trả nợ cho tui. Mấy lúc này chỉ có Thy mới dựng ông dậy nổi.

- Nhưng không biết Thúy chịu thương tui không nữa.

Đào lại nuốt ực hơi thở, cố lấy giọng thật trong, thật tỉnh:

- Sao mà không? Nhưng nhớ bữa đám cưới tôi với Út Tặng rủ Thúy về... đưa dâu nghen!

- Đào ưng Út Tặng rồi hả? Sao lại ưng?- Nhàn trợn mắt lên lại nhíu đôi mày nhìn Đào y như trước mặt có một con người ngoài hành tinh vừa đáp xuống.

- Ông này lạ. Không lẽ ở đó bắt ốc làm mọi ông suốt đời. Làm ăn chung với ông xui thấy mồ. Mấy con cá tự do ngoài bè cũng lây xui ông mà bỏ mạng. Tránh ông càng xa càng tốt. Tại con Thúy nợ ông nên... ông mới nặng tình với nó.

- Sao lúc hổm Út nói Út Tặng giống thùng phi biết đi, còn nói nhà đó giàu nhờ keo kiệt, về đó cực.

- Chớ, về đâu không cực...?

Đào tránh cái nhìn của Nhàn, nhìn mát mắt dòng kênh Tắt đến tận nhà Út Tặng. Từ đây đến đó chỉ đi một đỗi đường mà sao Đào thấy lạ như một vùng nào đó khác xa lắm ngoài trái đất. Mai mốt thế nào Đào cũng theo Út Tặng về bên này thăm ruộng. Chà, nhìn bến nhỏ nơi ba người bạn bước lên bước xuống lấy nước rồi ngồi lại tán dóc, thấy mặt nước lưng chừng bến lại nhớ bè cá của Nhàn cho mà coi. Nhớ mấy ngày giữa mùa mưa cùng Nhàn vắt những nắm cám ném chủm chủm xuống bè. Nhớ tiếng lũ cá háu ăn quẫy náo cả dòng kênh. Lại nhớ hôm cầm vợt vớt cá với Nhàn, cá nổi lên từng đợt... Nghĩ cũng lạ, đang ở quê mà càng nghĩ càng nhớ quê đến phát khóc. Cô quệt nước mắt đứng lên còn tự cười mình. Về nhà người ta công việc đăng đăng đê đê, rồi con rồi cái rồi ruộng rồi vườn, có ở không đâu mà buồn mà nhớ.

Tác giả: Võ Diệu Thanh

Nguồn tin: NLĐ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây