Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


'Không thể nhân danh bảo tồn để dân Đường Lâm sống khổ'

"Rút danh hiệu là vô trách nhiệm với di sản văn hóa, nhưng chính quyền cũng không thể nhân danh bảo tồn di tích để người dân Đường Lâm sống khổ", ông Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Di sản văn hóa, trao đổi với VnExpress.

Ông Đặng Văn Bài, Nguyên Cục trưởng Cục di sản văn hóa. Ảnh: ĐL
- Cảm giác của ông thế nào trước thông tin người dân làng cổ Đường Lâm xin rút danh hiệu di tích quốc gia?

- Cảm giác của tôi là rất nuối tiếc, chúng ta có một di sản quý song ứng xử chưa tương xứng với giá trị của nó. Khi còn là Cục trưởng Di sản, tôi đã tham mưu cho Bộ Văn hóa xếp hạng di tích này dựa trên sự đồng thuận của người dân.

Nếu rút danh hiệu là vô trách nhiệm với di sản văn hóa. Di sản là sở hữu tư nhân, nhưng làm phong phú bản sắc cho di sản quốc gia, người dân phải có trách nhiệm giữ gìn, trân trọng của quý của cha ông để lại.

- Tuy nhiên, người dân đã gặp nhiều khó khăn khi sống trong môi trường di sản bởi diện tích nhà ở không được mở rộng, ông nghĩ sao?

- Trong Luật di sản văn hóa, điểm đổi mới nhất là bảo hộ tất cả hình thức sở hữu như nhà nước, tập thể và tư nhân. Nhà nước không thể nhân danh bảo tồn để yêu cầu người dân sống mãi trong tình trạng như vậy. Người dân sẽ biến đổi ngầm mà chúng ta không thể ngăn chặn. Nhà ở Đường Lâm đại đa số là tư nhân nên muốn người dân giữ cho mục tiêu chung thì phải cho một cơ chế, góp phần cải thiện đời sống người dân.

Nhà nước cần làm cho dân hiểu giá trị của di tích. Người Nhật Bản đã bỏ ra gần 10 năm nghiên cứu, giúp Việt Nam bảo tồn làng cổ để biến thành di sản thế giới, họ trân trọng như vậy còn chúng ta lại thờ ơ. Thậm chí, người Nhật đã bỏ tiền tu sửa một ngôi nhà mẫu, hà cớ gì chúng ta không bỏ tiền ra tiếp tục bảo tồn di sản.

- Khi còn là Cục trưởng Di sản văn hóa, ông đã yêu cầu địa phương lập quy hoạch bảo tồn làng cổ Đường Lâm như thế nào?

- Từ hồi còn là Hà Tây, tôi đã đốc thúc làm quy hoạch, song sau khi nhập vào Hà Nội thì chững lại. Các bạn Nhật Bản còn đưa rất nhiều cán bộ, lãnh đạo của Hà Tây đi Nhật tham quan các di tích làng cổ của Nhật, song khi đi về thì không làm được.

Tôi hiểu là do sáp nhập Hà Tây nên Hà Nội có nhiều việc giải quyết, rồi lại hướng đến 1000 năm Thăng Long… nên thành phố chậm làm quy hoạch.

Những ngôi nhà cũ, xuống cấp ở Đường Lâm không được cải tạo. Ảnh: Hoàng Hà

- Theo ông, Hà Nội cần làm gì để bảo tồn và phát huy được giá trị của khu di tích Đường Lâm?

- Nhiệm vụ quy hoạch và yêu cầu bảo tồn đã được người Nhật làm giúp rồi song thực hiện rất chậm. Hà Nội cần làm quy hoạch ngay, và song song phải có các dự án thành phần, tu bổ, chống xuống cấp và có cơ chế có lợi cho dân. Sau khi có quy chế rồi thì phải xử lý nghiêm những trường hợp xây sai phép. Ngành du lịch sẽ nghiên cứu, biến di sản thành sản phẩm du lịch, cộng đồng có thể góp sức, làm ra lợi ích thì người dân sẽ tự nguyện làm.

Thứ nữa là phải củng cố ban quản lý di tích để làm việc có tính chuyên nghiệp. Hiện ban quản lý là một đơn vị của thị xã nên biên chế rất ít, kinh phí cũng hạn chế. Như Hội An, Huế đã thành lập các đơn vị quản lý lớn. Chúng ta phải có bộ máy tương xứng nếu Đường Lâm hướng đến di sản thế giới.

Làng cổ tiêu biểu như Đường Lâm là ít, nơi đây còn nhiều thiết chế tôn giáo, có nhiều nghề truyền thống, là đất 3 vua. Nếu làm tốt thì nguồn thu được lớn hơn làm nông nghiệp. Người dân có thể tham gia dịch vụ, du lịch homestay… song vẫn cần chính quyền hướng dẫn. Ta phải rút kinh nghiệm từ các bài học của thành phố khác. Nếu Hà Nội quan tâm thì sẽ làm được vì Đường Lâm có giá trị văn hóa rất cao. Tôi tin là Đường Lâm sẽ hồi sinh dù rất chậm.

- Vậy bài học của Hà Nội trong công tác quản lý di sản là gì?

- Ở Huế, Hội An có rất nhiều thành công trong bảo tồn di sản. Huế từng bị cảnh báo về di sản xuống cấp, chính quyền đã chỉnh sửa kịp thời. Hà Nội cũng có nhiều di tích được bảo tồn khá tốt như đền Quán Thành, Ngọc Sơn, Văn Miếu, Quốc Tử Giám, song vẫn còn một số vụ việc như chùa Trăm Gian, Đường Lâm, phố cổ, Cổ Loa mà Hà Nội cần học tập Huế, Hội An.

Di sản Đường Lâm được vinh danh thì người dân lại xin rút ra, đây là nỗi buồn song là tiếng chuông cảnh tỉnh. Di tích đã xếp hạng thì nhà nước phải đầu tư, có cơ chế và huy động nguồn lực xã hội. Hà Nội chưa làm cho cộng đồng nhận thức rõ và chưa có cơ chế khuyến khích đồng thuận của cộng đồng. Hội An có quy hoạch, lãnh đạo rất quyết tâm và làm cho cộng đồng thông suốt. Cộng đồng không tham gia thì nhà nước bế tắc hoàn toàn. Cơ quan quản lý phải nhìn lại mình, phải thay đổi lại phương thức hoạt động.

Đoàn Loan thực hiện

Nguồn tin: VN Express

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây