Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


Săn tôm hùm giống

Nếu như các nghề khác chỉ đánh bắt hiệu quả khi trời yên, biển lặng thì ngược lại quãng thời gian trời bão gió, biển động mới là vụ chính của nghề săn tôm hùm giống.

Sau thời gian dài neo ghe để dự lễ hội Cầu ngư và nghỉ qua con trăng, chiều 1/4, ngư dân Lê Công Chỉnh ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) bắt đầu đi đánh tôm hùm. So với hầu hết nghề đánh bắt hải sản trên biển, đánh bắt tôm hùm giống là nghề đặc biệt nhất. Bởi lẽ, nếu như các nghề khác chỉ đánh bắt hiệu quả khi trời yên, biển lặng thì đằng này quãng thời gian trời bão gió, biển động mới là vụ đánh bắt chính của nghề săn tôm hùm giống.

Trên chiếc ghe chỉ có 3 người, anh Chỉnh giải thích, khi biển sôi sục sóng gió, đáy bị xáo trộn, lòng biển tung ra nhiều loại thức ăn khoái khẩu của tôm hùm. Những thức ăn này đầy rẫy trong các tầng nước nên lũ tôm hùm thích lang thang tìm mồi. Do đó, mùa biển động (từ tháng 10 âm lịch năm trước sang đến tháng 2 âm lịch năm sau) là thời vụ chính của nghề đánh bắt tôm hùm giống. "Bây giờ đang thời điểm cuối mùa, tôm xuất hiện nhưng rất ít. Nếu may mắn một mẻ lưới kiếm được 10 con thì cũng kiếm được 3 triệu đồng", anh Chỉnh nói.

Chiếc ghe 30CV của anh Chỉnh sau khi nhổ hết 3 chiếc neo bắt đầu hướng ra biển. "Vào mùa đánh bắt chính, tụi tui đi lựa luôn, mỗi chuyến kéo dài cả 20 ngày. Cứ đi cách bờ 1-2 hải lý, đánh dần vào tới Phú Yên, Khánh Hòa. Đánh đến đâu, ghé bờ bán tôm và mua lương thực ở đó. Giờ tôm đang rất hiếm, đi càng dài ngày càng lỗ to, xăng dầu lại tăng vùn vụt nên chỉ dám đánh gần, nếu biển không cho tôm thì tối đi sáng về đỡ lỗ tổn", chủ ghe Lê Công Chỉnh tâm sự.

Chỉ sau khoảng nửa giờ, ghe anh Chỉnh đã ra đến Mũi Chính, bên này là Hòn Khô, bên kia là Hòn Yến. Sau khi nhìn con nước, chủ ghe chọn đây làm điểm thả mành. Ngư dân Hà Văn Chiêm cho biết: "Bây giờ trời đang trở gió bấc, con nước sẽ đi lên (đi ra theo hướng bắc), ghe mình đứng đây, thả mành đón chúng theo hướng đi con nước thì may ra mới có tôm mang về".

Kéo lưới tìm tôm. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Tấm lưới dài 37 sải (1,7 m/sải), sâu hơn 10 sải (đụng đáy biển) cùng với những khoan chì nặng trịch được 3 ngư dân hùng hục thả xuống biển. Thả xong, 2 ngư dân Chỉnh và Chiêm nhìn mặt biển, định vị lại một lần nữa rồi mới dùng thuyền thúng chở những chiếc neo sắt nặng đến 60-70 kg/chiếc lần lượt thả xuống biển 3 nơi khác nhau để dằn tấm lưới nằm đúng vị trí theo hình tam giác. Quá nửa giờ, công việc thả lưới mành mới hoàn tất.

Lau 2 bàn tay bị thấm nước vào chiếc áo cũng đã ướt nhèm, ngư dân Chiêm mồi điếu thuốc, rít lấy rít để. Vừa nhả hơi thuốc đầu tiên, anh vừa giải thích: "Con nước đi lên theo gió bấc có nghĩa là đi từ trong ra. Mành trũ mình phải bủa thành hình tam giác, theo hướng đáy tam giác nằm ở phía trong để đón lũ tôm, đỉnh tam giác nằm phía ngoài để hứng tôm. Nhiệm vụ giữ cho chiếc mành nằm đúng vị trí tam giác như thế thuộc về 3 chiếc neo và các dây neo có tên gọi là dây neo lui, dây neo tới và dây neo đãy. Khi rút mành để thu hoạch, mình chỉ cần cho tời kéo lần lượt 3 dây neo nói trên là xong”.

Hoàn tất việc thả mành, 6 bóng đèn cao áp mắc dọc 2 bên mạn ghe được thắp sáng. Cùng thời điểm này, tất cả ghe làm mành trũ săn tôm hùm giống trong vùng đều lên đèn khiến vùng biển Mũi Chính trông như thành phố trên biển về đêm. “Ánh sáng rực rỡ của 6 bóng đèn cao áp sẽ dẫn dụ lũ tôm đi lang thang trong vùng biển này tập trung đến đây”, ngư dân Chiêm giải thích.

Trong quãng thời gian đợi tôm đi lang thang mắc vào lưới, 2 ngư dân Chỉnh và Chiêm không ngả lưng nghỉ ngơi mà bắt tay vào ngay việc câu mực để cải thiện. “Ít nhiều gì anh em mình cũng có mực tươi độn với mì tôm bổ sung thêm năng lượng để gần sáng có sức mà cảo mành”, chủ ghe Lê Công Chỉnh nói vui.

Công đoạn lên mành (kéo lưới lên) vất vả hơn thả mành rất nhiều. Dù không có mưa, nhưng cả 3 ngư dân đều khoác thêm vào người chiếc áo mưa tiện dụng để tránh nước biển ngấm vào người. Chiếc mành lưới sau khi ngâm dưới biển thời gian dài, giờ đã nặng cả tấn. Dù đã có 2 trục tời tiếp sức nhưng để kéo được từng đoạn lưới lên boong ghe quả thật cực nhọc.

Ngư dân nhí Hà Văn Vũ có trách nhiệm quấn những chiếc dây neo vào trục tời để kéo lưới lên. Ngư dân Chiêm đứng ngay mạn ghe, đợi đoạn lưới được kéo lên ghe liền dùng tay ôm gọn, kéo mạnh thả lên boong ghe. Ngư dân Chỉnh đứng ở mũi ghe chờ xếp gọn những đoạn lưới đã được kéo lên thành từng lớp ngay ở mũi ghe. Có những đoạn lưới quá nặng, 2 trục tời gồng mình rồng rộc, chiếc ghe như rung theo nhịp quay nặng nhọc của chúng.

Tôm hùm giống. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Sau khi hoàn tất việc kéo lưới, hai bóng đèn cao áp được quay hướng chiếu sáng trực tiếp xuống sàn ghe, hai ngư dân Chỉnh và Chiêm ngồi hai bên mạn. Tấm lưới lại được kéo ra từng đoạn, hai ngư dân lần lượt kiểm tra từng cm lưới. “Nhận biết được tôm hùm giống giữa muôn trùng mắt lưới là nhờ vào mấy cái râu của nó luôn óng ánh dưới ánh điện. Hạt nước dính trong lưới cũng óng ánh dưới ánh điện, nhưng phân biệt được đâu là hạt nước, đâu là tôm nhờ vào đầu hai sợi râu tôm có đóng hai đầu chì phát ra sắc óng ánh đặc biệt, không thể thoát khỏi những đôi mắt nghề của tụi tui”, anh Chỉnh giải thích.

Đến gần cuối tấm lưới, chủ ghe Chỉnh la lên: “Có hàng rồi”. Con tôm này là niềm vui duy nhất của cả ghe trong đêm đi biển. Chủ ghe Chỉnh nói như để an ủi chính mình: “Biển giả mà. Cách đây 2 năm, lúc tôm hùm còn dày, có người săn một đêm thu được 60-70 triệu đồng, có người thì không đủ tiền dầu. Mấy năm nay vắng tôm, nay lại đang cuối mùa nên không có tôm cũng là chuyện thường".

Gần sáng, chiếc ghe lững thững quay lại bờ. Ngồi cầm vô lăng, chủ ghe Lê Công Chỉnh bộc bạch: “Tháng 6 tới là tui đi lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc. Gia đình tui làm nghề mành trũ đánh bắt tôm hùm giống đã hơn 10 năm nay, nhưng chưa có năm nào thất thu như 2 năm gần đây. Neo ghe ở bờ thì ghe ngày càng mục nát, đi thì lỗ tổn, nhất là xăng dầu lại vừa tăng giá. Nản quá, gia đình tui chạy vạy gần 200 triệu đồng làm thủ tục sang Hàn Quốc làm việc. Qua đó cũng làm nghề biển, nhưng thu nhập cao và ổn định. Đi từ 3 đến 5 năm, tui tính, một năm đầu làm thu hồi khoản đầu tư chi phí, những năm sau làm tích lũy, để khi về quê có vốn hùn với anh em đóng tàu lớn hơn làm nghề đánh bắt khác cho hiệu quả cao, hoặc đầu tư làm ăn chuyện khác".

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định có trên 1.000 phương tiện tham gia đánh bắt tôm hùm giống, chủ yếu là những tàu làm nghề mành trũ. Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) Ngô Đức Tình cho biết, trước đây 2 năm, cứ khoảng 16h chiều đi ra biển chỉ thấy toàn cụ già, phụ nữ và con nít; toàn bộ thanh niên đều đã ra biển. Dọc suốt bãi biển không còn bóng dáng chiếc ghe nào, bởi phải ra sớm mới có chỗ đứng ghe, thả mành. Ai ra muộn là coi như hết chỗ tốt, phải chạy ghe đến vùng biển ít tôm hùm mà đánh.

Những năm ấy nghề đánh bắt tôm hùm giống trúng lắm, nhiều ghe làm mành trũ một đêm “đánh” trúng đến 60-70 triệu đồng, nhiều người loáng chốc trở thành triệu phú, tỷ phú. Hồi ấy cả cán bộ xã xong ngày làm việc, chiều về cũng tranh thủ ra biển “đánh” tôm hùm kiếm thêm thu nhập. Nghề đánh bắt tôm hùm giống trúng làm nảy sinh thêm cho người dân địa phương nghề nuôi ươn tôm hùm và nuôi tôm hùm thương phẩm. Thế nhưng 2 năm gần đây, do tôm hùm giống đánh bắt không có, nên phong trào nuôi tôm hùm ở địa phương này cũng giảm theo.

Ngư dân Hà Văn Chiêm giải thích, có 3 loại tôm hùm giống: tôm sao, tôm xanh và tôm trắng. Tôm sao mới chính là “hàng”, hiện giá 300.000 đồng/con; tôm xanh chỉ có giá 70.000 đồng/con; còn tôm trắng có dính lưới cũng như không, vì nó chỉ được mua có vài chục ngàn đồng/con. Để phân biệt được 3 loại tôm này cũng là kỳ công.

Đôi mắt người cảo tôm phải biết nhận ra con tôm có hai râu màu trắng là tôm trắng; tôm có hai sợi râu trong suốt, đầu râu có đóng hai đầu chì đó là tôm xanh; còn con tôm có hai sợi râu đục, đầu râu cũng có hai đầu chì nhưng hơi ngả màu đen, ấy mới chính hiệu là tôm sao.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn tin: VN Express

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây